Liệu Lớp Giáo Lý Tin Lành Có Giúp Vượt Qua Đói Nghèo?
Giữa lớp giáo lý Tin Lành và lớp dạy kinh tế sức khỏe, đi học lớp nào giúp tăng thu nhập nhanh hơn? Một nghiên cứu của đại học Yale cho thấy các gia đình nghèo đi học lớp giáo lý Tin Lành giúp tăng thu nhập 9% chỉ trong 6 tháng, còn lớp kia phải mất 30 tháng! Nghiên cứu này cho thấy ích lợi của việc học giáo lý và các giá trị Cơ Đốc Tin Lành, nhưng cũng chỉ ra những cảnh báo mà Cơ Đốc nhân cần lưu ý.

Liên kết giữa đạo đức Tin Lành và Chủ Nghĩa Tư Bản theo Max Weber
Khoảng một phần tư dân số Philippin sống trong đói nghèo. Một nghiên cứu ở đó, đồng tác giả bởi giáo sư James Choi ở đại học (ĐH) Yale, cho thấy rằng việc học giáo lý và các giá trị Cơ Đốc Tin Lành có thể tăng thu nhập cho gia đình nghèo. Nhưng họ cần có lòng trung tín lâu dài để duy trì những ích lợi.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã tự hỏi lòng mộ đạo (Cơ Đốc Tin Lành) có dẫn tới kết quả kinh tế tốt hơn không. Ví dụ, nhà xã hội học Max Weber nổi tiếng với nhận định rằng đạo đức Tin Lành nhấn mạnh vào sự chăm chỉ và cần kiệm khiến người dân có thu nhập cao và tích lũy nhiều tiền hơn, giúp khai sinh chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Nhưng làm sao để chứng minh rằng tôn giáo (Cơ Đốc Tin Lành) thực sự mang lại những lợi ích này là khó khăn. Vấn đề là “tôn giáo, hiển nhiên, không phải là điều ta có thể phân bổ cách ngẫu nhiên”, James Choi, một giáo sư tài chính ở đại học Yale nói. Ngay cả khi người có đạo có vẻ như có thu nhập cao hơn, có thể vì vài một số yếu tố không đo lường được nào đó – như quá trình nuôi dạy của họ – dẫn đến họ là người vừa làm việc chăm chỉ vừa mộ đạo.
Trong một nghiên cứu gần đây, nhóm của giáo sư Choi đã giải quyết vấn đề này bằng cách phân bổ ngẫu nhiên mời các hộ gia đình ở Philippine đến các lớp dạy giáo lý và những giá trị Cơ Đốc Tin Lành. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, so với những gia đình không được mời tham dự chương trình này, thu nhập của người được mời có tăng lên trong thời gian ngắn. “Nó có thể thật sự có một số ích lợi kinh tế,” giáo sư Choi nói, người cộng tác với Gharad Bryan ở ĐH Kinh Tế Luân Đôn và Dean Karlan ở ĐH Northwestern trong nghiên cứu này.
Nhưng vài năm sau khi chương trình kết thúc, lòng mộ đạo của mọi người sụt giảm, và mức tăng thu nhập của họ cũng vậy, cho thấy rằng các tổ chức Tin Lành cần phải tiếp tục theo dõi những người tham gia để có một tác động lâu dài.
Đọc về nghiên cứu này: “Phân bổ tôn giáo cách ngẫu nhiên: tác động của việc rao giảng Tin Lành với kết quả kinh tế”
Nhóm của giáo sư Choi đã làm việc với International Care Ministries (ICM – mục vụ chăm sóc quốc tế), một tổ chức ở Philippine dạy một chương trình gồm 3 phần gọi là Biến Đổi (Transform). Một phần tập trung vào thần học và các giá trị Cơ Đốc Tin Lành, ví dụ như mục sư dạy rằng những thất bại là một phần trong kế hoạch của Chúa và khuyến khích người học làm các “việc lành” như tiết kiệm tiền, làm việc chăm chỉ, và tránh bài bạc hay rượu chè. Phần thứ hai dạy về lối sống lành mạnh và vệ sinh. Và phần thứ ba dạy cách kiếm sống và những kỹ năng kinh doanh nhỏ lẻ như sản xuất phân hữu cơ.

