Những Điểm Giống Nhau Và Khác Nhau Giữa Phật A Di Đà Và Chúa Giê-xu
Phật A Di Đà và Chúa Giê-xu
“Nam mô A Di Đà Phật”, câu nói quen thuộc này có nghĩa là quyết vâng theo Phật A Di Đà [1]. Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, nhưng A Di Đà mới là phật mà người Việt Nam tụng niệm, là chủ của Tây Phương Cực Lạc mà người ta mong đến. Khi tìm hiểu về Phật A Di Đà, tôi ngạc nhiên khi thấy ông có nhiều điểm giống Chúa Giê-xu đến kỳ lạ. Bài này sẽ trình bày Phật A Di Đà là ai, cùng những điểm giống nhau và khác nhau giữa niềm tin cứu rỗi trong danh Phật A Di Đà và Chúa Giê-xu.
Bảng Nội Dung
I. Phật A Di Đà Là Ai?
Phật A Di Đà được miêu tả trong kinh Vô Lượng Thọ [2] (tóm tắt [3]) và trong kinh Bi Hoa [4], với tượng phật cổ nhất phát hiện vào năm 173 [5]. Sự tích Phật A Di Đà kể ông xuất thân ở cõi Tản Đề Lam thế giới (khác với thế giới ta sống là cõi Ta Bà), ở hằng sa số kiếp trước, vốn là Chuyển Luân Thánh Vương thống lãnh cả Đông Tây Nam Bắc, tên là Vô Tránh Niệm [4]. Kinh Vô Lượng Thọ thì nói ông tên Thế Nhiêu, xuất gia tu hành thành tỳ kheo Pháp Tạng [2]. Ông đã tu vô lượng kiếp, đạt trí huệ vô lượng quang, và công đức vô lượng thọ [3][4]. Giữa Pháp Hội Thánh Chúng, ông làm 48 phát nguyện tạo ra cõi Tây Phương Cực Lạc với miêu tả như sau:
“…Cõi tịnh độ này có cây báu khắp nước, đạo tràng cây Bồ Đề cao bốn trăm vạn dặm. Giảng đường tinh xá cũng do bảy báu hóa thành, khắp nơi đều giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, quá chiếu tọa thiền. Suối ao công đức thơm tho trong suốt, đáy trải cát vàng, quanh bờ cây trái tươi tốt…Các chúng sinh dung sắc vi diệu, đồng cùng một loại, dung nhan tươi sáng không đâu bì kịp. Cung điện chỗ ở, áo quần ăn uống như cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Các chúng sanh được vãng sinh về Cực Lạc đều được sắc thân vi diệu, hình mạo đoan nghiêm, trí huệ sáng suốt, phước đức vô lượng, thọ dụng đầy đủ, gió nước mưa hoa…” [3]
Sau khi Phật A Di Đà tạo ra cõi Tây Phương Cực Lạc rồi thì chúng sinh không cần phải tu hành đời đời kiếp kiếp để thoát khỏi luân hồi nữa. Họ chỉ cần “siêng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, đem tâm thanh tịnh hướng đến đức Phật cho đến mười niệm, nguyện được vãng sanh nước ngài thì khi mạng chung thấy Phật A Di Đà, được sanh về Cực Lạc” [3]. Họ được cứu bởi đức tin vào danh Phật A Di Đà, được vào cõi Tây Phương Cực Lạc không phải bởi trí huệ công đức của mình, mà là bởi trí huệ công đức vô lượng của Phật A Di Đà. Việc công đức họ làm chỉ để thể hiện lòng thành tín, không phải để tự giải thoát [6].
Phật Thích Ca, tôn giả A Nan Ca Diếp, cùng mọi người ở đại hội đều ca ngợi công đức này [2]. Phật A Di Đà đã biến đổi Phật Giáo từ nỗ lực tu tập cá nhân để thoát khỏi luân hồi thành sự cứu rỗi về Tây Phương Cực Lạc trong danh Phật A Di Đà. Đây là Tịnh Độ tông [7], phiên bản Phật Giáo phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam, những nơi niệm “nam mô A Di Đà Phật”.
