Tin Và Thấy P2: Làm Sao Chọn Lựa Điều Tốt Nhất Để Tin? Niềm Tin Nào Đáng Tin Nhất Về Sự Sống Đời Sau?
Như đã nói ở phần 1 [1], “đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1). Khi một em bé nói “Ba sẽ đến đón cháu”, em thể hiện đức tin – sự tin tưởng, hy vọng, trông mong, và biết chắc vững vàng việc ba mình sẽ đến đón dù em chưa thấy. Tin nghĩa là ta hy vọng, trông mong, tin tưởng, và biết chắc vững vàng vào một điều dù mình chưa thấy.
Mọi chuyện trong cuộc sống đều đòi hỏi ta cần tin điều gì đó để hành động. Em bé cần tin ba sẽ đến đón để yên tâm học hành. Nhân viên cần tin cuối tháng sẽ có lương để làm việc. Doanh nhân cần tin dự án sẽ có lời để đầu tư. Bệnh nhân cần tin lời bác sĩ để uống thuốc trị bệnh. Họ đều “tin” nên làm dù chưa “thấy”. Không tin, không làm sẽ không được gì, để lâu có khi bị điều xấu, như không có tiền, bệnh trở nặng. Dẫu vậy, cũng có chuyện dự án đầu tư thua lỗ, bác sĩ chữa bệnh không khỏi. Niềm tin không thành sự thật là niềm tin vô ích, mọi công sức tiền bạc đổ vào nó sẽ vô ích. Vậy nên chọn đúng điều để tin góp phần quyết định ta thành hay bại.
Có vô số điều khác nhau để tin, mỗi người tin mỗi kiểu, vậy làm sao ta có thể so sánh chọn lựa điều tốt nhất để tin? Và chúng ta ai rồi cũng sẽ chết. Có nhiều niềm tin về đời sau, từ vô thần, luân hồi, Cơ Đốc giáo… làm sao ta có thể chọn điều tốt nhất để đặt cược số phận đời sau hay thậm chí là đời đời của mình?
Bảng Nội Dung
I. Làm Sao Để Chọn Lựa Điều Tốt Nhất Để Tin?
Giữa vô số ý tưởng, vô số điều người ta nói, làm sao ta chọn lựa được điều tốt nhất để tin? Muốn chắc chắn 100% thường không thể, ai biết hẳn sẽ giàu to từ chứng khoán. Dẫu vậy, ta cần có trách nhiệm suy nghĩ chọn lựa điều có kỳ vọng đạt được tốt nhất. Tính toán chi tiết thì phức tạp, nhưng tổng quát có 5 cách căn bản để so sánh chọn lựa điều để tin như sau:
1. Tin theo thói quen hay truyền thống
Cách này là trước tin sao nay tin vậy. Đây là cách chọn lựa thoải mái nhất vì ta cứ sống theo điều mình quen thuộc, đỡ phải thay đổi học cái mới.
Tuy nhiên, nó dễ khiến ta lẩn quẩn trong những điều sai lầm lạc hậu. Giả sử ta sinh ra trong một bộ tộc ăn thịt người, chẳng lẽ lại cứ trước sao nay vậy? Hay nếu một chiến lược làm ăn thất bại, chẳng lẽ mình cứ theo nó mãi? Ta quen dùng cung tên mà người đã có súng ống, nếu cứ giữ theo thói quen truyền thống của mình sẽ chỉ lụn bại.
Vậy nên ta phải so sánh giữa thói quen truyền thống của mình với những cái mới mà chọn điều tốt hơn để có kết quả tốt hơn.
2. Tin theo uy tín thẩm quyền
Minh họa buổi thuyết trình của một chuyên gia
Cách này là tin theo lời thầy cô, chuyên gia, nhà khoa học, báo đài, lãnh đạo, hay “mọi người”. Nó là cách ta được dạy từ nhỏ và là cách xã hội vận hành (con cái vâng lời ba mẹ thầy cô, cấp dưới nghe theo cấp trên, quân sĩ tuân lệnh chỉ huy). Nó dễ dàng, đỡ mất công tìm hiểu suy nghĩ, nhưng khá hiệu quả. So với ta, họ thường giỏi hơn, hiểu biết hơn, nên cũng dễ đúng hơn.
