Sao học tiếng Anh để có thể áp dụng vào đời sống
Mục vụ sinh viên nhờ tôi chia sẻ về cách học tiếng Anh hiệu quả vì tiếng Anh của tôi rất tốt. Tôi rất vui và sẵn lòng chia sẻ, có điều là tôi đã không còn “học” tiếng Anh từ năm 2003 lúc sang Singapore du học. Và từ đó đến nay tôi chỉ sử dụng tiếng Anh thôi chứ không còn học gì nữa. vậy nên tôi chia sẻ kinh nghiệm để có thể nâng cao năng lực tiếp Anh và thực sự dùng tiếng Anh vào đời sống và công việc ^^
Đây là slide tổng quan ý của bài.
https://docs.google.com/presentation/d/13xrqiPJv5mu5gpzFFkrDQhFETZ-mmmtZ
Thực sự thì lúc mới sang Singapore năm 2003 trình độ tiếng Anh của tôi không tốt, dù cũng đã qua nhiều trường lớp trung tâm ở Việt Nam. Lúc mới sang, mọi người nói gì tôi nghe không rõ, còn tôi nói gì mọi người cũng nghe không rõ, hai bên phải nói qua nói lại vài lần mới thông. Tôi học môn tiếng Anh bổ sung ở trường thì điểm là C+ (cỡ 5/10), chỉ vừa đủ qua. Tôi buồn đến độ viết thư hỏi cô giáo là học kỳ sau cho tôi học lại được không? Cô nói khỏi cần, không sao đâu, từ từ sẽ khá hơn.
Nhận biết mình cần tiếng Anh để sống và làm việc ở Singapore, tôi đã luôn ý thức tận dụng mọi điều kiện để nâng cao năng lực tiếng Anh của mình. Tôi mất tầm 2 năm để có thể dùng tiếng Anh cách suôn sẻ trong đời sống (không phải nói qua nói lại nữa), và 5 năm để đạt trình độ viết các báo cáo khoa học cũng như bay đi các nơi gặp khách hàng để giới thiệu sản phẩm cho công ty. Sau đây là những gì tôi nghiệm ra trong quá trình nỗ lực nâng cao trình độ tiếng Anh và sử dụng trong cuộc sống của mình.
Nguyên lý để rèn luyện và nâng cao năng lực tiếng Anh
Để rèn luyện và nâng cao năng lực tiếng Anh ta cần biết nó gồm những gì và sao để nâng cao chúng. Tiếng Anh cơ bản có thể chia ra 4 kỹ năng: (1) đọc, (2) viết, (3) nghe, (4) nói. Đọc và nghe cùng là năng lực thông hiểu, nghe khó hơn đọc vì ta phải dịch từ âm thanh sang ngữ nghĩa với tốc độ từ 100 đến 150 từ/phút. Cũng vậy, nói và viết cùng là năng lực diễn đạt, nói khó hơn viết là vì ta phải diễn đạt từ ngữ bằng âm thanh cách chính xác, với tốc độ 100-150 từ/phút [1].
[1] https://wordcounter.net/blog/2016/06/02/101702_how-fast-average-person-speaks.html
Như vậy, để nghe và nói tốt, ta phải:
- Có khả năng đọc và viết tốt, tương ứng khả năng thông hiểu /diễn đạt tốt.
- Có khả năng xử lý với tốc độ 100 đến 150 từ/phút.
- Biết chuyển qua lại giữa từ ngữ và âm thanh cách chính xác.
Về trình độ thì có 2 khía cạnh để đo: (1) độ chuẩn xác, và (2) độ thuần thục
- Độ chuẩn xác: là mức độ hiểu đúng nghĩa, dùng đúng từ, đúng ngữ pháp, nói đúng âm.
- Độ thuần thục: là mức độ quen thuộc nhuần nhuyễn. Càng thuần thục thì tốc độ xử lý càng cao và càng dễ dàng.
Để nâng cao độ chuẩn xác ta phải thực hành rồi chỉnh sửa cho đúng. Thực hành mà không được chỉnh sửa thì sai riết thành quen. Chỉ khi sửa cho hết sai rồi thì ta mới có thể áp dụng hiệu quả thực tế. Đây có lẽ điều khó khăn nhất để thực học, làm sao để biết mình sai, biết thế nào là đúng, và luyện đến khi không sai nữa, nhất là khi nghe và nói.
Để nâng cao độ thuần thục ta phải làm đi làm lại nhiều lần. Tạp chí Times của Mỹ có bài báo nói não cần nhớ lại 30 lần để quen ([1]). Vậy giống như tập võ hay tập đàn vậy, ta phải làm đúng 1 việc 30 lần mới có thể thuần thục áp dụng vào cuộc sống, đừng chán và đừng nản. (Và nhớ là phải thuần thục cái “đúng” chứ đừng thuần thục cái sai, không sau này sửa lại còn khó hơn)
[1] https://time.com/4042569/how-to-improve-memory/
Như vậy, để nâng cao trình độ tiếng Anh của mình, ta cần rèn luyện cả 4 kỹ năng (1) đọc, (2) viết, (3) nghe, (4) nói. Ta cần thực hành rồi chỉnh sửa những cái sai của mình. Ta cần làm đi làm lại cho thuần thục. Đó là nguyên lý.