II. Những điểm giống nhau giữa Phật A Di Đà và Chúa Giê-xu
Hình ảnh của cõi Tây Phương Cực Lạc (trái) và Thiên Đàng (phải)
1. Xuất hiện rất gần nhau trong lịch sử:
Chúa Giê-xu sinh vào năm 1. Tượng Phật A Di Đà cổ nhất phát hiện là năm 173 [5]. Vì từ lúc xuất hiện đến lúc được tạc tượng phải một thời gian, nên thời điểm xuất hiện là rất gần nhau.
2. Đều có xuất xứ từ xa xưa, từ một thế giới khác, và là vương thế giới đó:
Chúa Giê-xu đã có từ ban đầu (Giăng 1:1-2, 5:8), từ thế giới thiên đàng (Giăng 3:13), và là vương thiên đàng (con trai Đức Chúa Trời tối cao – Mác 5:7). Phật A Di Đà có xuất xứ từ hằng sa kiếp trước, ở cõi Tản Đề Lam thế giới, là (Chuyển Luân) Thánh Vương thống lãnh cả 4 xứ Đông Tây Nam Bắc ở đó [4]
3. Đều được gọi là ánh sáng cho thế gian:
Ánh sáng đại diện cho sự soi dẫn, đường đi, hiểu biết, trí tuệ. Kinh Thánh gọi Chúa Giê-xu là ánh sáng của thế gian (Giăng 1:3, 1:9), “Ta là ánh sáng của thế gian, người nào theo Ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12). Chữ A Di Đà có nghĩa là ánh sáng vô lượng [8] nên Phật A Di Đà dịch ra là Phật Ánh Sáng Vô Lượng. Kinh Vô Lượng Thọ nói chúng sinh nào thấy hay chạm vào quang minh của Phật A Di Đà sẽ được an lạc, ai khởi tâm làm lành sẽ được vãng sanh về nước Phật [3].
4. Đều có quyền năng tạo hóa:
Kinh Thánh nói Chúa Giê-xu là Ngôi Lời (Giăng 1:1-3), tức thực thể thông minh (intelligent being) có quyền năng tạo hóa đã dựng nên thế giới này [10]. Kinh Phật nói Phật A Di Đà đã tu vô lượng kiếp nên có công đức quyền năng vô lượng để tạo ra cõi Tây Phương Cực Lạc [3].
5. Đều đem đến sự cứu rỗi trong danh mình và cứu vào nước mình:
Kinh Thánh nói ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu (Rô-ma 10:13, Công Vụ 2:21) nhờ giao ước mới về sự cứu chuộc trong huyết Chúa Giê-xu (Lu-ca 22:20, Ma-thi-ơ 2:28). Họ sẽ được tha thứ, không bị phán xét vì tội lỗi nữa, mà được vào nước Thiên Đàng. Kinh Vô Lượng Thọ nói ai “siêng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, đem tâm thanh tịnh hướng đến đức Phật cho đến mười niệm, nguyện được vãng sanh nước ngài thì khi mạng chung thấy Phật A Di Đà, được sanh về Cực Lạc” [3], không bị phán xét tội nghiệp khi luân hồi sang kiếp sau.
6. Đều biến đổi việc vào thiên đàng từ nhờ nỗ lực cá nhân sang được cứu bởi đức tin:
Trước Chúa Giê-xu có Cựu Ước là việc giữ theo các điều luật Đức Chúa Trời sao cho không phạm tội nào. Việc này khó khăn đến nỗi ai cũng thất bại. Chúa Giê-xu đã sống một cuộc đời thánh sạch vô tội, làm trọn Cựu Ước, rồi chịu chết trên thập tự giá để lấy mạng mình chuộc mạng những ai tin nhận Ngài. Từ đó mở ra Tân Ước khi con người được tha mọi tội lỗi và vào thiên đàng nhờ tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu (Lu-ca 22:19-20).
Trước Phật A Di Đà là Tiểu Thừa, khi chúng sinh phải tự tu tập tích lũy công đức để kiếp sau được tiến hóa lên cấp cao hơn trong luân hồi, nếu không sẽ bị suy hóa [9]. Đây là việc khó khăn và dễ sa ngã. Phật A Di Đà đã tu vô lượng kiếp, đạt quyền năng công đức vô lượng, rồi tạo ra cõi Cực Lạc. Từ đó mở ra Tịnh Độ Tông khi chúng sanh thoát khỏi luân hồi không nhờ công đức tu tập của chính mình nữa, mà nhờ sự cứu giúp của Phật A Di Đà [7].