Tuy nhiên, đi nhiều, biết rộng sẽ thấy các bậc uy tín thẩm quyền mỗi nơi nói một kiểu, trước thế này sau thế khác, và có khi cũng ra sai. Đi 3 bác sĩ có khi được chẩn đoán 3 bệnh hay 3 cách chữa khác nhau. Các chuyên gia chứng khoán thì dự đoán nhiều hướng với độ tin cậy cỡ dự báo thời tiết. Nhà khoa học thì định tuổi vũ trụ lúc 11.5 tỷ năm lúc 27 tỷ năm [2], và đá núi lửa St Helen tạo thành từ vụ phun trào 10 năm trước lại định ra 300 ngàn đến 3 triệu năm tuổi [3]. Thật sự thì nhiều chuyên gia cũng chỉ nói lại lời cấp trên hay thầy mình, nên nếu người đi trước sai sẽ sai cả chuỗi, “nếu người mù dắt người mù thì cả hai đều ngã xuống hố.” (Ma-thi-ơ 15:14). Một số chuyên gia còn quan tâm đến tiền tài sự nghiệp của họ hơn là lẽ thật hay lợi ích của ta.
Vậy nên dù tham khảo ý kiến của chuyên gia là tốt, ta không nên tin theo cách mù quáng. Hãy tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau, xem lý do họ tin là gì, rồi tự mình đánh giá. Như vậy ta mới chọn được điều tốt nhất, tránh bị họ lạm dụng, hay bị sai cả chuỗi.
3. Tin theo hiểu biết và suy luận logic
Cách này là dựa trên hiểu biết và suy luận logic để xem xét độ hợp lý đáng tin. Ví dụ như thấy xô chứa 1000ml nước dưới một vòi chảy 1ml/giây, một người tính toán sẽ suy luận xô nước đã ở đó 1000 giây. Thật hợp lý và đáng tin.
Tuy nhiên, nếu hiểu biết của ta bị sai hay thiếu so với thực tế thì dù lập luận logic rất chuẩn, ra thực tế vẫn sẽ trật lất. Như suy luận toán học trên ngầm định ban đầu xô nước trống và tốc độ chảy của vòi giữ nguyên. Nếu ai đó vừa xả nước vào xô xong vặn vòi không chặt thì suy luận đó sẽ sai thực tế. Đây chính là lý do đá núi lửa St. Helen mới hình thành 10 năm trước lại được định tuổi phóng xạ ra tới 300 ngàn đến 3 triệu năm, các nhà khoa học ngầm định sai [3].
Vậy nên dẫu hiểu biết suy luận là hữu ích để đánh giá, ta phải luôn kiểm chứng nó với thực tế. Chuyện càng phức tạp, quy mô càng lớn, suy diễn càng xa vời thì càng dễ sai sót. Bằng chứng thực tế càng nhiều, càng gần, càng ít suy diễn thì càng đáng tin cậy.
4. Tin theo bằng chứng thực tế
Nghiên cứu lịch sử cho thấy sự phục sinh của Chúa Giê-xu thật sự là một sự kiện lịch sử đã xảy ra [4]
Cách này là so sánh độ đáng tin dựa trên những chứng cứ thực nghiệm hay lịch sử. Bằng chứng càng nhiều, càng gần (theo thời gian và khoảng cách), càng ít suy diễn thì càng đáng tin. Chắc chắn 100% là làm thực nghiệm như thả mảnh gỗ vào nước sẽ thấy nó nổi – bằng chứng trực tiếp, rất gần, lập lại bao nhiêu lần tùy ý. Nhưng trong thực tế có rất nhiều thứ ta không thể thực nghiệm, như có thật Julius Caesar có thật đã tồn tại và bị ám sát, hay có thật Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh? Khi đó ta phải dựa trên chứng cứ lịch sử, tức càng có nhiều sử sách ghi chép, thời gian ghi lại càng gần với sự kiện, nhân chứng càng không tư lợi thì càng đáng tin. [4]
5. Tin theo điều cho ta kỳ vọng đạt được cao nhất
Khi quyết định tin theo một điều, bên cạnh khả năng thành công, nhiều khi ta cần nghĩ đến lợi ích hay thiệt hại kỳ vọng của nó. Để tính kỳ vọng đạt được của một điều, ta có công thức toán:
Kỳ_Vọng_Đạt_Được = Khả_Năng_Thành_Công x Lợi_Ích_Khi_Thành_Công – Khả_Năng_Thất_Bại x Thiệt_Hại_Khi_Thất_Bại
Ví dụ, xác suất trúng Vietlott là 1/(8 triệu), giá 1 tờ là 10 ngàn, giả sử giải là 100 tỷ, trúng đóng thuế 30%. Vậy khi mua 1 tờ Vietlott, khả năng thành công là 1/8tr, lợi ích khi thành công là 100 tỷ x 70% = 70 tỷ, thiệt hại khi thất bại là 10 ngàn. Lợi ích kỳ vọng = 1/8tr x70 tỷ – (1-1/8tr) x 10 ngàn = -1250. Tính ra kỳ vọng là lỗ 1250, không nên chơi.
