Vì Sao Tổng Thống Ronald Reagan Tin Có Đấng Tạo Hóa
Ronald Reagan là một tổng thống tài ba của Mỹ, người đã kết thúc chiến tranh lạnh, mở ra giai đoạn tự do toàn cầu hóa đem lại hòa bình thịnh vượng trên cả thế giới. Ông cũng là một Cơ Đốc nhân tin kính với một lập luận rất cá nhân vì sao ông tin có Đấng Tạo Hóa.
Bảng Nội Dung
Câu chuyện về bữa tối tuyệt vời
Hai ngày trước sinh nhật mình, vào 6/2/1988, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã có bài phát biểu tại Bữa Sáng Cầu Nguyện Quốc Gia (National Prayer Breakfast) ở Washington, DC.
Ông nói với những người hiện diện rằng ông đã “từ lâu không thể hiểu được những người vô thần trong thế giới có rất nhiều điều đẹp đẽ này.” Với một chút tinh nghịch trong giọng mình, ông nói tiếp: “Tôi có một mong ước xấu xa là mời một số người vô thần đến ăn tối rồi phục vụ một bữa ăn tối tuyệt vời nhất từng được nấu, và sau đó hỏi rằng họ có tin là có một đầu bếp (đã nấu) hay không?” Những khán giả đã hưởng ứng bằng một tràng cười và pháo tay dài.
Đó là tổng thống Reagan nói lại lập luận lâu đời về thiết kế thông minh, suy nghĩ rằng sự trật tự và có mục đích của thiên nhiên chỉ đến một người thiết kế. Như một bức tượng chỉ đến người tạc tượng, hay, như trong lời kể của Reagan, một bữa ăn chỉ đến một đầu bếp bậc thầy – những đặc điểm và chức năng tinh tế trong thiên nhiên chỉ đến một Đấng Sáng Tạo.
Lập luận căn bản này đã có từ hàng ngàn năm và có thể tìm thấy ở người Hy Lạp, La Mã, Do Thái, và Cơ Đốc nhân từ xưa. Nhưng lập luận này đã có thêm sức mạnh mới những năm gần đây nhờ những khám phá mới trong vật lý, vũ trụ học, hóa học, và sinh học.
Điều thú vị là biện luận của tổng thống Reagan về sự thiết kế (của thiên nhiên) không nằm trong bản thảo cho bài diễn văn buổi sáng đó. Nó cũng không ở trong bất kỳ bản nháp nào trước đó của bài diễn văn. Cựu nghị sĩ Dana Rohrabacher, người soạn thảo bài diễn văn, nói rằng “Chính tổng thống Reagan đã thêm vào. Ông ta thực sự là một người diễn thuyết vĩ đại.”
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Reagan đưa ra lập luận về thiết kế thông minh.
“Đôi tai phức tạp, hoàn hảo”
Một trong những trích đoạn yêu thích của ông từ quyển tự truyện Điều Chứng Kiến (Witness) của Whittaker Chambers cho ta một lập luận tương tự mà ông thích trích dẫn. Trong đoạn đó, Chambers xem ngày ông từ bỏ chủ nghĩa [vô thần] là vào một buổi sáng khi ông quan sát con gái nhỏ của mình ăn cháo: “Mắt tôi nhìn vào những nếp gấp thanh nhã trên tai con gái – đôi tai phức tạp, hoàn hảo ấy. Một ý nghĩ chạy qua tâm trí tôi: “Không, đôi tai ấy không thể được tạo ra bởi sự kết hợp lại cách ngẫu nhiên của những nguyên tử trong thiên nhiên … Chúng chỉ có thể được tạo dựng bởi sự thiết kế tuyệt vời“ (“Lời Nói Đầu Dưới Dạng Một Bức Thư Gửi Các Con Tôi”, sách Điều Chứng Kiến).
“Không, đôi tai ấy không thể được tạo ra bởi sự kết hợp lại cách ngẫu nhiên của những nguyên tử trong thiên nhiên … Chúng chỉ có thể được tạo dựng bởi sự thiết kế tuyệt vời“
Trong cuốn tự truyện của chính mình, tổng thống Reagan đã chia sẻ về những đam mê từ nhỏ của mình về cách thiên nhiên chỉ đến điều gì đó đằng sau nó. Lúc 5 tuổi, gia đình ông thuê một căn nhà ở Galesburg, Illinois, với một căn gác mái chứa “một bộ sưu tập khổng lồ các loại trứng chim và bướm đựng trong những hộp thủy tinh.” Tổng thống Reagan nhớ lại việc ông đã “trốn hàng giờ mỗi lần trong căn gác mái, trầm trồ trước những quả trứng chim đầy màu sắc và những đôi cánh tinh tế mỏng manh của bướm.” Ông nói “trải nghiệm đó để lại cho tôi một sự tôn kính chẳng thể nào phai về các công việc Đức Chúa Trời làm” (sách “Reagan, một cuộc đời Mỹ”, chương 1).
