Đến Thăm Trang Trại Nông Nghiệp Thiên Nhiên

Sách giáo khoa về Nông Nghiệp Thiên Nhiên của chị Khánh và của mục vụ ECHO
Tôi có dịp đến thăm trang trại Nông Nghiệp Thiên Nhiên (NNTN) của chị Khánh ở Bến Tre. Là 1 Việt Kiều Mỹ với tâm tình giúp đỡ quê hương, chị quyết định đem NNTN từ các mục vụ nông nghiệp – phát triển nông thôn trên thế giới về Việt Nam. Rồi chị nghiên cứu triển khai, làm mẫu, viết sách và mở các khóa huấn luyện với hi vọng giúp người nông dân Việt Nam mô hình nông nghiệp tiên tiến này. Sau đây là những gì tôi được thấy về NNTN tại trang trại của chị. (Album hình ảnh nông trại)
I. Giới Thiệu Nông Nghiệp Thiên Nhiên
a. Từ nông nghiệp độc canh đến nông nghiệp thiên nhiên
Tôi biết về nông nghiệp thiên nhiên qua mục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn ECHO [Xem 1]. Với trụ sở chính ở Mỹ và các chi nhánh ở châu Phi và châu Á, họ chuyên giúp đỡ nông dân nhỏ lẻ ở các nước đang phát triển những kỹ thuật canh tác phù hợp để nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường để cải thiện đời sống cách bền vững. Khi làm việc, họ nhận thấy nông nghiệp “hiện đại”, cơ bản là nông nghiệp hóa chất (NNHC), có những vấn đề sau:
1. Chi phí cao: nông nghiệp hóa chất đòi hỏi đầu tư rất nhiều tiền để mua mọi thứ: phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, cả hạt giống con giống. Mỗi vụ phải đầu tư mua lại từ đầu rất tốn kém.
2. Đòi hỏi thị trường tiêu thụ ổn định: NNHC có năng suất cao nhưng đòi hỏi thị trường tiêu thụ ổn định hay bao tiêu. Nếu không thì sẽ được mùa mất giá, được giá mất mùa, không có lời.
3. Làm hại môi trường và sức khỏe: NNHC dùng nhiều hóa chất và có nhiều chất thải gây độc hại cho môi trường và sức khỏe.
Vì vậy, với nông nghiệp hóa chất, người nông dân thường phải tốn rất nhiều chi phí mua vật tư. Họ làm ra năng suất cao nhưng nếu không có thị trường tiêu thụ ổn định thì sẽ được mùa mất giá, được giá thì mất mùa nên lợi nhuận bấp bênh, gặp rủi ro có thể vỡ nợ mất đất. Họ còn bị hóa chất và chất thải đầu độc môi trường sống làm hại đến đời sống sức khỏe. Thuốc trừ sâu ngấm vào máu [xem 3] và ngày càng có nhiều người bị ung thư [xem 4]. Vậy nên mục vụ ECHO đã chọn nông nghiệp thiên nhiên để giúp người nông dân canh tác cách bền vững và bảo vệ môi trường sức khỏe của mình.
b. Các nguyên tắc của nông nghiệp thiên nhiên
Có nhiều mô hình nông nghiệp thiên nhiên, như phương pháp của Masanobu Fukuoka [xem 14], mô hình “Nông Nghiệp Thiên Nhiên Không Ngân Sách” ở Ấn Độ [xem 6], các kỹ thuật của mục vụ ECHO [xem 1], Làm Nông Theo Chúa [xem 15], v.v… Tôi thấy chúng có chung những nguyên tắc sau:
1. Sử dụng thiên nhiên, áp dụng sinh thái học để giải quyết các bài toán nông nghiệp:
Thay vì sử dụng hóa chất, nông nghiệp thiên nhiên sử dụng cách tối ưu những gì sẵn có trong thiên nhiên và dùng sinh thái học nông nghiệp (agroecology) [xem 5] thiết kế một hệ sinh thái tốt nhất cho cây trồng vật nuôi . Ngoài giá trị kinh tế, mọi thứ trong nông trại NNTN đều có công dụng và giá trị sinh thái của mình:
+ Dùng côn trùng, vi sinh, men nấm có lợi để phân hủy tái chế chất thải và kiểm soát sâu bệnh v.v…
+ Dùng cây họ đậu để cố định đạm làm phân bón cây trồng và thức ăn chăn nuôi, v.v…
+ Dùng gia súc, gà, cá để tái chế phế phẩm nông nghiệp, lấy phân chuồng, thậm chí để làm đất và kiểm soát côn trùng cỏ dại v.v…
+ Dùng dược chất từ cây cỏ để chữa bệnh, dùng thiên địch và vật nuôi để kiểm soát sâu bệnh, dùng vi sinh men nấm có lợi để ức chế vi sinh nấm có hại, v.v…
+ Dùng hàng cây để che nắng gió, làm hàng rào, giữ đất không bị rửa trôi trên đất dốc, v.v…
+ Dùng rơm rạ che phủ đất kiểm soát cỏ dại và tránh rửa trôi, trồng hàng rào cây để chắn gió và tránh xói mòn, dùng cây thủy sinh thủy sinh để lọc nước và nuôi cá, v.v…
+ Dùng nhà cửa chuồng trại với thiết kế tạo gió tự nhiên, dùng ao mương làm mát v.v…
2. Tận dụng mọi thứ, không thải bỏ gì
Thay vì mua mọi thứ và xả chất thải ra môi trường, nông nghiệp thiên nhiên rất quan tâm đến việc tận dụng mọi thứ sẵn có và tái chế chất thải:
+ Sử dụng các nguồn năng lượng sẵn có và miễn phí trong thiên nhiên như làm hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời, làm mái lệch cho nhà cửa chuồng trại để tạo gió, làm tường bằng đất nện (rammed earth), làm hệ thống lọc nước bằng than sỏi cát v.v…
+ Tái chế mọi phế phẩm và chất thải hữu cơ trong trang trại và tại địa phương. Đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng cần tái chế không được để lãng phí. Những gì gia súc còn ăn được thì cho ăn, không thì đem nuôi trùng hoặc ủ vi sinh làm phân bón cho cây. Sàn chăn nuôi được trải rơm trấu để hấp thụ chất thải thành mùn, nước heo tắm được dùng nuôi cây thủy sinh và tảo v.v…
3. Tự cung tối đa, chi phí tối thiểu:
Thay vì cứ mua đồ công nghiệp về dùng, nông nghiệp thiên nhiên cố gắng tự cung tối đa bằng những gì sẵn có tại nông trại và tại địa phương. Nông trại thường dùng hạt giống tự thu hoạch, trồng cây nuôi trùn làm thức ăn gia súc, ủ phân và chất thải làm phân bón, v.v… Chỉ khi không thể tự cung mới phải mua, và cố gắng mua nguyên liệu thô, sẵn có tại địa phương để được giá rẻ nhằm giảm thiểu chi phí.
Như vậy, ngược lại với nông nghiệp hóa chất, nông nghiệp thiên nhiên có sản phẩm đa dạng nên ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, tốt cho môi trường nhờ do không có chất thải hay hóa chất độc hại, và giảm thiểu chi phí nhờ tự cung tái chế tối đa. Khi điều kiện khí hậu càng khắt nghiệt, giá phân bón thuốc trừ sâu càng lên cao, và thị trường tiêu thụ càng bất ổn, nông nghiệp thiên nhiên sẽ càng có điều kiện phát huy thế mạnh hiệu quả của mình.

