Vì sao thời nay nhiều Cơ Đốc nhân bỏ đạo, và người vô thần bùng nổ?

Nhiều người hỏi vì sao thời nay số người vô thần bùng nổ? Quả thật, tỷ lệ người Mỹ nhận mình là Cơ Đốc Nhân giảm từ 90% năm 1972 xuống 63% năm 2018 [1], và nhận thấy tôn giáo (Cơ Đốc giáo) đang mất dần ảnh hưởng trong đời sống tăng từ 14% năm 1957 lên 78% năm 2018 [2], thật là một biến đổi nhanh chóng. Bài này khảo sát những lý do vì sao, và ta có thể làm gì trong tình cảnh này.

I. Những Lý Do Vì Sao Ngày Nay Bùng Nổ Người Vô Thần

Về việc này, nhiều người đưa ra những giải thích khác nhau như:

  1. Do tự do cá nhân và tự do tình dục được cổ vũ thành trào lưu mốt, cám dỗ con người từ bỏ hội thánh cùng những lời dạy và giá trị của Chúa [3] [4]
  2. Do khoa học vô thần trở thành dòng chính (mainstream) và được phổ biến trong trường học [4]
  3. Do hội thánh trở nên thiếu liên quan với đời sống, không trả lời được những chất vấn từ khoa học vô thần, và thỉnh thoảng có các tai tiếng [4][5]

Tôi nghĩ các nguyên nhân trên đều đúng, nhưng chỉ là phần nổi khi quan sát bên ngoài. Để hiểu gốc rễ, ta cần tham khảo những triết lý vượt thời gian, xưa đúng nay cũng đúng. Francis Bacon, cha đẻ của phương pháp khoa học hiện đại và chủ nghĩa duy nghiệm, có một bài luận về chủ nghĩa vô thần (Of Atheism) vào thế kỷ 17 [6]. Những lý do phát triển chủ nghĩa vô thần ông viết từ 400 năm trước mà vẫn có thể giải thích sự bùng nổ của nó ngày nay:

1. Vì con người ngày nay ai cũng biết một chút khoa học, nhưng ít ai đạt đến khoa học sâu sắc.

“Quả thật, một chút khoa học làm suy nghĩ con người nghiêng về vô thần; nhưng khoa học sâu sắc lại đem trí óc con người đến với tôn giáo (=Cơ Đốc giáo). Vì khi trí óc con người nhìn vào những thứ nguyên (second causes) cách rời rạc, nó đôi khi dừng lại ở đó, và không đi thêm; nhưng khi nó nhìn vào những chuỗi liên kết chúng, kết nối và xâu chuỗi chúng lại, nó sẽ thấy cần phải đến với Đấng Tạo Hóa Đức Chúa Trời.”Francis Bacon [6]

Một chút khoa học (a little philosophy, ngày xưa người ta gọi khoa học là triết học tự nhiên – natural philosophy – tức việc tìm hiểu những lẽ thật trong tự nhiên), theo Francis Bacon, là khoa học dừng lại ở việc nhìn các vật việc cách rời rạc, không đào đủ sâu đủ rộng để thấy sự liên kết giữa mọi điều. Ví dụ như Stephen Hawking nói “Bởi vì có một luật như luật trọng trường, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra chính nó từ không có gì”. Phát biểu này sai vì những lý do sau [7]:

i. Sai vì không suy xét đủ sâu: Có trọng lực nghĩa là đã có khối lượng vật chất, tức vũ trụ không phải là không có gì. Vũ trụ đã tồn tại và chỉ đang tiếp diễn. Hơn nữa, tại sao lại có luật trọng trường? Khối lượng vật chất tạo ra lực trọng trường, nhưng không tạo ra luật trọng trường (G*m1*m2/ r*r). Luật trọng trường, cũng như các quy luật vật lý toán học khác, nằm bên ngoài /đằng sau thế giới vật chất. Chúng không thuộc thế giới vật chất hay tạo ra bởi vật chất, mà được đặt ra bởi Ngôi Lời, quyền năng tạo dựng và vận hành thế giới này [8].

