Vì Sao Kinh Thánh Thật Khó Hiểu? Vậy Làm Sao Để Đọc?

Có người hỏi “Tại sao khi đọc bài viết về Kinh Thánh thì thấy hay, nhưng khi tự đọc thì lại thấy thật khó hiểu?” Đó là vì những lời dạy trong Kinh Thánh như kim cương thô, nhìn sơ qua chỉ như cục đá lạ lạ mà thôi. Còn khi đọc bài viết về Kinh Thánh, ta thấy những viên kim cương đã được người viết chế tác, đẹp và lấp lánh hơn nhiều. Có khả năng tự đọc Kinh Thánh sẽ giúp ta tự thu lượm kim cương, chế tác áp dụng vào đời sống hoàn cảnh của mình, và hấp thụ chúng vào tâm trí. Sau đây là 3 nguyên tắc giúp ta đọc Kinh Thánh hiệu quả.
Giờ giả sử một thiên sứ từ trời xuống đưa cho ta bản đồ chỉ đến một mỏ kim cương giàu nhất trái đất. Mừng rỡ, ta lập tức bay đến đó, hi vọng sẽ thấy một nơi đầy kim cương lấp lánh. Nhưng không, ta thấy nó chỉ là miếng đất bình thường, cũng đầy đá sỏi. Có phải thiên sứ đã nói dối? Không, đó là vì kim cương thô nhìn cũng chỉ như cục đá lạ lạ nằm lẫn trong sỏi đá mà thôi. Để có được kim cương lấp lánh như ở tiệm, người ta phải sàng lọc, chế tác để làm nổi bật lên vẻ đẹp và giá trị thật sự của nó.

Kim cương thô trong mỏ
Kinh Thánh chính là mỏ kim cương như vậy. Thoạt nhìn, nó chỉ là những câu chuyện kể hay lời dạy mà ta có thể thấy hay hay lạ lạ, nhưng không thấy lấp lánh giá trị lắm. Nhưng các kiến thức về Chúa thu lượm qua những câu chuyện, qua những lời kể về Ngài chính là những viên kim cương thô. Nếu ta thu lượm về, suy ngẫm rồi rút ra các bài học, và áp dụng cho đời sống mình thì ta sẽ biết cách sống cho đẹp lòng Chúa. Khi đó, lời Ngài sẽ là đèn soi chân ta (Thi Thiên 119:105), và Chúa sẽ là Đấng chăn giữ ta (Thi Thiên 23). Ngài sẽ cho ta đời sống bình an và ý nghĩa trong Ngài. Vậy nên sau đây là 3 nguyên tắc giúp ta tự đọc Kinh Thánh và thu lượm những viên kim cương lấp lánh giá trị cho mình:
1. Đọc Kinh Thánh để biết và đến với Chúa, không phải để tìm “công thức” sống phước.
“Các ngươi tra cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi không muốn đến với Ta để được sự sống đời đời.” (Giăng 5:39-40)
Chúng ta hay tìm kiếm một “tôn giáo”, một “công thức”, một bộ quy tắc những điều làm không làm để sống tốt. Nhưng Chúa thì muốn ta có một mối quan hệ tương giao với Ngài [1], Chúa nhận ta là con nuôi (Rô-ma 8:15, Ê-phê-sô 1:5), ta nhận Ngài là cha trên trời (Ma-thi-ơ 6:9). Khi mới sang Singapore du học, có 2 bạn sinh viên đến hỏi tôi: “Bạn muốn biết về Chúa Giê-xu hay không?” Vốn yêu thích học lẽ sống, tôi trả lời “Tôi thấy người Do Thái, người Hy Lạp La Mã, người phương Tây tin theo Chúa, nên cũng muốn học biết Chúa dạy gì.” Tinh thần tốt nhưng mục tiêu sai. Đúng ra tôi nên học để biết Chúa chứ không phải để biết Chúa dạy gì. Có lẽ vì vậy nên khi học sách Phúc Âm Giăng (là sách diễn giải về thần tính và tước vị Con Đức Chúa Trời của Chúa), tôi chỉ thấy Chúa làm việc này việc kia, không thấy điều sách muốn nói [2].