Bảng so sánh chi phí – năng suất – lợi nhuận của Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến SRI của NNTN so với nông nghiệp hóa chất truyền thống (sách NNTN)
Một số bao cáo cho thấy nông nghiệp thiên nhiên giảm chi phí và cho lợi nhuận cao hơn nông nghiệp hóa chất. Trong sách “Nông Nghiệp Thiên Nhiên” của chị Khánh có bảng so sánh kỹ thuật trồng lúa SRI của NNTN với truyền thống của NNHC ở Philippine cho thấy NNTN chi phí thấp hơn 16%, năng suất cao hơn 25%, dẫn tới lợi nhuận hơn 71%. Trong một báo cáo về mô hình “Nông Nghiệp Thiên Nhiên Không Ngân Sách” ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ [xem 7], so với NNHC, tùy loại cây trồng, trong 4000m2 (1 acre), NNTN dùng ít nước hơn 50%-60%, dùng ít điện và xăng dầu hơn 40%-90%, giảm chi phí sản xuất từ 0.9-6.56 triệu VND mà sản lượng chỉ giảm 0.3-0.7 tấn, đem lại lợi nhuận hơn từ 2.68-11 triệu VND .
Sau đây tôi sẽ mô tả mô hình chăn nuôi heo gà ở trang trại Nông Nghiệp Thiên Nhiên chỗ chị Khánh. Thật tiếc vì do qui mô nhỏ, nông trại của chị không triển khai kỹ thuật trồng lúa SRI trong sách để chứng tỏ khả năng của NNTN với loại cây quan trọng nhất Việt Nam này. Nhưng việc chăn nuôi cho ta thấy rất rõ sự tương phản giữa NNTN với NNHC thường thấy.
II. Chăn nuôi heo theo Nông Nghiệp Thiên Nhiên
a. Nuôi heo theo nông nghiệp hóa chất

Nông nghiệp hóa chất thường nuôi heo trong nhà xi măng với mật độ cao, lý tưởng là “không quay đầu”, tức ở trong những ô dài hẹp khiến chúng không quay đầu được [xem 8]. Môi trường sàn xi măng cho dễ chùi rửa. Heo được ăn thức ăn công nghiệp với công thức chủ yếu các loại bột đạm động thực vật với cám gạo, bổ sung khoáng chất và vitamin tổng hợp [xem 9], ít ăn rau vì rau không giúp tăng trọng. Mô hình chăn nuôi này có mật độ cao, heo tăng trọng nhanh, cũng dễ làm vì mua thức ăn sẵn. Tuy nhiên, vì heo sống chen chúc, không có điều kiện vận động, lại ăn uống đơn điệu nên:
1. Heo rất yếu, rất dễ bệnh nên cần phải dùng nhiều kháng sinh để giữ không bệnh
2. Heo rất mỡ nên thường cần được cho chất tăng độ đạm để thịt bớt mỡ [xem 10]
3. Heo ăn uống đơn điệu, chỉ có đạm bột mà không có rau cỏ hoa quả, nên thịt ít chất trừ đạm và mỡ.
Những điều này khiến thịt heo NNHC dễ bị dư lượng kháng sinh và hóa chất, nhiều đạm và mỡ nhưng ít khoáng chất và vitamin. Thịt heo bị nhạt và có mùi hôi, chắc do hàm lượng dinh dưỡng ít, heo sức khỏe kém và môi trường sống ám mùi. Nó cũng nguy hiểm với người chăn nuôi vì chi phí cao, phải đầu tư vốn lớn. Gặp rủi ro dịch bệnh chết cả đàn hay biến động thị trường mất giá là “heo ăn sổ đỏ”.
b. Nuôi heo theo nông nghiệp thiên nhiên
Nuôi heo theo nông nghiệp thiên nhiên là thiết kế một hệ thống sinh thái tối ưu cho heo phát triển khỏe mạnh và làm các công việc của chúng trong hệ sinh thái nông trại mà quan trọng nhất là sản xuất phân chuồng. Nhà nuôi heo được thiết kế mái lệch và trống 2 bên để tạo gió lùa từ dưới lên làm mát và hút ẩm. Sàn chuồng heo là một lớp đệm lót sinh học từ trấu và mùn cưa [xem 11] có khả năng hấp thụ nước tiểu và phân heo nhờ vi sinh chuyển hóa thành mùn phân chuồng. Cạnh chuồng có mương nước để làm mát và cho heo tắm. Nước tắm heo được dùng nuôi tảo và lục bình để tận dụng hết đạm trong chất thải heo và làm sạch trước khi đem để tưới cây hoặc thải ra mương.