ii. Sai vì nhìn mọi việc cách rời rạc, không thấy tương quan kết nối của chúng: Stephen Hawking chỉ nghĩ đến trọng lực, nhưng một mình nó không làm nên vũ trụ. Có tới 4 lực vật lý căn bản với độ mạnh yếu được quy định bởi 4 hằng số tự nhiên: (1) lực trọng trường – hằng số G, (2) lực điện từ – hằng số Coulomb, (3) lực liên kết hạt nhân mạnh – hằng số g(s), (4) lực liên kết hạt nhân yếu – hằng số g(w). Các lực này phải phối hợp với nhau cách chính xác để vũ trụ và sự sống có thể hiện diện. Các hằng số này chỉ mạnh yếu hơn một chút là sẽ không có sự sống. Nếu g(w) yếu hơn thì hydrogen sẽ chuyển hóa hết thành helium, vũ trụ sẽ không có nước. Còn nếu g(w) mạnh hơn sẽ không có các vụ nổ sao để giải phóng vật chất từ lõi sao để tạo ra các hành tinh. Để chọn giá trị chính xác cho chúng, vũ trụ này phải được thiết kế cách thông minh [7].

Các bộ phận của cơ thể con người phải cùng hiện diện để ta có thể sống [9]

Tương tự, Charles Darwin nói “Nếu có thể chứng minh rằng có một cơ quan phức tạp nào tồn tại mà không thể được hình thành bởi vô số biến đổi nhỏ từ từ, lý thuyết của tôi sẽ đổ vỡ. Nhưng tôi không thấy trường hợp nào như vậy”. Thực ra Darwin không cần phải tìm đâu xa, chỉ cần nhìn vào cơ thể mình. Bác sĩ phẫu thuật Joseph Khun nói cơ thể con người là một hệ thống phức tạp mà hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, hệ nội tiết, hệ thần kinh phải cùng hiện diện để ta có thể sống. Vậy nên nó không thể tiến hóa ra từng cơ quan một [9].

Theo Francis Bacon, khi một người có khoa học đủ sâu sắc để đào sâu và liên kết xâu chuỗi mọi điều trong thiên nhiên, họ sẽ thấy cần phải có Đấng Tạo Hóa đã thiết kế vũ trụ cách thông minh để vũ trụ và sự sống có thể hiện diện. Đây là điều mà các triết gia Hy Lạp – La Mã đã nhận thấy từ xa xưa [8] [10].

Lý do tại sao thời nay ai cũng biết chút ít khoa học thì tôi nghĩ là vì giáo dục hàng loạt (mass education). Ngày nay, phần lớn trẻ em đều phải trải qua 12 năm giáo dục bắt buộc, và một số tiếp tục học thêm 4 năm đại học, 2 năm thạc sĩ, 4 năm tiến sĩ, v.v… Như vậy, ngày nay ai cũng có 12-20 năm ngồi hấp thu kiến thức từ thầy cô. Quá trình này hữu ích vì nó dạy ta đọc viết, có kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành để đi làm. Nhưng nó khiến người ta có thói quen hấp thụ, nghe và tin theo lời thầy cô hay “khoa học nói” chứ không tự mình tìm hiểu kiểm chứng đúng sai hay đào sâu hơn những gì được dạy. Nó cũng khiến người ta hay suy nghĩ giới hạn trong chuyên môn mình, nhìn sự việc cách rời rạc, không thấy cách mọi thứ trong thiên nhiên phải kết hợp hài hòa với nhau mới duy trì được vũ trụ và sự sống [7] [8] [9] [10].

Sự giáo dục hàng loạt (mass education)

Thật ra lời thầy cô dạy hay “khoa học nói” phần lớn cũng đúng, nhất là những chuyện cụ thể dễ thực nghiệm kiểm chứng. Nhưng với những suy diễn khó kiểm chứng thì họ có thể sai. Tôi từng làm nghiên cứu khoa học, và thành tựu thú vị nhất của tôi là tìm thấy điểm sai trong 1 bài báo khoa học của 1 giáo sư đầu ngành mà trong gần 20 năm các giáo sư tiến sĩ trích lại mà không ai nhận thấy [11]. Mà đó là phân tích toán học nên dễ chứng minh chỗ sai. Còn những chuyện xa xưa hay ngoài vũ trụ cách hàng ngàn năm thì làm sao ta kiểm chứng? Chúng thật ra chỉ là những suy diễn, mà sau này một số thứ bị thấy là sai như: tuổi vũ trụ bị thay đổi nhiều lần [12], đá tạo thành từ vụ phun trào núi lửa Helen mới 10 năm bị định từ 350 ngàn đến 3.5 triệu năm tuổi [13], hay hóa thạch được cho là của tổ tiên hải cẩu ra giống hệt xương rái cá ngày nay [14], v.v… Các thầy cô, chuyên gia, nhà khoa học, báo đài mạng… nhiều khi chỉ nói những gì họ suy đoán hay nói lại những gì người khác suy đoán thôi. Cách nói tri thức cùng sự trộn lẫn giữa những lẽ thật dễ kiểm chứng với các suy diễn quá mức sẽ khiến người nghe, nhất là các em học sinh non trẻ, dễ dàng chấp nhận mọi thứ và cứ thế dạy lại cho thế hệ sau như lẽ thật.