Nguyên lý thực học (real learning)
Thực học là khả năng thực sự áp dụng điều mình học trong thực tế (khác với học giả là học xong rồi chẳng áp dụng được ^^). Edgar Dale để đề ra nguyên lý tháp thực học như thế này:

Tháp thực học của Edgar Dale
- Đọc sách không thì thực học được tầm 10%
- Nghe nói thì thực học được tầm 20%
- Xem phim ảnh thì thực học được tầm 30%
- Vừa nghe vừa xem làm mẫu, biểu diễn thì thực học được tầm 50%
- Làm bài tập, thực tập tương tác thì thực học được 70%
- Thực hành trên mô hình, làm thực tế thì thực học được 90%.
Tháp này nói chung cho học tất cả các môn. Áp dụng vào việc học tiếng Anh, ta cần ý thức rằng chỉ đọc sách và nghe thì chỉ thực học được 20%. Để đạt 90%, ta cần làm bài, thực tập, rồi trải nghiệm thực tế.
Những khó khăn người Việt thường gặp khi áp dụng tiếng Anh vào đời sống công việc
Khó khăn đầu tiên có lẽ là không biết đủ vốn từ tiếng Anh cần dùng trong đời sống và công việc. Học ở trường chỉ cho ta một lượng từ căn bản, tuy nhiều nhưng không đủ cho tất cả các hoàn cảnh trong thực tế đời sống, nhất là trong công việc. Mỗi công việc, mỗi chuyên ngành, như máy tính, y, nông lâm, kế toán, kinh doanh… lại có một lượng các từ chuyên ngành của nó mà lớp tiếng Anh không thể dạy ta. Vậy nên khi vào thực tế đời sống, lúc đầu chắc chắn ta sẽ bị thiếu vốn từ.
Khó khăn thứ hai là thiếu sự thuần thục, có biết nhưng chậm nhớ dẫn tới xử lý chậm và vất vả. Đọc không thuần thục sẽ phải vất vả nhớ từ, dễ đọc trước quên sau. Nghe mà không xử lý kịp 100-150 từ/phút sẽ bị lời vào tai này ra bên tai kia, có vẻ nghe được từ này tự nọ nhưng cuối cùng không hiểu gì hết. Viết và nói thì xử lý chậm tuy không quá tệ nhưng cũng làm mình thấy khó khăn dễ chán nản.
Khó khăn thứ ba là luyện nghe nói với người Việt, quen ngữ âm kiểu Việt nên khi người Anh nói giọng bản ngữ, nhấn nhá luyến láy kiểu họ thì ta nghe không ra, còn ta nói kiểu Việt thì họ nghe không được. Thực ra tôi thấy dạo này trình độ phát âm của các bạn trẻ đã tốt lên rất nhiều so với thời trước, nhưng một số bạn ở quê lên thì vẫn bị vậy.
Cuối cùng, tôi thấy khó khăn lớn nhất là thiếu điều kiện để sử dụng tiếng Anh trong đời sống và công việc. Không thực sự sử dụng tiếng Anh trong đời sống và công việc sẽ không có trải nghiệm thực tế để đạt thực học 90%, trường lớp chỉ giúp ta đạt tầm 50%, hay 70% là cùng. Nó khiến ta không đủ thực hành để thấy hết cái sai của mình mà chỉnh, và không làm đủ nhiều để thuần thục.
Ta thấy những khó khăn này đều sẽ được giải quyết khi ta đi du học hay được học chuyên ngành theo chương trình thuần tiếng Anh. Khi đó, ta sẽ bị áp lực sử dụng tiếng Anh trong đời sống và công việc. Bị ép đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Anh giúp ta dần quen và thành thục vốn từ tiếng Anh chuyên ngành. Bị ép làm bài, viết luận văn tiếng Anh (và sửa ngữ pháp bài viết) sẽ giúp ta thuần thục việc viết tiếng Anh. Bị ép nghe giảng /thuyết trình bằng tiếng Anh sẽ khiến ta quen thuộc, nhận biết nhanh hơn các từ khi nghe nói tiếng Anh. Bị ép nói chuyện với người nước ngoài nhiều sẽ giúp ta thành thục hơn vốn từ đời sống và ngữ âm của họ.
Vậy nếu ta không có điều kiện đi du học hay được học các chương trình thuần tiếng Anh thì sao? Sẽ không ai ép ta hay tạo điều kiện cho ta dùng tiếng Anh trong đời sống và công việc. Ta phải tự ép mình và tạo điều kiện cho mình. Sau đây là một số điều cụ thể mà ta có thể làm:
Sắp xếp và giữ theo một chế độ rèn luyện tiếng Anh phù hợp với mình
Học tiếng Anh để dùng trong đời sống công việc là một mục tiêu (goal). Nhưng một mục tiêu mà không có một kế hoạch để từng bước hiện thực thì đó chỉ là một điều ước, kiểu “ước gì mình có tiếng Anh đủ giỏi để dùng trong đời sống và công việc”. Muốn hiện thực hóa mục tiêu hay ước mơ, của mình, ta cần có một chế độ rèn luyện để nỗ lực mỗi ngày giúp ta từng bước đạt đến nó.