Chuồng heo nông nghiệp thiên nhiên với sàn đệm sinh học

Mương nước cho heo tắm

Thiết kế nhà nuôi heo có khả năng tạo gió tự nhiên

Nước tắm heo dùng để nuôi lục bình (dưới ao) và tảo (trong khay) cho heo ăn

Heo và chuồng rất sạch và hoàn toàn không mùi. Mọi người có thể thoải mái đứng cạnh chuồng
Khác với chuồng heo NNHC, chuồng heo rất sạch sẽ, hoàn toàn không mùi, và cũng không cần chùi sàn. tôi và những người đến tham quan có thể xem heo cách thoải mái, không cảm thấy dơ và hôi. Sáng tôi còn có thể ngửi thấy mùi hoa thơm ngọt nhẹ dù đang ở trong trang trại nuôi heo ^^
Thức ăn cho heo được chế biến từ các nguyên liệu thô sẵn có tại trang trại và mua thêm ở địa phương vì trang trại nhỏ không trồng được cây lương thực. Trong trang trại cây dừa, chùm ngây, bèo, lục bình, rau muống, nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho heo [xem 12]. Tại địa phương có gạo nguyên cám, đậu nành, bột cá, bột cám, vỏ sò nghiền v.v… và nhất là dừa. Dừa phế phẩm dừa dạt được thu gom về và sử dụng 100% không còn chất thải:
_ Nước dừa để làm nước màu bán và làm dấm dừa
_ Cơm dừa nạo ra làm nước cốt dừa bán và bã làm thức ăn giàu đạm và béo cho heo
_ Vỏ dừa làm củi đốt
_ Sọ dừa được đốt thành than hoạt tính, phần được trộn vào thức ăn cho heo gà giúp tiêu hóa và bổ sung vi lượng, còn lại bón cho đất giúp tăng độ màu mỡ và độ mùn.


Thức ăn cho heo từ các nguyên liệu thô sẵn có tại trang trại hoặc địa phương. Theo chiều kim đồng hồ: thức ăn ủ lên men, lá chùm ngây cắt, dừa địa phương, nước lá ổi bưởi đu đu, nuôi ruồi lính đen
Rau củ phế thải từ chợ cũng là một nguồn dinh dưỡng quan trọng. Khi không có hóa chất, mọi thứ hữu cơ đều có thể được sử dụng: phần còn tốt cho gia súc ăn, phần hư hỏng thì nuôi trùn, ủ vi sinh rồi làm phân bón cho cây v.v… Không có gì là đổ bỏ cả.
Heo được cho ăn thức ăn ủ lên men. Quá trình lên men dùng vi sinh chuyển hóa thức ăn thô thành những chất dễ tiêu, tăng độ đạm, thêm lượng vitamin, tiêu diệt cái vi sinh có hại và bổ sung vi sinh có lợi probiotic làm tăng sức đề kháng, nhất là đường ruột. Tôi thấy thức ăn ủ xong có mùi cơm rượu, ăn ngọt ngọt, chắc có lợi như ăn cơm rượu [xem 18]. Ngoài ra heo được ăn rau lá tươi thu hoạch quanh vườn và uống nước lá ổi, lá bưởi và lá đu đủ để tăng sức đề kháng vi-rút.
Heo nuôi theo nông nghiệp thiên nhiên được sống trong môi trường sinh thái phù hợp, ăn thức ăn đa dạng, nhiều rau củ quả, vi sinh probiotic nên khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Giống như cá hồi được ăn gì thịt nó sẽ ra màu đó [xem 17], heo được cho ăn thế nào thì thịt nó sẽ ra thế đó. Chị Khánh từng mua khoai lang tím giải cứu về cho heo ăn, và thịt nó ra ánh tím của khoai. Có người kể họ quen tiệm bánh nên lấy bánh quá hạn về cho heo ăn, mổ ra thịt nó ngọt như bánh ăn không được. Vì đồ ăn ảnh hưởng chất lượng thịt, tôi tin heo ăn cám công nghiệp với thành phần đơn điệu thì thịt sẽ ra đơn điệu ít chất, heo ăn nhiều kháng sinh hóa chất thì thịt sẽ bị dư lượng kháng sinh hóa chất. Còn heo được sống khỏe mạnh, ăn đa dạng, nhiều rau củ quả, nhiều vi sinh, uống nước lá thì thịt nó sẽ nhiều chất dinh dưỡng. Nhà tôi thấy thịt heo chị luộc lên thơm, ăn đậm đà. Một cô khách hàng khác khen là thịt heo NNTN chị Khánh thơm ngon giống như thịt heo thời những năm 70 mà cô ăn khi còn nhỏ.
Về chi phí thức ăn thì chỗ chị Khánh tôi không biết, nhưng theo thực nghiệm của ECHO [xem 13], chi phí thức ăn heo theo nông nghiệp thiên nhiên chỉ cao hơn mua thức ăn công nghiệp 10% (1930 THB so với 1733 THB), nhưng thịt heo nông nghiệp thiên nhiên có chất lượng cao và có thể được bán ở thị trường thịt thiên nhiên với giá cao hơn nếu biết cách tiếp thị. Ngoài ra chi phí 1930 THB này đã tính cả giá những thứ tự sản xuất của nông trại, nên nông trại càng tự túc sẽ càng giảm chi phí và có thêm tiền lời.
Để được giá tốt, chị Khánh làm mô hình bán trực tiếp từ trang trại đến khách hàng không qua trung gian. Chị rao hàng và nhận đơn qua Zalo và Facebook cá nhân. Mỗi Thứ 6 chị sẽ mổ heo và Thứ 7 sẽ có người chạy từ Bến Tre lên giao hàng tận nơi. Thịt heo đã được xử lý và đóng gói hút chân không sạch sẽ, chuyên nghiệp & thương hiệu chuẩn Mỹ. Như vậy chị có thể bán thịt heo tận khách hàng với giá thịt chất lượng cao chứ không phải bán cho thương lái với giá rẻ tại chuồng như người nuôi bình thường.
Trang Facebook của trang trại chị Khánh. Mọi người có thể mua sách Nông Nghiệp Thiên Nhiên, hỏi thông tin về các khóa huấn luyện NNTN ở đây. Nếu ở quận 2 TP.HCM, bạn còn có thể đặt hàng thịt heo NNTN của chị để được giao vào Thứ 7 cuối tuần.
https://www.facebook.com/naturalfarmingvn

III. Chăn nuôi gà theo nông nghiệp thiên nhiên

Sân gà và chuồng gà theo nông nghiệp thiên nhiên
Cũng như nuôi heo, nuôi gà theo nông nghiệp thiên nhiên là thiết kế môi trường tối ưu cho gà phát triển và đóng góp cho hệ sinh thái nông trại theo bản năng tự nhiên của chúng. Gà được nuôi trong chuồng lót rơm để hấp thụ phân chuyển hóa thành mùn nên hoàn toàn không có mùi hôi. Chuồng gà có cành cây để ngủ theo đúng tập tính, an toàn và rộng rãi hơn. Trước chuồng có sân cỏ và mỗi chuồng sẽ được luân phiên ra ngoài một buổi để đào bới, ăn cây cỏ và những thức ăn đặt sẵn cho chúng. Điều này cho phép gà vận động, phơi nắng, tắm cát và ăn uống đa dạng để có sức khỏe tốt.