2. Vì xã hội phổ biến những vấn đề khuyến khích suy nghĩ vô thần.

“Các nguyên nhân của suy nghĩ vô thần là: (1) những phân rẽ của tôn giáo, nếu có quá nhiều; nếu chỉ có 1 sự phân rẽ chính sẽ tăng lòng cuồng nhiệt cho cả hai bên;  nhưng nhiều phân rẽ sẽ đem đến suy nghĩ vô thần. (2) Một điều nữa là những tai tiếng xì-căng-đan của các linh mục; khi ra lời thánh Bernard nói, người ta bây giờ không thể nói linh mục cũng giống người thường, vì thực tế là người thường không tệ như các linh mục. (3) Điều thứ ba là, thói quen nói tục nhạo báng những điều thiêng liêng; chút này chút kia làm mất đi sự tôn kính với tôn giáo. (4) Và cuối cùng là, những những thời điểm học hành nhiều, đặc biệt với lúc bình an và thịnh vượng; bởi khó khăn và nghịch cảnh uốn suy nghĩ con người tới tôn giáo.”Francis Bacon [6]

Ta dễ dàng thấy xã hội ngày nay đầy dẫy 4 vấn đề khuyến khích suy nghĩ vô thần mà Francis Bacon nói. Thế giới ngày nay cơ bản hòa bình thịnh vượng. TV phim ảnh internet đầy lời nói tục nhạo báng những điều thiêng liêng. Các tai tiếng của hội thánh bị truyền thông xoáy sâu (dù số lượng chắc chưa tới 1/100 của thế gian). Sự phân chia hệ phái và đa tôn giáo được nhấn mạnh, v.v.. Bốn việc này Kinh Thánh đã cảnh báo: dân Y-sơ-ra-ên khi bình yên thịnh vượng thì quên Chúa (Phục Truyền 8:12-18), kẻ giàu có địa vị nhạo báng điều thiêng liêng (Gióp 21:13-15), các thầy tế lễ làm ô uế danh Chúa (Ma-thi-ơ 23:1-4), cũng như phải lựa chọn Chúa giữa thế giới đa thần (Giô-suê 24:15). Chúng chỉ là quan tâm/không quan tâm, thiện cảm/không thiện cảm, chẳng liên quan gì đến những điểm cốt lõi của đức tin Cơ Đốc như liệu đấng Christ đã sống lại? có Đấng Tạo Hóa không? hay lời dạy Kinh Thánh có giúp ta sống khôn ngoan tốt đẹp?

3. Vì nhiều người là người vô thần trong thực tế dưới vẻ bề ngoài tôn giáo, giờ họ mới tự do thể hiện mình.

“Epicurus bị kết tội rằng ông ta là kẻ vô thần nhưng che dấu vì danh tiếng mình, khi ông quả quyết rằng có những điều thiêng liêng, nhưng lại vui hưởng chúng mà chẳng thừa nhận đấng quản trị thế gian. Đó là lý do người ta nói ông ta chỉ ứng biến; nhưng trong thâm tâm ông vẫn nghĩ chẳng có Đức Chúa Trời.”Francis Bacon [6]

Francis Bacon định nghĩa người vô thần trong thực tế (practical atheist) là người vẫn nói rằng mình tin Chúa nhưng trong thâm tâm lại nghĩ chẳng có Đức Chúa Trời và sống như thể Chúa chẳng tồn tại. Đó là những người Chúa Giê-xu cảnh báo khi nói “Không phải bất cứ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, đều được vào vương quốc thiên đàng đâu; nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:21). Thực sự thì nhiều người nhận mình là Cơ Đốc nhân nhưng chỉ là tin Chúa theo văn hóa (cultural Christian), tin theo thói quen gia đình xã hội. Họ thật ra là người vô thần trong thực tế, không biết lời Chúa, và sống như thể Chúa chẳng tể trị hay phán xét. Ngày nay, khi vô thần thành trào lưu mốt, họ mới vứt bỏ áo khoác tôn giáo mà tỏ rõ chính mình.

