Từ Công Tác Mục Vụ Đến Theo Đuổi Giấc Mơ Mỹ Rồi Quay Lại

Ujjwal Rai là con một mục sư ở Nepal. Anh yêu thích hầu việc Chúa trong công tác mục vụ, đến nỗi bị những người chống đối vu khống, đánh đập, đốt tay, và phải tị nạn sang Mỹ. Tại miền đất mới, anh cùng vợ đã làm việc 18 giờ/ngày và đạt được giấc mơ Mỹ: bằng thạc sĩ ở Harvard cùng khởi nghiệp thành công nhiều công ty. Nhưng thành công về mặt vật chất không đem lại cho anh bình an hay thỏa lòng, mà còn cảm thấy sợ hãi và bị Chúa cáo trách. Anh nhận thấy sự theo đuổi vật chất đã khiến mối quan hệ tương giao của mình với Đấng Christ bị tổn hại. Anh nhận ra rằng trước hết mình lớn lên trong ân điển Ngài. Anh bán bớt công ty, cầu nguyện nhiều hơn, đọc Kinh Thánh nhiều hơn, và tham gia vào các công tác hội thánh và mục vụ. Từ đó, anh tìm lại được đời sống cân bằng, bình an, và ý nghĩa trong Ngài.
***********

Câu chuyện của Ujjwal Rai

Khi Ujjwal Rai lớn lên ở Nepal, nó là một trong các nước nghèo nhất châu Á, đến giờ vẫn vậy. 

Cha của Rai đã làm mọi cách có thể để vươn lên và chu cấp cho gia đình mình cả về tài chánh lẫn tâm linh – ông chăm chỉ cả trong công việc lẫn làm một người đạo Hindu (Ấn Giáo) tốt.

“Ông ấy sẽ làm bất cứ điều gì có thể để được cứu rỗi”, Rai nói. Khi Rai được 9 tuổi, cha anh phát hiện mẹ anh đang bí mật đọc một quyển Kinh Thánh bà nhận được từ hàng xóm.

Dù ban đầu tức giận, cha Rai cuối cùng cũng cố gắng thử tự mình đọc Kinh Thánh. Cuối cùng cả hai người đều trở thành Cơ Đốc nhân, và cả gia đình tham gia hội thánh của người hàng xóm – hội thánh Trưởng Lão thành lập bởi nhà truyền giáo Hàn Quốc Abraham Chae cùng gia đình.

Ujjwal Rai và vợ

Năm 9 tuổi, Rai cũng trở thành Cơ Đốc nhân. Anh yêu thích công tác mục vụ, và khi đủ tuổi anh theo học ở Viện Thần Học Trưởng Lão ở Ấn Độ, nơi anh học chuyên ngành Thần Học và Kế Toán. Sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu giúp cha mình làm công tác gầy dựng hội thánh và tài chính vi mô (microfinance – cho người nghèo vay ít tiền để kinh doanh nhỏ) ở Nepal. 

“Lý thuyết là nếu chúng tôi có thể qua tài chính vi mô cung cấp một chút nguồn lực cho các cha mẹ của giai cấp Dalit (giai cấp bị ruồng bỏ trong 4 giai cấp ở Ấn Độ), họ có thể có thêm chút tiền để cho con mình đi học”, Rai nói. Nó hoạt động tốt đến nỗi thu hút sự chú ý của những người lãnh đạo trong cộng đồng. Họ vu khống Rai trên báo, rồi đánh đập anh, và đốt tay anh.

Năm 2014, Rai chuyển đến Hoa Kỳ với tư cách là người tị nạn.

Chẳng bao lâu sau, anh đã theo đuổi giấc mơ Mỹ với nguồn năng lượng như cha anh đã theo đuổi sự cứu rỗi. Rai có bằng MBA từ Đại Học Utica, rồi vào Đại Học Harvard cho bằng Thạc Sĩ thứ hai. Anh và vợ mình, Grace, mở một cửa hàng tạp hóa, thành lập một công ty giúp khai thuế, và phát triển một app để kết nối nông dân, đầu bếp, và người tiêu dùng.

