4 bài học về đức tin từ Xa-cha-ri và Ma-ri trong câu chuyện Giáng Sinh

Hằng năm, mỗi dịp lễ Giáng Sinh, ta lại được nghe câu chuyện thiên sứ Gáp-ri-ên viếng thăm Xa-cha-ri và Ma-ri (Luca 1:1-38). Nhưng có bao giờ ta đã chậm lại, phân tích, suy ngẫm xem những hành động và lời nói của Xa-cha-ri và Ma-ri đã thể hiện đức tin vĩ đại như thế nào? Sau đây là 4 điều về đức tin mà ta có thể rút ra từ câu chuyện Giáng Sinh:

I. Đức tin của Xa-cha-ri

Mở đầu câu chuyện, Kinh Thánh miêu tả ngắn gọn về Xa-cha-ri và vợ:

“Trong đời Hê-rốt, vua xứ Giu-đê, có một thầy tế lễ thuộc ban A-bi-gia, tên là Xa-cha-ri; vợ là Ê-li-sa-bét, thuộc dòng dõi A-rôn. Cả hai đều là người công chính trước mặt Đức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách trọn vẹn. Họ không có con, vì Ê-li-sa-bét hiếm muộn và cả hai đều cao tuổi.” (Lu-ca 1:5-7)

Qua đoạn này, ta có thể thấy được những điều gì về đức tin từ ông?

1. Đức tin là sống công chính trước mặt Chúa, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa cách trọn vẹn:

Xa-cha-ri và vợ đã thể hiện sự kính sợ Chúa và ý thức hiện diện mọi lúc mọi nơi của Ngài (Rô-ma 17:28).

2. Đức tin là vẫn kiên trì sống đẹp lòng Chúa trong nghịch cảnh, cả khi không thấy Chúa đáp lời cầu nguyện:

Xa-cha-ri và vợ hiếm muộm và cao tuổi. Hẳn họ đã cầu nguyện rất nhiều với Chúa, chắc phải hơn 40 năm cho điều này, nhưng không được Chúa đáp lời. Dẫu vậy, đức tin họ vẫn không phai nhạt và họ vẫn giữ sự kính sợ Chúa.

Sau đó, Kinh Thánh kể chuyện Xa-cha-ri được thiên sứ Gáp-ri-ên viếng thăm:

“Bấy giờ có một thiên sứ của Chúa hiện đến với Xa-cha-ri, đứng bên phải bàn thờ dâng hương. Thấy thiên sứ, Xa-cha-ri bối rối, kinh hãi. Nhưng thiên sứ bảo ông: “Nầy, Xa-cha-ri, đừng sợ! Vì lời cầu nguyện của ngươi đã được nhậm. Ê-li-sa-bét, vợ ngươi, sẽ sinh một con trai; ngươi hãy đặt tên là Giăng… Xa-cha-ri thưa với thiên sứ: “Làm sao tôi biết việc nầy sẽ xảy ra? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.” Thiên sứ đáp: “Ta là Gáp-ri-ên hằng đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Ta được sai đến nói với ngươi và báo tin mừng nầy cho ngươi. Nầy, ngươi sẽ bị câm, không thể nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời điểm.” (Lu-ca 1:11-13…18-20)

Thực sự thì câu chuyện này cho ta thấy phút yếu đuối của Xa-cha-ri. Ông là thầy tế lễ, đang dâng hương trong đền thờ, nhưng lại kinh hãi và bối rối khi thiên sứ hiện ra, và không tin lời thiên sứ phán. Nhưng ta hãy khoan trách móc ông, vì những phản ứng của ông cũng là lẽ thường. Thực sự hầu hết mọi người cả đời không được thấy thiên sứ, nên cũng dễ kinh hãi khi thiên sứ bất ngờ xuất hiện, đến cả đại tiên tri như Ê-sai (Ê-sai 6:1-5) và Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 18:8) cũng thế. Xa-cha-ri và vợ đã ròng rã cầu nguyện từ trẻ đến già mà vẫn không có con, nên cũng dễ hiểu khi ông không tin được. Kinh Thánh không che dấu những lúc yếu đuối vấp ngã của các anh hùng đức tin. Đa-vít cũng có lúc vấp ngã khi ngoại tình với Bát Sê-ba và mưu giết chồng bà để che dấu. Áp-ra-ham và vợ cũng vì sốt ruột mong có con mà ngủ với Ha-gai sinh ra Ích-ma-ên (Sáng Thế Ký 16:3). Những yếu đuối của họ cũng là bài học cho ta. Vậy ta học được gì về đức tin từ câu chuyện này của Xa-cha-ri?

3a. Đức tin là tin điều Chúa phán sẽ xảy ra cả khi nó đi ngược với lẽ thường của thế gian:

Theo “khoa học” (tức quy luật thông thường) thì tất nhiên phụ nữ cao tuổi không thể sinh con. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng có quyền năng siêu nhiên, Ngài đã khiến Sa-rah sinh nở dù đã tuổi già. Xa-cha-ri là thầy tế lễ hẳn phải biết chuyện này. Sự hiện diện của thiên sứ Gáp-ri-ên chính là bằng chứng siêu nhiên về Đức Chúa Trời (Lu-ca 1:19). Vì Xa-cha-ri không nhận ra điều này, thiên sứ Gáp-ri-ên cho thêm một dấu lạ siêu nhiên là ông sẽ bị câm đến khi nó ứng nghiệm. Đây là nguyên tắc những việc siêu nhiên đã xảy ra là bằng chứng rằng việc siêu nhiên được phán sẽ tới, vì Chúa Toàn Năng sẽ thực hiện nó.

