Biết Qua Nghe Nói Và Biết Qua Trải Nghiệm, Ta Biết Chúa Như Thế Nào?

“Biết” nghĩa là ta có kiến thức về ai hay điều gì đó, nhưng đầy đủ cỡ nào, chính xác ra sao thì từ “biết” không nói rõ, mà có khi chính ta cũng không biết. “Biết” có thể phân loại thành biết qua nghe nói, như ta biết về Donald Trump, và biết qua trải nghiệm, như ta biết ba mẹ mình. Vậy ta biết về Đức Chúa Trời như thế nào? Và nếu là người đang tìm kiếm Chúa hay con cái gia đình Cơ Đốc mà chưa trải nghiệm Ngài, làm sao ta có thể trải nghiệm Chúa?

I. Biết Qua Nghe Nói

Biết qua nghe nói là cách ta biết qua lời kể, sách vở, hay phim ảnh. Nó giúp ta biết một điều dù chưa được tiếp xúc thực tế, từ kiến thức toán lý hóa sinh, đến chuyện xưa trước khi ta ra đời, các vĩ nhân lịch sử ta chưa từng gặp, những vùng đất ta chưa từng đến… Biết qua nghe nói giúp ta mở rộng hiểu biết dù chưa trực tiếp trải nghiệm.

Tuy nhiên, khi đó, cách ta biết sẽ bị giới hạn bởi lời kể hay cảm nhận chủ quan của người nói. Vậy nên nó sẽ có chỗ thiếu sót, bị sai, hay phiến diện. Như người ta có thể nói hôn là việc 2 người môi chạm môi, lưỡi chạm lưỡi, trao đổi nước miếng… Nghe vậy chẳng có gì hấp dẫn. Đó là vì miêu tả vậy thiếu mất các yếu tố quan hệ cảm xúc trong đó. Vậy nên nếu chỉ biết qua nghe nói, ta chẳng thể biết rõ và cũng chẳng thấy nó là một phần của đời sống mình.

Nghe nói về Chúa trong hội thánh

Biết qua nghe nói là bước đầu mà mọi người biết về Đức Chúa Trời. Ai chắc cũng từng nghe nói về Chúa qua nhà thờ, qua lịch sử phương Tây, hay qua thông tin về Cơ Đốc giáo. Tùy theo người kể, ta có thể nghe những điều tốt đẹp, như Đức Chúa Trời yêu thương loài người, Cơ Đốc giáo giúp phương Tây giàu mạnh văn minh. Nhưng ta cũng có thể nghe những điều xấu như các cuộc chiến tranh tôn giáo, những sai phạm của giáo hội, hay các tội của Cơ Đốc nhân (Chúng thật ra không phải là lỗi của Chúa mà là lỗi của giáo hội và Cơ Đốc nhân.) Mà dù nghe biết thế nào thì chắc ta cũng ít thấy gì liên quan với đời sống mình. Không tin Chúa thì ta vẫn sống, trái đất vẫn quay.

Biết qua nghe nói cũng là bước đầu con cái gia đình tin Chúa biết về Ngài. Nhà thờ và ba mẹ dạy ta về Chúa, khuyên ta cầu nguyện và sống theo những gì Chúa dạy. Vâng lời ba mẹ là tốt vì họ rất yêu quý con cái mình nên mới truyền dạy lại những kinh nghiệm quan trọng để giúp chúng có đời sống tốt. Nhưng nếu ta chỉ biết Chúa qua nghe nói thì Chúa chỉ là Chúa của nhà thờ, của cha mẹ, chưa phải là Chúa của ta, chưa có vai trò trong đời sống của ta.

Nếu một Cơ Đốc nhân chỉ biết Chúa qua nghe nói mà chưa có trải nghiệm gì về Ngài thì có rủi ro họ chưa thực sự con của Chúa, vì “nếu anh em không chịu sửa phạt như mọi người con đều phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chứ không phải con thật” (Hê-bơ-rơ 12:8). Con cái Chúa sẽ được trải kinh nghiệm sự sửa phạt, tương giao, dẫn dắt, đáp lời cầu nguyện của Ngài.