III. Những điểm khác nhau giữa Phật A Di Đà và Chúa Giê-xu:
1. Phật A Di Đà theo thuyết thế giới luân hồi, còn Chúa Giê-xu theo thuyết sáng tạo.
Thuyết Luân Hồi [9]
Dẫu có mô-típ giống nhau đến lạ, Phật A Di Đà và Chúa Giê-xu theo hai thuyết khác biệt về cách thế giới được tạo ra và vận hành:
Phật A Di Đà theo thuyết luân hồi [9], rằng thế giới tự tồn tại và luôn tồn tại (tự hữu hằng hữu). Thế giới đã qua hằng hà sa số kiếp và gồm có nhiều cõi, như cõi trời, thần, người, thú, ma (ngạ quỷ), quỷ (địa ngục). Các sinh linh sau khi chết sẽ đầu thai sang kiếp khác ở cõi khác. Tùy vào đức hay nghiệp ở kiếp này mà kiếp sau sẽ được tiến hóa lên cấp cao hơn, hay bị thoái hóa. Vậy nên Phật A Di Đà sau khi tu vô lượng kiếp, đã đạt trí huệ vô lượng quang và công đức vô lượng thọ, thì có quyền năng sáng thế, có thể tạo ra cõi Tây Phương Cực Lạc để cứu linh hồn, giúp chúng sinh thoát khỏi luân hồi về đó hưởng phước đời đời.
Chúa Giê-xu theo thuyết sáng tạo, rằng thế giới này được tạo dựng và vận hành bởi Ngôi Lời [10] là Đức Chúa Trời (Giăng 1:1-3, Sáng Thế Ký 1). Vậy nên Chúa là Đấng Tạo Hóa, là chủ, và có thẩm quyền buộc mọi tạo vật phải sống theo luật của Mình tức luật Trời. Sai luật Trời là phạm tội lỗi, và “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Nhưng “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:32), vậy nên “theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét.” (Hê-bơ-rơ 9:27). Sau khi chết không có đời sau, không có tiến hóa hay suy hóa, mà linh hồn sẽ về gặp Đấng Tạo Hóa của mình mà chịu phán xét (Truyền Đạo 12:7)
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Đức Chúa Trời không muốn con người bị phán xét và chết trong tội lỗi như vậy, nên đã cho Chúa Giê-xu đã xuống thế gian, sống một đời sống hoàn hảo, không phạm tội nào, rồi lấy mạng sống vô tội của Mình làm của tế lễ chuộc tội cho tất cả (1 Giăng 2:2). Nhờ đó, ai tin nhận Chúa Giê-xu sẽ được cứu chuộc khỏi tội lỗi, được xem là vô tội, không bị phán xét trừng phạt nữa, mà được sống đời đời với Ngài.
Thuyết sáng thế – vũ trụ, trái đất, và sự sống được thiết kế tạo dựng bởi Ngôi Lời [10]
2. Phật A Di Đà là một sự tích, còn Chúa Giê-xu có thật trong lịch sử:
Phật A Di Đà không phải là nhân vật lịch sử. Chuyện về ông là một sự tích “về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện Trì… tại cõi Tản Đề Lam thế giới” [4]. Cõi Tản Đề Lam là một thế giới khác với cõi Ta Bà thế giới chúng ta. Một đại kiếp là 1 tỷ 334 triệu năm, đại kiếp Thiện Trì cách của ta không biết bao nhiêu đại kiếp. Vậy nó là chuyện ở một thế giới khác, cách đây không biết bao nhiêu tỷ năm, ở hằng hà sa số kiếp trước. Tượng Phật A Di Đà cổ nhất ta biết xuất hiện năm 173 sau công nguyên [5].
Còn Chúa Giê-xu là một người có thật trong lịch sử. Chuyện Chúa Giê-xu gắn liền với làng Bết-lê-hem vùng Giu-đê, thành Giê-ru-sa-lem, sinh vào thời trị vì của vua Hê-rốt, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát… Tất cả đều là những địa điểm và nhân vật có thật trong lịch sử vào thế kỷ 1. Chúng ta có đầy đủ sử sách cùng các cổ vật để khẳng định họ tồn tại [11].