Thức ăn, nước uống cho gà và vỏ sò để nghiền và hòa tan với giấm rồi trộn vào thức ăn.
Cũng như heo, gà được ăn thức ăn làm từ trang trại bằng những gì sẵn có tại nông trại hay tại địa phương như ấu trùng ruồi lính đen, bã cơm dừa, gạo lức nguyên cám, bột đậu nành, bột cá, vỏ sò nghiền hòa với dấm, các hàng dạt phế phẩm từ chợ v.v… Chúng đều được ủ lên men giúp dễ tiêu hóa hấp thụ, tăng độ đạm, tăng lượng vitamin, loại trừ vi sinh có hại và bổ sung lợi khuẩn probiotic. Gà cũng được uống nước lá ổi + lá bưởi + lá đu đủ, nước rau củ lên men (TPJ = Targeted Plant Juice) có nhiều vitamin giúp khỏe mạnh tăng sức đề kháng.
Cũng như heo, gà nuôi theo nông nghiệp thiên nhiên được sống trong môi trường tốt, ăn uống đa dạng, nhiều rau củ quả, giàu dưỡng chất, đầy vi sinh nên rất khỏe mạnh và ít bị bệnh. Con vật được cho ăn thế nào thì thịt của nó sẽ ra thế đó. Gà công nghiệp ăn uống đơn điệu, nhiều thuốc nên thịt bở, nhạt và dễ có dư lượng kháng sinh hóa chất. Thịt gà NNTN ăn đậm đà, giàu dưỡng chất và thơm ngon. Trứng gà thiên nhiên ăn thấy béo bơ và ngọt thịt, có thể ăn không cần gia vị vẫn rất ngon.
IV. Cách kỹ thuật khác trong trang trại
1. Tự phối giống, nuôi con giống hay lấy hạt giống

Lồng ấp trứng – nuôi gà con – hạt giống gia truyền
Nông nghiệp thiên nhiên xem trọng việc tự cung nên trang trại nên chị Khánh chủ động kiểm soát việc lai tạo heo giống và ấp trứng gà trong trang trại. Như vậy vừa đỡ mất tiền mua con giống, vừa có thể tự kiểm soát lại tạo giống để cho ra giống gà khỏe theo ý mình do giống. Kinh nghiệm của chị cho thấy giống heo công nghiệp tăng trọng nhanh nhưng rất yếu và dễ bệnh, cần phải được phối giống với heo mọi để có sức khỏe chống chịu bệnh tật tốt hơn. Gà cũng thế.
Nhiều loại hạt giống công nghiệp được cố ý thiết kế để ít nảy mầm hay biến tính ở đời con, buộc người nông dân phải quay lại mua hạt giống mỗi vụ. Vậy nên cây trồng ta cũng phải chọn hạt giống gia truyền, loại có tính ổn định từ đời này qua đời khác để có thể tự túc hạt giống cho mình.
2. Hệ thống sấy năng lượng mặt trời

Hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời đặt trên nóc nhà
Khả năng sấy khô vật liệu rất quan trọng để lưu trữ và chế biến thức ăn, nhưng sấy dùng điện sẽ rất tốn kém. Nông nghiệp thiên nhiên tìm cách sử dụng mọi nguồn lực miễn phí từ thiên nhiên như nắng gió mặt trời. Chỗ chị Khánh có hệ thống sấy khô giúp nhiệt độ lên hơn 50*C vào ngày nắng mà không sợ đang phơi bị mưa. Khi đặt trên nóc, nó còn giúp làm mát căn nhà ở dưới.
3. Làm than hoạt tính
Chất thải từ dừa là vỏ dừa và gáo dừa sẽ được dùng làm than hoạt tính [xem 18]. Vỏ dừa sẽ dùng để đốt và gáo dừa bỏ vào lò làm than. Than hoạt tính thu được có thể được trộn vào thức ăn giúp tiêu hóa và thêm vi chất, hoặc làm chất cải tạo đất [xem 19], hoặc để lọc nước [xem 20].

Lò làm than hoạt tính và hệ thống lọc nước 3 thùng
4. Lọc nước
Nước từ dưới mương lên có thể lẫn nhiều chất bẩn, nếu ta dùng để tưới rau hay cho heo gà uống ngay có thể gây bệnh. Lắp đặt một hệ thống lọc nước 3 thùng đơn giản [ví dụ như xem 20] sẽ giúp ta cung cấp nước sạch cho nông trang gần như miễn phí.
5. Nuôi ấu trùng ruồi lính đen và ủ mùn rác hữu cơ

Khu nuôi ruồi lính đen và thùng ủ mùn rác hữu cơ
Nguồn dinh dưỡng hữu cơ trong rác thải từ nông trại và phế phẩm rau củ quả từ chợ không còn ăn được có thể chuyển hóa thành thức ăn cho heo gà và phân cho đất bằng việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen [xem 21], trùn quế hay ủ mùn. Thùng ủ mùn rác hữu cơ được chị Khánh đặt trong sân gà cho đàn gà khi đến chơi ăn được gì thì ăn, phần còn lại sẽ hấp thụ phân gà và bị phân hủy bởi vi sinh dần thành mùn bón cho đất. Rác hữu cơ còn có thể dùng để nuôi trùn quế hoặc giun đất trong luống rau, vừa làm xốp đất và vừa có thể đem cho gà ăn.
6. Trồng cây hoa thu hút côn trùng thiên địch và trồng thảo dược làm thuốc