Và rồi, vài tháng trước, Rai và vợ anh đã thay đổi hướng đi hoàn toàn. Rai bán ứng dụng, nhưng anh không dùng số tiền thu được để bắt đầu một việc kinh doanh mới – hay thậm chí một mục vụ xã hội. Anh và Grace dùng nó để giúp gầy dựng những hội thánh lành mạnh lấy Đấng Christ làm trung tâm ở Nepal.

“Tôi thật sự có quan tâm đến các vấn đề xã hội”, Rai nói. “Nhưng tôi thấy cần phải đặt ra thứ tự ưu tiên giữa các nhu cầu. Phúc Âm là giải pháp cho mọi vấn đề của con người. Mọi vấn đề của chúng ta là kết quả của tội lỗi. Nó chỉ có thể được chữa lành bởi ân điển của Đấng Christ qua Thánh Linh.”

Liên Minh Phúc Âm hỏi Rai điều gì đã thúc đẩy anh từ bỏ giấc mơ Mỹ, tại sao ba mẹ anh không thích cuộc sống ngoại ô thành thị, và việc gầy dựng hội thánh ở Nepal như thế nào.

Anh là hình mẫu của giấc mơ Mỹ – một đứa bé từ một nước đang phát triển làm việc chăm chỉ, đi học, và trở nên thành công về tài chính. Tại sao anh lại ngừng theo đuổi nó?

Tôi bắt đầu ở Mỹ với hai bàn tay trắng – tôi làm việc 18 giờ một ngày ở trạm xăng. Các thứ tự ưu tiên của tôi nhanh chóng thay đổi. Tôi ngừng nói về mục vụ và dành hết thời gian mình có thể làm việc để có món đồ tiếp theo trong danh sách của mình – một cái xe, một căn nhà ở ngoại ô, tiền tiết kiệm, cổ phiếu, v.v…

Tôi nghĩ rằng tôi đang chứng minh giá trị của mình – đó là cảm giác mà giấc mơ Mỹ mang lại. Điều này ăn nhập rất nhanh vào thế hệ người nhập cư đầu tiên. Tôi như thể “hãy để tôi chứng minh bản thân mình.” Và kinh tế tư bản ở Mỹ như thể “Đúng rồi người anh em. Anh có thể làm được. Hãy luôn cố gắng. Anh có thể làm 7 ngày 1 tuần, 18 giờ một ngày!”

Và ta không cảm thấy xấu xa vì làm việc chăm chỉ không sai về đạo đức. Thực tế là nó cảm thấy đúng đạo đức – tôi đang làm việc chăm chỉ. Tôi không trộm cắp của ai. Tôi không sống dựa vào nhà nước. Và ta nghĩ, tại sao tôi phải làm công tác mục vụ? Nếu tôi kiếm nhiều tiền, tôi có thể dâng 300 USD cho 3 mục sư, những người có thể làm công tác mục vụ nhiều hơn gấp 10 lần tôi. Đó thật là một lý lẽ tuyệt vời nếu ta nghĩ về nó mà không có sự cầu nguyện và một mối tương giao cá nhân với Đấng Christ.

Sau một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy sự cáo trách từ Đức Thánh Linh đụng chạm. Tôi và vợ liền kiêng ăn, cầu nguyện, và quyết định bán công ty khởi nghiệp của mình để lấy tài chính cho việc gầy dựng hội thánh. Nhưng tôi không cảm thấy bình an. Thật sự là, tôi cảm thấy sợ hãi.

Khi tôi chia sẻ điều này với cô truyền đạo của mình ở Harvard, cô hỏi tôi, “Mối tương giao của anh với Đấng Christ thế nào?” Nó như một cái tát vào mặt, bởi vì mối tương giao của tôi không tốt. Tôi đã đi từ việc dựa vào chính mình để xây dựng giấc mơ Mỹ đến việc dựa vào chính mình để xây dựng một mục vụ. Dù cách nào đi nữa thì Đấng Christ cũng không phải là trung tâm.

Tôi đã nghĩ nó như một giao dịch, nhưng sự kêu gọi chính của chúng ta là để biết Đấng Christ, để có một mối quan hệ tương giao với Ngài. Vậy nên tôi chuyển qua các phương tiện nhận ân điển thông thường, gồm cầu nguyện nhiều hơn, đọc Kinh Thánh nhiều hơn, và bắt đầu giảng trong hội thánh. Tôi cũng bắt đầu viết báo.

