Thế Nào Là Đức Tin Cứu Rỗi? Nó Khác Các Kiểu Đức Tin Khác Như Thế Nào?
Kinh Thánh đầy những chỉ dẫn về đức tin. Hê-bơ-rơ chương 11 nổi bật là một “Đại Sảnh Đức Tin” vĩ đại nơi tác giả nêu gương các thánh thời Cựu Ước đã đặt niềm tin của mình vào lời hứa của Tin Lành. Nhưng chính xác thì đức tin là gì? Và vì sao các nhà thần học cần phải thêm vào tính từ “cứu rỗi”? Nói cách khác, đức tin cứu rỗi nghĩa là gì?
Bảng Nội Dung
Định Nghĩa Đức Tin Cứu Rỗi
Định nghĩa đơn giản và căn bản nhất của đức tin đến từ sách Hê-bơ-rơ: “Đức tin là sự xác quyết về những điều mình đang hy vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1) Tác giả sách Hê-bơ-rơ cho một miêu tả về chức năng của đức tin; ở đây, đức tin là tin vào điều không thể thấy được, như Đức Chúa Trời, hay như tác giả chỉ ra, việc Đức Chúa Trời tạo dựng thế giới từ hư không (Hê-bơ-rơ 11:3). Chúng ta chấp nhận sự tạo dựng thế giới từ hư không (creatio ex nihilo) bằng đức tin vì ta không thể tự mình trở về thời sáng thế để chứng kiến Chúa làm điều này. Nhưng khi ta liên hệ giáo lý về đức tin với sự cứu rỗi, định nghĩa trở nên cụ thể hơn. Đức tin cứu rỗi là niềm tin chắc chắn được ban cho bởi Đức Thánh Linh về lẽ thật của Tin Lành và sự tin cậy vào những lời hứa của Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-xu Christ (về định nghĩa này, xem Louis Berkhof, Systematic Theology: New Combined Edition, 503).
Theo định nghĩa này, đức tin cứu rỗi gồm có những thành phần gì? Có những kiểu đức tin nào khác mà Kinh Thánh nói đến? Và đức tin cứu rỗi liên quan đến giáo lý cứu rỗi như thế nào?
Các Thành Phần Của Đức Tin Cứu Rỗi
Lịch sử hiểu biết về đức tin cứu rỗi của hội thánh gồm có 3 thành phần: (1) các lẽ thật (notitia), (2) cách hiểu các lẽ thật (assensus), và (3) sự tin cậy các lẽ thật (fiducia).
Để ai đó có thể tin nhận (belief) và trông cậy (trust) vào công việc cứu chuộc của Chúa Giê-xu, đầu tiên một người cần biết các lẽ thật. Họ cần phải biết rằng Chúa Giê-xu thật sự có thật, là một người thật đã sống trong lịch sử. Chúa Giê-xu không phải là một nhân vật trong huyền thoại hay truyện cổ tích.
Nhưng chỉ biết các lẽ thật này không cấu thành đức tin cứu rỗi. Một người cần phải biết các lẽ thật căn bản và hiểu rõ chúng. Nói cách khác, biết rằng Chúa Giê-xu đã từng sống là chưa đủ; một người cần phải hiểu những gì Chúa Giê-xu đã làm cho đời sống mình. Ngài xưng nhận là Đức Chúa Trời hiện diện trong xác thịt (Giăng 8:58), là Con Trai Đức Chúa Trời và ngang hàng với Ngài, và là con đường duy nhất để ta được cứu: “Đức Chúa Jêsus đáp: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha.” (Giăng 14:6)
Nhưng chỉ tin Chúa Giê-xu có tồn tại và tuyên bố những điều này là chưa đủ. Một tội nhân phải đặt sự tin tưởng (trust) của mình vào những tuyên bố của Chúa Giê-xu – họ phải tin nhận và tin tưởng rằng Chúa Giê-xu là Con Trai Đức Chúa Trời giáng sinh và Ngài đến để cứu chuộc tội nhân qua sự sống, sự chết, và sự phục sinh của mình (Rô-ma 1:16-17; 10:9-10).