Bụi hoa ven luống rau cho thiên địch và vườn thảo dược chỗ chị Khánh
Thiên địch là những côn trùng có ích chuyên ăn các côn trùng có hại [xem 22] giúp kiểm soát sâu rầy thay thế thuốc trừ sâu [xem 23]. Để chúng đến với nông trại, ta cần trồng những bụi hoa ven luống để thu hút chúng bằng mùi hương sắc màu của hoa, và cung cấp cho chúng chỗ ở khi luống rau đang trống.
Nông trại cũng cần có cây thảo dược để làm thuốc cho vật nuôi và cả cho người. Chỗ chị Khánh có bưởi, ổi, đu đủ không chỉ để lấy trái mà còn lấy lá làm nước thuốc cho heo gà. Ngoài ra chị còn trồng tỏi, ớt, bạc hà, lô hội… để ăn, làm thuốc, làm thuốc trừ sâu tự nhiên, chữa bệnh.
7. Hệ thống tưới nhỏ giọt
Để tiết kiệm công sức, chị Khánh làm hệ thống tưới nhỏ giọt [xem 24]. Tưới bằng vòi nước như bình thường vừa tốn công sức, vừa làm ngập úng cục bộ có hại cho rễ cây và vi sinh quanh nó, vừa rửa trôi chất dinh dưỡng từ rễ khi nước thoát, và khiến cây bị lúc úng lúc hạn. Kỹ thuật tưới lý tưởng nhất là dùng hơi nước thấm ướt mặt đất (Kinh Thánh, Sáng Thế Ký 2:6), làm vậy không tạo ra bất kỳ ngập úng hay rửa trôi nào. Kém hơn việc tưới bằng hơi nước một chút là tưới nhỏ giọt, cũng không tạo ra ngập úng hay rửa trôi nếu ta nhỏ đủ từ từ, và giúp cây luôn có nước trong cả ngày chứ không phải lúc úng lúc hạn. Có hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động với ống dẫn nước đặt dọc luống cây, hay đơn giản chỉ là bình nhựa đục lỗ, nhưng tất cả đều hiệu quả hơn phương pháp tưới vòi thường gặp.
Tổng Kết
Việc đến thăm nông trại của chị Khánh cho tôi thấy một mô hình ứng dụng thực tế của nông nghiệp thiên nhiên trong đời sống. Tương phản với mô hình chăn nuôi như của nông nghiệp hóa chất, nông trại của chị thể hiện 3 đặc tính tôi thấy ở NNTN
1. Nông trại là một hệ sinh thái thiết kế cho mọi sinh vật cùng cộng sinh và phát triển, từ heo gà, các loại cây trồng, hoa lá cho tới côn trùng, vi sinh, men nấm. Mọi loài đề có công dụng đóng góp cho trang trại, giúp làm mầu mỡ đất, kiểm soát sâu bệnh, tái chế chất thải để tạo ra một môi trường tốt khỏe cho tất cả.
2. Tận dụng mọi thứ sẵn có trong thiên nhiên: phơi sấy bằng năng lượng mặt trời, thiết kế nhà cửa chuồng trại tạo gió tự nhiên, dược chất từ lá cây v.v… và tái chế mọi thứ hữu cơ, từ phế phẩm rau củ quả đến phân heo gà cho tới nước tắm heo…
3. Nông trại tự túc những gì mình có thể và tận dụng mọi nguồn nguyên liệu thô, rau củ phế phẩm sẵn có ở địa phương để giảm thiểu chi phí. Mọi thứ đều được sử dụng 100% không đổ bỏ gì.
Trang trại nuôi heo gà của nông nghiệp hóa chất nổi tiếng là hôi hám và ô nhiễm, nhưng trang trại nuôi heo gà theo nông nghiệp thiên nhiên của chị Khánh hoàn toàn không có mùi hôi, không khí trong lành, buổi sáng còn có thể ngửi thấy hương hoa thơm ngọt nhẹ. Đó quả là một hình mẫu cho ta thấy tiềm năng của nông nghiệp thiên nhiên trong việc xây dựng phát triển đời sống nông thôn.
Hơi tiếc là vì diện tích nhỏ nên chị chưa triển khai trồng cây lương thực như Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến SRI như trong sách của mình (hay kỹ thuật trồng trọt “Nông Nghiệp Thiên Nhiên Không Ngân Sách” của Ấn Độ [xem 6], hay kỹ thuật trồng bắp xen với đậu “Làm Nông Theo Chúa” [xem 15]). Chỉ khi triển khai trồng cây lương thực, NNTN mới phát huy hết thế mạnh dựa vào thiên nhiên của nó và chứng tỏ khả năng thay thế NNHC trong việc nuôi dưỡng con người.

Bảng so sánh chi phí – năng suất – lợi nhuận của Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến SRI của NNTN so với kiểu nông nghiệp hóa chất truyền thống
Dù không làm trong ngành nông nghiệp, tôi rất thích tìm hiểu về nông nghiệp thiên nhiên. Là một người quan tâm đến chất lượng những thực phẩm mình ăn vào, tôi thấy NNTN giúp ta có những thực phẩm chất lượng, giàu dưỡng chất chứ không phải chỉ có lượng mà không có chất (chưa kể còn bị dư lượng hóa chất) của NNHC. Là một Cơ Đốc nhân, tôi thích nông nghiêp thiên nhiên vì nó thực hiện sứ mệnh chế ngự đất quản trị muôn loài mà Đức Chúa Trời cho loài người (Kinh Thánh, Sáng Thế Ký 1:28). Là người quan ngại tình hình phân bón thuốc trừ sâu xăng dầu ngày một lên giá, khí hậu biến đổi khắc nghiệt, “…nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất…”, buôn bán ngày một cần dấu [xem 29], tôi nghĩ nông nghiệp thiên nhiên có thể giúp ta ứng phó tạo ra những nông trang bền vững trước những nan đề đang đến.
Bạn có thể đặt mua sách kỹ thuật “Nông Nghiệp Thiên Nhiên” của chị Khánh tại đây. Sách có từ tư duy NNTN, đến cách làm vi sinh, trồng lúa, kiểm soát côn trùng, nuôi heo, nuôi gà theo NNTN.
https://www.facebook.com/naturalfarmingvn
Nếu ở quận 2 TP.HCM, bạn có thể đặt thịt heo nông từ trang trại Nông Nghiệp Thiên Nhiên của chị nữa. Chị Khánh bán thịt heo online trực tiếp đến người tiêu dùng không qua thương lái. Chị nhận đặt hàng qua Zalo và Facebook, rồi mỗi Thứ 7 sẽ làm heo rồi giao hàng. Giá theo thời vụ.