Với công thức này, ta có thể tính toán điều cho lợi ích kỳ vọng cao nhất để tin. Cách này thực tế nhất, dù việc việc ước tính tỷ lệ thành công, lợi ích khi thành công, thiệt hại khi thất bại là rất phức tạp và thường khá cảm tính theo kinh nghiệm, góc nhìn, hay thang giá trị của mỗi người.
II. Niềm Tin Nào Là Đáng Tin Nhất Về Sự Sống Đời Sau?
Đời này là quan trọng, nhưng đời sau nếu có cũng vô cùng giá trị, vì kiếm được hàng trăm tỷ USD còn có ý nghĩa gì khi ta chết? Người vô thần tin chết là hết. Luân hồi dạy chết thì linh hồn con người sẽ luân hồi sang kiếp sau. Kinh Thánh nói rằng thân xác trở về với cát bụi, còn linh hồn về lại với Đức Chúa Trời để chịu phán xét (Truyền Đạo 12:7, Hê-bơ-rơ 9:27). Ngoài ra còn có các tôn giáo khác… Mỗi người nói một kiểu, vậy ai đáng tin nhất, tốt nhất để theo?
Rất nhiều người chọn tin theo thói quen truyền thống. Như phân tích ở trên, cách này thoải mái dễ dàng nhất, nhưng nếu truyền thống sai thì ta sẽ tin theo điều vô ích lạc hậu. Ta phải tự mình đánh giá, đừng phó mặc số phận cả đời của mình theo thói quen quán tính.
Cũng nhiều người chọn tin theo uy tín thẩm quyền, tức theo lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, giáo sư, giáo sĩ, giáo hội, cơ quan thẩm quyền, v.v… Như phân tích ở trên, họ cũng có thể sai, thường cũng nói theo thầy mình hay tổ chức mình, và mỗi trường phái nói một kiểu. Tốt hơn hết ta hãy hỏi lý do họ tin và tự mình đánh giá chúng để chọn được điều tốt nhất.
Để tin theo hiểu biết và suy luận logic thì các giáo sư giáo sĩ của vô thần, luân hồi, Cơ Đốc… đều có những lập luận rất logic theo mô hình thế giới của mình. Nhưng nếu hiểu biết của họ có sai sót thì lập luận ra thực tế sẽ trật lất. Như người vô thần lập luận thế giới chỉ có vật chất, con người chỉ là thể xác nên khi chết thể xác hư nát là hết. Nhưng sao họ có thể chắc rằng thế giới chỉ có vật chất? Nếu thế thì các định luật vật lý, toán học, logic là cái vật chất gì? Rõ ràng có những thứ phi vật chất nhưng lại quyết định cách thế giới vật chất vận hành [5]. Luân hồi nói sau khi chết linh hồn sẽ chuyển kiếp, Cơ Đốc giáo nói sau khi chết linh hồn về gặp Đức Chúa Trời chịu phán xét. Để xem hiểu biết của ai là đúng ta cần phải xem xét bằng chứng thực tế. Bằng chứng càng nhiều, càng gần, càng ít suy diễn thì càng đáng tin cậy.