Chúng ta có thể minh họa quan hệ giữa các thành phần của đức tin cứu rỗi theo cách sau. Tôi có thể đến sân bay và nhận ra lẽ thật là có một cái máy bay ở trước mặt mình. Tôi có thể thừa nhận lẽ thật rằng cái máy bay và phi công của nó có thể chạy ra đường băng, cất cánh lên không trung, và duy trì chuyến bay. Tôi có thể học những nguyên lý của khí động học và hiểu khi không khí thổi qua bề mặt cong của cánh máy bay nó sẽ tạo ra lực nâng, giúp máy bay có thể bay. Nhưng tôi phải tin cậy chiếc máy bay và phi công của nó, bước lên máy bay, ngồi vào ghế, và bay để thể hiện đức tin của mình. Chỉ duy hiểu biết về Đấng Christ và những tuyên bố của Ngài là không đủ cho sự cứu rỗi. Chúng ta phải tin cậy rằng Ngài là con đường duy nhất để được cứu khỏi tội lỗi của mình và là Đấng duy nhất có thể cho ta sự sống đời đời.
Những Kiểu Đức Tin Khác
Vậy nên đức tin cứu rỗi là sự tin chắc và trông cậy vào con người và việc làm của Đấng Christ, nhưng Kinh Thánh cũng có nói về những kiểu tin khác. Các nhà thần học có thảo luận về đức tin lịch sử, là chỉ hiểu biết cách lý trí về những tuyên bố của Kinh Thánh nhưng không có việc làm của Đức Thánh Linh (người dịch: tức sự hiểu biết lý trí này không đi kèm với những biến đổi trong tấm lòng nhờ Đức Thánh Linh). Chẳng hạn như sứ đồ Phao-lô khiển trách Vua Agrippa vì ông tin vào các nhà tiên tri trong Cựu Ước nhưng không tin vào Chúa Giê-xu, người mà các đấng tiên tri nói đến (Công Vụ 26:27-28).
Kinh Thánh cũng nói đến đức tin tạm thời, là khi một người tạm thời “tin” vào Tin Lành nhưng về sau bỏ đạo. Dụ ngôn Người Gieo Hạt của Đấng Christ miêu tả loại đức tin này. Người gieo hạt gieo hạt trên đất sỏi đá, hạt nhanh chóng nảy mầm, rồi chết vì không có rễ (Ma-thi-ơ 13:5-6). Đấng Christ giải thích phần này của dụ ngôn ứng với người mà “Hạt giống rơi trên đất đá là người khi nghe đạo thì liền vui mừng tiếp nhận; nhưng đạo không đâm rễ trong lòng, chỉ tồn tại nhất thời, nên khi vì đạo mà gặp hoạn nạn, hay bắt bớ, thì người ấy liền vấp ngã.” (Ma-thi-ơ 13:20-21.) Đấng Christ tương phản đất sỏi đá với đất tốt, là khi một người nghe, hiểu, và tin vào Lời Chúa rồi sản sinh bông trái (Ma-thi-ơ 13:23). Đấng Christ không nói ai đã chuẩn bị đất, một yếu tố quan trọng trong chuyện dụ ngôn. Trong bối cảnh rộng hơn của Tân Ước, chúng ta biết rằng Đức Thánh Linh chuẩn bị đất trong tấm lòng để cho tội nhân có thể tin nhận (believe) và tin tưởng (trust) vào Chúa Giê-xu (Ê-phê-sô 2:8-9, Công Vụ 16:14). Không có công việc tể trị của Đức Thánh Linh, điều tốt nhất mà con người tội lỗi có thể làm là đạt được đức tin lịch sử hay đức tin tạm thời.
Loại đức tin thứ ba là đức tin của ma quỷ; loại này cũng giống như đức tin lịch sử. Gia-cơ viết: “Bạn tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời, bạn tin đúng; ngay cả ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ. ” (Gia-cơ 2:19) Nói cách khác, ma quỷ biết lẽ thật – Đức Chúa Trời tồn tại và tể trị trên tất cả, cả trên thế giới ma quỷ của chúng. Ma quỷ hiểu những lẽ thật này, và sự hiểu biết những lẽ thật này khiến chúng sợ hãi. Nhưng chúng từ chối tin nhận và tin tưởng nơi Chúa, và chúng không thể làm vậy vì không có công việc tể trị của Đức Thánh Linh. Cả ba loại đức tin này (đức tin lịch sử, đức tin tạm thời, đức tin của ma quỷ) đều tương phản với đức tin cứu rỗi. Tính từ “cứu rỗi” biểu thị rằng loại đức tin này là một công việc tể trị của Đức Thánh Linh để đảm bảo sự cứu rỗi cho một tội nhân. Nhưng làm sao đức tin cứu rỗi làm việc trong phạm vi rộng hơn của giáo lý cứu rỗi?