Làm Sao Để Phát Triển Và Phổ Biến Nông Nghiệp Thiên Nhiên
a. Thế Mạnh Của Nông Nghiệp Hóa Chất
Để có thể phát triển và phổ biến nông nghiệp thiên nhiên, ta cần phải hiểu thế mạnh của nhà vô địch hiện nay của ngành nông nghiệp – nông nghiệp hóa chất:

1. Đơn giản dễ làm, qui trình rõ ràng
Nông nghiệp hóa chất giải quyết mọi vấn đề bằng mua hóa chất, nên nó khá đơn giản dễ làm. Như nuôi heo công nghiệp, thức ăn thì mua về, môi trường tệ sức khỏe yếu thì dùng chất kháng sinh, nhiều mỡ thì dùng chất tăng độ đạm, chất thải heo thì dùng hóa chất gì đó xử lý rồi xả ra ngoài (hoặc xả thẳng cho tiết kiệm). Qui trình rõ ràng đơn giản, có vấn đề gì cứ mua đồ về xử lý thôi, chỉ phải tốn tiền.
2. Cho năng suất cao nếu không kể chi phí đầu vào và ô nhiễm độc hại:
Không thể phủ nhận là NNHC cho năng suất cao. Như nuôi heo công nghiệp, từ giống heo, đến thức ăn chăn nuôi, đến hệ thống chuồng trại heo san sát “không quay đầu”… đều được nghiên cứu thiết kế chọn lọc kỹ lưỡng để cho năng suất cao và giải quyết các vấn đề phát sinh bằng hóa chất (thuốc kháng sinh, thuốc diệt cỏ, v.v…). Các thứ khác như sức khỏe của heo, độc hai ô nhiễm môi trường, chất lượng dinh dưỡng hay dư lượng hóa chất trong thịt v.v… tính sau.
3. Cho lợi nhuận tốt nếu có thị trường tiêu thụ với giá ổn định
Nông nghiệp hóa chất rất tốn chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, thuốc các loại v.v…) nhưng có năng suất cao nên chỉ cần có thị trường tiêu thụ với giá ổn định là sẽ có lời. Điều này đúng ở những nước phát triển với sự bao tiêu trợ giá của chính phủ, hay ở những tập đoàn lớn có hệ thống phân phối đủ mạnh để tiêu thụ với giá ổn định. Nhưng nếu không có thị trường ổn định thì làm NNHC có nhiều rủi ro, được mùa mất giá được giá mất mùa nên lợi nhuận thấp có khi lỗ.
4. Được sự hỗ trợ, quảng cáo mạnh mẽ của các tập đoàn, tổ chức lớn
Ngành công nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, v.v… là những ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, và Việt Nam chi cho nhập khẩu thuốc trừ sâu và phân bón gấp 3 lần xăng [xem 25]. Ngành phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc… không bị rủi ro được mùa mất giá được giá mất mùa như người nông dân vì họ ăn lời trước rồi. Các nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu và thức ăn gia súc là những đại gia giàu nhất miền quê [như đại gia phân bón Long Việt], những người làm đại lý, bán hàng cũng rất khá giả. Họ tất nhiên dùng khả năng tài chính, uy tín, ảnh hưởng của mình để quảng cáo tư vấn khuyến khích người nông dân tin ở nông nghiệp hóa chất và dùng sản phẩm của mình.

