Cha đẻ của phương pháp khoa học nói gì về niềm tin vô thần?

Francis Bacon là cha đẻ của chủ nghĩa Duy Nghiệm và phương pháp khoa học , đồng thời là người thiết lập nền móng cho cuộc Cách Mạng Khoa Học (xem [1]). Ông đặt ra chủ nghĩa Duy Nghiệm chủ trương rằng quan sát thực nghiệm là phương tiện chính để xác định tri thức và xét đúng sai, nghịch lại với chủ nghĩa Duy Lý trước đó dựa vào suy diễn lập luận. Ông cũng thiết lập và phổ biến phương pháp suy luận quy nạp cho việc tìm hiểu khoa học, gọi đơn giản là phương pháp khoa học. Francis Bacon tin rằng khoa học phải hướng đến việc làm đời sống con người tốt lên qua những phát minh chứ không phải chỉ để suy ngẫm.  Ông đề xuất rằng con người có vai trò chăm sóc và làm sáng tỏ thiên nhiên. Bằng hiểu biết về thiên nhiên và sử dụng các công cụ, con người có thể quản lý và chỉ đạo cách thiên nhiên để tạo ra những kết quả mong muốn. Nhờ đó, ông tin rằng con người sẽ làm chủ thiên nhiên và loài người sẽ vượt qua cảnh bất lực, đói nghèo, khốn khổ và đạt sự bình an, thịnh vượng và an toàn. Với triết lý, phương pháp, và khải tượng của mình, Francis Bacon đã đặt nền móng cho cuộc Cách Mạng Khoa Học đem lại cho chúng ta cuộc sống hiện đại, con người làm chủ thiên nhiên ngày nay.

Vì là cha đẻ của chủ nghĩa Duy Nghiệm và phương pháp khoa học, và là người thiết lập nền móng, phương pháp và mạng lệnh cho cuộc Cách Mạng Khoa Học, nhiều người nghĩ Francis Bacon không tin vào tôn giáo. Đáp lại, Francis Bacon đã viết bài luận “Về Niềm Tin Vô Thần (Of Atheism)”, phân tích sự vô lý, bản chất tôn giáo và tác hại đáng ghét của nó, trong đó có câu nói nổi tiếng “một chút khoa học làm suy nghĩ con người nghiêng về vô thần; nhưng khoa học sâu sắc lại đem tâm trí con người đến với tôn giáo”. Sau đây là bài luận “Về Niềm Tin Vô Thần” của ông, với một ít diễn giải của người dịch.

VỀ NIỀM TIN VÔ THẦN – OF ATHEISM (bản gốc xem [2])

“Tôi thà tin vào tất cả các câu chuyện hoang đường trong các huyền thoại, hay bộ Talmud, hay bộ Koran, còn hơn tin rằng vũ trụ này không được kiến thiết bởi một trí tuệ. Bởi vậy Đức Chúa Trời không bao giờ làm phép lạ để thuyết phục suy nghĩ vô thần, vì các việc bình thường của Ngài cũng đủ để thuyết phục nó."

Thuyết vô thần tin rằng thế giới này tự nhiên có, không được tạo dựng bởi thần nào cả. Francis Bacon nói rẳng ông thà tin vào các huyền thoại hoang đường còn hơn tin vào điều này. Từ vật lý vũ trụ (xem [3]) đến sinh học phân tử (xem [4]) đều thể hiện những thiết kế phức tạp nhưng chính xác đến kỳ lạ, mà sai lệch đi một chút là chẳng thể có vũ trụ hay sự sống. Kinh Thánh nói thiên nhiên tạo hóa bày tỏ quyền năng và thần tính của Đức Chúa Trời cho loài người (Rô-ma 1:19-20, Thi Thiên 19:1-4). Với Francis Bacon, tự sự tồn tại của vũ trụ này với những quy luật vật lý chính xác của nó đã là phép lạ bày tỏ Chúa. Chúa chẳng cần phải làm thêm phép lạ gì nữa để thuyết phục kẻ vô thần.