Các mục sư đã xác định khoảng 9600 gia đình nghèo trong 320 cộng đồng ở Philippine. Rồi họ tách cách ngẫu nhiên các cộng đồng ra thành nhiều nhóm. Một số hộ gia đình được mời đi học đủ cả 3 phần, một số khác chỉ học giáo lý và các giá trị tôn giáo (Cơ Đốc Tin Lành), và nhóm khác chỉ học về sức khỏe và kinh tế. Nhóm đối chứng không được học gì. (Tổng số hoạt động truyền giảng thực hiện bởi ICM không được thay đổi bởi nghiên chương trình.) Trung bình, những gia đình được mời tham gia 9/16 buổi học (tuần một buổi). Nhóm nghiên cứu khảo sát khoảng 6,500 hộ gia đình 6 tháng sau khi chương trình kết thúc, và khoảng 5,800 hộ 30 tháng sau, đo lường các yếu tố như niềm tin tôn giáo và thành quả kinh tế.
Các giáo lý [Cơ Đốc Tin Lành] có thể giúp người học thêm công cụ để vượt qua các khó khăn. Giáo sư James Choi nói, có lẽ họ nghĩ “Tôi có thể vượt qua chuyện này vì Đức Chúa Trời đang dõi theo tôi, và Ngài có một kế hoạch cho tôi.”
Tại thời điểm 6 tháng, những người được mời học lớp giáo lý có vẻ trở nên mộ đạo hơn những người không được mời. Và chương trình giáo lý được thấy kết nối với mức tăng thu nhập 9%, là điều “khá ấn tượng”, giáo sư Choi nói.
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng sự gia tăng này đến từ việc có sự “bền bỉ” hơn, hay khả năng làm việc chăm chỉ và kiên trì. Ví dụ, người được mời dự các lớp giá trị Cơ Đốc Tin Lành dễ đồng ý hơn rằng “Tôi hoàn thành những gì mình bắt đầu” và “trở ngại không làm tôi nản lòng”.
Có lẽ niềm tin vào Chúa đã thúc đẩy họ tìm kiếm công việc mới và tốt hơn, mặc dầu những khó khăn trong gia đình mình. Thái độ của họ như là “Tôi có thể vượt qua điều này vì Đức Chúa Trời đang dõi theo tôi, và Ngài có một kế hoạch cho tôi”, giáo sư Choi nói.
Đáng ngạc nhiên là, mặc dù những người tham gia kiếm được nhiều tiền hơn, lớp giáo lý có vẻ như làm giảm cảm nhận của họ về vị thế kinh tế tương đối của mình trong cộng đồng. Lý do có thể là bây giờ, khi làm những việc có mức thu nhập hàng giờ cao hơn, họ gặp những người khá giả hơn trong xã hội, khiến địa vị kinh tế của họ có vẻ giảm đi khi so sánh.
30 tháng sau khi chương trình kết thúc, những người được mời dự lớp giáo lý không còn báo cáo có lòng mộ đạo (Cơ Đốc Tin Lành) cao hơn những người không tham gia nữa, và phần thu nhập cao hơn của họ cũng biến mất. Giáo sư Choi diễn giải rằng niềm tin Cơ Đốc Tin Lành thực sự đã giúp gia tăng thu nhập lúc ban đầu, nhưng sự suy giảm đức tin sau đó cũng làm suy giảm ý chí vượt qua khó khăn và tìm kiếm một đời sống tốt hơn của họ. Ông suy đoán rằng nếu họ tiếp tục giữ vững sự trung tín của mình, họ có thể thấy kết quả kinh tế dài hạn hơn.
Với nhóm chỉ được huấn luyện về kinh tế và sức khỏe, nhóm nghiên cứu ít thấy hiệu quả về thu nhập của họ trong 6 tháng đầu. Nhưng sau 30 tháng, sự khác biệt là đáng kể. So với nhóm đối chứng (không được học gì), những người tham gia làm việc nhiều hơn 4.3 giờ mỗi tuần, và thu nhập thêm US$17/tháng (tăng thêm 10%). Có lẽ họ đã không áp dụng các kỹ năng mới vào đời sống ngay lập tức, nhưng trong vài năm tiếp theo, “họ đã có thể thay đổi tình trạng kinh tế của mình,” giáo sư Choi nói.
Giáo sư Choi tự hỏi những kết quả này có thể có ý nghĩa gì với nước Mỹ (từng là nước Cơ Đốc Tin Lành mộ đạo) khi lòng tôn kính Chúa đã suy giảm trong những thập kỷ qua. Nếu sự trung tín có nhiều ích lợi, thì “nó cho thấy rằng có điều gì đó đáng lo ngại, ngay cả ở cấp độ kinh tế thuần túy,” ông nói.

Các cơ chế truyền từ tôn giáo đến hiệu suất kinh tế
https://www.mdpi.com/2077-1444/12/2/102
Có phải dạy giáo lý Tin Lành là cách duy nhất để dạy những giá trị như làm việc chăm chỉ và kiên trì? Hóa ra việc tìm cách khác thay thế là không dễ dàng. Nhóm của giáo sư Choi đã bắt đầu thử nghiệm làm một chương trình vô thần ở Philippine để dạy những giá trị tương đương, nhưng họ đã từ bỏ nỗ lực này vì việc tìm kiếm huấn luyện viên hiệu quả là quá khó khăn. Ngược lại, nhiều mục sư là những người rất đam mê và có tài trong việc truyền đạt. Tôn giáo là “một cơ chế truyền dạy đã được chứng minh hiệu quả cho một số giá trị trên”, ông nói.