Nguồn gốc đầu tiên nhất của lập luận bữa tiệc của tổng thống Reagan về luận cứ thiết kế thông minh vẫn chưa rõ. Bữa Ăn Sáng Cầu Nguyện năm 1988 có lẽ là lần đầu tiên tổng thống Reagan nhắc đến chuyện này trong một chức năng xã hội là một tổng thống. Tìm kiếm trong những giấy tờ tổng thống chính thức của ông không thấy có trường hợp nào trước đó.
Nhưng nguồn gốc của câu chuyện bữa tiệc của tổng thống Reagan có lẽ đã có trước đó từ lâu.
Trong nhiều thập kỷ, tổng thống Reagan đã sưu tầm và gìn giữ những bình luận, câu chuyện, và câu đùa mình yêu thích trên những tờ ghi chú, thứ mà ông sẽ dùng để viết những bài diễn văn trước công chúng của mình. Nhiều năm sau khi tổng thống Reagan mất, những tờ ghi chú này được phát hiện lại trong một hộp không có miêu tả trong Thư Viện Tổng Thống Reagan. Bên trong chiếc hộp là một chồng thẻ đặc biệt được buộc bằng dây thun chứa bộ sưu tập những câu pha trò của ông (Douglas Brinkley, biên tập viên, sách “Những Ghi Chú: Tuyển Tập Những Câu Chuyện Và Lời Khôn Ngoan Cá Nhân Của Tổng Thống Ronald Reagan”).
Một trong các thẻ chứa cốt lõi của câu chuyện bữa tiệc của ông: “Hỏi một người vô thần vừa ăn một bữa tuyệt rời rằng họ có tin có một đầu bếp không” (sách “Những Ghi Chú”, trang 202).
Bản gốc những thẻ ghi chú hiện không được mở cho các nhà nghiên cứu, vậy nên khó biết khi nào tấm thẻ với lời bình luận này được viết. Nó có thể là bất kỳ lúc nào từ những ngày ở General Electric cho tới suốt những năm ở Nhà Trắng của ông. Tuy nhiên, nó chắc chắn là từ trước Bữa Ăn Sáng Cầu Nguyện 1988 – khả năng cao là nhiều năm trước. Vậy nên dù Bữa Ăn Sáng Cầu Nguyện có thể là lần đầu tiên tổng thống dùng câu chuyện này trước công chúng, nó chắc không phải là lần đầu tiên ông dùng nó trong cuộc đời nói trước công chúng của mình.
Và nó cũng chẳng phải là lần cuối cùng. Vì lý do gì đó, vào năm cuối cùng tại chức, tổng thống Reagan dường như lấy lại sự nhiệt tình với luận cứ về thiết kế thông minh trong tấm thẻ cũ của mình, và ông nhắc đến nó liên tục.
Ông chia sẻ lập luận này hai lần tại hội nghị thượng đỉnh của mình tại Mát-cơ-va với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, một lần với nhân viên đại sứ quán Mỹ ở London, và cuối cùng vào mùa hè năm 1988 tại một buổi nói chuyện trước hàng ngàn thanh niên tập trung ở Washington DC cho một hội nghị sinh viên về truyền giảng Tin Lành.
Nhưng chỉ trong bữa gặp cá nhân một một với Gorbachev ở Mát-cơ-va là tổng thống Reagan thổ lộ lý do rất cá nhân mà ông vẫn rất quan tâm đến lập luận này.
Đức Tin Của Một Tổng Thống
Ngày nay, Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Mát-cơ-va thường được nhớ là nơi tổng thống Reagan cuối cùng đã khẳng định rằng cuộc Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc.
Sau khi đi dạo Quảng Trường Đỏ với Gorbachev, tổng thống Reagan được hỏi liệu ông còn xem Liên Xô là một “đế chế tà ác”, và ông trả lời “Không… tôi đang nói về một thời điểm khác, một thời kỳ khác.”