“Quả thật, một chút khoa học làm suy nghĩ con người nghiêng về vô thần; nhưng khoa học sâu sắc lại đem trí óc con người đến với tôn giáo (Cơ Đốc giáo). Vì khi trí óc con người nhìn vào những thứ nguyên (second cause) cách rời rạc, nó đôi khi dừng lại ở đó, và không đi thêm; nhưng khi nó nhìn vào những chuỗi liên kết chúng, kết nối và xâu chuỗi chúng lại, nó sẽ thấy cần phải đến với Đấng Tạo Hóa Đức Chúa Trời.“

Cái này là hiệu ứng tâm lý Dunning-Kruger (xem [5]) khi người mới biết chút ít thường quá tự tin về hiểu biết của mình. Càng đào sâu họ sẽ càng thấy nhiều điều mình chưa biết. Tại sao trái đất quay quanh mặt trời? Vì trọng lực. Đó là biết một, thế cái gì tạo ra trọng lực? Cái gì tạo ra cái tạo ra trọng lực? Cái gì tạo ra cái tạo ra…cái tạo ra cái tạo ra trọng lực? Cái gì là căn nguyên (first cause), không có cái tạo ra nhưng lại tạo ra những cái khác? Trọng lực, cái tạo ra trọng lực, cái tạo ra cái tạo ra trọng lực… đều là những thứ nguyên (second cause), những thứ được tạo ra bởi cái gì đó. Tương tự như vậy với những quy luật khác như điện từ, nhiệt động lực học. Và tại sao tất cả những quy luật vật lý lại kết hợp nhịp nhàng với nhau tạo nên thế giới phức tạp và tươi đẹp này (xem [3], [4])? Khi xâu chuỗi chúng lại, ta sẽ thấy cần phải có Đấng Tạo Hóa Đức Chúa Trời, đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14) là căn nguyên của mọi điều và kiến thiết mọi điều để tạo nên thế giới nhịp nhàng tươi đẹp này. Người chỉ biết một chút khoa học chưa có kiến thức suy nghĩ đủ sâu để nhận ra điều này.

“Này, ngay cả những trường phái bị nói là vô thần nhất lại thể hiện niềm tin tôn giáo nhất; đó là trường phái của Leucippus và Democritus và Epicurus. Bởi vì thật đáng tin hơn gấp ngàn lần, rằng 4 nguyên tố có thể thay đổi, và 1 nguyên tố thứ năm bất biến, được sắp đặt cách hợp lý và vĩnh cửu, không cần một Đấng Sáng Tạo, hơn là một hằng đoàn những phần hay hạt siêu nhỏ không được sắp đặt, có thể tạo ra thế giới trật tự và tươi đẹp này mà không cần người thống lĩnh siêu nhiên."

Leucippus là triết gia Hy Lạp đặt ra khái niệm phân tử 500 năm trước công nguyên. Democritus là học trò của ông, là người lý thuyết rằng mọi vật trong vũ trụ đều tạo nên từ phân tử. Epicurus là người đề xuất rằng con người được tạo thành chỉ bởi phân tử (nghịch với Plato cho rằng con người gồm phần thể xác và linh hồn), và khi con người chết thì thể xác hư nát, không có linh hồn hay sự sống sau cái chết. Vì vậy, Epicurus khuyên con người hãy tận hưởng các thú vui thể xác đời này vì sau khi chết chẳng còn gì cả. Người Epicurean (người theo Epicurus) là người có tư tưởng tập trung hưởng mọi thú vui thể xác, sống xa hoa, ăn uống tiệc tùng, đắm chìm tửu sắc, v.v.. trước khi chết. 

Với Francis Bacon, vô thần cũng là một loại tôn giáo, và những người vô thần thể hiện niềm tin tôn giáo nhất. Một tôn giáo là một trường phái dạy, một niềm tin tôn giáo là niềm tin vào những điều được một trường phái dạy. Francis Bacon thấy thà tin rằng thế giới này được ngẫu nhiên tạo thành từ năm nguyên tố (kiểu ngũ hành ngày xưa), còn dễ hơn là tin rằng thế giới bởi hàng tỷ tỷ tỷ tỷ hạt siêu nhỏ tạo thành lại có thể ngẫu nhiên tạo ra các trật tự tươi đẹp mà không có bàn tay quản trị của đấng Sáng Tạo. 