Ngôi mộ trống và sự phục sinh của Chúa Giê-xu – bằng chứng lịch sử của niềm tin Cơ Đốc [7]
Nhiều tôn giáo nói về sự sống đời sau, nhưng duy nhất Cơ Đốc giáo là có bằng chứng lịch sử về sự sống lại được ghi chép rõ ràng mà ngay cả những kẻ thù nghịch cũng không chối bỏ được: sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Kinh Thánh ý thức rất rõ nếu Chúa Giê-xu đã không sống lại như những nhà sáng lập tôn giáo khác, thì niềm tin Cơ Đốc cũng chỉ là thứ giả dối vô ích:
“Và nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích. Nếu người chết thật sự không sống lại thì chúng tôi bị xem như làm chứng dối về Đức Chúa Trời; vì chúng tôi đã làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã khiến Đấng Christ sống lại, trong khi Ngài không khiến Đấng Christ sống lại.” (I Cô-rinh-tô 15:14-15)
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là bằng chứng siêu nhiên chứng tỏ Chúa Giê-xu đến từ Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất có thể làm chuyện siêu nhiên. Nó không xảy ra vào thời kỳ huyền thoại chưa có chữ viết, mà ở giữa 3 nền văn minh La Mã, Hy Lạp, Do Thái nổi tiếng tri thức. Sách Lu-ca chính là tra cứu tìm hiểu của bác sĩ Lu-ca gửi cho nhà quý tộc Thê-ô-phi-lơ để ông xem chuyện có đáng tin không (Lu-ca 1:1-4). Theo phương pháp nghiên cứu lịch sử [6], sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự kiện lịch sử thực sự đã xảy ra, với độ tin cậy hơn hẳn các sự kiện lịch sử khác như việc Julius Caesar bị áp sát vì số lượng bản thảo ghi chép rất nhiều, rất gần với sự kiện, và những người làm chứng là không tư lợi, sẵn sàng chết cho lời chứng của mình. Con người sẵn sàng chết cho điều mình tin là đúng, nhưng chẳng ai chết cho điều mình biết là sai . Tổng quát có 7 lý do đây là một sự kiện không thể làm giả hay gian dối [7]:
1. Sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu đã được tiên tri trong Cựu Ước, như lời tiên tri về đấng Ê-ma-nu-ên ghi trong sách Ê-sai từ hơn 800 năm trước khi Chúa sinh ra [8]
2. Chính Chúa Giê-xu đã nói tiên tri về sự sống lại của Ngài
3. Việc Chúa Giê-xu bị đóng đinh là một sự kiện lịch sử được ghi lại trong sử sách La Mã
4. Mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem đều thấy ngôi mộ trống của Chúa Giê-xu
5. Những người chống nghịch phải nói dối cách vụng về tại sao xác Chúa biến mất
6. Đời sống của các môn đồ được biến đổi sau sự kiện Chúa phục sinh. Họ sẵn sàng chịu ngục tù và cả cái chết mà làm chứng rằng Chúa đã sống lại.
7. Chúa Giê-xu hiện ra với nhiều kẻ thù nghịch và cả những kẻ chống đối Ngài, như Sau-lơ, khiến ông từ một người bắt bớ Cơ Đốc nhân trở thành sứ đồ dành cả đời chia sẻ về Chúa.
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/04/7-dieu-chung-to-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu-la-su-that
Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là trái đầu mùa, là bằng chứng của sự sống lại cho những ai thuộc về Ngài: “Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; đến ngày Đấng Christ hiện ra, những người thuộc về Ngài sẽ sống lại.” (1 Cô-rinh-tô 15:23)
Bên cạnh bằng chứng về sự sống lại của Chúa Giê-xu, Chúa còn cho người tin Ngài những bằng chứng cách cá nhân qua sự giúp đỡ đáp lời cầu nguyện lúc khó khăn, và những lời dạy dỗ khôn ngoan trong Kinh Thánh. Đây là những trải nghiệm thực tế khiến họ thật sự tin cậy Ngài. Thống kê cho thấy người đi nhóm hội thánh đều đặn sống thọ và có đời sống chất lượng ý nghĩa hơn [11].