Người vô thần trong thực tế là người sống như thể Chúa không liên quan đến đời sống

II. Sống Như Thế Nào Trong Xã Hội Vô Thần?

Quả là đáng buồn khi chứng kiến sự bội đạo của thế giới phương Tây và số người vô thần bùng nổ trong các thập kỷ qua. Điều này có thể làm nhiều thất vọng. Làm sao ta có thể chia sẻ về Chúa khi số Cơ Đốc nhân giảm dần, xã hội đầy dẫy các yếu tố cổ súy sự vô thần, và ai cũng trải qua 12-20 năm được dạy lý lẽ của niềm tin vô thần?

Hãy nhớ rằng Kinh Thánh nói chúng ta không thuộc về thế gian, nên đừng ngạc nhiên khi thế gian chối bỏ Chúa và dạy những gì nghịch lời Ngài. Kinh Thánh cho ta vô số kinh nghiệm sống kiều ngụ ở xứ không biết Chúa, như A-bra-ham ở Ca-na-an, Giô-sếp ở Ai Cập, Đa-ni-ên ở Babylon, hay Cơ Đốc nhân ở đất Do Thái và La Mã. Sau đây là một số điều sẽ giúp ta sống tốt mà thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa giữa thế giới ngày càng vô thần:

1. Vững tin rằng Chúa vẫn đang tể trị và mọi sự vẫn diễn ra theo kế hoạch của Chúa

Đức Chúa Trời luôn tể trị, cả ở những nơi không nhận biết Ngài như xứ Ca-na-an, Ai Cập, Babylon, La Mã, hay thế giới ngày nay. Giô-sếp biết mình sống ở Ai Cập theo sắp xếp của Chúa (Sáng Thế Ký 50:19-23). Đa-ni-ên biết mình sống ở Babylon do Chúa lưu đày dân Y-sơ-ra-ên (Đa-ni-ên 9:2). Chúng ta cũng hãy biết rằng những gì đang xảy ra là ứng nghiệm lời tiên tri về thời kỳ cuối trong Kinh Thánh:

“Con hãy biết rằng trong những ngày cuối cùng, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta sẽ trở nên vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, bạc bẽo, bất khiết, không có tình người, bất nhân, vu khống, ngông cuồng, dữ tợn, ghét điều lành, bội bạc, nông nổi, tự phụ, ham thích lạc thú hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó.” (2 Ti-mô-thê 3:1-5)

“Trong những ngày cuối cùng, những kẻ nhạo báng sẽ đến với lời lẽ giễu cợt, sống theo dục vọng cá nhân. Họ sẽ nói: “Lời hứa về sự quang lâm của Chúa ở đâu? Vì từ khi các tổ phụ chúng ta qua đời, mọi vật vẫn y nguyên như lúc bắt đầu cuộc sáng thế.” (2 Phi-e-rơ 3:4 – đây là niềm tin đằng sau thuyết tiến hóa [13], tin rằng thế giới xưa nay không thay đổi, không có sự tác động siêu nhiên của Đức Chúa Trời.)

Vậy nên ta đừng thất vọng mà hãy bình tĩnh biết rằng chuyện đang xảy ra theo Lời Chúa, để những lời tiên tri của Kinh Thánh về thời kỳ cuối được ứng nghiệm, và Chúa vẫn tể trị.