Chế độ rèn luyện (system) là một chương trình những công việc mà nếu làm theo đều đặn sẽ dẫn ta đạt đến mục tiêu của mình. Ví dụ, nếu muốn có vóc dáng thon gọn khỏe mạnh, ta cần giới hạn ăn mỗi bữa chỉ chén rưỡi và mỗi ngày dậy từ 5g sáng để tập thể dục đến 6g sáng. Cũng vậy, nếu muốn học tiếng Anh để áp dụng vào đời sống và công việc, ta cần có một chế độ với những việc cần làm đều đặn hằng ngày để đạt được mục tiêu của mình.
Giữ theo một chế độ rèn luyện đòi hỏi nỗ lực và thúc ép bản thân. Dậy từ 5g sáng để tập thể dục và ăn bữa chén rưỡi cho vóc dáng thon gọn khỏe mạnh không dễ. Cũng thế, ta phải cố gắng rèn luyện nếu muốn dùng tiếng Anh trong cuộc sống.
Sau đây là một chế độ mẫu tôi đề nghị, nhưng mọi người hãy tự chỉnh sửa theo điều kiện kinh tế thời gian của mình sao cho mình có thể theo được lâu dài, 2-4 năm gì đó.
1. Theo học một lớp tiếng Anh theo chuẩn quốc tế nào đó (Cambridge, IELTS, TOEIC…).
Dù không hoàn hảo, nhưng lớp tiếng Anh cũng giúp ta đạt 50%-70% thực học, và thầy cô tiếng Anh là những người hiếm hoi chịu chỉnh sửa cho ta. Lớp học cũng tạo áp lực bắt ta phải đều đặn học.
Để có hiệu quả, lớp tiếng Anh cần phải cho nhiều bài tập, thúc ép ta làm và chỉnh sửa đầy đủ. Ví dụ một lớp mà tôi biết là trang https://youre.vn/ mà vợ tôi đang học. Nó dạy online kèm theo một e-platform bài tập chấm điểm online để theo dõi học viên. Hệ thống bài tập & chấm điểm tự động vẫn sẽ giúp thầy cô theo dõi và nhắc nhở học viên làm bài. Trước khi học phải lên mạng làm bài coi sai những chỗ nào. Sau đó lên lớp online nghe thầy giảng coi mình sai chỗ nào. Sau đó làm bài lại lần nữa. Thầy giáo sẽ biết bạn nào chưa làm, có làm thì đúng sai thế nào để nhắc nhở và chỉnh sửa cần thiết. Tôi thấy chiến lược này rất tốt vì từng học viên sẽ được chỉnh sửa các sai lầm và bị bắt làm đi làm lại nhiều lần, giúp tăng độ chính xác và thuần thục. Phải có sửa mới đúng và làm nhiều mới nhớ.
2. Tham gia một nhóm dùng tiếng Anh có người nước ngoài
Lớp tiếng Anh dù tốt cũng chỉ giúp ta thực học 50-70% là cùng. Để đạt 90% ta cần đi thực tế, tức là tham gia một nhóm sinh hoạt dùng tiếng Anh. Có điều người Việt nói tiếng Anh với người Việt thì dễ bị ngữ âm, ngữ điệu kiểu Việt, phát âm cũng hay bị sai giống nhau, nên người nói người nghe thấy rất suôn và rất dễ hiểu. Đến khi gặp người nước ngoài mới trớt quớt. Vậy nên nhóm đó nên có người nước ngoài. Dù rằng nếu không có thì có còn hơn không.
Dễ nhất là tìm các CLB nói tiếng Anh, cố gắng tìm chỗ nào có người nước ngoài. Trong trường có thể bắt chuyện với các bạn sinh viên nước ngoài sang trao đổi. Không thì tới các khu có người nước ngoài, bắt chuyện với ai có vẻ rảnh rỗi, làm hướng dẫn viên miễn phí. Chat hay messenger qua mạng cũng tốt, chỉ coi chừng bị dụ chơi bitcoin hay chuyển tiền. Ở Thủ Thiêm có một hội thánh quốc tế, và tôi gặp nhiều bạn sinh viên đến nhóm với hội thánh để luyện tiếng Anh, cũng hay. Vợ tôi tham gia nhóm học Kinh Thánh với mấy chị nước ngoài cùng chung cư. Hãy sáng tạo và chai mặt để tìm cơ hội cho mình.