Mặc dù Chiến Tranh Lạnh có thể đã kết thúc, tổng thống Reagan vẫn còn một nhiệm vụ cuối cùng ông muốn hoàn thành ở Mát-cơ-va. Nó chẳng phải là thêm kiểm soát vũ khí, hay khuyến khích chủ nghĩa tư bản, hay thậm chí kêu gọi thêm tự do chính trị.
Đó là khiến Liên Xô mở cánh cửa đến đức tin ở Đức Chúa Trời.
Vào Thứ Bảy, ngày 28 tháng 5, ngày trước khi đến Hội Nghị Thượng Đỉnh, tổng thống Reagan viết vào quyển nhật ký của mình: “Chúng ta sẽ thảo luận buổi gặp đầu tiên vào ngày mai sẽ là buổi gặp 1 với 1 – tôi và Gorby. Tôi sẽ tác động đến ông ấy về tự do tôn giáo” (sách “Những Nhật Ký Của Tổng Thống Reagan, trang 612).
Nhiều chuyên gia trong những năm qua đã bác bỏ đức tin Cơ Đốc của tổng thống Reagan, so sánh nó kém hơn đức tin công khai hơn của tổng thống “được tái sinh” Jimmy Carter. Nhưng nhờ những công trình của các nhà khoa học chính trị như Paul Kengor và những người khác, chúng ta giờ biết rằng tổng thống Reagan không chỉ đơn thuần có tôn giáo cho tiện. Ông rất tin kính – và đức tin ở Đức Chúa Trời là một trong những lý do chính khiến ông chống lại Liên Xô. Tổng thống Reagan nghĩ hệ thống áp đặt niềm tin vô thần toàn quốc của nó chia cắt mọi người khỏi khả năng có được hạnh phúc đời đời.
Trong bài diễn văn nổi tiếng “Đế chế tà ác” của mình năm 1983, tổng thống Reagan tuyên bố, “chúng ta hãy cầu nguyện cho sự cứu rỗi của những người đang sống trong bóng tối độc tài đó – hãy cầu nguyện rằng họ sẽ tìm thấy niềm vui được biết Đức Chúa Trời.”
Sự quan tâm của tổng thống Reagan về tình trạng thuộc linh của con người không chỉ ở mức độ quốc gia.
Vào ngày 19 tháng 5 năm 1982, khi tình trạng sức khỏe của bố vợ mình, Loyal Davis, đang suy sụp, tổng thống Reagan viết trong nhật ký: “Tôi muốn nói với ông ấy rất nhiều về đức tin. Ông ấy vẫn luôn là người Bất Khả Tri (tin rằng không thể nào biết có Chúa hay không) – giờ tôi nghĩ ông ấy đã biết sợ có lẽ là lần đầu tiên trong đời. Tôi tin đây là lúc ông ấy nên xoay đến Chúa và tôi rất muốn giúp ông làm như vậy” (quyển “Những Nhật Ký của Reagan, 85).
Tổng thống Reagan sau này viết cho bố vợ mình một là thư dài và chân thành trích Giăng 3:16 (“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”) và thúc giục ông tiếp nhận đấng Christ. Lời trong thư chỉ được biết đến vào năm 2018, khi nó được xuất bản lần đầu bởi Washington Post. Nancy Reagan có vẻ nghĩ rằng tác động của chồng mình góp phần trong việc giúp ba mình tìm kiếm một mục sư ở bệnh viện thời gian ngắn trước khi ông mất.
Vào năm 1988, tổng thống Reagan vẫn mang gánh nặng về tình trạng thuộc linh của một người còn gần mình hơn nữa: con trai út mang tên ông, Ron.
Ngày nay, niềm tin vô thần của Reagan trẻ (con tổng thống Reagan) được nhiều người biết đến. Anh thích khoe khoang rằng mình là “một người vô thần cả đời, không sợ bị thiêu trong hỏa ngục.” Nhưng niềm tin vô thần của Ron Reagan không được công chúng biết khi cha anh đang là Tổng Thống. Đó là nỗi đau thầm kín của Reagan lớn, người đã rất đau khổ khi con trai tuyên bố năm 12 tuổi rằng mình sẽ không đi nhà thờ vì mình là một người vô thần. Trong nhiều năm, tổng thống Reagan đã có nhiều buổi nói chuyện với con trai mình, hy vọng anh sẽ quay lại với đức tin.
“Cha tôi lo lắng rằng đời sống tôi sẽ sa sút nếu tôi không thừa nhận Chúa Giê-xu Christ là Đấng Cứu Chuộc của mình,” Ron nói. “Chúng tôi lúc nào cũng tranh cãi trên bàn ăn.” Ron nói thêm, “tôi không nghĩ ông ấy mất ngủ vì việc này.”