Ngày nay, người ta thấy vũ trụ được tinh chỉnh đến độ cả những giáo sư vô thần nổi tiếng như Stephen Hawking nghĩ hoặc phải có vô vô số vũ trụ nhưng rất rất hiếm vũ trụ chứa sự sống, hoặc vũ trụ chúng ta được tạo ra bởi người ngoài hành tinh, hoặc vũ trụ là một thế giới mô phỏng (computer simulation) bởi loài người có trình độ khoa học kỹ thuật siêu cao nào đó (xem [3]). Để chối bỏ đấng Sáng Tạo, người vô thần sẵn sàng tin vào những thứ cũng chẳng thể thấy được nhưng có quyền năng sáng thế tương tự. Có thể họ thích vậy là vì khác với Chúa, người ngoài hành tinh tạo ra vũ trụ này không đòi hỏi gì ở họ.

“Kinh Thánh nói rằng “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 14:1). Kinh Thánh không nói, kẻ ngu dại nghĩ trong lòng mình rằng; vì hắn nói điều này để thuyết phục chính mình, vì hắn muốn như vậy, hơn là vì hắn hoàn toàn tin điều này, hay bị thuyết phục về nó. Bởi chẳng ai chối bỏ việc có thể có một Chúa Trời, trừ những người quả quyết rằng chẳng có Chúa Trời. Có vẻ rằng niềm tin vô thần ở trên môi miệng hơn là ở trong tim con người, là bởi việc này: kẻ vô thần sẽ luôn luôn nói về ý kiến đó của họ, như thể chúng luôn tự thấy yếu đuối trong lòng, và thấy vui khi được thêm sức bởi sự chấp nhận của người khác. Hơn nữa, bạn sẽ có những kẻ vô thần luôn cố gắng tìm kiếm môn đồ, khi nó cạnh tranh với các tôn giáo khác. Và, hơn hết, bạn sẽ thấy một số người chịu bắt bớ vì niềm tin vô thần, và nhất quyết không bỏ đạo; trong khi nếu họ thực sự nghĩ rằng chẳng có thần thánh gì cả, tại sao họ lại làm khổ mình?”

Francis Bacon tiếp tục phân tích tính tôn giáo của người vô thần. Có vẻ trong thâm tâm họ cũng không thật sự vững tin về điều này lắm, vậy nên họ cứ phải luôn nói về điều đó và thấy vui và được thêm sức bởi sự thuận theo của người khác. Nếu họ thực sự nghĩ rằng chẳng có thần thánh gì, sao họ lại mất công vì chuyện đó? Sao người vô thần cũng thể hiện các hành động của tôn giáo như tuyên xưng đức tin, truyền đạo môn đồ, và sẵn sàng chịu bắt bớ chứ nhất quyết không bỏ đạo cho một điều họ chẳng tin? Vậy nên vô thần cũng là một loại tôn giáo, cũng hăng hái đi cạnh tranh với các tôn giáo khác. 

Bình thường, ta tin ta làm, ta không tin ta không mất công vô ích. Như tôi (người dịch) không tin có người ngoài hành tinh, nhưng tôi mất công kêu gọi mọi người đừng tin có người ngoài hành tinh làm gì? Mà sao tôi có thể chứng minh rằng không có người ngoài hành tinh, dù chưa ai thấy người ngoài hành tinh cả? Và tôi cũng chẳng mất công chịu bắt bớ vì không tin có người ngoài hành tinh để làm gì. Tin có Chúa, chối bỏ Chúa là mất Chúa, mất sự sống đời đời trên thiên đàng với Chúa, vậy nên thà chịu bắt bớ. Còn không tin có người ngoài hành tinh, chối bỏ không có người ngoài hành tinh có mất gì đâu, vậy chịu bắt bớ làm gì? Sao phải mất công vô ích cho một thứ không có?