Sau này, tôi tìm hiểu về Chúa với mục tiêu để biết Ngài và xem mình có nương tựa nơi Ngài được không, không phải để “biết Chúa dạy gì”. Với mục tiêu đúng, tôi đọc đến đâu thu lượm đến đó, bởi vì mọi lời trong Kinh Thánh đều nói về Ngài, nhưng không phải lúc nào cũng dạy ta làm gì [2]. Khi biết Chúa, biết Lời Ngài, và có mối quan hệ cầu nguyện tương giao với Ngài, ta sẽ tự biết mình phải sống thế nào để được phước.
2. Đọc để hiểu tổng quan cả Kinh Thánh, đừng chỉ biết những trích đoạn, câu gốc rời rạc

Quá trình hình thành các sách Kinh Thánh trong lịch sử
“Rồi Ngài bắt đầu từ Môi-se đến tất cả các nhà tiên tri mà giải thích cho họ những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh.” (Lu-ca 24:27)
“Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (2 Ti-mô-thê 3:16-17)
Đọc Kinh Thánh mà chỉ đọc các trích đoạn hay câu gốc giống như xem Harry Potter mà chỉ xem những phân cảnh rời rạc hay các câu nói của Harry trong giới thiệu phim. Ta sẽ thấy hay hay nhưng không hiểu gì hết. Ta phải xem biết toàn bộ câu chuyện trước, rồi sau này quay lại xem các trích đoạn sẽ hiểu sâu và rõ hơn.
Khi mới tìm hiểu về Chúa, tôi đến nhóm với các bạn sinh viên Tin Lành Singapore, học điều này điều kia về Chúa, nhưng không hiểu gì hết vì không hệ thống kết nối chúng lại được. Sau này, tôi tìm thấy trang của Ted Montgomery, một bác sĩ về hưu viết lại toàn bộ hiểu biết Kinh Thánh của mình. Bác sĩ không diễn giải từng câu, mà nói tổng quan các chủ đề và nội dung chính trong Kinh Thánh. Cách diễn giải rõ ràng, khúc chiết, khoa học, khiêm tốn của một bác sĩ giúp tôi có hình dung tổng quan cả Kinh Thánh. Nó giúp tôi có hình dung trọn vẹn về Đức Chúa Trời để biết Ngài là ai, Ngài tể trị trên lịch sử loài người thế nào… mà quyết định tin nhận Ngài là chủ của đời mình và sống nương tựa nơi Ngài [2].
Vậy nên nếu ta chưa đọc qua Kinh Thánh lần nào thì khoan hẳn đọc các sách tĩnh nguyện hay phân tích Kinh Thánh. Trước hết, hãy đọc sách giúp khám phá tổng quan Kinh Thánh như [3] [4], hay xem các clip giới thiệu tổng quan ở trang Dự Án Kinh Thánh [8]. Sau đó việc đọc tĩnh nguyện hay phân tích trích đoạn sẽ hiệu quả hơn nhiều. Khi đọc về trích đoạn nào, ta sẽ biết nó ở đâu, ngữ cảnh là gì, liên quan với cả Kinh Thánh như thế nào… nên dễ hiểu và dễ phân tích.
Tôi mất 2 tuần để đọc xong trang của bác sĩ Ted Montgomery, và bạn có thể mất vài giờ để xem hết các clip của Dự Án Kinh Thánh [8], hay vài tuần để đọc sách giúp khám phá tổng quan Kinh Thánh [3] [4]. Đúng là phải mất chút thời gian và công sức. Nhưng đây là việc làm một lần cho cả đời đời, và Chúa sẽ ban cho ta sự khôn ngoan, giúp đỡ, và phước hạnh đáng giá hơn hẳn những gì ta bỏ ra để học biết Ngài.
3. Đọc Kinh Thánh nhiều lần ở các mức độ nông sâu khác nhau.
“Đức Giê-hô-va phán: “Ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi, Đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta. Vì các tầng trời cao hơn đất bao nhiêu, Thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, Ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” (Ê-sai 55:8-9)
Nhiều người nghĩ Kinh Thánh như sách báo thông thường, đọc 1 lần để hiểu hết và khỏi cần đọc lại. Nhưng Kinh Thánh như một mỏ kim cương thô cần sàng lọc mài dũa, đào hết lớp này đến lớp khác 2000 năm nay không hề cạn. Đó là vì Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời, Đấng có suy nghĩ và đường lối cao sâu hơn con người. Lời Chúa có rất nhiều lớp nghĩa, ta không thể hiểu hết ngay khi đọc.