3. Sắp xếp mỗi ngày 1 giờ luyện tiếng Anh, ngoài những gì lớp tiếng Anh dạy
Ngoài những gì học ở lớp tiếng Anh, ta cần luyện thêm những gì cần riêng cho mình, như để học tiếng Anh chuyên ngành mình làm, hay rèn một số chỗ mình còn yếu. Một giờ này nên ở lúc ít bị ảnh hưởng bởi đời sống thường ngày như sáng từ 5g đến 6g, hay tối từ 9g đến 10g. Mỗi ngày ta luyện một thứ, và luân phiên ngày đọc, ngày nghe, ngày viết, ngày nói v.v…
Các bạn hãy xem trung bình một ngày mình dùng điện thoại bao lâu, bao nhiêu giờ vào lướt web, Facebook, Zalo, Messenger. Tôi nghĩ chắc phải 2-3g, cắt bỏ 1-2g trong cho tiếng Anh thôi ^^
Sau đây là một số cách để luyện và các sai lầm thường gặp khi luyện đọc /nghe /viết /nói:
Luyện đọc tiếng Anh để dùng trong đời sống
Theo tôi, đọc là kỹ năng căn bản nhất và dễ luyện nhất của tiếng Anh. Nó là căn bản nhất vì nó giúp ta mở rộng vốn từ và luyện khả năng thông hiểu. Đó là cơ sở cho việc nghe, viết và nói. Không thành thục vốn từ vựng thì chẳng thể nghe nói viết gì được. Đọc dễ luyện nhất vì ta chỉ cần sách để đọc và máy tính nối mạng để tra ngữ nghĩa là được.
Sai lầm đầu tiên hay bị khi luyện đọc tiếng Anh là đọc sách truyện không liên quan đến công việc đời sống mình, như truyện giả tưởng. Làm vậy không giúp chúng ta mở rộng vốn từ cần thiết để áp dụng vào cuộc sống. Ta cần đọc sách tiếng Anh về chuyên ngành mình, hay chuyện thời sự thực tế để mở rộng vốn từ giúp áp dụng tiếng Anh vào đời sống.
Sai lầm thứ hai hay bị là gặp từ mới thì tra nghĩa xong đọc tiếp. Làm vậy ta sẽ quên ngay sau khi đọc. Tra từ trên mạng thì máy tính sẵn đó, khi tra xong ta hãy chép từ đó vào một file Word để có thể ôn lại nhiều lần cho nhớ.
Sai lầm thứ ba hay bị là chỉ tra nghĩa từ chứ không để ý phiên âm cách đọc của nó, dẫn đến đoán đại rồi từ đó đọc sai nghe sai, như video là /ˈvɪdiəʊ/ mà nhiều người đọc là /vid’eo/. Tiếng Anh nó viết một đằng đọc một nẻo, nên từ điển trên mạng giờ luôn kèm phiên âm và phát âm mẫu. Khi tra từ ta phải xem phiên âm, nghe và đọc vài lần cho đúng để từ đó về sau nói đúng nghe đúng, chứ đừng đoán mò rồi từ đó về sau nghe sai nói sai.
Sai lầm thứ tư hay bị là cố nhớ từ tiếng Việt tương đương của từ tiếng Anh, như “video” là “phim ảnh”. Làm vậy khi đọc /nghe não ta sẽ phải xử lý gấp đôi: từ tiếng Anh > từ tiếng Việt > ý tưởng, và khi nói từ ý tưởng > tiếng Việt > tiếng Anh. Làm vậy rất chậm và nặng đầu, không thể xử lý 100 từ /phút cho nghe nói. Ta phải nhớ trực tiếp từ tiếng Anh > ý tưởng (và thực tế, khi dịch từ Anh sang Việt, tôi dịch tiếng Anh > ý tưởng, rồi chọn từ tiếng Việt phù hợp để diễn đạt). Muốn vậy, ta hãy nhớ ví dụ dùng nó, như “Youtube has a lot of videos”, hay chính đoạn sách ta đang đọc. Nó sẽ buộc não ta hiểu ý trực tiếp từ tiếng Anh, vậy mới xử lý kịp 100 từ /phút.
Sai lầm thứ năm nữa là muốn đọc cho xong, cứ lướt tới tới nên chưa hiểu mà cứ tưởng rằng mình đã hiểu. Đừng vội, mục tiêu của ta không phải là đọc xong quyển sách, mà là nhớ ý và nhớ từ. Và để nhớ não bộ ta cần lập đi lập lại. Tạp chí Time có bài nói để não nhớ thuần thục một từ nó cần phải nhớ lại từ đó 30 lần ([1]). Vậy nên khi đọc xong một đoạn mà có từ mới phải tra thì hãy đọc lại, đến khi nhớ thuần thục không cần tra từ nữa mới sang đoạn khác. Đọc hết 1 trang /1 bài thì ngẫm lại xem bài mình vừa đọc có những ý gì, nếu có câu hỏi thì trả lời câu hỏi, v.v… Vậy để ta đảm bảo mình thực hiểu và nắm ý điều vừa đọc chứ không phải chỉ dịch từng từ mà không thu được ý.