2. Vững tin ở lẽ thật trong Lời Chúa, sẵn sàng trả lời khi gặp chất vấn những biện luận của thế gian vô thần

https://www.youtube.com/watch?v=v36_v4hsB-Y

Giáo sư James Tour phơi bày những trò giả khoa học của nghiên cứu về nguồn gốc sự sống

“Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hi vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng.” (1 Phi-e-rơ 3:15)

Sống trong thế gian khi tư tưởng vô thần tràn ngập truyền thông và trường học, ta sẽ luôn bị chất vấn về niềm tin Cơ Đốc khác lạ của mình. Vậy nên như Kinh Thánh dạy trong 1 Phi-e-rơ 3:15, chúng ta phải luôn sẵn sàng trả lời cách ôn tồn và thận trọng. Thật sự thì các mục sư có khi kém trong việc biện luận khoa học do họ chuyên về tâm linh, ngôn từ và cách lý luận của họ hay quá thuộc linh khó hiểu với người thường. Nhưng ngày nay vẫn có rất nhiều nhà khoa học danh tiếng biện luận rất thuyết phục cho niềm tin Cơ Đốc như James Tour [15], 1 trong 50 nhà khoa học ảnh hưởng nhất ngày nay, hay John Lennox, giáo sư toán ở đại học Oxford [16]. Có các mục vụ tập hợp các nhà khoa học Cơ Đốc làm việc này như Creation.com [17]. Tiếng Việt có blog viethungpham.com của giáo sư Phạm Việt Hưng, hay chuyên mục Khoa học và niềm tin Cơ Đốc của trang Đời Sống Cơ Đốc (bachkhoa.name.vn) [18]. Các mục vụ này có nhiều bài về các nhà khoa học Cơ Đốc đã đặt nền móng cho khoa học hiện đại như Louis Pasteur (vi sinh học) [19], Robert Boyle (hóa học) [20], Isaac Newton (vật lý – toán học) [21], Michael Faraday (điện) [22]… cùng những bài vạch ra những sai lầm của thuyết tiến hóa [23] [24], hay biện luận qua hệ tích cực giữa khoa học và Cơ Đốc giáo [25], và lý do tin có Đấng Tạo Hóa [26] [27]. Đọc những biện luận của các nhà khoa học sẽ giúp ta vững vàng hơn trong đức tin, và trả lời cách thuyết phục hơn những chất vấn về niềm trong Chúa của mình. 

3. Rèn luyện chiên non sức đề kháng trước những biện luận và cám dỗ của niềm tin vô thần

Trong hoàn cảnh nhiều người bị cám dỗ bội đạo, ta cũng cần chú trọng công tác rèn luyện sức đề kháng cho tín hữu trước những cám dỗ biện luận đầy dẫy truyền thông, mạng xã hội, và cả trường học của tư tưởng vô thần. Điều này đặc biệt quan trọng với tân tín hữu và giới trẻ hội thánh, những người còn ít hiểu biết và chưa vững vàng trong đức tin. Một tín hữu bỏ đạo là một linh hồn có nguy cơ hư mất, và một người đứng vững trước áp lực thế gian là một môn đồ trung tín của Ngài.

Nhiều người lo sợ tiếp xúc với nền giáo dục vô thần sẽ khiến con trẻ mất đi đức tin. Nhưng dù được học tất cả sách vở phong tục của người Ba-by-lôn (Đa-ni-ên 1:4), Đa-ni-ên vẫn giữ theo Lời Chúa vì ông biết Chúa mới là Đấng Chân Thần, và Lời Chúa mới là lẽ thật. Cách ly không phải là giải pháp, rèn luyện sức đề kháng mới giúp ta sống giữa thế gian này và làm ánh sáng cho thế gian. Như việc tiêm vắc-xin giúp cơ thể rèn luyện sức đề kháng trước khi vi khuẩn gây bệnh, ta cần dạy cho con cái mình những biện luận của các nhà khoa học để sẵn sàng trả lời khi bị chất vấn, và chỉ cho chúng thấy những hậu quả của lối sống ham lạc thú xác thịt của chủ nghĩa vô thần (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Và cũng như cần tiêm vắc-xin trước khi bệnh tấn công, ta cần chủ động rèn luyện con cái mình trước khi chúng bị thế gian nhồi nhét tư tưởng vô thần qua phim ảnh, mạng xã hội, và trường học để giúp chúng đề kháng và tự tin về lẽ thật của Lời Chúa mà đứng vững trong đức tin.