II. Biết Qua Trải Nghiệm

Biết qua trải nghiệm là khi ta đã thực sự tiếp xúc, tương giao, làm việc với một người hay một điều gì đó trong thực tế, như cách ta biết ba mẹ mình, căn nhà mình. Khi đó, ta biết cách trực tiếp, không phải qua lời kể của ai đó. Với trải nghiệm đủ nhiều và đủ lâu, ta sẽ biết từ trong ra ngoài, cả những góc khuất ít người biết. Đó là một phần của đời sống ta, nơi ta có nhiều kỷ niệm, cảm giác thân quen, sẵn sàng nương tựa.

Biết Chúa qua trải nghiệm, còn gọi là kinh nghiệm Chúa, chính là cách mà những người tin cậy Chúa biết Ngài, và là điều làm nên sự trung tín của họ. Họ không chỉ nghe kể về Chúa, mà thật sự có sự tương giao với Ngài qua cầu nguyện, và đã trải nghiệm quyền năng, sự an ủi và giúp đỡ của Ngài trong đời sống. Vậy nên họ tin cậy Chúa cách chắc chắn, tin tưởng Ngài, hăng hái làm công việc Ngài, và sẵn sàng giao phó số phận của mình cho Ngài.

Constantine thấy dấu thập giá và chữ “trong dấu này, ngươi sẽ chiến thắng”

Lịch sử ghi nhận nhiều chuyện cá nhân trải nghiệm Chúa và thay đổi lịch sử. Như chuyện khi Constantine đem quân đến Rome tranh ngôi hoàng đế La Mã với Maxentius, người vừa có lợi thế sân nhà vừa có quân lực đông gấp đôi ông. Trong khi lo lắng suy nghĩ, Constantine chợt thấy trên trời có dấu thập giá và dòng chữ “trong dấu này, ngươi sẽ chiến thắng”. Tin theo, ông liền thay quân kỳ La Mã bằng dấu thập giá, rồi tiến quân, và dành chiến thắng vẻ vang [3]. Được trải nghiệm Chúa, biết ơn Ngài, khi lên ngôi hoàng đế, Constantine ra lệnh cấm bắt bớ Cơ Đốc nhân khắp đế quốc La Mã, tham gia xây dựng hội thánh, và có nhiều đóng góp cho công việc Chúa. Hay chuyện Clovis vua người Frank (Pháp), trong một trận chiến thất bại cận kề, ông đã ngẩng mặt lên trời kêu cầu hỡi Chúa Giê-xu mà vợ ta nói, nếu Ngài cho ta thắng trận này, ta hứa sẽ tin theo Ngài. Thế trận đột ngột đổi thay và ông dành chiến thắng cách kỳ diệu [4]. Giữ lời hứa, vua Clovis cùng toàn dân mình cải đạo. Người Frank dần mở rộng bờ cõi và giúp Cơ Đốc giáo lan ra khắp châu Âu. Đó chỉ là những sự kiện lịch sử nổi tiếng làm nên lịch sử thế giới. Còn không thể kể hết những trải nghiệm với Chúa của mỗi Cơ Đốc nhân trong đời sống cá nhân của họ. Hãy hỏi những Cơ Đốc nhân mạnh mẽ trung tín, ta sẽ được nghe lời chứng về họ đã trải nghiệm sự an ủi cứu giúp dẫn dắt của Chúa như thế nào.

III. Làm sao để trải nghiệm (kinh nghiệm) Chúa

Được Chúa tương giao dẫn dắt giúp đỡ trong cuộc sống thật tuyệt vời, nhưng làm sao ta có thể trải nghiệm Ngài?