“Epicurus bị kết tội rằng ông ta là kẻ vô thần nhưng che dấu vì danh tiếng mình, khi ông quả quyết rằng có những điều thiêng liêng, nhưng lại vui hưởng chúng mà chẳng thừa nhận đấng quản trị thế gian. Đó là lý do người ta nói ông ta chỉ ứng biến; nhưng trong thâm tâm ông vẫn nghĩ chẳng có Chúa Trời. Nhưng chắc chắn là ông ta có phỉ báng; vì những lời của ông ta là quý phái và thiêng liêng: “Chẳng có sự bất kính nào trong việc từ chối tin vào các thần của con người: sự bất kính là ở việc tin về các thần những điều mà người ta tin ở họ”. Plato không thể nói hơn được nữa. Và mặc dù ông ta (Epicurus?) có đủ tự tin để chối bỏ các tổ chức (tôn giáo), ông ta không có khả năng phủ nhận điều tự nhiên. Người da đỏ ở châu Mỹ có tên gọi cho các thần của họ, dù họ không có tên cho Đức Chúa Trời: cũng như những người chưa tin Chúa  có những tên như Jupiter, Apollo, Mars, v.v.. nhưng không có từ Đức Chúa Trời; điều này cho thấy ngay cả những  dân tộc thiếu văn minh cũng có khái niệm về Chúa Trời, dù họ không hiểu độ cao sâu của nó. Vậy nên nghịch lại với những người vô thần, những người hoang dã nhất lại cùng phe với những triết gia sâu sắc nhất.”

Epicurus tin rằng con người tạo nên bởi phân tử thể xác, không có linh hồn (trái với Plato). Ông không phủ nhận có thần thánh, nhưng tin rằng thần thánh không động gì đến chuyện thế gian. Francis Bacon tính người nghĩ rằng thần thánh không quản lý hay tác động chuyện thế gian chính là người vô thần cách thực dụng vì họ sống như thể thần thánh không tồn tại (kiểu tôi không tin có người ngoài hành tinh, tôi chẳng mất tuyên xưng, truyền đạo hay chuyện bắt bớ vì niềm tin này làm gì, mà chỉ sống như thể người ngoài hành tinh không tồn tại và không liên quan đến đời sống mình). Francis Bacon nói dù người vô thần có thể đủ tự tin để chối bỏ các tổ chức tôn giáo, nhưng họ không thể phủ nhận điều tự nhiên là cả những người hoang dã nhất cũng đồng ý với các triết gia sâu sắc nhất. Họ cũng tin có thần, có Trời, dù không hiểu độ cao sâu của điều này.

“Những kẻ vô thần biết suy nghiệm rất hiếm: phái Diagoras, phái Bion, có lẽ phái Lucian, và một số khác; nhưng họ vẫn nhìn có vẻ trội hơn điều khả năng thật của mình; bởi vì tất cả những lời bài bác kích mà một tôn giáo hay mê tín hay bị nói, phần bất lợi đều là bị dán nhãn bởi tên những kẻ vô thần. Nhưng những kẻ vô thần vĩ đại thực sự đều là những kẻ đạo đức giả; luôn chạm vào những thứ thiêng liêng, nhưng không có cảm xúc; vậy nên cuối cùng họ phải trở nên chai lì.”

Diagoras là một võ sĩ đấm bốc huyền thoại người mà chính mình, 2 con, và các cháu nhiều lần thắng giải Olympic của Hy Lạp xưa. Ông từ chối lên đỉnh Olympus và được thần thoại hóa như Hercules (Héc-quyn), chỉ muốn được nhớ như một người bình thường. Bion ở Borysthenes là một triết gia Hy Lạp với nhiều triết lý về những nghịch cảnh khổ đau của đời sống, như nghèo đói, tai họa… Ông chối bỏ việc mình là người vô thần, nhưng người ta nói ông là người vô thần vì ông triết lý như thể thần thánh không tồn tại và không tác động chuyện thế gian. Lucian ở Samosata là nhà trào phúng người La Mã, chuyên trào phúng và mỉa mai nhiều trường phái triết học (như Socrates), chuyện về các vị thần, các chuyện siêu nhiên, v.v.. Diagoras, Bion và Lucian đều không nhận mình là người vô thần, nhưng họ đều nghĩ như thể thần thánh không can dự gì đến thế gian này, vậy nên Francis Bacon tính họ là người vô thần cách thực dụng. Ông khen họ biết suy nghiệm, giỏi hơn phần lớn kẻ vô thần khác. Nhưng ông vẫn tính họ không thực sự giỏi, vì các điều xấu họ chê ở tôn giáo đều được thực hiện bởi những kẻ vô thần cách thực dụng như vậy. Và họ đạo đức giả vì mỉa mai những thứ thiêng liêng, các hình tượng, giá trị mà thần thánh đại diện.