Và giờ đây tôi không còn cảm thấy bị cáo trách hay sợ hãi, nhưng vui mừng. Nó không phải là sự vui mừng khi công ty khởi nghiệp của ta được rót vốn, là sự vui mừng tạm bợ, nhưng là sự vui mừng vượt lên trên nỗi sợ hãi.

Giấc mơ Mỹ hấp dẫn anh, nhưng không hấp dẫn ba mẹ anh, những người vẫn sống ở Nepal. Họ nghĩ thế nào khi họ đến thăm anh?

Ba mẹ tôi đến thăm năm ngoái, nhưng họ hoàn toàn không thích nó. Khi ta ở Nepal, ta thức dậy và đi qua nhà hàng xóm để tán gẫu. Rồi ta đến tiệm trà để tán gẫu. Nếu ta ở trong mục vụ, ta luôn chủ đích trong việc tìm kiếm cơ hội để chia sẻ Phúc Âm trong những cuộc trò chuyện đó.

Khi cha mẹ tôi ở Mỹ, họ hỏi, “Hàng xóm của con là ai?”
Tôi như “Con không biết.”
“Con không qua nhà hàng xóm à?”
“Không.”

Tôi và vợ rất bận rộn. Cô ấy đang vận hành công ty thuế của mình, và tôi đang vừa làm việc cho công ty khởi nghiệp của mình vừa hoàn thành việc học ở Harvard. Chúng tôi gặp khó khăn thậm chỉ ở cả việc quây quần quanh bàn để ăn tối. Cha mẹ tôi chắc đã nghĩ bất kỳ nỗ lực nào của chúng tôi cho mục vụ cũng sẽ thất bại.

Có lẽ họ đã làm thế! Tôi biết họ đã giúp ích anh rất nhiều khi anh bắt đầu giúp gầy dựng hội thánh ở Nepal và Ấn Độ. Việc đó thế nào rồi?

Công tác chia sẻ Tin Lành và xây dựng hội thánh ở Nepal của Ujjwal Rai

Chia sẻ Tin Lành ở Nepal

Xây dựng hội thánh

Nepal và Ấn Độ chủ yếu là người theo đạo Hindu (Ấn Giáo), và làm một Cơ Đốc nhân ở đó rất khó khăn. Các hội thánh của chúng tôi nhỏ, và những mục sư đều phải làm việc kiếm sống. Hiện chúng tôi có 3 mục sư – một là thợ ống nước, một giáo viên, và một lái xe tuk-tuk (như xe taxi). Cha tôi và cha vợ đều đã ở trong mục vụ từ lâu, và họ giúp ích rất nhiều trong việc xác định những người gầy dựng hội thánh tiềm năng.

Một điều chúng tôi gặp khó khăn là khoảng trống thế hệ – vì nhiều đàn ông trong độ tuổi 20 đến 40 đã đi đến Trung Đông để làm công nhân nhập cư, họ biến mất khỏi hội thánh. Có rất nhiều khó khăn nảy sinh từ chuyện này, đặc biệt là khi bạn là người chủ nghĩa bổ trợ (n.d: tức đàn ông và phụ nữ có vai trò trách nhiệm khác nhau và bổ trợ cho nhau, khác với chủ nghĩa nữ quyền tin đàn ông phụ nữ có vai trò trách nhiệm như nhau).

Một khó khăn nữa là việc xây dựng, quan trọng cần có với chúng tôi để hội thánh được công nhận và không trông như một tà giáo. Vợ tôi, Grace, hiện đang ở Nepal, đang giám sát việc xây dựng một số hội thánh. 

Một niềm vui là khả năng thực hiện một số hoạt động tài chính vi mô trong hội thánh. Chúng tôi không để mục sư tham gia, vì chúng tôi muốn ông tập trung vào sự kêu gọi làm mục sư của mình. Vậy nên một cộng đồng trưởng lão phân phối các khoản vay nhỏ và cộng đồng cung cấp trách nhiệm giải trình – nếu bạn nhận 300 rupee để mua 1 con dê và giờ bạn không chăm sóc nó, họ sẽ biết.