Có thể anh ấy đã sai về điều đó.
Tại buổi họp mặt gia đình trong dịp Lễ Tạ Ơn của gia đình Reagan năm 1985, sau khi Ron bắt đầu bày tỏ suy nghĩ của mình về niềm tin vô thần, tổng thống Reagan quay sang nói riêng với con trai cả là Michael: “Michael, cha đã cầu nguyện rằng Ron sẽ tin nhận Chúa Giê-xu Christ như cha và con” (Michael Reagan, Những Bài Học Mà Cha Tôi Đã Dạy, chương 12).
Ba năm sau, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Mát-cơ-va, hóa ra số phận đời đời của Ron vẫn ở trong tâm trí cha anh.
Nhiệm Vụ Tới Mát-cơ-va
Tổng thống Reagan đến Mát-cơ-va vào Chủ Nhật, 29 tháng 5, và ông đã có cuộc gặp một – một với Gorbachev trưa hôm đó. Hai người gặp nhau trong sảnh Thánh Katherina bên trong điện Kremlin.
Mặc dù chúng ta không có bản ghi những lời nói trong cuộc hội thoại, chúng ta có bản ghi chép bảo mật của người ghi chép phía Mỹ, và tôi sẽ trích từ những ghi chép đó để miêu tả những gì đã xảy ra.
Theo người ghi chép, tổng thống Reagan nói với Gorbachev “ông muốn đề cập một chủ đề nữa, từng là một ước mơ cá nhân của mình. Ông hơi ngại nêu vấn đề này lên với Gorbachev, nhưng dù sao đi nữa ông cũng sẽ làm.”
Tổng thống Reagan chuẩn bị làm cái mà ông gọi trong nhật ký của mình tối hôm đó là “lời thuyết phục (pitch) yêu thích của tôi – tại sao ông nên cho dân mình tự do tôn giáo” (sách Những Nhật Ký Của Tổng Thống Reagan, trang 613).
Khi cuộc trò chuyện đang diễn ra, tổng thống Reagan kêu gọi Gorbachev hãy cho phép hoàn toàn tự do tín ngưỡng cho mọi người ở Liên Xô – không chỉ người của Giáo Hội Chính Thống Nga, mà cả người Hồi Giáo, người Do Thái, người Tin Lành, và người Công Giáo Ukraine.
Gorbachev bị bất ngờ bởi đề nghị này. Ban đầu ông khẳng định rằng Liên Xô đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo, và ông tìm cách lật ngược tình thế bằng cách hỏi tổng thống Reagan “tại sao những người không tôn giáo ở Mỹ đôi khi cảm thấy bị đè nén. Ông hỏi tại sao những người không tôn giáo không có cùng những quyền của những người có tôn giáo.”
Tổng thống Reagan trả lời “họ có mà”, và bày tỏ nỗi đau thầm kín của mình cho Gorbachev: “ông có một con trai là người vô thần, dù anh ta gọi mình là người theo thuyết bất khả tri.”
Gorbachev cuối cùng thừa nhận với tổng thống Reagan rằng Liên Xô có thể đã có “một số hành động thái quá” trong cách đối xử với tôn giáo trong quá khứ.
Nhưng giờ mọi chuyện đã tốt hơn, ông nói, và ông cam kết rằng người Liên Xô như chính ông “nói đến perestroika, nghĩa là đổi mới, một sự mở rộng dân chủ về những quy trình dân chủ, về các quyền, làm chúng trở nên thật, và việc này bao gồm cả tôn giáo, nữa.”
Tổng thống Reagan có thể xem đây là một chiến thắng và kết thúc ở đó. Nhưng ông tiếp tục tiến tới. Ông “mời Gorbachev nhìn vào những quyền tôn giáo trong Hiến Pháp Mỹ,” nơi thậm chí còn bao gồm quyền không phải chiến đấu trong quân lực nếu bạn là một người phản đối theo lương tâm. Tổng thống Reagan nói với Gorbachev rằng nếu ông làm điều mà tổng thống Reagan nói, ông “sẽ là một người anh hùng và… những ác cảm về đất nước ông sẽ tan biến như nước dưới ánh nắng mặt trời ban trưa.”