1. Hãy tìm kiếm Chúa và tin rằng Ngài sẽ ban thưởng cho ai tìm kiếm mình.

“Đức Chúa Trời từ trên cao nhìn xuống loài người, Để thử xem có ai thông sáng Tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng.” (Thi Thiên 53:2)

“Không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời; vì người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài thực hữu, và Ngài là Đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6)

Đức Chúa Trời ẩn mình để xem con người ai có lòng tìm kiếm Ngài. Vậy nên ta hãy có lòng tìm kiếm Chúa. Hãy học biết về Ngài, cầu nguyện tương giao với Ngài, xin Ngài làm việc trên đời sống ta. Đừng sợ phí thời gian công sức vì Chúa sẽ ban thưởng cho ai tìm kiếm Ngài.

2. Hãy cầu nguyện tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, xin Chúa vào trong lòng mình, làm chủ đời sống mình

“Nhưng chính vì sự gian ác của các ngươi Đã phân cách các ngươi với Đức Chúa Trời mình, Và tội lỗi các ngươi đã che khuất Ngài khỏi các ngươi Đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:2)

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời… Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.” (Giăng 3:16, 36)

“Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài” (Ê-phê-sô 1:5)

Nếu chưa tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, ta chỉ là tội nhân chờ ngày phán xét, bị tội lỗi ngăn cách với Chúa, không được Ngài nghe lời cầu nguyện (Ê-sai 59:2). Vì thế, Chúa Giê-xu đã giáng sinh xuống thế gian làm người, sống một đời sống thánh sạch vô tội, rồi chịu thập tự giá để chết thay cho ta, và đổi sự thánh sạch của Ngài cho ta. Khi tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, ta được trở nên vô tội (Giăng 3:16, 36), được nhận làm con nuôi của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1:5). Đó là cơ sở để ta được Ngài dẫn dắt, giúp đỡ, nghe lời cầu nguyện.

3. Hãy cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, và hứa sẽ sống theo Ngài

Hình minh họa cảnh Gia-cốp khấn nguyện

“Gia-cốp khấn nguyện rằng: “Nếu Đức Chúa Trời ở với con, gìn giữ con trong lúc đi đường và ban cho con bánh ăn, áo mặc, và cho con được bình an trở về nhà cha của con, thì Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời của con. Hòn đá mà con đã dựng làm trụ sẽ là đền của Đức Chúa Trời, và con sẽ dâng lên Ngài một phần mười mọi thứ mà Ngài ban cho con.” (Sáng Thế 28:20-22)

Trong Kinh Thánh, lúc Gia-cốp chạy trốn Ê-sau, ông chỉ biết Chúa là Chúa của cha ông mình, không phải của mình. Trong cảnh đơn độc, trong tay chỉ có cây gậy, tương lai bất định, ông đã cầu xin Chúa giúp đỡ (Sáng Thế 28:20-22). Khi được Chúa đáp lời cầu nguyện, ông hoàn thành lời hứa nhận biết Chúa là Chúa của mình, sống thờ phượng dâng hiến cho Ngài (Sáng Thế Ký 32:9-10). Hoàng đế Constantine và vua Clovis ở trên cũng biết Chúa qua trải nghiệm rồi tin nhận và thờ phượng Chúa như vậy.

Lưu ý khi đã hứa nguyện với Chúa rồi và được đáp lời thì ta phải hoàn nguyện, nếu không sẽ bị trừng phạt nặng nề:

“Khi con hứa nguyện điều gì với Đức Chúa Trời thì đừng chậm trễ hoàn nguyện, vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại…đừng nói trước mặt sứ giả của Đức Chúa Trời rằng: “Đó là lầm lỡ.” Sao con làm cho Đức Chúa Trời nổi giận vì lời nói của con, và Ngài phá hủy công việc của tay con?” (Truyền Đạo 5:4-6)