[1] https://time.com/4042569/how-to-improve-memory/
Sai lầm lớn nhất khi luyện đọc là thiếu kiên nhẫn và nản chí vì thấy chậm và khó. Hãy nhớ những trang đầu là những trang khó nhất, càng về sau càng dễ. Đó là vì những trang đầu có rất nhiều từ mới, cứ đọc chút là gặp từ mới phải tra nên đọc rất chậm, thấy rất nản. Nhưng lượng từ mới ta gặp là giới hạn, càng về sau càng ít. Thường qua được chương đầu là bắt đầu thấy suôn. Vậy nên hãy kiên nhẫn bền lòng, vạn sự khởi đầu nan, lúc đầu là lúc khó nhất, càng về sau càng dễ.
Để đừng nản, ta đừng để ý tiến độ mà hãy tập trung vào thời gian và chất lượng. Nếu một ngày ta bỏ một giờ để đọc, tra từ, xem cách đọc và nghe phát âm mẫu, nhớ ví dụ cách dùng, đọc lại suôn sẻ và nhớ ý phân đoạn vừa đọc… thì dù chỉ đọc nửa trang ta đã có tiến bộ. Đừng lo, số từ mới sẽ ngày một ít dần. Sau 1 tháng là ta sẽ đọc suôn. Đọc xong 1 quyển là quyển thứ 2 sẽ đọc dễ dàng, trơn tru.
Luyện phát âm tiếng Anh chuẩn
Đi kèm với luyện đọc là luyện phát âm tiếng Anh chuẩn. Đây có lẽ là cái khó nhất vì phát âm, ngữ điệu là thói quen từ bé rất khó sửa. Để luyện phát âm tiếng Anh, ta cần trở về thuở tập nói: luyện cho chuẩn từng âm tiếng Anh, rồi từng từ, rồi cả câu.
Vì luyện phát âm vừa căn bản vừa khó, ta nên theo một lớp luyện phát âm để có người giúp luyện và chỉnh sửa, rồi từ đó rèn thêm cho nhuần nhuyễn. Ở nước ngoài, khi trẻ em mẫu giáo học tiếng Anh, họ luyện cho trẻ em phát đúng âm trước rồi mới học đọc. Nhưng nếu không có điều kiện thì trên Youtube có nhiều clip hướng dẫn cách phát âm tiếng Anh, ta có thể luyện theo, như playlist Pronunciation & Phonetics by The English Language Club sau:
Một cách xem phát âm có chuẩn hay không là dùng tính năng nhập văn bản tiếng Anh bằng giọng nói của điện thoại (iphone hay Android). Ta lấy một văn bản (như cái phụ đề bài nghe của mình) và đọc vào điện thoại. Nếu nó nhập đúng thì ta phát âm đúng, nhập sai thì biết là sai. Tất nhiên là luyện với giáo viên bản ngữ là tốt nhất, nhưng với điện thoại thì ta có thể luyện mọi lúc mọi nơi mà không tốn tiền. Điện thoại nghe được chắc người nước ngoài nghe cũng được ^^
https://www.dienmayxanh.com/kinh-nghiem-hay/nhap-van-ban-bang-giong-noi-tieng-viet-chinh-xac-t-917618
Sai lầm đầu tiên khi luyện phát âm là dùng âm tiếng Việt để phát âm tiếng Anh. Tiếng Anh có nhiều âm mà tiếng Việt không có (như âm θ, ð, ʒ, æ), nếu không luyện ta sẽ khó phát âm chuẩn.
Sai lầm thứ hai là nhìn chữ đoán phát âm, như thấy video đoán là vi-déo. Tiếng Anh viết một đằng nói một nẻo. Tôi thực sự sợ phát âm một từ nếu không nhớ phiên âm của nó, 1/4 là sai. Không biết thì lấy từ điển ra tra cho nhớ, chứ đừng đoán sai rồi thành thói quen sai. Vậy nên lúc luyện đọc khi tra từ mới ta phải nhớ phiên âm và nghe phát âm mẫu của nó.
Sai lầm thứ ba là phát âm từ không có nhấn. Nói tiếng Anh không có nhấn như nói tiếng Việt không có dấu vậy, nghe rất kỳ. Nhưng ngữ điệu tiếng Việt chỉ có lên xuống thôi chứ không có nhấn, nên người Việt rất hay quên nhấn, cả tôi khi đang nói tiếng Việt mà sang nói tiếng Anh nhiều khi cũng quên nhấn. Nhấn quan trọng với tiếng Anh đến nỗi chỉ cần biết 1 từ nhấn ở đâu là có thể đọc đúng >80%. Đó là vì hễ nhấn ở âm nào thì thường 2 âm cạnh bên sẽ chỉ đọc là ə (ơ) hay i. Như từ computer, vì nhấn ở u nên 2 âm bên cạnh đọc là ə (ơ), sẽ đọc là /kəmˈpjuːtə(r)/ chứ không phải com-pu-tơ. Vì thường từ chỉ có 2-3 âm nên khi biết nhấn ở âm nào, ta biết 2 âm bên cạnh thường đọc là ə hay i, nhờ đó đọc được cả từ.