3. Phật A Di Đà không có bằng chứng thực tế lịch sử chứng minh quyền năng siêu nhiên của mình, còn Chúa Giê-xu thì có sự phục sinh và ngôi mộ trống:
Kinh và sự tích về Phật A Di Đà [2][3][4] chỉ kể việc ông phát nguyện, tu đời đời kiếp kiếp thành chánh quả, rồi tạo ra cõi Tây Phương Cực Lạc. Đến nay chưa có bằng chứng thực tế lịch sử được ghi chép nào để chứng minh quyền năng siêu nhiên của Phật A Di Đà.
Sự phục sinh và ngôi mộ trống – bằng chứng thực tế lịch sử không thể chối cãi về quyền năng siêu nhiên chiến thắng sự chết của Chúa Giê-xu [14]
Chúa Giê-xu có bằng chứng thực thực tế lịch sử chứng minh quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết: đó là sự phục sinh và ngôi mộ trống. Kinh Thánh ý thức rất rõ rằng không ai có thể làm chuyện siêu nhiên trừ khi người đó đến từ Đức Chúa Trời và được Ngài xác nhận bằng những việc siêu nhiên (Giăng 9:31-33). Vậy nên nếu Chúa Giê-xu đã không sống lại (như mọi nhà sáng lập tôn giáo khác), thì sẽ không có căn cứ chứng minh Chúa đến từ Đức Chúa Trời và có quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết. Khi đó, niềm tin Cơ Đốc sẽ cũng chỉ là thứ giả dối vô ích::
“Và nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích. Nếu người chết thật sự không sống lại thì chúng tôi bị xem như làm chứng dối về Đức Chúa Trời; vì chúng tôi đã làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã khiến Đấng Christ sống lại, trong khi Ngài không khiến Đấng Christ sống lại.” (I Cô-rinh-tô 15:14-15)
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu không xảy ra từ thời huyền thoại chưa có chữ viết, hay từ hằng sa kiếp trước ở một thế giới khác. Nó xảy ra giữa 3 nền văn minh La Mã, Hy Lạp, Do Thái nổi tiếng tri thức. Sách Lu-ca chính là nghiên cứu tìm hiểu của bác sĩ Lu-ca gửi cho nhà quý tộc Thê-ô-phi-lơ để ông xem chuyện có đáng tin không (Lu-ca 1:1-4). Theo phương pháp nghiên cứu lịch sử, sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự kiện lịch sử thực sự đã xảy ra, với độ tin cậy hơn hẳn các sự kiện lịch sử khác như việc Julius Caesar bị áp sát, vì số lượng bản thảo ghi chép rất nhiều, rất gần với sự kiện, và những người làm chứng là không tư lợi, sẵn sàng chết cho lời chứng của mình [12]. Nó được chứng nhận bởi các sử gia không tin Chúa như Flavius Josephus trong sách “Antiquities of the Jews”, Kinh Talmud Babylon phần (Công luận 43a), Các Thư Tín của Pliny trẻ (đoạn 10:96) [13]. Đây là một sự kiện không thể làm giả hay gian dối vì [14]:
1. Sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu đã được tiên tri trong Cựu Ước, như lời tiên tri về đấng Ê-ma-nu-ên ghi trong sách Ê-sai từ hơn 800 năm trước khi Chúa sinh ra [15]
2. Chính Chúa Giê-xu đã nói tiên tri về sự sống lại của Ngài (Mác 8:31-33, 9:30-32, 10:32-34, Ma-thi-ơ 16:21-28, Matthew 20:17-19)
3. Việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh là một sự kiện lịch sử được ghi lại trong sử sách [13]
4. Mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem đều thấy ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu, người họ vừa thấy bị đóng đinh và chôn ở đó. Đây không phải là chuyện từ hằng sa kiếp trước ở cõi khác không thể xác thực.
5. Những người chống nghịch phải nói dối cách vụng về tại sao xác Chúa biến mất (Ma-thi-ơ 28:12-15)
6. Đời sống của các môn đồ được biến đổi sau sự kiện Chúa phục sinh. Họ sẵn sàng chịu ngục tù và cả cái chết mà làm chứng rằng Chúa đã sống lại. Người ta có thể chết cho điều họ nghĩ là đúng, nhưng chẳng ai chết cho điều mình biết là gian dối.