“Hãy kêu cầu Ta trong ngày gian truân, Ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ tôn vinh Ta.” (Thi Thiên 50:15)
“Các điều răn Chúa làm cho con khôn ngoan hơn kẻ thù con, Vì các điều răn ấy ở cùng con luôn luôn.” (Thi Thiên 119:98)
Người vô thần nói chẳng có sự sống sau cái chết, nhưng sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã chứng minh điều này là sai. Họ nói chẳng thể có chuyện gì siêu nhiên, nhưng thực sự thì họ cũng tin vào những điều bất khả thi như:
1. Vũ trụ tự nhiên có: thuyết Big Bang nói từ không có gì bất ngờ nổ ra cả vũ trụ, điều này trái với luật logic căn bản nhất là luật nguyên nhân – hệ quả. Ngoài ra, để vũ trụ có thể tồn tại và duy trì sự sống, các lực căn bản của nó (như lực trọng trường, lực điện từ, lực liên kết hạt nhân mạnh, lực liên kết hạt nhân yếu) phải được tinh chỉnh chính xác. Như lực liên kết hạt nhân mạnh chỉ cần mạnh thêm 2% là tất cả hydrogen sẽ hợp thành deuterium vài phút sau Big Bang, khiến không còn hydrogen để hình thành sao hydrogen, nước, hay sự sống. [9]
2. Tế bào sống tự nhiên có: một tế bào sống đơn giản nhất vẫn là một robot nhỏ hơn đầu kim mà có thể tự lắp ráp nhân bản chính mình từ các nguyên liệu thô trong thiên nhiên. Khoa học ngày nay chưa có khả năng thiết kế chế tạo một robot như vậy, nhưng người tiến hóa vô thần vẫn tin rằng nó ngẫu nhiên hình thành khi trộn lẫn các chất vô cơ. [10]
Hình minh họa thế giới phức tạp bên trong một tế bào
Bằng chứng của họ toàn những suy đoán chuyện hàng triệu hàng tỷ năm trước. Những chuyện này là suy diễn xa xôi và không thể kiểm chứng. Chẳng lạ gì khi họ hay thay đổi và phát hiện sai sót, như chuyện định tuổi vũ trụ [2] hay tuổi đá núi lửa St. Helen ở trên [3].
Tôi thấy tin vào những bằng chứng lịch sử ghi chép về sự phục sinh siêu nhiên của Chúa Giê-xu thì hợp lý hơn là tin vào những điều trái logic, bất khả thi, suy diễn xa vời của người vô thần.
Và các niềm tin về đời sau cũng khác nhau về mức thưởng phạt. Nhà toán học Blaise Pascal đã dùng kỳ vọng đặt cược (Pascal’s wager [12]) để tính toán xem chọn gì là tốt nhất:
+ Về khả năng thành công, giữa các tôn giáo, có cái nào có bằng chứng lịch sử để chứng tỏ quyền năng siêu nhiên chiến thắng cái chết của mình như sự phục sinh của Chúa Giê-xu? Có vị thần nào có quyền năng sáng thế, tạo dựng cơ thể con người, và hứa cho sự sống đời đời ghi rõ ràng trong sách thánh? Vậy nên Cơ Đốc giáo cho khả năng thành công cao nhất.
+ Về ích lợi khi tin đúng, nếu niềm tin vô thần đúng thì ai chết cũng là hết, luân hồi đúng thì ai chết cũng đầu thai, chẳng phân biệt người tin hay không tin. Nhưng nếu niềm tin Cơ Đốc là đúng, con người ai cũng phạm tội với Chúa (Rô-ma 3:23), Đấng Christ chết trên thập tự giá để chịu tội thay cho con người (1 Cô-rinh-tô 15:3-4), chỉ những ai tin nhận sự cứu chuộc của Đấng Christ mới được sống đời đời (Giăng 3:16,36), là điều đáng giá hơn hàng trăm tỷ USD.
+ Về thiệt hại khi tin sai, nếu niềm tin Cơ Đốc sai, thì Cơ Đốc nhân vẫn làm kinh tế khoa học rất tốt, với 65.4% số giải Nobel [13], 55% số tài sản thế giới [14], sống thọ và có đời sống chất lượng ý nghĩa [11]. Còn nếu niềm tin vô thần hay luân hồi mà sai, ai tin sẽ phải chịu sự trừng phạt đời đời dưới hỏa ngục, trước hết là tội theo Satan phản loạn Đấng Tạo Hóa của mình [15]
Vậy nên theo nhà toán học Blaise Pascal, niềm tin Cơ Đốc cho kỳ vọng đạt được lớn nhất.