Một số sai lầm khi phát âm hay gặp nữa của người Việt là
_ Quên đọc phụ âm cuối vì tiếng Việt ít có phụ âm cuối, như card /kɑːd/ hay đọc ra car /kɑː/
_ Không đọc được 2 phụ âm cạnh nhau vì tiếng Việt ít có, như twinkle /ˈtwɪŋkl/ đọc ra /ˈtɪŋkl/
_ Quên đọc dài nguyên âm dài, như sheep /ʃiːp/ đọc ra ship /ʃip/
Để luyện nói nguyên câu, ta có thể tập đọc & hát các bài ươm vần theo Youtube. Chúng là những bài luyện lưỡi (tongue twister) và ngữ điệu tiếng Anh đơn giản theo lời nhạc. (Click Watch On Youtube)
Để nói tiếng Việt chuẩn, ta phải luyện phát âm tiếng Việt từ 2 tuổi tới 6 tuổi (vô lớp 1 còn bị cô sửa). Vậy nên để phát âm chuẩn chuyện lâu dài, 1-2-4 năm. Ta luyện phát chuẩn các âm của tiếng Anh, rồi tra phiên âm từ mình gặp khi luyện đọc /nghe. Khi phát âm chuẩn quen rồi thì ta sẽ tự động nói nghe hay và dễ hiểu hơn.
Luyện nghe tiếng Anh để dùng trong đời sống
Sau đọc thì nghe là kỹ năng dễ luyện nhất vì giờ ta có nhiều nguồn phát âm bản ngữ để luyện nghe như phim ảnh, Youtube. Để nghe tốt, ta cần thuần thục 95-98% các từ có trong bài, quen với phát âm của chúng, và có khả năng xử lý 100 từ /phút. Điều khiến ta gặp khó khi nghe là ta không biết thuần thục từ (biết từ nhưng chậm nhớ ra) nên không xử lý kịp, và quen nghe tiếng Anh kiểu Việt Nam nên khi người nước ngoài dùng âm điệu của họ thì ta nghe không ra.
Sai lầm lớn nhất khi luyện nghe là nghe người Việt nói tiếng Anh. Người Việt hay sai giống nhau, dùng âm điệu tiếng Việt nói tiếng Anh nên ta nghe thấy rất dễ. Người Việt cả khi phát âm tốt vẫn không có âm điệu nhấn nhá luyến láy được như người bản xứ nên không giúp ta quen được với ngữ điệu của họ. (Còn nếu họ nói tiếng Anh theo ngữ điệu bản ngữ như Việt kiều sinh ra ở Mỹ thì tiếng Việt họ nói sẽ nghe lạ lắm). Để luyện nghe ta phải nghe từ người bản xứ để quen với âm điệu của họ, như nghe trên Youtube.
Sai lầm thứ hai là chọn các bài nghe không gần gũi với thực tế đời sống hay công việc của mình, như nhạc tiếng Anh, phim hành động hay các chương trình thế giới đó đây. Chúng không giúp ta quen thuộc hơn với những gì cần thiết để dùng tiếng Anh trong đời sống. Chọn nghe các bài về sinh hoạt đời sống, công việc, công sở… sẽ có ích hơn. Ví dụ như lên Youtube tra “English conversation [chủ đề]”, filter chọn cái clip ngắn hơn 4 phút có phụ đề và nghe nó.
Sai lầm thứ ba là cố gắng nghe quá nhiều, không xử lý được nên nghe tai nọ sang tai kia. Lúc bắt đầu, ta nên nghe từng câu một. Tôi đề nghị bài luyện nghe như sau
- Lên Youtube, tìm (search) một chủ đề gần gũi với cuộc sống và công việc ta
- Lọc (filters) ra các clip có phụ đề (CC) và ngắn hơn 4 phút
- Chọn clip ta thích nhất
- Xem bản ký âm phụ đề (show transcript). Chép ra 1 file để đảm bảo biết hết các từ cũng như cách phát âm của nó. Xong úp tờ phụ đề lại.
- Nghe từng câu, dừng, kiểm tra mình nghe được hết không. Nếu có chỗ nghe không được thì tua ngược cỡ 10s rồi nghe lại. Nếu vẫn không được thì lật tờ phụ đề lên nghe, xong úp xuống nghe lại. Chừng nào nghe suôn thì mới qua câu tiếp.
- Nghe được 1 phút thì nghe lại cả đoạn xem mình nghe có bị sót không và tóm tắt nội dung để đảm bảo mình hiểu. Khi nghe từng câu dễ dàng rồi thì lên nghe từng đoạn luôn.
- Nghe từng đoạn dễ dàng rồi thì ta lên nghe cả bài. Trước khi nghe cả bài ta hãy viết ra cho mình một số câu hỏi 5W1H về bài nghe: what? where? when? why? who? How? Xong ta nghe và rút ra những ý cần để trả lời các câu hỏi đó và tóm tắt nội dung bài để chứng tỏ mình hiểu.