7. Chúa Giê-xu hiện ra với nhiều kẻ thù nghịch và cả những kẻ chống đối Ngài, như Sau-lơ, khiến ông từ một người bắt bớ Cơ Đốc nhân trở thành sứ đồ dành cả đời chia sẻ về Chúa.
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là bằng chứng của sự sống lại cho những ai thuộc về Ngài: “Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; đến ngày Đấng Christ hiện ra, những người thuộc về Ngài sẽ sống lại.” (1 Cô-rinh-tô 15:23)
Tổng Kết
“Nam mô A Di Đà Phật”, câu nói quen thuộc này có nghĩa là quyết vâng theo Phật A Di Đà. Theo Tịnh Độ Tông, nhánh Phật giáo phổ biến ở Đông Á và Việt Nam, Phật A Di Đà là người đã tạo ra và làm chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc, mở ra con đường cứu rỗi khỏi luân hồi cho linh hồn không phải bởi việc làm công đức của mình, mà bởi đức tin vào danh Phật. Chữ A Di Đà có nghĩa là ánh sáng vô lượng [8], nên Phật A Di Đà dịch ra là Phật Ánh Sáng.
Phật A Di Đà có nhiều điểm giống Chúa Giê-xu đến kỳ lạ:
(1) Cả hai xuất hiện gần như cùng thời điểm lịch sử, vào thế kỷ thứ 1.
(2) Đều có xuất xứ từ xa xưa, từ một thế giới khác, đều là vương thế giới đó.
(3) Đều được gọi là ánh sáng cứu rỗi
(4) Đều có quyền năng tạo hóa
(5) Đều đem đến sự cứu rỗi trong danh mình, bởi việc làm của mình
(6) Đều đổi việc vào thiên đàng từ nhờ nỗ lực cá nhân sang được cứu bởi đức tin.
Chỉ khác là Phật A Di Đà theo thế giới quan luân hồi, còn Chúa Giê-xu theo thế giới quan sáng thế. Sứ đồ Thomas đến Ấn Độ và năm 52 và mở ở đó một nhánh hội thánh Cơ Đốc còn tồn tại đến ngày nay [16]. Như vậy người Ấn Độ đã biết chuyện Chúa Giê-xu từ năm 52, còn tượng Phật A Di Đà cổ nhất là năm 172. Có vẻ như có ai đó đã nghe chuyện về Chúa Giê-xu, lấy mô-típ đấng có từ xa xưa, là vương từ thế giới khác, là ánh sáng tạo hóa toàn năng, cho sự cứu rỗi bởi đức tin… chỉnh sửa lại theo văn hóa thế giới quan luân hồi của Ấn Độ, bỏ các chi tiết kỳ lạ như bị đóng đinh trên thập tự giá, rồi viết ra sự tích Phật A Di Đà. Chuyện du nhập và bản địa hóa 1 thần mới là hay xảy ra trong văn hóa đa thần như Ấn Độ, TQ, La Mã, Hy Lạp… Điều này có thể giải thích sự giống nhau đến kỳ lạ, cũng như thời điểm xuất hiện gần nhau giữa Phật A Di Đà và Chúa Giê-xu.
Điểm khác biệt là chuyện Phật A Di Đà là một sự tích “về khoảng hằng sa kiếp trước…tại cõi Tản Đề Lam thế giới” [4], không thuộc về cõi Ta Bà thế giới chúng ta, và cũng không có bằng chứng lịch sử ghi chép về quyền năng của Phật. Còn chuyện Chúa Giê-xu là chuyện có thật trong lịch sử, xảy ra ở những địa điểm có thật như vùng Giu-đê, thành Giê-ru-sa-lem, liên quan tới những người có thật như vua Hê-rốt, quan Bôn-xơ Phi-lát. Và sự phục sinh cùng ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu là bằng chứng thực tế lịch sử chứng minh Chúa Giê-xu đến từ Đức Chúa Trời và có quyền năng siêu nhiên để phục sinh. Đây là một trong những sự kiện lịch sử đáng tin cậy nhất theo phương pháp nghiên cứu lịch sử [12], được xác nhận bởi cả những sử gia không tin [13], và là một sự kiện không thể làm giả hay gian dối [14].
“Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1). Như khi một em bé nói “ba sẽ đến đón cháu”, tin là điều ta chưa thấy nhưng trông mong, hy vọng, tin tưởng đến mức biết chắc cách vững vàng rằng nó sẽ xảy ra. Vì niềm tin mang tính cá nhân và chưa thấy được, mỗi người tin mỗi kiểu. Nếu ta tin đúng, chuyện sẽ xảy ra như ta mong đợi. Còn nếu ta tin sai, niềm tin đó là vô ích, và mọi công sức tiền bạc ta đổ vào nó sẽ ra vô ích. Chuyện càng quan trọng, ta càng phải so sánh chọn lựa cẩn thận điều mình tin, xem xét thật kỹ chứng cớ của nó, để được như mong đợi và tránh ra vô ích [17]
Tin không thể chắc 100% như khi đã thấy, nhưng niềm tin càng có nhiều bằng chứng thực tế sẽ càng đáng tin. Như em bé trên tin vì từ khi đi học đến giờ, chiều nào ba em cũng đến đón, dù có thể muộn. Vậy nên niềm tin của em rất đáng tin. Bằng chứng thực tế càng nhiều, ở thời gian địa điểm càng gần, càng có nhiều người xác thực, càng ít suy diễn thì sẽ càng đáng tin. Chuyện Phật A Di Đà và chuyện Chúa Giê-xu dẫu có mô-típ giống nhau đến lạ, nhưng về mặt bằng chứng thực tế lịch sử thì lại rất khác. Ta hãy cẩn thận suy xét xem ai đáng tin hơn để trao gởi linh hồn mình. Tin đúng làm đúng sẽ được điều ta trông mong, còn tin sai thì sẽ ra vô ích.
Richard Huynh
Bài đọc thêm
- Từ Thầy Chùa Đến Giang Hồ Thái Lan, Ân Điển Chúa Làm Tôi Tan Vỡ
- Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca Đến Đấng Christ
Cảm nghĩ của người viết
Tôi từ nhỏ đã đọc chuyện về cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni, rất ấn tượng bởi cuộc đời và ghi khắc những lời dạy của ông, tư tưởng Tứ Diệu Đế diệt khổ diệt tham muốn, cùng Bát Chánh Đạo nhìn đúng nghĩ đúng làm đúng nói đúng sống đúng v.v… [18]. Tôi hồi nhỏ cũng thờ phật, đi chùa… nhưng giờ tôi mới biết về Phật A Di Đà, sự cứu rỗi về Tây Phương Cực Lạc trong danh Phật A Di Đà, và biết câu “Nam mô A Di Đà Phật” quen thuộc có nghĩa là quyết vâng theo Phật A Di Đà (tôi nghĩ nó như kiểu “Phật ơi”, thay cho “Trời ơi”). Thế mới thấy có những thứ ta quen thuộc từ nhỏ nhưng thật ra mình chẳng hiểu gì hết.
Ngoài ra giờ tôi mới biết việc thờ cúng ông bà thật ra là trộn lẫn giữa Phật giáo và phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên của tín ngưỡng bản địa (niềm tin linh hồn – animism) [19]. Theo Phật Giáo Nam Tông thì người chết lập tức tái sinh chuyển kiếp tùy theo nghiệp [19]. Theo Phật Giáo Bắc Tông thì sau khoảng thời gian tối đa 49 ngày sẽ phải tái sinh chuyển kiếp [19]. (Theo kinh Địa Tạng Bồ Tát [20] thì 49 ngày này để đợi người kế tự trên dương gian làm việc công đức để thêm công bù nghiệp. Sau 49 ngày là chốt sổ, cứ theo đó mà xét kiếp sau đi đâu.) Linh hồn đã chuyển kiếp rồi thì không có ở ban thờ để ăn uống hay nghe lời cầu khấn gì nữa. Việc thờ cúng ông bà chỉ để tôn trọng phong tục sẵn có, bày tỏ lòng hiếu thảo biết ơn, và hồi hướng [19]. Có điều nếu đã niệm nam mô A Di Đà Phật, xin được cứu rỗi về Tây Phương Cực Lạc bởi công đức vô lượng của Phật A Di Đà, thì sao phải lo vụ tái sinh chuyển kiếp sau 49 ngày? Có lẽ đây là chiến lược chắc ăn 3 lớp: (1) được Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc thì quá tuyệt, (2) không thì nhờ con cháu thêm công bù nghiệp 49 ngày để được tái sinh sang kiếp tốt, (3) không nữa, lỡ thành linh hồn ở lại thì cũng còn bàn thờ để ăn, không bị thành linh đói.