“Các nguyên nhân của suy nghĩ vô thần là: (1) những phân rẽ của tôn giáo, nếu có quá nhiều; nếu chỉ có 1 sự phân rẽ chính sẽ tăng lòng cuồng nhiệt cho cả hai bên;  nhưng nhiều phân rẽ sẽ đem đến suy nghĩ vô thần. (2) Một điều nữa là những tai tiếng xì-căng-đan của các linh mục; khi ra lời thánh Bernard nói, người ta bây giờ không thể nói linh mục cũng giống người thường, vì thực tế là người thường không tệ như các linh mục. (3) Điều thứ ba là, thói quen nói tục nhạo báng những điều thiêng liêng; chút này chút kia làm mất đi sự tôn kính với tôn giáo. (4) Và cuối cùng là, những những thời điểm học hành nhiều, đặc biệt với lúc bình an và thịnh vượng; bởi khó khăn và nghịch cảnh uốn suy nghĩ con người tới tôn giáo.

Ở đây Francis Bacon liệt kê các nguyên nhân ông nghĩ khiến người ta tin theo vô thần. Điều thú vị là chúng không phải là bằng chứng để chứng minh không có thần thánh (như tai tiếng xì căng đan của linh mục đâu liên quan gì đến việc có Chúa hay không, cũng như xì căng đan của một viên chức nhà nước Mỹ đâu liên quan tới chuyện có tổng thống Mỹ hay không). Chúng chỉ là lý do khiến người ta dễ tin vào thuyết vô thần hơn. Điều này cho thấy vô thần là một loại niềm tin tôn giáo.

“Kẻ từ chối một Đức Chúa Trời phá hoại sự cao quí của con người; vì hiển nhiên là con người kết nối với con vật qua xác thịt mình; và, nếu con người không có kết nối với Đức Chúa Trời qua tâm linh, con người sẽ là một con vật bản năng và thấp hèn. Niềm tin vô thần phá hủy hào khí và khả năng nâng cao bản tính của con người. Hãy xem ví dụ một con chó, và hãy xem lòng can đảm và hào phóng nó trở nên khi thấy mình được chăm sóc bởi con người; một người với nó như là Đức Chúa Trời, hay một melior natura [bản tính cao đẹp hơn]; thể hiện một lòng can đảm mà với một loài vậy như vậy, nếu không có niềm tin vào một bản chất cao đẹp hơn của mình, sẽ không bao giờ đạt được. Vậy nên con người, khi họ dựa vào và tin tưởng được sự bảo vệ và ơn phước từ thiên thượng, sẽ thu được sức mạnh và niềm tin mà bản chất con người tự nó không thể đạt được. Bởi vậy, niềm tin vô thần trong mọi khía cạnh đều đáng ghét bởi điều này, rằng nó tước đoạt bản chất con người mất những điều giúp họ có thể nâng cao mình lên khỏi những yếu đuối của mình.”

Xét trên khía cạnh niềm tin thì Francis Bacon thấy niềm tin vô thần là niềm tin đáng ghét và có hại, vì nó tước đoạt của con người điều giúp họ vượt qua những yếu đuối của xác thịt để có sức mạnh và niềm tin để sống cách cao quý. Về xác thịt thì con người cũng chỉ như con vật mà thôi, người không tin có thần thánh hay linh hồn sẽ chỉ sống để thỏa mãn tham muốn của xác thịt mình (như triết lý Epicurus). Ngày nay khi niềm tin vô thần lan rộng, con người tin mình xuất thân từ khỉ và sống theo tham muốn xác thịt mình như loài thú. Vậy nên các tệ nạn như quan hệ tình dục bừa bãi, phá thai, bội ước (ly dị là bội ước trong hôn nhân), tư kỷ, gian trá, tham lam ngày một nhiều. Chỉ khi có sự kết nối với Đức Chúa Trời qua tâm linh, học theo bản tính cao đẹp hơn của Chúa, tin cậy sự bảo vệ và ơn phước từ thiên thượng, con người mới có thể sống vượt lên bản tính xác thịt của mình mà sống cách cao quý mạnh mẽ hơn.