Cũng giống như đọc, khi bắt đầu luyện nghe ta nghe rất chậm và rất dễ nản. Vậy nên ta đừng tập trung vào tiến độ mà hãy tập trung vào thời gian và chất lượng. Bỏ 1-2 giờ ra nghe 1 clip 4 phút cũng đủ rồi, miễn sao ta đảm bảo chất lượng học, nghe được hết các từ, nắm được nội dung mà không cần xem phụ đề là tốt.
Luyện viết tiếng Anh để dùng trong đời sống
Luyện viết ở đây ta chỉ nói về viết đúng chính tả và ngữ pháp thôi. Ai muốn viết hay có thể đọc sách “The Elements of Style” là nổi tiếng nhất dạy về phong cách viết tiếng Anh. Sách free có thể tìm bản pdf trên Google. https://en.wikipedia.org/wiki/The_Elements_of_Style
Luyện viết để dùng trong đời sống dễ nhất là ta viết lại những gì vừa đọc /vừa nghe. Như vậy đảm bảo là ta không gặp những ý mình không biết diễn đạt ra sao, cũng là một cách ôn tập tốt. Không thì ta viết lại những gì ta viết tiếng Việt, như Facebook post, email, báo cáo v.v… những gì gần gũi với đời sống mình. Nếu gặp ý gì không biết cách diễn đạt thì Google hay hỏi ai đó. Thực ra nếu ta đọc nhiều sẽ có vốn từ nhiều để diễn đạt tốt thôi.
Một sai lầm khi tập viết là mới vào viết dài cả 1-2 trang A4. Lúc đầu ta còn sai nhiều, viết dài sẽ rất nhiều lỗi, và lỗi lập đi lập lại gây nản. Mới đầu nên viết một đoàn rồi dừng để sửa sai. Khi viết từng đoạn không sai nữa thì viết lên 1/2 trang, rồi 1 trang.
Cái khó nhất để luyện viết là sửa lỗi ngữ pháp và diễn đạt cho mình. Thành thật mà nói chẳng ai muốn mất thời gian sửa lỗi cho người khác. Sau đây là một số cách ta có thể làm
- Sau khi viết xong, ta phải đọc lại và tìm lỗi của mình. Nhiều khi ta biết nhưng vì không để ý hay vội nên mắc lỗi.
- Copy & paste vào Google Docs xem nó có sửa gì không. Tôi thấy Google Docs có khả năng phát hiện một số lỗi ngữ pháp căn bản như the/a/an, thêm s, chia thì… khá tốt, tốt hơn Microsoft Office.
- Xong nhờ ai đó sửa lỗi cho mình. Ai nhờ vả hay trao đổi được, bạn học hay bạn cùng tiến càng tốt.
- Viết được 1 trang bài hoàn chỉnh ta có thể nhờ thầy cô. Nhưng nhớ là phải sửa hết cỡ trước đã, vì 1 tháng chắc chỉ nhờ được 1 lần.
Sửa xong đừng quăng đi. Hãy đọc lại và ráng nhớ những lỗi mình hay sai để tránh lần sau.
Luyện nói tiếng Anh để dùng trong đời sống
Luyện nói tiếng Anh khá khó, nhưng nếu ta luyện đọc, nghe, viết tốt thì khả năng nói cũng sẽ dần cải thiện. Đọc giúp ta tăng vốn từ và tra phát âm chúng. Nghe giúp ta quen với ngữ âm bản ngữ mà điều chỉnh âm mình. Viết giúp ta diễn đạt đúng ngữ pháp chính tả. Nói là làm những điều trên với tốc độ 100 từ/phút mà không mắc lỗi. Để làm được vậy cần quen. Nói chủ yếu là quen câu quen miệng thôi.
Khó khăn hay gặp nhất khi nói là bị cứng lưỡi đầu óc trống rỗng, không nói được. Cái này là do chưa quen, chưa tự tin, ra thực tế bị áp lực thì đầu óc sợ hãi lo bỏ chạy chứ không dám chiến đấu. Giải pháp là tập cho quen thôi. Đầu tiên ta tập đọc, sau tập nói với người Việt, rồi tìm cách tiếp xúc với người nước ngoài. Cứ lăn vào xả, trước lạ sau quen, quen là hết sợ nữa.
Nói chỉ cần người ta hiểu là được, không cần biết đúng ngữ pháp hay phát âm gì hết. Tập đọc /tập phát âm thì có sửa chứ tập nói không có sửa. Ta cứ mạnh dạng mà nói. Người nước ngoài khi muốn nói chuyện với ta thì họ sẽ chịu khó nghe và hỏi lại cho đến khi hiểu. Sếp Mỹ của nhóm tôi từng nói tao làm với tụi bay 2 năm mà tao không thấy trình độ tiếng Anh của tụi bay giỏi lên mà chỉ thấy trình độ tiếng Anh của tao kém đi (vì ổng tập nói kiểu Việt cho người Việt dễ hiểu).