Mà nói về để tỏ lòng biết ơn, ta cần phải tôn thờ và biết ơn ông Trời hơn nữa, vì Ngài đã tạo dựng trái đất và loài người (Sáng Thế Ký 1-2), cho nắng cho mưa (Ma-thi-ơ 5:45), cho cây trái mùa vụ (Công Vụ 14:17) v.v… Và ông Trời thì thật có nghe lời cầu nguyện. Nghiên cứu về Thượng Đế – ông Trời chính là Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh [21]
Còn một điều là hồi đó tôi đọc về cuộc đời Phật Thích Ca, ghi khắc tư tưởng Tứ Diệu Đế diệt khổ bằng diệt tham muốn, luyện Bát Chánh Đạo nghĩ đúng làm đúng sống đúng… “Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ. Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ. Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập. Do vậy, này Vị đạo sĩ, Ta là Phật” (Trung bộ kinh, kinh Brahmàyu). Nghe có vẻ hay, và thật ích lợi vì giúp thoát khổ. Lớn lên rồi tôi mới thấy bể học là vô biên, tham muốn nằm trong bản chất tội lỗi của xác thịt, chỉ có thể kiềm chế không thể loại bỏ, và có tu tập mấy thì sức người vẫn có hạn. Để sống bình an giữa bể khổ cuộc đời, ta cần sự cứu rỗi, sự giúp đỡ từ Đấng siêu nhiên. Từ đó tôi đã tìm hiểu và đến với Đấng Christ [18].
Giả sử lúc đó nếu thay vì đọc về cuộc đời Phật Thích Ca, tôi đọc sự tích Phật A Di Đà, được kể về Tây Phương Cực Lạc, và niệm “nam mô A Di Đà Phật” sẽ được vãng sanh ở đó, thì tôi sẽ ra sao? Có lẽ tôi sẽ niệm thôi, việc nhẹ lương cao, mất công một chút mà được phước hạnh đời đời, làm chút chuyện công đức để tỏ lòng thành tín là đủ. Nhưng tôi sẽ không có ý thức diệt khổ, diệt tham muốn, học nghĩ đúng sống đúng làm đúng… không có ý thức biết rõ những gì cần biết rõ, từ bỏ những gì cần từ bỏ, tu tập những gì cần tu tập.
Đây là vấn đề của được cứu bởi đức tin, như niệm nam mô A Di Đà Phật là được vào Tây Phương Cực Lạc, hay chỉ tin danh Chúa Giê-xu là được cứu. Nó dễ khiến ta thấy mọi chuyện quá đơn giản dễ dàng, việc nhẹ lương cao đến vô lý, hay không có gì để học hỏi. Chỉ những ai thử đường tu luyện mới hiểu nó khó thế nào, và thấy giá trị có sự cứu rỗi. Người được cứu rỗi sẽ an tâm biết ơn mà rèn luyện, vì họ được đảm bảo sự hoàn thiện, và họ không phải lo lắng hay trở nên gắt gỏng tự kiêu với những thành tựu của mình.
Chúa Giê-xu đến không chỉ để cứu rỗi vào thiên đàng, “Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn” (Giăng 10:10b). Vậy nên bên cạnh chia sẻ về sự tha tội và cứu rỗi bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu, Cơ Đốc nhân cũng nên nhớ đến giá trị và tầm quan trọng của việc rèn luyện nếp sống Cơ Đốc để đạt sự sống sung mãn trong Chúa: (1) học hỏi đường lối khôn ngoan trong Lời Chúa, (2) tìm kiếm sự giúp đỡ dẫn dắt chia sẻ của Chúa qua sự cầu nguyện, và (3) bình an nương nhờ sự bảo vệ chu cấp của Chúa.