“Với nhiều người riêng lẻ như thế nào, thì với các quốc gia cũng vậy. Chưa từng có một nước nào đầy hào khí như La Mã. Về quốc gia đó, hãy Cicero nói: Dù chúng ta rất tự hào về đất nước mình, nhưng chúng ta không có đông đúc như người Tây Ban Nha, cũng không mạnh mẽ như người Pháp, không mưu mẹo như người Carthage, không tài nghệ như người Hy Lạp, không hiểu biết về việc nhà như người Ý và Latin ở đất này. Chỉ trong lòng thành kính, tôn giáo, và hiểu biết về sự phù hộ của những vị thần bất tử cai trị và quản lý mọi vật, là chúng ta vượt trên mọi quốc gia và mọi dân tộc.”

Ảnh hưởng của tôn giáo lên từng người thể nào thì lên quốc gia cũng thể ấy. Francis Bacon trích lời Cicero, triết gia nổi tiếng của La Mã cổ đại, nhận định rằng chính lòng thành kính, tôn giáo, và niềm tin vào sự phù hộ của những vị thần bất tử cai trị và quản lý mọi vật (những điều nghịch với niềm tin vô thần) đã khiến người La Mã cổ đại vượt trên các dân tộc xung quanh. Vào thời Francis Bacon, cuộc cải cách Tin Lành đã biến đổi xã hội nước Tin Lành cách mạnh mẽ, khiến những nước Tin Lành như Anh, Đức, Mỹ, Bắc Âu… trở nên hùng mạnh đứng đầu thế giới (xem [6]). Tôn giáo đúng đắn giúp đất nước hùng cường.

Qua bài luận “Về Niềm Tin Vô Thần”, người đặt nền móng của cuộc Cách Mạng Khoa Học, cha đẻ của Chủ Nghĩa Duy Nghiệm Và Phương Pháp Khoa Học đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình. Với Francis Bacon, thà tin vào các huyền thoại hoang đường hay thuyết ngũ hành sai lạc còn đúng hơn tin rằng thế giới tuyệt đẹp với hằng hà sa số nguyên tử cùng các định luật tự nhiên này lại tự nhiên có mà không được kiến thiết quản lý bởi một Đấng Sáng Tạo. Tự thế giới này đã là một phép màu của Chúa, và Chúa không cần làm hơn để thuyết phục người vô thần. Về mặt triết lý và khoa học, người vô thần là người mới chỉ biết một chút chứ chưa biết đủ nhiều và suy nghĩ đủ sâu. Vô thần cũng là một loại tôn giáo, cũng tuyên xưng đức tin, hăng hái truyền đạo cạnh tranh với các tôn giáo khác, có khi còn chịu bắt bớ chứ không bỏ đạo. Người vô thần thực dụng là người không chối bỏ chuyện có thần, nhưng sống như thể các thần không quản lý tác động gì đến thế giới này, thực ra là người thông minh hơn, nhưng đạo đức giả, và chai lì với những giá trị thiêng liêng. Người ta hay theo niềm tin vô thần vì những lý do không liên quan gì đến việc có thần hay không, như chuyện tai tiếng của linh mục giáo hoàng. Niềm tin vô thần là đáng ghét vì nó tước bỏ khỏi con người điều có thể giúp con người sống hơn loài thú, vượt lên khỏi bản tính xác thịt của mình. Khi có sự kết nối với Đức Chúa Trời trong tâm linh cùng niềm tin vào sự bảo vệ và ơn phước của Chúa, con người sẽ có sức mạnh để sống cách cao quý đẹp đẽ hơn. Lòng mộ đạo khiến một quốc giả trở nên hùng mạnh. 400 năm sau thời của Francis Bacon, tôi thấy những nhận định ấy đến nay vẫn đúng.