4. Vững tin chia sẻ Tin Lành

“‭Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người nghĩ đâu, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn.” (II Phi-e-rơ 3:9)

Quả thật, việc chia sẻ Tin Lành ngày một khó hơn, nhất là ở những đô thị hiện đại. Ngày nay ra rả các sứ điệp về lối sống vật chất phóng túng và tư tưởng vô thần từ TV, Internet, và cả trường học. Vậy nên xã hội đầy dẫy tiếng ồn và lòng người chai sạn trước Tin Lành, hạt giống đức tin gieo ra dễ bị chim trời ăn mất, gặp sỏi đá khó bắt rễ, hay bị những lo lắng của đời này và cám dỗ giàu sang làm nghẹt ngòi. Nhưng sẽ có những người mệt mỏi với các vui thú vật chất vô nghĩa, đau buồn vì tội lỗi, hay muốn tìm nơi nương náu giữa thế gian đầy tranh cạnh này. Đến với Chúa Giê-xu, họ sẽ tìm thấy sự bình an, tình yêu thương, sự tha thứ, cùng sự thông công ấm áp của hội thánh, sự khôn ngoan thiên thượng trong Kinh Thánh, và cuộc sống ý nghĩa trong Ngài (Ma-thi-ơ 11:28-30, Giăng 10:10). Như mục Chuyện Cơ Đốc Nhân trong trang Đời Sống Cơ Đốc [18] có nhiều lời tự sự về đời sống được biến đổi của những người từng tin theo vô thần, sống theo xác thịt, hay các tôn giáo khác của thế gian rồi đến với Chúa. Vậy nên đâu đó vẫn có người ao ước Phúc Âm, chờ đợi ta chia sẻ.

Mà có lẽ ta cần tìm cách chia sẻ Tin Lành hiệu quả hơn theo thời cuộc. Việc chỉ đi và rải hạt giống có thể không hiệu quả ở các đô thị hiện đại, nơi toàn bê tông sỏi đá. Có thể ta cần phải làm nhiều việc lành để ‭”ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16), và len vào các ngõ ngách tìm những người bị thế gian bỏ quên. Ta cũng cần chăm sóc kỹ hơn những hạt giống đức tin được gieo ra, gỡ bỏ các sỏi đá, bảo vệ trước chim trời, làm sạch các bụi cây để hạt giống có thể phát triển khỏe mạnh.

Tổng Kết

Quả thật ngày nay bùng nổ người vô thần. Tỷ lệ người Mỹ nhận mình là Cơ Đốc nhân giảm từ 90% năm 1972 xuống 63% năm 2018 [1], và số người thấy Cơ Đốc giáo đang mất dần ảnh hưởng trong đời sống tăng từ 14% năm 1957 lên 78% năm 2018 [2]. Đây là những con số rất đáng quan ngại. Sau đây là một số lý do khiến Cơ Đốc nhân bỏ Chúa, nhất là người còn non yếu:

  1. Do thế gian cổ vũ tự do cá nhân và tự do tình dục, đánh động tham muốn xác thịt của con người, cám dỗ họ từ bỏ nếp sống Cơ Đốc [3][4]
  2. Do niềm tin vô thần được xem là nền tảng của khoa học [4] (dù những nhà khoa học Cơ Đốc mới chính là những người đã đặt nền móng cho khoa học hiện đại ngày nay [19][20][21][22])
  3. Do ngày nay con người ai cũng biết một ít khoa học nhờ được giáo dục hàng loạt, nhưng thường dừng lại ở việc nghe lời thầy cô và theo đuổi một chuyên môn nào đó, nên ít người đào đủ sâu và suy nghĩ đủ rộng để đạt đến khoa học sâu sắc mà nhận biết Đấng Tạo Hóa.
  4. Do xã hội ngày nay có nhiều vấn đề khuyến khích niềm tin vô thần như sự phân rẽ tôn giáo, những xì-căng-đan trong hội thánh, thói nói tục nhạo báng các điều thiêng liêng, sự bình an và thịnh vượng nuông chiều tính cá nhân và ham muốn xác thịt. Truyền thông Internet còn hay xoáy sâu và khuếch đại chúng. [4][5]
  5. Do nhiều người vốn là vô thần trong thực tế nhưng núp dưới vẻ bề ngoài tôn giáo, giờ họ được tự do thể hiện mình.