Ngoài ra, hãy nhớ rằng Chúa không đáp lại những lời cầu nguyện ích kỷ theo tham muốn cá nhân, không theo ý Ngài [5]. Ta hãy cầu xin Chúa chu cấp đủ ăn đủ mặc, giúp đỡ các nan đề, giải thoát khỏi các tội lỗi. Nhưng ta đừng cầu được giàu sang kẻ hầu người hạ, vì “các vua dân ngoại lấy quyền mà cai trị, các bậc cầm quyền được gọi là người ban ơn thí phước. Về phần các con thì đừng như vậy, nhưng ai lớn nhất trong các con phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai là người lãnh đạo phải như người phục vụ.” (Lu-ca 22:25-26). Hãy xin Chúa giúp ta có thể phục vụ hội thánh và cộng đồng nhiều hơn, làm các việc lành, đóng góp cho công tác Ngài. Đây là những việc ý nghĩa, cho ta niềm vui, tình yêu thương, và nhiều trải nghiệm mới. Chúng đẹp lòng Chúa, và Ngài sẽ cho ta trải nghiệm sự dẫn dắt giúp đỡ để làm [6].

Cũng đừng kỳ vọng ta sẽ được ban cho ngay lập tức không phải làm gì. Như Constantine phải thay quân kỳ La Mã bằng dấu thập giá rồi tiến quân, vua Clovis vẫn phải chiến đấu, Gia-cốp vẫn phải tiếp tục hành trình, ta vẫn phải hành động hết sức mình trong đức tin. Và Chúa sẽ làm những điều ta không thể. “Bạn thấy đó, đức tin đi đôi với hành động, và nhờ hành động mà đức tin trở nên trọn vẹn” (Gia-cơ 2:22).

Tổng Kết

Ta cần phân biệt giữa hai kiểu biết: biết qua nghe nói và biết qua trải nghiệm. Biết qua nghe nói giúp ta nhanh chóng mở rộng kiến thức, nhưng dễ khiến ta biết cách thiếu sót phiến diện, không có áp dụng thực tế trong đời sống. Chỉ khi ta biết qua trải nghiệm thì nó mới là một phần của đời sống mình, và ta mới hiểu sâu, thân quen, và nương tựa vào đó.

Việc biết Chúa cũng vậy. Người chưa tin Chúa, người đang tìm hiểu, con cái gia đình Cơ Đốc đều bắt đầu bằng biết Chúa qua nghe nói. Nhưng chỉ khi biết Chúa qua trải nghiệm quyền năng, sự an ủi, dẫn dắt, giúp đỡ của Ngài, thì ta mới tin Chúa cách chắc chắn, tin tưởng, hăng hái làm công việc Ngài, và giao phó số phận mình cho Ngài.

Để được trải nghiệm Chúa, ta hãy tìm kiếm Ngài vì Chúa sẽ ban thưởng cho ai tìm kiếm mình. Nếu chưa làm, ta hãy cầu nguyện tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, nhận Chúa là Cha Trên Trời của mình. Ta hãy cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ những nan đề trong đời sống, hứa sống theo Ngài, làm các việc lành đóng góp cho Đại Mạng Lệnh của Ngài. Khi ta sống theo ý Chúa, Ngài sẽ làm việc trên đời sống ta, dẫn dắt, đáp ứng lời cầu nguyện của ta. Ta sẽ có đức tin chắc chắn nơi Ngài, và trải nghiệm đời sống sung mãn trong Ngài.

Richard Huynh

Bài Tham Khảo

[1] Biết về Chúa VS Trải nghiệm Chúa
https://ourresolutehope.com/knowing-god-vs-experiencing-god

[2] Nghĩa các từ “biết” trong Kinh Thánh
https://www.biblestudytools.com/dictionaries/bakers-evangelical-dictionary/know-knowledge.html

[3] Battle of the Milvian Bridge
https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_the_Milvian_Bridge

[4] Battle of Tolbiac
https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Tolbiac

[5] 7 Lý Do Chúa Không Đáp Lời Cầu Nguyện Theo Kinh Thánh
https://bachkhoa.name.vn/2024/02/05/7-ly-do-chua-khong-dap-loi-cau-nguyen-theo-kinh-thanh/

[6] Trải Nghiệm Giáng Sinh Ban Cho Ở Một Mái Ấm Tình Thương
https://bachkhoa.name.vn/2024/11/10/trai-nghiem-giang-sinh-ban-cho-o-mot-mai-am-tinh-thuong/