Tổng Kết
Tin nghĩa là ta hy vọng, trông mong, tin tưởng, và biết chắc vững vàng vào một điều dù mình chưa thấy. Như nhân viên tin cuối tháng có lương mà làm việc, ta phải tin rồi hành động nhằm đạt được điều mình tin. Không tin không làm sẽ không được gì, có khi còn bị điều xấu. Nhưng cũng có những niềm tin không thành sự thật, chúng là niềm tin vô ích, mọi công sức tiền bạc đổ vào nó sẽ vô ích. Vậy nên chọn đúng điều để tin góp phần quyết định thành bại trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, có vô số ý tưởng, vô số điều người ta nói, và mỗi người tin mỗi kiểu, nhưng ta phải có trách nhiệm chọn lựa điều cho mình kỳ vọng đạt được tốt nhất. (1) Có người tin theo thói quen truyền thống, nhưng nó dễ khiến ta lẩn quẩn trong những điều sai lầm lạc hậu. (2) Có người tin theo lời uy tín thẩm quyền của chuyên gia, nhưng đi nhiều biết rộng sẽ thấy chuyên gia mỗi nơi nói một kiểu, trước thế này sau thế khác, và có khi cũng ra sai. (3) Có người tin việc dùng hiểu biết và suy luận logic để xem xét độ hợp lý đáng tin. Cách này rất tốt, nhưng cẩn thận nếu hiểu biết sai sót so với thực tế thì dẫu suy luận rất logic thì ra thực tế cũng trật lất. (4) Vậy nên ta cần phải xem bằng chứng thực tế: càng nhiều, càng gần (về thời gian và địa lý), càng ít suy diễn thì càng đáng tin cậy. (5) Ta cũng cần xem xét kỳ vọng đạt được mà chọn điều tốt nhất.
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ chết, và sự sống đời sau (nếu có) là đáng giá hơn hàng trăm tỷ USD đời này, nên ta cần nghiêm túc chọn lựa điều tốt nhất để tin. Có nhiều lời dạy về đời sau của các truyền thống, trường phái khác nhau với lập luận rất logic của họ, nhưng chỉ duy Cơ Đốc giáo là có bằng chứng lịch sử về sự sống lại được ghi chép rõ ràng mà ngay cả những kẻ thù nghịch cũng không chối bỏ được: sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Phương pháp nghiên cứu lịch sử cho thấy đây là sự kiện lịch sử thực sự đã xảy ra, với độ tin cậy hơn hẳn các sự kiện lịch sử khác vì số lượng bản thảo ghi chép rất nhiều, rất gần với sự kiện, và những người làm chứng là không tư lợi, sẵn sàng chết cho lời chứng của mình. Niềm tin Cơ Đốc cũng cho kỳ vọng đạt được lớn nhất. Nếu nó sai, Cơ Đốc nhân vẫn làm kinh tế khoa học tốt, vẫn sống thọ và có đời sống ý nghĩa giá trị, và chết cũng như người tin vô thần hay luân hồi. Còn nếu nó đúng, Cơ Đốc nhân sẽ được cứu khỏi sự trừng phạt đời đời nơi hỏa ngục vì tội phản loạn Đấng Tạo Hóa, và được sống phước hạnh đời đời với Ngài.
Richard Huynh
Bài Đọc Thêm
Sau đây là lời chứng của những người từng là vô thần, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo… đến với Chúa Giê-xu:
1. Môn Đồ Của Nhà Tiến Hóa Vô Thần Richard Dawkins Đến Với Đấng Christ
https://bachkhoa.name.vn/2023/08/18/mon-do-cua-nha-tien-hoa-vo-than-richard-dawkins-den-voi-dang-christ/
2. Giáo Sư Đại Học MIT Gặp Đấng Tạo Ra Mọi Kiến Thức
https://bachkhoa.name.vn/2021/03/26/giao-su-dai-hoc-mit-gap-dang-tao-ra-moi-kien-thuc/
3. Từ Thầy Chùa Đến Giang Hồ Thái Lan, Ân Điển Chúa Làm Tôi Tan Vỡ
https://bachkhoa.name.vn/2024/01/21/tu-thay-chua-den-giang-ho-thai-lan-an-dien-chua-lam-toi-tan-vo/
4. Từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca Đến Đấng Chris
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/tu-nha-thong-thai-xu-thich-ca-den-dang-christ/
