Những gì bà nội dạy tôi

Cô tôi nói bà nội tôi dạy con cái rất tốt. Có chuyện gì bà kêu ngồi xuống, nói chuyện, giảng giải, mình thật không bằng. Nghe cô nói vậy, tôi chợt nhận ra quả thật bà nội tôi nuôi con thành công. Bà có 6 người con mà 2 người được đi du học. Sau này 2 người thành doanh nhân triệu đô, 2 người thành giảng viên đại học, và 2 người buôn bán ở chợ. Mà đó là trong hoàn cảnh ông tôi đi sống với vợ hai, xã hội bị đảo lộn hoàn toàn trong năm 75, và những khó khăn thời bao cấp những năm 80. Thật là một thành tựu nuôi con lớn.
Bà nội tôi sinh ra trong gia đình kinh doanh, có nhà máy làm gạch, nhà máy xay thóc, vựa lúa, và 1 sân máy bán các loại máy móc. Nhà ông cố ở cạnh bờ sông (tiện vận tải, giống đường cao tốc thời nay), rất đẹp, trang trí sơn son thếp vàng, nghe nói thuê thợ từ Bắc Ninh vào. Có lần ra Hội An, trả tiền vào xem mấy nhà cổ, tôi nói với ba là nhà này tính tiền vào xem mà con thấy không đẹp bằng nhà ông cố. Ba tôi nói ông con là tư bản địa chủ miền Nam, mà miền Nam thời xưa giàu nhất nước, con không so sánh được. (Ya, khác đẳng cấp không so sánh được ^^)
Dù sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng bà rất chăm chỉ làm việc. Nghe nói từ nhỏ bà đã phụ giúp việc kinh doanh của gia đình, và có dạo được ông cố cho tiền cùng anh em đi đâu mở cửa hàng buôn bán nhưng không thành công. Đặc biệt, cứ mỗi dịp Phật Đản, ông cố lại tổ chức phát quà cho người nghèo, người ta đến nhận ghe đậu chật kín cả khúc sông. Nhiều người trong đó bị phong hủi, ông cố cho gia nhân khỏi lại gần, nhưng bắt con cháu phải trực tiếp ra phát quà. Qua đó tôi cảm thấy gia đình bà có văn hóa công nghiệp, chăm chỉ làm việc phát triển kinh doanh, lại có lòng mộ đạo, ban phát cho người nghèo, và không cầu kỳ, sẵn sàng tiếp xúc với người nghèo người bệnh. Có lẽ chính nhờ nếp sống này mà sau này, giữa những biến động xã hội sau năm 75 và khó khăn thời bao cấp, dù bị mất hết và phải tản lạc đi các nơi, con cháu vẫn có thể xây dựng lại từ đầu tương đối thành công, dù ở Canada, Mỹ hay Việt Nam.
Tôi chỉ sống với bà từ hồi 3 tới 5 tuổi khi ba mẹ tôi đi Liên Xô, và mỗi hè về thăm. Nhưng tôi luôn nhớ bà dạy 2 điều:
- Không được phí 1 hạt cơm. Phải ăn tới hết, rớt xuống đất cũng phải lượm lên ăn. Phí 1 hạt cơm là xuống âm phủ ăn 1 con dòi.
- Không được nói dối. Nói dối xuống âm phủ bị rứt lưỡi.
Không hiểu bà dạy sao mà tôi khắc cốt ghi tâm, luôn nhớ và cơ bản luôn vâng theo. Dù giờ tôi không giữ nỗi vụ không phí 1 hạt cơm nữa (khi ăn tiệm cơm dư quá, đời sống ít vận động, ráng ăn bị mập), nhưng tôi thật sự đã giữ đúng điều này đến thời sinh viên, cho đến khi bắt đầu thấy mình mập và phải hạn chế ăn lại.
Nghĩ lại, tôi thấy 2 điều trên tuy đơn giản, có thể hơi quá, và người vô thần có thể nói mê tín, nhưng tôi thấy việc vâng giữ chúng dạy cho tôi các ý thức:
- Sống theo nguyên tắc, luật lệ.
- Biết ép mình làm theo nguyên tắc, không sợ dơ, sợ ghê, thấy no hay gì.
- Không lãng phí, từ từng hạt cơm đến thời gian, sức lực, tiền bạc, hiệu suất
- Sử dụng hiệu quả tối đa, kém hiệu quả cũng là một loại lãng phí.
- Trung thực không nói dối.
- Kiểm soát miệng lưỡi của mình, ăn nói theo quy tắc. Tôi không nói tục chửi thề hay giận quá mất khôn. Lỗi ăn nói thường chỉ là vô tư vô ý gây động chạm tổn thương.
- Biết sợ trời đất, biết sợ phạm tội và sợ sự địa ngục trừng phạt. (Thực ra cũng không ghê sợ lắm, nhưng tôi biết làm vậy là sai, và hình ảnh phạt ở địa ngục hỗ trợ thêm ý thức.)