Điều này không có nghĩa là mọi người nên thúc đẩy giáo dục tôn giáo chỉ để tăng thu nhập. “Lý do để giáo dục tôn giáo là vì bạn tin rằng thông điệp đó là đúng và nó có ích lợi tâm linh,” giáo sư Choi nói.
Theo yale.edu
Người dịch: Richard Huynh
https://insights.som.yale.edu/insights/can-religious-teachings-help-lift-people-out-of-poverty
Suy Ngẫm Của Người Dịch:
Người ta hay nghĩ học về kinh tế và sức khỏe là các điều thực tế hữu ích, còn học giáo lý tôn giáo (ở đây là Cơ Đốc Tin Lành) là chuyện trên trời vô ích. Nhưng nghiên cứu trên của ĐH Yale cùng ĐH Kinh Tế Luân Đôn và ĐH Northwestern cho thấy điều ngược lại: học lớp giáo lý Cơ Đốc Tin Lành giúp tăng thu nhập 9% trong 6 tháng, còn lớp kia cần 30 tháng mới có kết quả!
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra lý do rất hợp lý cho kết quả kỳ lạ này: học về kinh tế và sức khỏe nhưng không có tinh thần để áp dụng mà vươn lên trong cuộc sống thì cũng sẽ chẳng được ích lợi gì. Còn học giáo lý Cơ Đốc Tin Lành là học về mối quan hệ giữa con người với thế giới và Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh, rồi từ đó suy ra những giá trị sống tốt đẹp như làm việc chăm chỉ và tin tưởng ở sự tể trị giúp đỡ của Chúa. Nhờ đó người học sẽ có sự kiên cường bền bỉ mà vươn lên. Với tinh thần và giá trị sống này, con người sẽ có ý chí mạnh mẽ để học và áp dụng các kỹ năng cần thiết để vươn lên trong đời sống.
Con người ngày nay nghĩ “tôn giáo” (đúng ra là tông giáo – 宗敎) là việc thờ phượng thần linh. Sai hoàn toàn, “tông” là dòng họ (tổ tông) hay môn phái (Nam tông Bắc tông…), còn “giáo” là sự dạy dỗ truyền thụ. Từ “tông giáo” chỉ những gì được dạy dỗ truyền thụ qua các thế hệ. Nó có thể là lời dạy của thần (Đức Chúa Trời), của các triết gia (Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử), hay của tổ tông dòng tộc…. Chúng là những nguyên tắc sống, giá trị sống mà thế hệ trước thấy hay và quan trọng nên truyền dạy lại cho lớp sau để giúp chúng thành công trong cuộc sống.
Việc học một tông giáo chính là học thế giới quan, suy nghĩ, và giá trị đã làm nên đời sống của những xã hội và dòng tộc theo tông giáo đó. Và người ta hoàn toàn có thể học theo những tông giáo thành công hơn để có suy nghĩ, lối sống, giá trị sống tốt hơn. Vì vậy, qua hàng ngàn năm lịch sử, những tông giáo kém bị loại trừ, và thế giới chỉ còn lại vài tông giáo lớn.
Nghiên cứu trên chỉ ra rằng tông giáo là một cơ chế truyền đạt đã được chứng minh hiệu quả cho các giá trị sống tốt đẹp. Các nhà nghiên cứu đã bỏ cuộc vì quá khó để dùng một chương trình vô thần thay thế. Chủ nghĩa vật chất vô thần hay dẫn đến đạo đức suy đồi là vậy. Dù trường lớp có dạy môn đạo đức hay giáo dục công dân, nhưng chúng không thuyết phục được người học sống theo nên không có hiệu quả.