Chúa hay ví dân Ngài như loài chiên (cừu). Chúng là loài nhai lại, không cố gắng tiêu hóa ngay khi ăn mà chỉ thu lượm cỏ vào bụng mình, rồi từ từ nhai lại và tiêu hóa. Cũng vậy, Chúa thiết kế Kinh Thánh cho bầy chiên Ngài ăn không để hiểu ngay khi đọc, mà để thu vào lòng. Sau đó, ta mới từ từ suy ngẫm tiêu hóa, hiểu và áp dụng vào đời sống mình. Do đó, ta nên đọc với chiến lược của loài chiên như sau:
i. Đọc để thu lượm lời Chúa vào lòng, hiểu hay áp dụng sau
“Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn.” (Cô-lô-sê 3:16)
Mục tiêu chính khi đọc Kinh Thánh là để thu lời Chúa vào lòng mình, hiểu hay áp dụng để sau. Ra mỏ kim cương, việc đầu tiên là ta đào đất và nhặt hết những viên đá lạ lạ về. Hãy xem thông tin về Chúa từ Kinh Thánh là những viên kim cương thô, dẫu chưa biết để làm gì ta cũng cứ thu vào. Rồi Đức Thánh Linh sẽ làm việc trong ta, giúp ta suy ngẫm, trải nghiệm, diễn giải, liên kết chúng lại, và áp dụng cho những vấn đề trong đời sống mình. Khi đó chúng thật sự sẽ là những viên kim cương lấp lánh đem lại bông trái công chính phước hạnh cho đời sống ta.
ii. Đọc đều đặn theo thời gian đã định, đừng chú ý tới tiến độ hay kết quả.
“Buổi sáng, xin cho con nghe được lòng nhân từ Chúa, Vì con tin cậy nơi Ngài; Xin chỉ cho con biết con đường phải đi, Vì linh hồn con ngưỡng vọng Chúa.” (Thi Thiên 143:8)
Vì Kinh Thánh vừa dài vừa nhiều lớp nghĩa, ta đừng quan tâm việc đọc cho xong hay hiểu cho hết, sẽ chỉ khiến mình nản lòng. Tốt nhất hãy sắp sẵn 30 phút vào thời điểm thuận lợi hằng ngày để đọc Kinh Thánh, rồi trung tín giữ theo. Nó thường là buổi sáng khi đầu óc ta còn tươi mới, dễ tập trung, dễ nhớ. Đây cũng là thời điểm thích hợp để cầu nguyện xin Chúa ở cùng, thêm sức, và ban phước cho ngày mới. Thói quen này sẽ giúp ta nhớ đến Chúa đầu tiên, đặt Ngài lên trên hết, tự tin vì có Chúa ở cùng trong đời sống, và mỗi ngày mỗi đọc biết thêm về Ngài, thu lượm viên kim cương thô cho đức tin.
Tôi có chương trình Đọc Kinh Thánh Từ A Đến Z 15 phút mỗi sáng, mất 6 năm mới xong Cựu Ước, và chắc 4 năm nữa mới xong Tân Ước. Chẳng sao, quan trọng là mỗi ngày có đọc để biết thêm về Chúa. Việc này là song song với thói quen nghe Kinh Thánh và âm nhạc, bài giảng Cơ Đốc trong thời gian rảnh để nuôi dưỡng tâm hồn mình.