Tôi thấy các ý thức này là cơ sở cho một đời sống tốt. Muốn thành doanh nhân triệu đô thì còn phải có thêm ý chí, nỗ lực, năng lực kinh doanh, quan hệ, cơ hội, v.v… Nhưng để sống tốt thì vậy là đủ.
Tôi thấy dạo này bàn chuyện nuôi dạy con người ta hay nghĩ đến học cái gì, luyện tiếng Anh ra sao, vào trường nào, sao để đi du học… Rồi nuôi con sao cho hạnh phúc, cho tự chủ… Chẳng ai nghĩ đến chuyện dạy con sao cho sống có nguyên tắc, có luật lệ, có lẽ sống… biết sống phải đạo, đẹp lòng trời đất, làm những việc ý nghĩa cho mọi người.
Ngoài ra, trong tủ sách nhà bà, tôi tìm thấy quyển truyện về Thích Ca Mâu Ni. Nó có lẽ là quyển truyện tranh đầu tiên tôi đọc nên ấn tượng sâu sắc. Cuộc đời và lời dạy của phật Thích Ca đã cho tôi tấm gương và đường lối sống, cho tới khi tôi biết Kinh Thánh và Chúa Giê-xu. Từ câu chuyện của phật Thích Ca, tôi học được những tư tưởng sau:
- Địa vị, giàu sang, tiệc tùng, cung điện, mỹ nữ không đem lại cho ta niềm vui thỏa mãn.
- Số phận con người là sinh lão bệnh tử. Ta sẽ chết.
- Đời là bể khổ. Khổ là do tham muốn của xác thịt, vậy nên phải diệt những tham muốn làm ta khổ. (Tứ Diệu Đế)
- Để tránh khổ cần học hỏi hiểu biết để nghĩ đúng làm đúng nhìn đúng nói đúng… (Bát Chánh Đạo). Làm đúng sẽ không khổ, làm sai sẽ khổ.
Nhờ những điều này mà tôi lớn lên biết điều tiết tham muốn, và có ý thức học hỏi để sống đúng, sống tốt, tránh khổ. Tôi không hành xác như mấy người tu hành, nhưng cũng không tham địa vị giàu sang tiệc tùng mỹ nữ là những thứ dễ gây đau khổ (“Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất.” – 1 Ti-mô-thê 6:9). Đủ ăn, đủ mặc là đủ.
Từ câu chuyện tôi với bà, tôi nghiệm thấy một số điều về dạy con cháu:
- Trường học chỉ dạy cho con cái kiến thức ABC + – thôi, không dạy cho nó nếp sống, đường lối sống, lý tưởng sống.
- Hãy rèn cho đứa bé những nguyên tắc tốt từ nhỏ, và nó sẽ giữ cho đến lớn.
- “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó.” – Châm Ngôn 22:6
- Việc vâng giữ những nguyên tắc đơn giản có khi giúp rèn luyện những ý thức quan trọng sâu xa.
- Hãy kể cho nó chuyện về những tấm gương lớn, những lời dạy lớn (Thích Ca Mâu Ni, Chúa Giê-xu, v.v…), và nó sẽ tự rút ra những bài học từ các câu chuyện đó cho đời mình.
Giờ Esther lên 3, bằng tuổi mà tôi được gởi về sống với bà nội. Đây là lúc bé bắt đầu hình thành ý thức, và là lúc phải rèn cho bé những lẽ sống nền tảng cho cuộc đời. Sao thấy khó quá. Không biết tôi có dạy cho Esther được những gì mà bà nội đã dạy tôi không nữa.
Sau đây là một số điều tôi muốn rèn cho Esther
- Không nói dối, vì Đức Chúa Trời ghê tởm việc nói dối.
- Biết chia sẻ, vì Chúa nói phải yêu người lân cận như mình.
- Không lãng phí (chưa biết làm sao, rất muốn luyện cho nó không bỏ 1 hạt cơm như bà dạy tôi nhưng thấy vậy gắt quá, không biết thay bằng gì).
- Biết giúp đỡ mọi người, bắt đầu từ giúp ba mẹ (3 tuổi chắc chỉ biết dọn đồ chơi thôi quá).
- Biết đúng giờ, không được để người khác đợi
- Biết chấp nhận, không khóc đòi.
- Vâng lời cha mẹ, biết sợ phạt.
Xin Chúa cho tôi và vợ có sự khôn ngoan và nghiêm khắc để rèn cho Esther được những nguyên tắc sống căn bản theo Lời Chúa để bé có một cuộc sống đẹp lòng Chúa, ý nghĩa, phước hạnh giữa thế gian ngày càng tội lỗi này.
Hình xưa. Trẻ con giờ đã là tráng niên, người lớn giờ đã già, và người già giờ đã khuất. Thời gian trôi thật nhanh, sinh lão bệnh tử kiếp người. Cảm ơn Chúa cho tôi có 1 tuổi thơ ngắn dưới quê (mà đến giờ tôi vẫn luôn nói mình người Cần Thơ dù sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn). Và cảm ơn bà nội về 2 nguyên tắc bà đã khắc cốt ghi tâm tôi.