Kết Luận
Chúng ta phải nhận biết rằng trong Kinh Thánh, đức tin hành động qua tình yêu thương, nghĩa là bông trái của tình yêu thương và sự vâng phục sinh ra từ đức tin cứu rỗi (Ga-la-ti 5:6). Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chỉ đức tin đem lại sự cứu rỗi, chứ không phải là các bông trái của đức tin. Như Phao-lô viết: “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào.” (Ê-phê-sô 2:8-9). Làm sao chúng ta liên kết 2 ý tưởng khác biệt của Phao-lô, tức là đức tin hành động bằng tình yêu thương nhưng chúng ta được cứu bởi đức tin chứ không phải bởi việc làm (Rô-ma 3:28, 4:6)? Một bản tuyên xưng đức tin mang tính lịch sử của Tin Lành thế kỷ 17 cho ta một cách phân biệt hữu ích. Bản Tuyên Xưng Đức Tin Westminster 1647 (Westminster Confession Of Faith) giải thích rằng “các hành động chính của đức tin cứu rỗi là chấp nhận, rồi tiếp nhận, và nương tựa chỉ duy trên Đấng Christ cho sự xưng công bình, thánh hóa, và sự sống đời đời” (XIV.ii). Nói cách khác, đức tin cứu rỗi không cứu bởi những gì nó làm, nhưng là bởi công việc của Người mà nó nương tựa vào, tức là công việc của Đấng Christ. Kinh Thánh thường xuyên nhấn mạnh lẽ thật này ngay từ đầu.
Khi sứ đồ Phao-lô diễn giải giáo lý về sự xưng công bình, cách mà những tội nhân có thể nhận được sự tha thứ khỏi những tội lỗi của mình và quyền cũng như địa vị để sống đời đời, ông quay trở lại những trang đầu của Kinh Thánh và cuộc đời của Áp-ra-ham: “Nếu Áp-ra-ham đã được xưng công chính bởi việc làm thì ông có lý do để khoe mình, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời thì không phải vậy. Vì Kinh Thánh nói gì? “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và nhờ đó ông được kể là công chính.” (Rô-ma 4:2-3). Áp-ra-ham nhìn đến lời hứa về Đấng Mê-si, thấy ngày của Ngài từ xa, và tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 3:10-14, Giăng 8:58). Và mặc dù đức tin hành động qua tình yêu thương (Ga-la-ti 5:6), Đức Chúa Trời không tính tình yêu thương này trong sự xưng công bình của tội nhân như Phao-lô đã phân biệt rất rõ ràng:”Đối với người làm việc, tiền công không được kể là ân huệ, nhưng phải kể là nợ; còn với người không làm việc, nhưng tin vào Đấng xưng công chính cho người có tội thì đức tin của người ấy được kể là công chính.” (Rô-ma 4:4-5).
Thật sự, Phao-lô nhấn mạnh lập đi lập lại vai trò quan trọng của đức tin bằng cách dùng từ đức tin (faith) hay tin (believe) 17 lần chỉ trong Rô-ma 4. Điều này cần khắc sâu vào tấm lòng và tâm trí ta rằng đức tin cứu rỗi, không phải việc làm của chúng ta, là điều duy nhất có thể cứu chúng ta, không phải vì nó là điều tự đáng giá nhưng vì bởi đức tin chúng ta nắm lấy công việc của Đấng Christ và vậy nên nhận được sự thương khó và vâng phục hoàn hảo của Ngài mà chúng ta được cứu. Đây là cách tất cả mọi tội nhân được cứu trong suốt lịch sử cứu chuộc, và đây là điểm chính của Hê-bơ-rơ 11. Kinh Thánh không biết cách cứu rỗi nào khác trừ việc tin cậy Đấng Christ và yên nghỉ trên công việc đã hoàn thành của Ngài. Các thánh trong Cựu Ước đã nhìn tới Đấng Christ và các thánh Tân Ước nhìn lại Đấng Christ, nhưng tất cả đều nắm lấy công việc của Đấng Christ qua đức tin cứu rỗi.