Bài luận “Về Niềm Tin Vô Thần” của Francis Bacon cho thấy khoa học và Cơ Đốc giáo không mẫu thuẫn nhau mà bổ trợ cho nhau. Khoa học theo Francis Bacon giúp con người hiểu biết và làm chủ thiên nhiên, còn Cơ Đốc giáo giúp con người vượt qua bản tính xác thịt của mình và sống cách cao quý đẹp đẽ hơn, giống như Martin Luther King đã nói: “Khoa học nghiên cứu, tôn giáo giải nghĩa.Khoa học cho con người tri thức là sức mạnh, tôn giáo cho con người sự khôn ngoan để kiểm soát. Khoa học chủ yếu xem xét các số liệu, tôn giáo chủ yếu xem xét các giá trị. Hai điều này không đối lập, chúng tương hỗ cho nhau. Khoa học giữ cho tôn giáo khỏi ca hát rơi vào trũng tin những điều phi lý làm què quặt và ngu ngốc đến tê liệt. Tôn giáo giữ cho khoa học khỏi rơi vào vũng lầy của chủ nghĩa vật chất và vô đạo đức.”

Richard Huynh

*** Một số điều thú vị mà người dịch nhận ra về khoa học theo Francis Bacon và khoa học của người vô thần như thuyết tiến hóa, Big Bang:

  • Khoa học theo Francis Bacon là khoa học Duy Nghiệm, xác minh bằng quan sát thực nghiệm, trái ngược với tư duy Duy Lý chủ yếu là suy diễn lý luận. Còn khoa học của người vô thần thì tỷ lệ suy diễn lý luận khá cao, thực nghiệm 1 phần thì suy diễn từ 10 đến 100 phần, rõ ràng là khoa học Duy Lý.
  • Khoa học theo Francis Bacon là việc tìm hiểu thiên nhiên để có thể quản trị thiên nhiên đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho con người. Còn khoa học của người vô thần là kể những chuyện hàng trăm ngàn – hàng chục tỷ năm trước, chẳng thấy liên quan gì đến việc quản trị thiên nhiên hay làm đời sống con người tốt đẹp hơn.
  • Khoa học theo Francis Bacon là khoa học phát minh sáng chế, tạo ra công cụ giúp con người quản trị thiên nhiên và phát triển đời sống. Còn khoa học của người vô thần là hoạt động suy ngẫm diễn giải thuần túy, chưa thấy ra phát minh gì. Hi vọng ngày nào đó họ sẽ chế ra phòng tiến hóa hay máy tạo vũ trụ giúp phát triển đời sống con người.

Nếu khoa học là việc học hiểu thiên nhiên, phát minh sáng chế các công cụ giúp con người quản trị thiên nhiên, thì rõ ràng người tin Chúa như Francis Bacon cũng có thể làm tốt điều này. Và thực sự, người Cơ Đốc và Do Thái giáo chiếm 85% số người đoạt giải Nobel, giải thưởng danh giá nhất thế giới được trao cho những người được xem là đã đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại (xem [7]). Khoa học của người vô thần với thuyết tiến hóa, Big Bang là khoa học Duy Lý, chỉ là suy diễn lý luận chuyện hàng trăm ngàn hàng chục tỷ năm trước, chẳng giúp ý gì cho con người. Và quả thật, người vô thần chiếm 35% số giải Nobel lĩnh vực văn học nhưng chỉ chiếm bình quân 6% các lĩnh vực khác (xem [8]). Điều này cho thấy người vô thần giỏi nhất là kể chuyện.

Tài Liệu Tham Khảo

[1] Francis Bacon
https://en.wikipedia.org/wiki/Francis_Bacon
[2] Of Atheism
https://www.bartleby.com/lit-hub/reference/of-atheism/ 

[3] Fine-tuned universe

https://en.wikipedia.org/wiki/Fine-tuned_universe

[4] Có phải có “hữu cơ” nghĩa là có sự sống? Thế nào là vật chất sống?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/24/co-phai-co-huu-co-nghia-la-co-su-song-the-nao-la-co-su-song/ 

[5] Hiệu ứng Dunning Kruger
https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Dunning%E2%80%93Kruger_Effect_01.svg 

[6] CÁC BIẾN ĐỔI XÃ HỘI ĐẦY QUYỀN NĂNG CỦA CUỘC CẢI CÁCH TIN LÀNH
https://hoithanh.com/57238/cac-bien-doi-xa-hoi-day-quyen-nang-cua-cuoc-cai-cach-tin-lanh.html 

[7] Có phải tôn giáo là đối nghịch với khoa học?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/28/co-phai-ton-giao-la-doi-nghich-voi-khoa-hoc/

[8] Danh sách người vô thần đoạt giải Nobel
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_nonreligious_Nobel_laureates