iii. Tranh thủ nghe Kinh Thánh trong thời gian rảnh

Nghe là cách người xưa học Kinh Thánh, hãy tranh thủ nghe Kinh Thánh mọi lúc mọi nơi
“Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy.” (Phục Truyền 6:7)
Ngày xưa người ta chủ yếu là nghe Kinh Thánh vì sách hiếm và đắt, cũng ít người biết chữ. Vậy nên ta có thể nghe Kinh Thánh thay vì đọc. Dù ta có thể cảm thấy không nhớ nhiều sau khi nghe, nhưng thật ra những ý động chạm vẫn sẽ được thu vào lòng. Thực tế thì khi nghe ta vẫn hiểu sâu hơn đọc lướt, vì tốc độ nghe chỉ 100 từ/phút trong khi đọc lướt là 200-300 từ/phút. Vậy nên thay vì nghe nhạc, hãy tranh thủ nghe Kinh Thánh khi ta thư giãn, làm việc nhà, tập thể dục, lúc đi bộ, hay ngồi trên xe… và ta sẽ dễ dàng nghe 1-2 giờ mỗi ngày. Sau khi nghe một sách 10-20 lần, ta sẽ tự nhiên thấy thân thuộc với mọi lời trong đó, như nhớ một bài nhạc vậy. Đến nay tôi đã nghe các sách Cựu Ước hơn chục lần mỗi quyển, còn Tân Ước có sách tới cả trăm (vì sách ngắn và liên quan hơn). Giờ gặp chuyện gì là trong đầu vang lên câu Kinh Thánh liên quan như lời nhắc nhở của Chúa.
Đừng nhầm lẫn việc đọc Kinh Thánh cá nhân với việc học trong nhóm nhỏ hay soạn bài giảng. Hai việc sau phải đào sâu làm kỹ. Buổi học Kinh Thánh nhóm nhỏ 60 phút với tôi chỉ đủ cho một trích đoạn 20-30 câu. Phải có thời gian để mọi người suy ngẫm, thảo luận, và rút ra áp dụng cho đời sống mình.
iv. Vừa đọc vừa cầu nguyện xin Chúa giúp mình thêm năng lực và bày tỏ cho mình hiểu
“Tôi nài xin Đức Chúa Trời của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, là Cha vinh quang, ban cho anh em linh của sự khôn ngoan và sự mặc khải, để anh em nhận biết Ngài.” (Ê-phê-sô 1:17)
Một bạn chia sẻ với tôi là mẹ mình xưa mắt yếu nhưng vẫn ráng đọc Kinh Thánh. Càng đọc, mắt mẹ càng sáng ra, và dần sáng hẳn. Ba bạn ấy thấy phép lạ này cũng đọc Kinh Thánh, rồi tin, giờ đang là mục sư. Đây là một lời chứng cho phước hạnh và quyền năng Chúa ban khi ta nỗ lực học Lời Ngài. Chúa không để ta cố gắng một mình với năng lực giới hạn của ta. Mà Ngài ở cùng ta, giúp đỡ ta, thêm sức thêm năng lực cho ta, để ta có thể làm tốt điều đẹp ý Ngài. Việc học Kinh Thánh là điều đẹp lòng Ngài, hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho ta sự khôn ngoan và mặc khải để hiểu, và Ngài hẳn sẽ đáp lời.
v. Tìm đọc và nghe các bài bình luận diễn giải Kinh Thánh
“Những người Do Thái ở đây có tinh thần cởi mở hơn những người ở Tê-sa-lô-ni-ca; họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không.” (Công vụ 17:11)
Khi đã nắm tổng quan Kinh Thánh rồi, việc đọc các bài diễn giải bình luận Kinh Thánh sẽ trở nên rất hữu ích. Chúng giúp ta hiểu sâu hơn, phân tích kỹ hơn các tình tiết, nhận ra nhiều điều mình chưa biết, và hiểu hơn giá trị của chúng cho đời sống. Đọc nhiều ta sẽ học được cách phân tích diễn của tác giả mà nâng cao năng lực của mình. Chỗ nào thấy lạ hay khó hiểu, ta có thể hỏi các chuyên gia hay tìm kiếm bài phân tích để hiểu rõ hơn. Nhưng nhớ kiểm tra Kinh Thánh để xem lời giảng có đúng không, ngữ cảnh gốc là gì, bài học rút ra và cách áp dụng như vậy có hợp lý không, v.v…
Tổng Kết
Tại sao nhiều người thấy Kinh Thánh đọc bình luận diễn giải thì hay, nhưng tự đọc lại thấy khó hiểu? Đó là vì Kinh Thánh là một mỏ đầy kim cương quý giá, nhưng kim cương thô thì chỉ như viên đá lạ lạ nằm lẫn trong cát sỏi, cần có công sức và kỹ thuật sàng lọc chế tác mới thấy lóng lánh giá trị. Để thấy cái hay của Kinh Thánh, ta cần dành ít thời gian công sức mỗi ngày và làm theo các nguyên tắc đọc hiểu tốt.