Người dịch: Richard Huynh
Theo J.V.Fesko, trưởng khoa và giáo sư thần học hệ thống và lịch sử ở Thần Học Viện Westminster California ở Escondido, California
https://www.thegospelcoalition.org/essay/doctrine-saving-faith
Suy nghĩ về đức tin cứu rỗi và việc làm bởi đức tin của người dịch
Đức tin cứu rỗi với việc làm bởi đức tin (như báp-tem, nhóm hội thánh, dâng hiến, việc lành…) có quan hệ gần gũi, nên người ta dễ nhầm lẫn rằng việc làm bởi đức tin đem lại sự cứu rỗi:
- Đúng: Đức tin cứu rỗi > được cứu > biết ơn > việc làm bởi đức tin > người ngoài thấy là được cứu
- Sai: việc làm bởi đức tin (báp-tem, nhóm hội thánh, dâng hiến, việc lành…) > được cứu.
Lý do sai là vì giả sử một người miễn cưỡng muốn gia nhập hội thánh để được gì đó (thuận theo gia đình, muốn cưới người trong HT, được trọng vọng v.v…), họ có thể chịu nhận báp-tem, đi nhóm hội thánh, dâng hiến, làm các việc lành theo hội thánh… nhưng lại không có lòng với Chúa. Ai cũng sẽ nghĩ rằng họ được cứu, nhưng Chúa là người thấy rõ tấm lòng và Chúa sẽ không chịu những kẻ giả hình như vậy, vì Ngài tìm kiếm những người “thờ phượng Cha bằng tâm thần và lẽ thật.” (Giăng 4:23). Ngược lại, người có đức tin cứu rỗi mà không kịp làm gì (như tên trộm bị đóng đinh trên thập giá cùng Chúa mà biết ăn năn, hay người tin Chúa trên giường bệnh) sẽ vẫn được cứu.
Vậy nếu người có đức tin cứu rỗi nhưng lỡ làm những điều sai trái với Kinh Thánh (dù vẫn dạy đủ các thành phần của đức tin cứu rỗi về Chúa Giê-xu và công việc của Ngài) thì họ có được cứu không? Ví dụ như thời Cải Chánh Tin Lành, một người Công Giáo tin nhận sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu, nhưng lại nghe theo lời Giáo Hoàng thúc giục bắt bớ tấn công người Tin Lành để “tiêu diệt tà giáo”; hay như một mục sư vì tham muốn nhất thời mà sa vào nợ nần, rồi túng quẫn vay tiền mọi người trong hội thánh, bán cả sổ đỏ hội thánh để trả nợ… họ có mất sự cứu rỗi không?
Câu hỏi là liệu cái chết trên thập tự giá của Chúa Giê-xu có đủ để trả thay cho tội lỗi của họ hay không? Tất nhiên là đủ. Vậy nên giả sử họ có đức tin cứu rỗi, tức là tin nhận việc Chúa Giê-xu đã giáng sinh và chết trên thập tự giá để trả thay cho tội lỗi của mình, thì họ vẫn sẽ được cứu rỗi, vì dù tội họ nặng, có thể đáng phải chết, nhưng Chúa Giê-xu đã chết thay cho họ.
Tất nhiên, mọi chuyện phụ thuộc vào việc họ thực sự có đức tin cứu rỗi và có lòng với Chúa Giê-xu, và sai phạm ấy là do bị xúi giục sai hay sa ngã nhất thời. Chỉ có Chúa mới có thể nhìn rõ tấm lòng mà thấy thật sự một người có đức tin cứu rỗi hay không, vì không phải ai nói ‘lạy Chúa’ cũng được nhận.
“Không phải bất cứ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, đều được vào vương quốc thiên đàng đâu; nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Vào Ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa! Chúng con đã chẳng từng nhân danh Chúa nói tiên tri, nhân danh Chúa đuổi quỷ, nhân danh Chúa thực hiện nhiều phép lạ đó sao?’ Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng với họ rằng: ‘Hỡi những kẻ làm ác, hãy lui ra khỏi Ta, Ta chẳng hề biết các ngươi bao giờ!’” (Ma-thi-ơ 7:21-23)
Ngoài ra thì sự tha thức thuộc linh chỉ ở tòa án thuộc linh của Chúa. Họ sẽ vẫn phải chịu sự trừng phạt thuộc thể theo tòa án dân sự của đời này. Hai tòa án khác nhau, tha thứ thuộc linh không có nghĩa là không bị trừng phạt thuộc thể theo luật pháp đời này. Hơn nữa, chỉ có Chúa mới có thể nhìn vào tấm lòng để thật sự biết một người có đức tin cứu rỗi để được tha thứ hay không.