Vậy nên sẽ sai nếu tìm cách tách một số đức tính tốt đẹp của một người khỏi tông giáo của họ, vì mục đích của tông giáo là truyền đạt và rèn luyện chúng. Ta không thể nói xã hội Cơ Đốc Tin Lành có kinh tế phát triển không phải vì đạo Tin Lành mà là vì họ làm việc chăm chỉ, cần kiệm, kiên cường bền bỉ, ham đọc sách, v.v… Như nghiên cứu trên, giáo lý Tin Lành và lòng mộ đạo tạo nên những đức tin đó ở người tin theo. Các tông giáo khác cũng giúp truyền đạt và rèn luyện một số tư tưởng (tốt và xấu), nhưng cụ thể khác nhau, với độ thành công khác nhau. Sau đây là những phước lành Chúa hứa ban cho người yêu mến Ngài và học sống theo Lời Ngài:
1. Sức lực: “Vậy, phải cẩn thận, đừng tự bảo rằng: ‘Chính năng lực và sức mạnh của đôi tay ta đã tạo dựng cho ta cơ đồ nầy.’ Nhưng phải tưởng nhớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em, vì chính Ngài là Đấng ban cho anh em sức lực tạo dựng cơ đồ nầy” (Phục Truyền 8:17-18)
2. Kiến thức và sự khôn ngoan: “Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; Từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.” (Châm Ngôn 2:6)
3. Sự can đảm và mạnh mẽ: “Đừng sợ vì Ta ở với con, Chớ kinh khiếp vì Ta là Đức Chúa Trời của con! Ta sẽ làm cho con mạnh mẽ; phải, Ta sẽ giúp đỡ con, Dùng tay phải công chính của Ta mà nắm giữ con.” (Ê-sai 41:10)
4. Sự bình an trong tâm trí và tấm lòng: “Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus” (Phi-líp 4:7)
5. Sự dẫn dắt, hy vọng, và mục đích trong đời sống: “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.” (Giê-rê-mi 29:11)
6. Sự bảo vệ và cứu giúp: “Sự cứu giúp tôi đến từ Đức Giê-hô-va là Đấng dựng nên trời và đất. Ngài không để cho chân ngươi trượt ngã” (Thi Thiên 121:2-3)
7. Sự chu cấp nhu cầu thiết yếu: “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6)
Tất nhiên, không phải chỉ tin nhận Chúa và xưng mình là người Tin Lành là lập tức có tất cả những thứ trên. Chúng là thành quả của quá trình lâu dài trung tín học và làm theo Lời Chúa.
Nghiên cứu trên cũng là nhắc nhở cho Cơ Đốc nhân về tầm quan trọng của sự trung tín. Những người học giáo lý Cơ Đốc Tin Lành trở nên thành tín hơn và có thu nhập tăng 9% sau 6 tháng so với nhóm không học. Nhưng 30 tháng sau khi lớp kết thúc, đức tin họ cũng suy giảm và lợi thế thu nhập của họ cũng biến mất. Nó cho thấy ta cần giữ sự trung tín và làm theo lời Chúa để tiếp tục hưởng các phước lành Chúa ban. Tác giả lo sợ nước Mỹ sẽ mất đi phước hạnh kinh tế của mình do sự bất tín của người Mỹ những thập kỷ gần đây, và tôi nghĩ ta đang thấy điều đó xảy ra.
“Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng con, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong đó. Vì như thế, con mới được thịnh vượng trong con đường mình và mới thành công.” (Giô-suê 1:8)
Nghiên cứu trên cũng cho thấy việc so sánh mình với người khác sẽ khiến ta chán nản và nhụt chí trong quá trình vươn lên của mình. Chúa dạy ta hãy khiêm nhường, đừng so sánh với người khác. Hãy chỉ tự xem xét mình có tốt hơn trước không, sống phần mình, và tập trung theo Chúa.
“Mỗi người hãy tự xem xét công việc mình rồi sẽ thấy lý do để tự hào là dựa vào chính mình, chứ không phải so sánh với người khác. Vì mỗi người sẽ phải mang gánh nặng của riêng mình.” (Giê-rê-mi 17:5-6)
Lưu ý là nghiên cứu này của ĐH Yale xem xét Tin Lành dưới góc độ thuần tông giáo, tức những gì được các tông tộc hay tông phái truyền dạy từ đời trước qua đời sau. Các yếu tố truyền dạy, giá trị, và quy tắc chỉ là những biểu hiện bề ngoài. Cốt lõi của Tin Lành là việc nhận biết Đức Chúa Trời, tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu để được tha thứ tội lỗi, và bước vào mối quan hệ tương giao cá nhân với Ngài. Rồi Chúa sẽ làm việc trong tâm linh ta, giúp ta thấm nhuần các lời truyền dạy và tự nguyện vâng giữ các giá trị và quy tắc trên.
Người không tin nhận Chúa mà ráng giữ theo các quy tắc trên chỉ là theo đạo nhà thờ (churchianity), ở ngoài nhìn thánh sạch nhưng bên trong vẫn còn tội lỗi. Như người Pha-ri-ê, họ sẽ dễ phát tính kiêu ngạo, giữ vẻ bề ngoài, thích được con người khen hơn là Chúa, hay ghen ghét, nóng giận, thiếu lòng nhân từ thương xót, hay coi khinh những người kém “thiêng liêng” hơn mình.