Dẫu hoàn cảnh khó khăn, chúng ta hãy vững tin vì Chúa vẫn đang tể trị, vì đây chỉ là những điều Kinh Thánh đã tiên tri về thời kỳ cuối (2 Ti-mô-thê 3:1-5, 2 Ti-mô-thê 3:1-5, 2 Phi-e-rơ 3:4). Ta phải tự trang bị mình để sẵn sàng trả lời khi gặp chất vấn (1 Phi-e-rơ 3:15), và rèn luyện con trẻ mình sức đề kháng trước những cám dỗ biện luận của thế gian vô thần. Việc này không phải là chuyên môn của các mục sư, vậy nên hãy tìm đọc các biện luận của những nhà khoa học Cơ Đốc như James Tour [15], John Lennox [16], mục vụ Creation.com [17], hay tiếng Việt có blog viethungpham.com và chuyên mục Khoa học và niềm tin Cơ Đốc của Đời Sống Cơ Đốc [18]

Và để chống lại nạn bỏ đạo hiện nay, cách ly không phải là giải pháp, ta cần rèn luyện cho giới trẻ hội thánh sức đề kháng trước những cám dỗ và lý lẽ của thế gian. Đã hơn 50 năm từ khi nạn bội đạo xảy ra (tính từ 1972, khi 92% người Mỹ nhận mình là Cơ Đốc nhân), thực tế đã cho thấy hậu quả của đời sống phóng túng nghịch Lời Chúa mà thế gian cổ vũ. Hãy dạy cho giới trẻ Cơ Đốc những điểm sai của lý luận vô thần, những tác hại thực tế của việc sống phóng túng nghịch lời Chúa, cùng những thành tựu của người sống theo Ngài [28]. Cứu một chiên con khỏi sự bỏ đạo cũng là cứu một linh hồn cho Chúa.

Và ta hãy vững tin chia sẻ Tin Lành dù thuận cảnh hay nghịch cảnh. Xã hội hiện đại giàu vật chất nhưng đầy tranh cạnh, mệt mỏi, cô đơn, và nhiều lời dạy xấu. Vậy nên nhiều người mong muốn sự bình an, tình yêu thương, tha thứ của Chúa, sự thông công ấm áp của hội thánh, cùng lời dạy khôn ngoan thiên thượng từ Kinh Thánh. Có điều ta cần điều chỉnh cách chia sẻ Tin Lành cho hiệu quả hơn trong tình hình này. Chắc ta cần làm nhiều việc lành để bày tỏ ánh sáng Tin Lành của Chúa cách cụ thể cho tha nhân để làm mềm đất trước khi gieo hạt giống đức tin, quan tâm đến những người thế gian vật chất bỏ mặc, và chăm sóc kỹ hơn các tín hữu non trẻ.

Richard Huynh

Bài tham khảo

[1] How U.S. religious composition has changed in recent decades
https://www.pewresearch.org/religion/2022/09/13/how-u-s-religious-composition-has-changed-in-recent-decades/ 

[2] Religion Considered Important to 72% of Americans
https://news.gallup.com/poll/245651/religion-considered-important-americans.aspx 

[3] Sex, the Sixties and Atheism: USA and Canada 1957-1975
https://atheistsglasgowuni201819.wordpress.com/2019/02/21/sex-the-sixties-and-atheism-usa-and-canada-1957-1975/ 

[4] 10 Reasons Why Christianity Is Declining and Atheism Is Growing
https://soapboxie.com/social-issues/Why-Christianity-is-Decliningand-Atheism-is-Growing

[5] The 60’s and the Decline of the Christian West
https://chalcedon.edu/resources/articles/the-60s-and-the-decline-of-the-christian-west 

[6] Cha đẻ của phương pháp khoa học nói gì về niềm tin vô thần?
https://bachkhoa.name.vn/2023/03/29/cha-de-cua-phuong-phap-khoa-hoc-noi-gi-ve-niem-tin-vo-than/ 

[7] Stephen Hawking đã sai: 3 lý do phải có Đức Chúa Trời
https://bachkhoa.name.vn/2023/07/02/stephen-hawking-da-sai-3-ly-do-phai-co-duc-chua-troi/ 

[8] Đằng Sau Thế Giới Vật Chất: Toán Học, Thông Tin, Ngôi Lời, Và Linh Hồn
https://bachkhoa.name.vn/2024/02/25/dang-sau-the-gioi-vat-chat-toan-hoc-thong-tin-ngoi-loi-va-linh-hon/ 

[9] Bác Sĩ Phẫu Thuật Nói Cơ Thể Con Người Không Thể Do Tiến Hóa Mà Thành

https://bachkhoa.name.vn/2023/07/20/bac-si-phau-thuat-noi-co-the-con-nguoi-khong-the-do-tien-hoa-ma-thanh