Luyện nghe mới cần nghe người bản xứ chứ luyện nói với người Việt cũng được, vì nói cần tự tin diễn đạt cho đến khi người ta hiểu chứ không cần đúng.
Nói vậy để mọi người cứ mạnh mẽ tự tin mà nói, lăn vào mà chém đến khi người ta hiểu thì thôi. Tuy nhiên, việc luyện phát âm để nói cho chuẩn cũng có cái hay. Nó giúp người bản xứ dễ hiểu mình hơn, vui vẻ thoải mái nói chuyện với mình hơn, nghe sang hơn người nói không chuẩn.
Tổng Kết
Bài này chia sẻ những nguyên lý và kinh nghiệm luyện tiếng Anh sao để áp dụng được vào cuộc sống. Khó khăn của người Việt là thiếu điều kiện để sử dụng tiếng Anh trong đời sống và công việc, nên không thuần thục vốn từ tiếng Anh cần dùng, không đủ thực hành để thấy cái sai của mình mà chỉnh sửa, không có trải nghiệm thực tế để quen và tự tin khi sử dụng. Ai ra nước ngoài sẽ bị ép phải sử dụng tiếng Anh trong đời sống, từ đó tích lũy kiến thức, chỉnh sửa, quen thuộc và trở nên tự tin để dùng. Nếu ta không có cơ hội như vậy, ta phải nỗ lực ép mình vào một chế độ rèn luyện phù hợp để có thể được như người ta.
Bài trên nói khá dài về lý thuyết các kỹ năng cần luyện và nâng cao năng lực tiếng Anh, các sai lầm cần tránh khi luyện. Bài cũng giải thích và nhấn mạnh phải có một chế độ rèn luyện phù hợp với mình để có thể biến mục tiêu áp dụng tiếng Anh trong đời sống thành hiện thực trong 2-4 năm. Tóm tắt thì nó là:
1. Hãy sắp xếp một chế độ rèn luyện tiếng Anh phù hợp cho mình và giữ theo nó.
Mỗi người cần tự sắp xếp một chế độ rèn luyện phù hợp với điều kiện kinh tế thời gian của mình. Tôi đề nghị chế độ luyện đơn giản giá sinh viên như sau
- Theo học 1 lớp tiếng Anh lấy chứng chỉ quốc tế chuẩn như Cambridge, IELTS hay TOEIC. Lớp đó cần cho nhiều bài tập, sửa bài kỹ lưỡng, kiểm tra và động viên thúc đẩy ta làm bài như trang https://youre.vn/ . Học online sẽ có học phí rẻ và đỡ mất công đi lại.
- Tham gia một nhóm sử dụng tiếng Anh hằng tuần, cố gắng có người nước ngoài.
- Sắp xếp ngày 1 giờ để luyện thêm bên cạnh lớp học những thứ chuyên ngành, đời sống hay những điểm yếu của ta. 1 giờ đó nên là lúc cố định ít bị ảnh hưởng bởi sinh hoạt hằng ngày, như 5-6g sáng hay 9-10g tối.
Biết là khó và cực, nhưng muốn hơn người phải nỗ lực hơn người. Bớt dùng điện thoại lướt web Facebook Zalo lại. Đừng sống ảo như người ta, hãy sống thực.
2. Trong 1 giờ luyện thêm mỗi ngày đó, ta có thể luyện đọc /nghe /viết /nói như sau:
- Luyện đọc: đọc sách chuyên ngành của mình, hay những truyện ngắn gần gũi với đời sống như News and daily life in Vietnam by VnExpress. Nhớ chép từ mới ra 1 file và học cách phát âm của nó.
- Luyện nghe: luyện nghe một clip ngắn dưới 4 phút trên Youtube theo cách như trên.
- Luyện phát âm: luyện phát chuẩn các âm trong tiếng Anh, hay đọc một truyện ngắn vào điện thoại bằng tính năng nhập văn bản bằng giọng nói tiếng Anh
- Luyện viết: kể về một chuyện hôm nay (như nhật ký), hay viết lại một bài tiếng Việt của mình. Nhớ viết 1 đoạn là sửa lỗi ngữ pháp vì mục tiêu là luyện viết cho đúng chứ không cần nhiều. Ta tự sửa rồi nhờ Google Docs bắt lỗi, hay nhờ bạn, lâu lâu nhờ thầy cô.
- Luyện nói: nói cần người ta hiểu chứ không cần đúng, cứ lăn xả vào nói cho quen và thêm tự tin thôi. Khi bạn luyện 4 điều trên, bạn sẽ tự nhiên nói tốt hơn
Để áp dụng tiếng Anh vào công việc, hãy luyện đọc 1-2 sách chuyên ngành, và viết lại các bài báo cáo môn học /luận văn của mình bằng tiếng Anh. Càng nhiều càng quen càng vững.
Nếu các bạn có một chế độ rèn luyện tiếng Anh hợp lý và giữ theo nó suốt 2-4 năm, tôi tin là các bạn sẽ thành công. Cố gắng nhé.