Đầu tiên ta cần có mục tiêu đúng là đọc để biết Chúa, không phải để tìm công thức sống phước. Biết Chúa rồi ta sẽ tự biết sống sao cho đẹp lòng Ngài mà được phước.

Tổng quan các sách và các chủ đề trong Kinh Thánh ở trang Dự Án Kinh Thánh [8]
Ta cũng cần đọc để hiểu tổng quan Kinh Thánh từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền và nội dung căn bản của các sách qua các sách giới thiệu Kinh Thánh [3] [4] hay trang Dự Án Kinh Thánh [8]. Nếu không, ta sẽ giống như coi Harry Potter chỉ qua các trích đoạn và lời thoại rời rạc, thấy hay mà không hiểu gì hết. Việc này sẽ mất vài tuần, nhưng nó sẽ cho ta nền tảng vững chắc cho việc học Kinh Thánh sau này. Nhờ nó, khi gặp bất cứ phân đoạn câu gốc nào, ta sẽ hiểu ngữ cảnh và vị trí của nó trong bức tranh tổng quan của Kinh Thánh.
Sau đó, ta cứ mỗi ngày dành 15-30 phút cho Kinh Thánh. Như ra mỏ kim cương trước hết để thu lượm kim cương thô, hay như chiên là loài nhai lại thu cỏ trước tiêu hóa sau, ta đọc để biết về Chúa và thu lời Ngài vào lòng, rồi từ từ suy ngẫm để hiểu và áp dụng vào đời sống. Và ta hãy tranh thủ thời gian rảnh, nghe đọc Kinh Thánh như nghe nhạc cũng được. Vừa đọc vừa cầu nguyện xin Chúa ban thêm năng lực và mặc khải để hiểu Lời Ngài.
Làm những điều trên, ta đã có thể đọc các diễn giải bình luận Kinh Thánh và tìm kiếm câu trả lời cho những chỗ khó hiểu. Giờ thì chúng không còn là những trích đoạn rời rạc nữa, mà ta đã có thể liên kết chúng với tổng quan Kinh Thánh. Chúng sẽ giúp ta hiểu sâu và chi tiết hơn về Chúa, học cách diễn giải, và nâng cao khả năng phân tích áp dụng Kinh Thánh của mình.
Việc học Kinh Thánh sẽ mất chút thời gian công sức (15-30ph/ngày). Nhưng mối quan hệ cha-con với Đấng Toàn Năng là điều quý giá nhất trên đời, và Chúa là đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài. Ngài sẽ ban cho ta hơn hẳn thời gian công sức ta bỏ ra: sự khôn ngoan thiên thượng, sự bình an của Chúa, sự dạy dỗ, giúp đỡ, chu cấp của Đấng Toàn Năng, và sự sống đời đời trong Ngài.
Richard Huynh
Bài Tham Khảo
1. Chúng ta muốn một bản hướng dẫn, Chúa cho ta một mối quan hệ tương giao
https://jdgreear.com/we-want-a-map-god-gives-us-a-relationship/
2. Ở Singapore gặp Chúa
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/o-singapore-gap-chua/
3. Hành Trình Khám Phá Kinh Thánh Cựu Ước
https://nhasachkhampha.com/san-pham/hanh-trinh-kham-pha-kinh-thanh-cuc-uoc-quyen-1/
4. Hành Trình Khám Phá Kinh Thánh Tân Ước
https://nhasachkhampha.com/san-pham/hanh-trinh-kham-pha-kinh-thanh-tan-uoc/
5. Tại sao chúng ta không đọc Kinh Thánh nhiều hơn? 3 hiểu lầm thông thường khi đọc Kinh Thánh
https://byfaithonline.com/why-dont-we-read-the-bible-more-3-common-misunderstandings/
6. Những người nghiện thần học Kinh Thánh
https://www.thegospelcoalition.org/article/biblical-theology-nerds
7. Làm sao để đọc toàn bộ Kinh Thánh lần đầu tiên
https://larrysanger.org/2023/09/how-to-read-the-bible-all-the-way-through-for-the-first-time/
8. Dự Án Kinh Thánh
https://www.youtube.com/@BibleProjectVietnamese/playlists