Giá trị nhập khẩu một số mặt hàng (triệu USD) từ đầu năm đến 15/6/2020. [xem 25]
5. Được tin tưởng theo thói quen và tư duy hiện hữu
Nông nghiệp hóa chất độc canh là một công thức thành công được tin dùng hàng chục năm nay, nhất là ở những nước phát triển. Nó là một thói quen và tư duy hiện hữu, và thực sự có thành công trong điều kiện tốt, như ở những nước với thị trường tiêu thụ ổn định, được chính phủ hỗ trợ bao tiêu, v.v..
Vì các yếu tố đơn giản rõ ràng, qui trình cụ thể, cho năng suất cao, và cũng có thể được lợi nhuận tốt nếu có thị trường tiêu thụ ổn định hay được bao tiêu trợ giá, nông nghiệp hóa chất độc canh là sự lựa chọn tin tưởng theo thói quen và tư duy hiện hữu. Một anh giáo sư một đại học nông nghiệp lớn ở Việt Nam từng nói tôi rằng NNTN sẽ không được phép dạy ở trường đại học vì định hướng nhà nước là hiện đại hóa nông nghiệp. Và chị Khánh từng phải từ chối một kỹ sư tốt nghiệp đại học nông nghiệp vì bạn đó nghĩ làm nông nghiệp chăn nuôi là phải chuồng trại thế này, quy trình chăn nuôi, thức ăn là phải thế này… chứ không chịu học hỏi tư duy cách làm mới.
Tuy vậy, những khuyết điểm của nông nghiệp hóa chất độc canh ngày càng lộ rõ:
1. Chi phí cao, nhất là trong điều kiện giá xăng dầu phân bón ngày một cao như hiện nay
2. Đòi hỏi thị trường tiêu thụ ổn định để không bị được mùa mất giá và được giá mất mùa, trong khi hiện nay thế giới ngày một biến động, khiến sản phẩm nông dân làm ra nhiều nhưng bán không có lời.
3. Sản phẩm nhiều dư lượng hóa chất, đầu độc và gây ô nhiễm môi trường, thuốc trừ sâu nhiễm vào máu [xem 3] và gây ung thư [xem 4].
Do đó, tôi tin nông nghiệp thiên nhiên sẽ càng lúc càng cần thiết và sẽ phát huy được ưu thế của mình
b. Những Đề Xuất Để Giúp Nông Nghiệp Thiên Nhiên Được Phổ Biến Rộng Rãi Hơn
Để trở nên phổ biến hơn , tôi nghĩ nông nghiệp thiên nhiên cần làm một số điều sau đây để được người nông dân dễ tiếp nhận và triển khai hơn
1. Cần tập trung vào những gì cần làm, chứ không phải những gì không làm
Nhiều nhà thực hành nông nghiệp thiên nhiên, như Masanobu Fukuoka, hay mô tả nông nghiệp thiên nhiên bằng những gì không làm như: không cày đất, không bón phân, không thuốc trừ sâu, không làm cỏ, không tỉa cành [xem 28] v,v… Điều này dẫn đến cái nhìn sai của người chưa biết vì không làm gì thì sao có ăn. Thực sự thì nông nghiệp thiên nhiên làm rất nhiều thứ, chỉ là không làm hóa chất độc canh như nông nghiệp hiện đại. Vậy nên khi nói về nông nghiệp thiên nhiên, ta đừng nói những gì không làm, mà hãy tập trung vào những gì sẽ làm: như tận dụng mọi thứ sẵn có trong thiên nhiên, tái chế tối đa phế phẩm nông nghiệp, tự cung tối đa, chi phí tối thiểu, thiết kế hệ sinh thái nông trại tối ưu cho cây trồng vật nuôi, ủ mùn, tự chế thuốc trừ sâu trị bệnh từ cây cỏ, thu hút côn trùng thiên địch, luân canh, v.v…
2. Cần nhấn mạnh rằng năng suất cao không đồng nghĩa với lợi nhuận nhiều và cuộc sống tốt
Đồng ý nông nghiệp hóa chất độc canh có năng suất cao, nhưng nó cũng có chi phí cao và độc hại cho con người và môi trường. Vì vậy, nếu không có thị trường tiêu thụ giá cả ổn định thì người nông dân được mùa mất giá cũng không có lợi nhuận (chỉ có ngành phân bón thuốc trừ sâu là luôn lời). Theo báo cáo về “nông nghiệp thiên nhiên không chi phí” ở bang Andra Pradesh Ấn Độ [xem 7] thì tùy loại cây trồng, trên 4000m2, nông nghiệp thiên nhiên cho năng suất chỉ thua nông nghiệp hóa chất độc canh từ 0.3-0.7 tấn, nhưng có lợi nhuận hơn từ 2.68-11 triệu VND vì chi phí thấp hơn, mà lại không có hại cho môi trường sức khỏe người nông dân, và còn có thể bán giá cao vì sản phẩm sạch chất lượng nếu tiếp thị được. Vậy nên cần nhắc nhở người nông dân suy nghĩ đến lợi nhuận, sức khỏe và sự bền vững tránh rủi ro để đến với NNTN.
3. Cần có những mô hình, công thức cụ thể rõ ràng để nuôi trồng theo NNTN
Hiện nay, một số tổ chức nông nghiệp thiên nhiên như mục vụ ECHO xuất bản rất nhiều các tài liệu kỹ thuật, nhưng chúng rời rạc nên một người không đủ trình độ khó có thể chọn ra bộ kỹ thuật cần thiết để trồng cây gì hay nuôi con gì theo nông nghiệp thiên nhiên. Để người nông dân có thể áp dụng đại trà, ta cần tổng hợp các kỹ thuật cần thiết thành một mô hình công thức cụ thể rõ ràng để người nông dân có thể canh theo mà làm. Sách “Nông Nghiệp Thiên Nhiên” của chị Khánh với Hệ Thống Canh Tác Lúa Cải Tiến SRI, cách nuôi heo, nuôi gà theo NNTN là một ví dụ tốt. Công thức trồng lúa “Nông Nghiệp Thiên Nhiên Không Ngân Sách” của Ấn Độ với 4 nguyên tắc [xem 25], hay trồng bắp luân canh cây họ đậu “Làm Nông Theo Chúa” với 14 bước [xem 26] cũng là những công thức tốt.
4. Cần một qui trình để từng bước chuyển sang nông nghiệp thiên nhiên
Hiện nay, nhiều khi việc kêu gọi thực hiện nông nghiệp thiên nhiên thiếu sự chuyển đổi từng bước, giống như phải xây dựng lại trang trại từ đầu. Điều này khiến người nông dân ngần ngại vì chi phí và rủi ro quá lớn. Thực ra không cần phải vậy. Việc chuyển đổi sang NNTN có thể đi từng bước từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Khi được Chúa mặc khải về tư duy Làm Nông Theo Chúa, Brian Oldreive không ngay lập tức áp dụng cho cả nông trại 1000 mẫu (hecta) của mình. Ông thử trước với 2 mẫu, thấy hiệu quả, rồi mở rộng ra 50 mẫu, rồi 100 mẫu, 200 mẫu, 500 mẫu và toàn nông trại 1000 mẫu. Sau đó ông mua các nông trại xung quanh và mở rộng ra tới 3500 mẫu. Tất cả chỉ bắt đầu với 2 mẫu. Bây giờ ông kêu gọi người nông dân hãy bắt đầu áp dụng Làm Nông Theo Chúa chỉ với mảnh đất 39m x 16m, chỉ 1/16 mẫu [xem 31]. Hãy khuyến khích người nông dân thử nghiệm áp dụng kỹ thuật nông nghiệp thiên nhiên chỉ với 1 mảnh đất nhỏ, thậm chí chỉ cần khu vườn thực nghiệm 6m x 6m [xem 30], hay mảnh đất 39m x 16m [xem 31], một khu chuồng heo / chuồng gà, v.v… Qui mô nhỏ vậy sẽ giúp họ tránh rủi ro, sẵn sàng thực nghiệm và chuẩn hóa kỹ thuật. Sau khi thấy kết quả rồi, họ có thể mở rộng ra gấp đôi, gấp tư, rồi hết đất của mình, và giới thiệu ra xung quanh (hay mua lại các trang trại xung quanh như Brian Oldreive).