II. Đức tin của Ma-ri

Sau đó, Kinh Thánh kể chuyện Ma-ri được thiên sứ Gáp-ri-ên viếng thăm:

“Vào tháng thứ sáu, Đức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, thuộc miền Ga-li-lê, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người nam tên là Giô-sép, thuộc dòng vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri. Thiên sứ đến gặp cô và nói: “Hỡi người được ơn, chúc mừng cô! Chúa ở cùng cô!” Nhưng Ma-ri rất bối rối về những lời nầy và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ tiếp: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ vì cô đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, cô sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là JÊSUS. Con trai ấy sẽ được tôn trọng, được gọi là Con của Đấng Chí Cao. Chúa là Đức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp; vương quốc Ngài mãi mãi trường tồn.” (Lu-ca 1:26-31

Cũng dễ hiểu khi Ma-ri thấy rất bối rối và khó hiểu trước lời chào và tiếng phán của thiên sứ, đây là những lời chưa từng có ai được nghe. Chúng thật kỳ lạ và khó tin. Nhưng cách Ma-ri đáp lời thiên sứ Gáp-ri-ên thể hiện đức tin sâu đậm của cô:

“Ma-ri thưa với thiên sứ: “Tôi chưa ăn ở với người nam nào thì làm sao có được điều đó?” Thiên sứ đáp: “Đức Thánh Linh sẽ ngự trên cô, và quyền năng của Đấng Chí Cao sẽ phủ che cô; cho nên con thánh sinh ra sẽ được gọi là Con Đức Chúa Trời. Kìa, Ê-li-sa-bét, người bà con của cô, cũng đã có thai một con trai trong lúc già nua. Người ấy vốn có tiếng là hiếm muộn mà nay đã mang thai được sáu tháng rồi. Bởi vì không có việc gì Đức Chúa Trời chẳng làm được.” Ma-ri thưa: “Tôi đây là tớ gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” Rồi thiên sứ rời khỏi Ma-ri.” (Lu-ca 1:34-38)

3b. Đức tin là tin điều Chúa phán sẽ xảy ra cả khi ta không biết nó sẽ xảy ra cách nào:

Khác với câu hỏi của Xa-cha-ri “Làm sao tôi biết việc nầy sẽ xảy ra?”, câu hỏi của Ma-ri “làm sao có được điều đó?” thể hiện niềm tin chắc chắn rằng việc đó sẽ xảy ra, chỉ là cô không biết nó sẽ xảy ra cách nào (bản dịch tiếng Anh diễn đạt rõ hơn: “how can this be?”, tức “nó có thể xảy ra như thế nào?”). Câu hỏi thể hiện đức tin này đẹp lòng Gáp-ri-ên và thiên sứ diễn giải cho cô cách nó xảy ra (Lu-ca 1:35). Ông cũng chỉ cho cô dấu lạ siêu nhiên về Ê-li-sa-bét, điều minh chứng cho quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời đấng có thể làm chuyện phi thường (Lu-ca 1:36-37).

4. Đức tin là nhận biết mình là tôi tớ Chúa và chấp nhận khó khăn tủi nhục để làm việc Ngài giao:

Việc mang thai Đấng Cứu Thế là một vinh dự phước hạnh đời đời của Ma-ri, nhưng nó cũng sẽ biến đổi hoàn toàn cuộc sống đang êm đềm của cô. Nó nghĩa là cô sẽ mang thai khi đã được hứa hôn nhưng ba đứa bé không rõ là ai. Chồng chưa cưới của cô có thể hủy hôn (Ma-thi-ơ 1:19-20). Cô có thể bị khép tội ngoại tình và ném đá đến chết (Phục Truyền 22:20-23). Cuộc sống đang êm đềm của cô sẽ trở nên đầy khó khăn và tủi nhục. Dẫu vậy, Ma-ri vẫn nói: “Tôi đây là tớ gái của Chúa. Xin điều ấy xảy đến cho tôi như lời ngài truyền!” Cô tuyên xưng địa vị tớ gái Đức Chúa Trời của mình, ý thức mình có nghĩa vụ làm việc Chúa giao, và đón nhận điều Chúa truyền bất chấp những khó khăn tủi nhục sẽ tới. Câu nói này thể hiện sự dũng cảm và lòng trung tín của một anh hùng đức tin, xứng đáng với vinh dự đời đời cô được ban.

Tổng Kết

Chỉ trong một chương ngắn, Kinh Thánh đã cho ta năm bài học quý giá về đức tin từ tấm gương của Xa-cha-ri và Ma-ri. Hy vọng mỗi năm, khi nghe lại câu chuyện Giáng Sinh, ta lại được nhắc nhở những điều này để suy ngẫm về đức tin của mình và sống cách xứng đáng hơn với sự cứu chuộc và ân điển phước hạnh đời đời Chúa ban. Hãy nhớ:

1. Đức tin là sống công chính trước mặt Chúa, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa cách trọn vẹn.
2. Đức tin là vẫn kiên trì sống đẹp lòng Chúa trong nghịch cảnh, cả khi không thấy Chúa đáp lời cầu nguyện.
3. Đức tin là tin điều Chúa phán sẽ xảy ra cả khi nó đi ngược với lẽ thường của thế gian hay ta không biết nó sẽ xảy ra cách nào.
4. Đức tin là nhận biết mình là tôi tớ Chúa và chấp nhận khó khăn tủi nhục để làm việc Ngài giao.

Richard Huynh & Wind Tea