Bài Tham Khảo
[1] Vì sao người Việt chắp tay và niệm ‘Nam mô a di đà Phật’ khi cúng bái?
https://thanhnien.vn/vi-sao-nguoi-viet-chap-tay-va-niem-nam-mo-a-di-da-phat-khi-cung-bai-1851054186.htm
[2] Kinh Vô Lượng Thọ
https://phatgiao.org.vn/kinh-vo-luong-tho-tron-bo-48-pham-ban-tieng-viet-de-doc-d70575.html
[3] Tóm tắt kinh Vô Lượng Thọ
https://www.vnctongiao.org/kinh-vo-luong-tho-y-nghia-va-cach-tung-hieu-qua/
[4] Sự tích Phật A Di Đà
https://phatgiao.org.vn/su-tich-duc-phat-a-di-da-d42906.html
[5] On the origins of Mahāyāna Buddhism
https://web.archive.org/web/20130612150915/http://old.ykbi.edu.tw/htm/ykbi16/ykbi16_1.pdf
[6] Làm gì để được vãng sinh Tây phương Cực Lạc? (P1)
https://phatgiao.org.vn/lam-gi-de-duoc-vang-sinh-tay-phuong-cuc-lac-p1-d21949.html
[7] Tịnh độ tông https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%8Bnh_%C4%91%E1%BB%99_t%C3%B4ng
[8] Phật A Di Đà
https://vi.wikipedia.org/wiki/A-di-%C4%91%C3%A0
[9] Luân hồi
https://vi.wikipedia.org/wiki/Lu%C3%A2n_h%E1%BB%93i
[10] Đằng Sau Thế Giới Vật Chất: Toán Học, Thông Tin, Ngôi Lời, Và Linh Hồn
https://bachkhoa.name.vn/2024/02/25/dang-sau-the-gioi-vat-chat-toan-hoc-thong-tin-ngoi-loi-va-linh-hon/
[11] Pontius Pilate
https://www.worldhistory.org/Pontius_Pilate
[12] Phương Pháp Nghiên Cứu Lịch Sử Khiến Tôi Tin Về Cái Chết Của Caesar Và Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu
https://bachkhoa.name.vn/2024/03/24/phuong-phap-nghien-cuu-lich-su-khien-toi-tin-ve-cai-chet-cua-julius-caesar-va-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu/
[13] Có thật Chúa Giê-xu đã tồn tại không? Có bằng chứng lịch sử nào về Chúa Giê-xu?
https://www.gotquestions.org/Viet/Chua-Gie-Su-da-ton-tai.html
[14] 7 điều chứng tỏ sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự thật
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/04/7-dieu-chung-to-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu-la-su-that/
[15] Em-Ma-Nu-Ên, Phúc Âm Theo Lời Tiên Tri Của Ê-Sai 800 Năm Trước Chúa Giê-Xu
https://bachkhoa.name.vn/2021/02/20/em-ma-nu-en-phuc-am-theo-loi-tien-tri-cua-e-sai-800-nam-truoc-chua-gie-xu/
[16] Tin Và Thấy P2: Làm Sao Chọn Lựa Điều Tốt Nhất Để Tin? Niềm Tin Nào Đáng Tin Nhất Về Sự Sống Đời Sau?
https://bachkhoa.name.vn/2024/08/31/tin-va-thay-p2-lam-sao-chon-lua-dieu-tot-nhat-de-tin-niem-tin-nao-dang-tin-nhat-ve-su-song-doi-sau/
[17] Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca Đến Đấng Christ
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/tu-nha-thong-thai-xu-thich-ca-den-dang-christ/
[18] Ý NGHĨA THỜ CÚNG TỔ TIÊN THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO
https://thuvienhoasen.org/a30028/y-nghia-tho-cung-to-tien-theo-quan-diem-phat-giao
[19] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện
https://phatgiao.org.vn/kinh-dia-tang-bo-tat-bon-nguyen-d48900.html
[20] Người Hoa cổ đại nói gì về Thượng Đế (ông Trời)?
https://bachkhoa.name.vn/2023/08/06/nguoi-hoa-co-dai-noi-gi-ve-thuong-de-ong-troi/