5. Cần có nhiều nông trại mẫu để chứng tỏ hiệu quả thực tế và mở nhiều khóa huấn luyện
Nông nghiệp thiên nhiên vẫn còn rất mới lạ với phần đông người nông dân. Nó đi ngược lại với các tư duy thói quen hiện hữu cùng ngành công nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc trị giá hàng tỷ đô với hệ thống quảng cáo tiếp thị hết sức mạnh mẽ. Một số tổ chức NNTN như ECHO không có cái uy thành đạt như những đại gia nông nghiệp, mang tính phi lợi nhuận nên người nông dân nghi ngờ khả năng sinh lời. Vậy nên để có được sự tin tưởng, NNTN cần chứng tỏ hiệu quả thực tế của mình bằng nông trại mẫu có hiệu quả kinh tế để cho thấy NNTN thực sự giảm chi phí và cho lợi nhuận cạnh tranh với nông nghiệp hóa chất độc canh. Sau khi có bằng chứng thực tế rồi, những nông trại này có thể tổ chức các buổi tham quan và các khóa huấn luyện để chia sẻ cho mọi người kỹ thuật của mình.
Câu chuyện của Brian Oldreive [xem 31] là một con đường mẫu để phổ biến nông nghiệp thiên nhiên. Từ 2 mẫu thử nghiệm ban đầu ông đã từ từ áp dụng cho 50 mẫu, 100 mẫu… rồi hết 1000 mẫu trang trại mình. Với thành công và lợi nhuận từ NNTN, ông mua lại những trang trại nông nghiệp hóa chất đang thua lỗ xung quanh và mở rộng ra 3500 mẫu. Khi những người làm NNTN có thể triển khai NNTN cách hiệu quả đem lại lợi nhuận cao trong trang trại mình, và mua lại cái trang trại NNHC xung quanh để mở rộng qui mô sản xuất, thì NNTN sẽ tự nhiên được mọi người chú ý học theo và trở thành xu thế mới trong nông nghiệp.
Bài Tham Khảo
[1] Mục vụ ECHO quốc tế
https://echonet.org/our-work/what-we-do/
[2] Natural Farming: Principles, Concepts & Appropriate Techniques in Tropics (Textbook)
https://www.echocommunity.org/resources/f7d4a4b3-6c39-4622-b84d-2a92890ce920
[3] Giật mình, gần 1/2 người xét nghiệm tại Hà Nội nhiễm thuốc trừ sâu trong máu
https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/giat-minh-gan-1-2-nguoi-xet-nghiem-tai-ha-noi-nhiem-thuoc-tru-sau-trong-mau-466495.html
[4] Ngày càng có nhiều bệnh ung thư ở nông thôn, có phải do ô nhiễm?
https://ngoisao.vn/suc-khoe/cham-soc-suc-khoe/ngay-cang-co-nhieu-benh-ung-thu-o-nong-thon-co-phai-do-o-nhiem-293476.htm
[5] Agroecology (Sinh Thái Học Nông Nghiệp) – Chìa khóa cho sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu?
https://drive.google.com/file/d/16oEAXbd1dTtSbRfYR9pBM5eCCSIDGFax/view?usp=sharing
[6] Zero Budget Natural Farming in India
https://www.fao.org/family-farming/detail/en/c/429762/
[7] Zero-budget natural farming in Andhra Pradesh
https://vikaspedia.in/agriculture/best-practices/sustainable-agriculture/climate-smart-agriculture/zero-budget-natural-farming-in-andhra-pradesh
[8] Chăn nuôi heo CP
https://thitruong.nld.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/hang-ngan-nong-dan-doi-doi-nho-mo-hinh-chan-nuoi-heo-tieu-chuan-quoc-te-20181203122151488.htm
[9] Chế độ dinh dưỡng cho heo con hiệu quả
https://vietnamvmc.com/che-do-dinh-duong-cho-heo-con-hieu-qua
[10] Những chất tăng độ đạm trong thức ăn chăn nuôi độc với cơ thể người ra sao?
https://laodong.vn/suc-khoe/nhung-chat-tang-do-dam-trong-thuc-an-chan-nuoi-doc-voi-co-the-nguoi-ra-sao-581831.ldo
[11] Đệm lót sinh học
https://hoinongdankhanhhoa.org.vn/article/khoa-hoc-ky-thuat/quy-trinh-ky-thuat-lam-dem-lot-sinh-hoc-trong-chan-nuoi-heo.html
[12] Nuôi ruồi lính đen làm thức ăn gia súc
https://drive.google.com/file/d/1UsmaodbjTxOL4kVbclCB_kh4Cp_3PnOP/view?usp=sharing
[13] Sản xuất thức ăn cho heo từ trang trại
https://drive.google.com/file/d/1NmAsGFMDPDY2xmSJ624cHDjnZ4W_OZM_/view?usp=sharing
[14] Masanobu Fukuoka – Father of natural farming
https://scienceagri.com/masanobu-fukuoka-father-of-natural-farming/
[15] Farming God’s Way
https://www.farming-gods-way.org/index.html
[16] Bạn có từng tò mò về màu sắc của cá hồi?
https://www.vimexfood.com.vn/en/ban-co-tung-to-mo-ve-mau-sac-cua-ca-hoi-2/
[17] 8 tác dụng của cơm rượu với sức khỏe con người
https://www.thuocdantoc.org/tac-dung-cua-com-ruou.html
[18] Cách làm than hoạt tính từ gáo dừa hiện đại nhất hiện nay
https://activatedcarbon.vn/cach-lam-than-hoat-tinh-tu-gao-dua.htm
[19] Quy trình ứng dụng than sinh học để cải tạo đất nông nghiệp bạc màu
http://www.hcmbiotech.com.vn/vi/news/San-pham/quy-trinh-ung-dung-than-sinh-hoc-de-cai-tao-dat-nong-nghiep-bac-mau-682.html
[20] Các phương pháp lọc nước giếng hiệu quả nhất hiện nay
http://moitruongetm.vn/cac-phuong-phap-loc-nuoc-gieng-hieu-qua-nhat-hien-nay.html
[21] Nuôi ruồi lính đen làm thức ăn gia súc
https://drive.google.com/file/d/1UsmaodbjTxOL4kVbclCB_kh4Cp_3PnOP/view?usp=sharing
[22] Thiên Địch – Sinh Vật Tiêu Diệt Sâu Hại Hiệu Quả Và Bảo Vệ Môi Trường Trong Farmstay
https://defarm.vn/thien-dich/
[23] Nuôi thiên địch, giải pháp quan trọng của nông nghiệp tương lai
https://nongnghiep.vn/nuoi-thien-dich-giai-phap-quan-trong-cua-nong-nghiep-tuong-lai-d285636.html
[24] 4 CÁCH LÀM HỆ THỐNG TƯỚI NƯỚC NHỎ GIỌT ĐƠN GIẢN, TỰ CHẾ
https://lasc.vn/cach-lam-he-thong-tuoi-nuoc-nho-giot/
[25] Đáng báo động: Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu nhiều hơn cả xăng
http://nongdan.com.vn/dang-bao-dong-viet-nam-nhap-khau-thuoc-tru-sau-nhieu-hon-ca-xang-10011.html
[26] What is Zero Budget Natural Farming – Advantages & Features
https://www.tractorjunction.com/blog/what-is-zero-budget-natural-farming-advantages-features/
[27] Field Guide of Farming God’s Way
http://www.farming-gods-way.org/Resources/FGW_Field_Guide.pdf
[28] Natural Farming – Wikipedia.org
https://en.wikipedia.org/wiki/Natural_farming#Masanobu_Fukuoka’s_principles
[29] Thẻ Xanh Cô-vy, Dấu QR, Và Những Lời Tiên Tri Về Thời Kỳ Cuối Của Kinh Thánh
https://bachkhoa.name.vn/2021/10/17/the-xanh-co-vy-dau-qr-va-nhung-loi-tien-tri-ve-thoi-ky-cuoi-cua-kinh-thanh/
[30] ECHO’s introduction of Farming God’s Way
https://assets.echocommunity.org/publication_issue/a3031fd4-8a6b-4dce-acfb-846309a52968/en/tn-71-foundations-for-farming-fff.pdf
[31] Interviewing Brian Oldreive – founder of Farming God’s Way
https://www.sundaymail.co.zw/the-man-behind-pfumvudza