Rồi tổng thống Reagan kể lại cho Gorbachev câu chuyện cảm động mà ông đã kể trong bài nói chuyện vào Bữa Sáng Cầu Nguyện tháng 2 trước đó. Nó thể hiện sự khao khát của con người về Đức Chúa Trời, và nó còn chạm tới bằng chứng về thiết kế thông minh trong thiên nhiên.
Tổng thống Reagan “nói ông có một bức thư từ góa phụ của một người lính trẻ vào thế chiến thứ 2. Anh đang nằm trong hầm trú ẩn lúc nửa đêm, chờ đợi mệnh lệnh tấn công. Anh chưa bao giờ là người tin Chúa, vì anh được dạy là không có Đức Chúa Trời.” Nhưng khi người lính trẻ nhìn lên bầu trời sao, anh biết mình đã sai.
Anh chưa bao giờ là người tin Chúa, vì anh được dạy là không có Đức Chúa Trời. Nhưng khi người lính trẻ nhìn lên bầu trời sao, anh biết mình đã sai.
Vì chúng ta chỉ có những ghi chép tóm tắt những gì tổng thống Reagan nói với Gorbachev, ta không biết chi tiết những gì ông chia sẻ với tổng thư ký đảng CS Liên Xô về tại sao người lính trẻ thay đổi suy nghĩ của mình. Nhưng khi ông kể câu chuyện này tại Bữa Sáng Cầu Nguyện, ông trực tiếp trích thư người lính trẻ, khiến mọi chuyện trở nên rất rõ ràng.
“Con chưa bao giờ suy ngẫm về tạo hóa của Ngài,” người lính trẻ viết, “nhưng đêm nay, ngắm nhìn bầu trời từ hầm trú ẩn, con thật kinh ngạc khi thấy những ngôi sao lấp lánh trên đầu con và chợt nhận ra lời nói dối tàn ác [của niềm tin vô thần].”
Tổng thống Reagan nói với Gorbachev rằng người lính “cầu nguyện với hy vọng rằng, nếu anh chết trong chiến trường, Đức Chúa Trời sẽ đón nhận anh.” Tổng thống Reagan để dành câu chốt đến lúc cuối cùng: người lính viết lá thư này không phải là người Mỹ. Anh ấy là người Nga.
Gorbachev có vẻ không biết đáp lại việc này như thế nào, và sau một số bình luận hình thức, ông cố gắng đổi chủ đề sang khả năng có một chuyến khám phá sao Hỏa chung của Nga và Mỹ. Gorbachev sau đó cố gắng kết thúc mọi việc, nói với tổng thống Reagan rằng “ông rất vui với buổi thảo luận đầu tiên này. Nó khẳng định rằng hai nhà lãnh đạo vẫn giữ mối quan hệ thân thiện.”
Về phần mình, tổng thống Reagan không sẵn sàng từ bỏ. Thay vì kết thúc với những lời nói vui vẻ không sợ động chạm, ông quyết định nêu lên câu chuyện về bữa tối ngon lành!
Nhưng lần này, ông kể câu chuyện với một thay đổi nhỏ, nhưng quan trọng.
Trong tất cả những lần tổng thống Reagan chia sẻ câu chuyện này trước công chúng năm 1988, ông luôn đặt nó hướng đến những người vô thần chung chung vô danh.
Nhưng trong cuộc gặp riêng với người CS quyền lực nhất thế giới này, tổng thống Reagan tiết lộ rằng thực sự có một người vô thần mà ông muốn chạm đến.
Đó là con trai của mình.
Theo người ghi chép, tổng thống Reagan “kết luận rằng có một điều ông vẫn muốn làm cho người con trai vô thần của mình. Ông muốn mời con trai một bữa tối ngon lành hoàn hảo, để cậu con vui thích bữa ăn, và rồi hỏi anh ta liệu cậu ấy có tin rằng có một đầu bếp không.” Reagan nói thêm “ông tự hỏi con trai mình sẽ trả lời thế nào.”
…liệu cậu ấy có tin rằng có một đầu bếp không?
Tôi không biết liệu tổng thống Reagan có từng thật sự thực hiện kịch bản này cho con trai mình không. Nếu ông đã làm, có lẽ Ron đã từ chối nó. Nhưng suy nghĩ chân thành của tổng thống Reagan đã tạo tác động lên một người vô thần khác.
Theo người ghi chép, “Khi cuộc gặp kết thúc, Gorbachev nói câu trả lời duy nhất có thể: ‘có.’”
Người dịch: Richard Huynh
Theo evolutionnews.org
https://evolutionnews.org/2024/01/ronald-reagans-deeply-personal-argument-for-intelligent-design/