Tôi đang làm việc để thêm việc chịu trách nhiệm giải trình và cấu trúc quản lý vào toàn thể nỗ lực này. Năm nay, chúng tôi đã đưa các hội thánh mới gầy dựng vào dưới thẩm quyền của hội thánh mình, là Hội Thánh Cộng Đồng Nepal ở Utica, New York. Tôi cũng tìm đến những người cố vấn cho mình, xây dựng một ban quản trị, và làm việc để có một cấu trúc pháp lý tốt hơn.

Tôi có thể thấy cách Đức Thánh Linh đang biến đổi mình để dựa vào kỹ năng của mình ít hơn và dựa vào Chúa nhiều hơn. Ví dụ, hiện tôi đang giúp 1 hội thánh ở Nepal được gầy dựng bởi 1 nhà truyền giáo 13 năm trước. Nhà truyền giáo đó vừa rời đi và hội thánh không biết phải làm gì. Nếu họ đến với tôi năm ngoái, tôi sẽ nói như “Hãy cùng nghĩ ra 1 chiến lược, xây dựng 1 khuôn khổ, và tìm những người liên quan.” Nhưng bây giờ tôi hỏi họ “Chúng ta có thể cầu nguyện vài tuần về điều Chúa muốn cho hội thánh trong giai đoạn này?”

Tôi luôn quay lại với sách Giáo Lý Heidelberg – tôi thuộc về Chúa Giê-xu, cả thể xác và linh hồn, khi sống cũng như lúc chết. Tôi cầu nguyện: “Thưa Chúa, hay dùng con. Nhưng trên tất cả, hãy để con lớn lên trong ân điển Ngài.” Đó là điều quan trọng nhất.

Người dịch: Richard Huynh
Theo TheGospelCoalition.org
https://www.thegospelcoalition.org/article/ministry-american-dream/

Một Số Bài Học Rút Ra Của Người Dịch

1. Trải nghiệm của Ujjwal Rai cho ta thấy việc dâng hiến tài chánh không thay thế được có một mối quan hệ tương giao với Đấng Christ, cầu nguyện, học Kinh Thánh, và phụng sự Chúa trong hội thánh và công tác mục vụ. Ta cần cân bằng giữa làm ăn kinh tế với nuôi dưỡng mối tương giao với Chúa và phụng sự Ngài.

2. Trải nghiệm của anh cũng cho ta thấy giàu có vật chất không đem lại sự thỏa mãn, bình an, niềm vui, và ý nghĩa lâu dài nếu không có mối tương giao và lòng phụng sự Đấng Christ.

3. Việc truyền giảng Phúc Âm là ưu tiên giá trị hơn việc tài trợ các vấn đề xã hội, vì mọi vấn đề của chúng ta đều do tội lỗi mà ra, và nó chỉ có thể được chữa lành bởi ân điển Thánh Linh. Khi làm các công tác xã hội, ta nên kèm theo việc truyền giảng Phúc Âm, tạo sự thân thiện với hội thánh, và làm sáng danh Chúa.

4. Một Cơ Đốc nhân ở Mỹ có thể hỗ trợ rất hiệu quả cho các hội thánh ở quê nhà trong công tác tài chính và chuyên môn, bên cạnh tham gia các công tác hội thánh tại nơi mình ở.

5. Mô hình vừa làm công tác mục vụ vừa làm kinh tế, trường đại học vừa dạy thần học vừa dạy kỹ năng việc làm, sẽ giúp người yêu mến Chúa vừa có thể phụng sự Ngài vừa có thể tham gia kinh tế việc làm trong thế gian.

6. Mô hình hội thánh giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế (như tài chính vi mô) là một hoạt động hay để hội thánh bày tỏ tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Nó không nên quản trị bởi mục sư mà bởi ban chấp sự /trưởng lão để tránh quá tải mục sư, và ban chấp sự sẽ giỏi chuyện làm ăn kinh tế hơn. Tất nhiên nó cần đi kèm với sự giám sát, trách nhiệm giải trình, và chế tài phù hợp để người vay có trách nhiệm nỗ lực cần thiết.