[10] Lược Sử Tranh Luận Giữa Thuyết Tiến Hóa Và Thuyết Thiết Kế Thông Minh
https://bachkhoa.name.vn/2024/04/06/luoc-su-tranh-cai-giua-thuyet-tien-hoa-va-thuyet-thiet-ke-thong-minh/ 

[11] Scope-Aware Data Cache Analysis for WCET Estimation
https://dl.acm.org/doi/10.1109/RTAS.2011.27 

[12] Thuyết Big Bang gặp rắc rối? Không vấn đề gì, chỉ cần nhân đôi tuổi vũ trụ!
https://bachkhoa.name.vn/2023/08/31/thuyet-big-bang-gap-rac-roi-khong-van-de-gi-chi-can-nhan-doi-tuoi-vu-tru/ 

[13] Núi St Helens vạch ra sai lầm của phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/15/nui-st-helens-vach-ra-sai-lam-cua-phuong-phap-dinh-tuoi-bang-dong-vi-phong-xa

[14] Hóa Thạch Tưởng Là Tổ Tiên Tiến Hóa Thất Lạc Của Hải Cẩu Chỉ Là Xương Rái Cá Ngày Nay
https://bachkhoa.name.vn/2023/08/04/hoa-thach-tuong-la-to-tien-tien-hoa-that-lac-cua-hai-cau-chi-la-xuong-rai-ca-ngay-nay

[15] Trang biện giáo của giáo sư James Tour
https://www.youtube.com/c/DrJamesTour 

[16] Trang biện giáo của giáo sư John Lennox
https://www.johnlennox.org/resources 

[17] Mục vụ Sáng Thế
https://creation.com/articles 

[18] Chuyên mục Khoa Học và Đức Tin Cơ Đốc của blog Đời Sống Cơ Đốc
https://bachkhoa.name.vn/khoa-hoc-va-duc-tin/ 

[19] Louis Pasteur: Nhà Khoa Học Với Niềm Tin Sáng Thế
https://bachkhoa.name.vn/2024/05/21/louis-pasteur-nha-khoa-hoc-voi-niem-tin-sang-the/

[20] Robert Boyle, Nhà Quý Tộc Cơ Đốc, Người Khai Sinh Hóa Học Hiện Đại
https://bachkhoa.name.vn/2024/05/06/robert-boyle-nha-quy-toc-co-doc-nguoi-khai-sinh-hoa-hoc-hien-dai/ 

[21] Isaac Newton và Đức Tin Nơi Đức Chúa Trời
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/isaac-newton-va-duc-tin-noi-duc-chua-troi/ 

[22] Michael Faraday – Sức Mạnh Của Chúa Và Sức Mạnh Của Dòng Điện
https://bachkhoa.name.vn/2021/02/19/michael-faraday-suc-manh-cua-chua-va-suc-manh-cua-dong-dien/ 

[23] 7 Sai Lầm Của Darwin
https://bachkhoa.name.vn/2021/02/19/7-sai-lam-cua-darwin/ 

[24] Lược Sử Tranh Luận Giữa Thuyết Tiến Hóa Và Thuyết Thiết Kế Thông Minh
https://bachkhoa.name.vn/2024/04/06/luoc-su-tranh-cai-giua-thuyet-tien-hoa-va-thuyet-thiet-ke-thong-minh/ 

[25] Có phải tôn giáo là đối nghịch với khoa học?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/28/co-phai-ton-giao-la-doi-nghich-voi-khoa-hoc/

[26] Đằng Sau Thế Giới Vật Chất: Toán Học, Thông Tin, Ngôi Lời, Và Linh Hồn
https://bachkhoa.name.vn/2024/02/25/dang-sau-the-gioi-vat-chat-toan-hoc-thong-tin-ngoi-loi-va-linh-hon/ 

[27] Vì Sao Tổng Thống Ronald Reagan Tin Có Đấng Tạo Hóa
https://bachkhoa.name.vn/2024/04/11/lap-luan-rat-ca-nhan-cua-tong-thong-ronald-reagan-ve-thiet-ke-thong-minh

[28] Chuyên mục Chuyện Cơ Đốc nhân của blog Đời Sống Cơ Đốc
https://bachkhoa.name.vn/guong-co-doc-nhan/