5. Tôi Đã Muốn Chết Cho Allah, Giờ Tôi Sống Cho Chúa Giê-xu.
https://bachkhoa.name.vn/2024/05/19/toi-da-muon-chet-cho-allah-gio-toi-song-cho-chua-gie-xu/
6. Tôi Muốn Một Vị Thần Vĩ Đại Hơn Những Gì Đạo Sư Ấn Giáo Của Mình Đưa Ra
https://bachkhoa.name.vn/2024/05/28/toi-muon-mot-vi-than-vi-dai-hon-nhung-gi-dao-su-an-giao-cua-minh-dua-ra/
Bài Tham Khảo
[1]. Tin Và Thấy P1: Vì Sao Phải Tin Trước Khi Thấy? Vì Sao Chúa Nói Phước Cho Người Không Thấy Mà Tin? https://bachkhoa.name.vn/2024/08/15/tin-vs-thay-vi-sao-noi-thay-roi-moi-tin-la-sai-va-co-khi-la-qua-muon/
[2]. Thuyết Big Bang gặp rắc rối? Không vấn đề gì, chỉ cần nhân đôi tuổi vũ trụ! https://bachkhoa.name.vn/2023/08/31/thuyet-big-bang-gap-rac-roi-khong-van-de-gi-chi-can-nhan-doi-tuoi-vu-tru/
[3]. Núi St Helens vạch ra sai lầm của phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/15/nui-st-helens-vach-ra-sai-lam-cua-phuong-phap-dinh-tuoi-bang-dong-vi-phong-xa/
[4]. Phương Pháp Nghiên Cứu Lịch Sử Khiến Tôi Tin Về Cái Chết Của Caesar Và Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu
https://bachkhoa.name.vn/2024/03/24/phuong-phap-nghien-cuu-lich-su-khien-toi-tin-ve-cai-chet-cua-julius-caesar-va-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu/
[5]. Đằng Sau Thế Giới Vật Chất: Toán Học, Thông Tin, Ngôi Lời, Và Linh Hồn
https://bachkhoa.name.vn/2024/02/25/dang-sau-the-gioi-vat-chat-toan-hoc-thong-tin-ngoi-loi-va-linh-hon/
[6]. Phương Pháp Nghiên Cứu Lịch Sử Khiến Tôi Tin Về Cái Chết Của Caesar Và Sự Phục Sinh Của Chúa Giê-xu
https://bachkhoa.name.vn/2024/03/24/phuong-phap-nghien-cuu-lich-su-khien-toi-tin-ve-cai-chet-cua-julius-caesar-va-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu/
[7]. 7 điều chứng tỏ sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự thật
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/04/7-dieu-chung-to-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu-la-su-that/
[8]. Em-Ma-Nu-Ên, Phúc Âm Theo Lời Tiên Tri Của Ê-Sai 800 Năm Trước Chúa Giê-Xu
https://bachkhoa.name.vn/2021/02/20/em-ma-nu-en-phuc-am-theo-loi-tien-tri-cua-e-sai-800-nam-truoc-chua-gie-xu/
[9]. Fine-tuned universe
https://en.wikipedia.org/wiki/Fine-tuned_universe
[10]. Có phải có “hữu cơ” nghĩa là có sự sống? Thế nào là vật chất sống?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/24/co-phai-co-huu-co-nghia-la-co-su-song-the-nao-la-co-su-song/
[11]. Religion may be a miracle drug:
https://www.usatoday.com/story/opinion/2016/10/28/religion-church-attendance-mortality-column/92676964
[12]. Pascal’s wager
https://en.wikipedia.org/wiki/Pascal%27s_wager
[13]. Có phải tôn giáo là đối nghịch với khoa học?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/28/co-phai-ton-giao-la-doi-nghich-voi-khoa-hoc/
[14]. Wealth and religion
https://en.wikipedia.org/wiki/Wealth_and_religion
[15]. Địa Ngục Đáng Sợ Như Thế Nào Theo Kinh Thánh?
https://bachkhoa.name.vn/2023/05/05/dia-nguc-dang-so-nhu-the-nao-theo-kinh-thanh/