Thế Giới Sẽ Ra Sao Nếu Chúa Giê-xu Chẳng Từng Giáng Sinh?

Để nhận ra giá trị của một người, ta cần nhận biết những điều tốt lành sẽ không xảy ra nếu họ không hiện diện. Với Cơ Đốc nhân, Giáng Sinh là lễ ăn mừng sự giáng sinh của Cứu Chúa Giê-xu, người mà sự sống, sự chết, và sự phục sinh đã giúp chúng ta có thể có một mối tương giao cá nhân với Đức Chúa Trời. Mùa Giáng Sinh này, ta hãy thử tưởng tượng xem thế giới sẽ ra thế nào nếu Chúa Giê-xu chưa từng giáng sinh.

Bên cạnh việc sẽ không có lễ “Giáng Sinh” nếu Chúa không giáng sinh, khác biệt hiển nhiên đầu tiên sẽ là niên lịch của ta. Năm nay là năm 2023 A.D, nghĩa là khoảng 2023 năm sau khi Chúa Giê-xu sinh ra. Chữ A.D là “Anno Domini” trong tiếng Latin, nghĩa là “năm của Chúa”. Nhiều người thích dùng chữ “Công Nguyên” (Common Era, C.E.) cho niên lịch, nhưng điều gì xảy ra 2023 năm trước khiến nó trở thành “công nguyên” (tức kỷ nguyên chung) của lịch? Câu trả lời hiển nhiên là sự sinh ra của Chúa Giê-xu. Không sự kiện lịch sử vĩ đại nào khác trong lịch sử nhân loại có thể so sánh với những tác động của Chúa trên trái đất này. Đó là lý do vì sao niên lịch của ta lại dựa trên năm sinh của Chúa Giê-xu chứ không phải ai khác.

Thế những khác biệt lớn mà Chúa Giê-xu đã tạo ra trong lịch sử loài người là gì? Ngày nay, một số người than phiền về ảnh hưởng của Chúa Giê-xu và những người theo Ngài trên thế giới. Đúng là Hội Thánh Cơ Đốc có nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, những tội lỗi của Hội Thánh không thể tệ hơn của thế gian, vì Cơ Đốc nhân cũng từ thế gian mà ra. Hội Thánh Cơ Đốc khi tệ nhất vẫn tốt hơn thế gian khi tốt nhất, vì thế gian không thể tự trở nên tốt hơn, còn các thiếu sót của Hội Thánh là những sai lầm nhất thời có thể tự chỉnh sửa theo thời gian dưới sự dạy dỗ dẫn dắt của Kinh Thánh và Đức Thánh Linh. Và dù có nhiều than phiền về Cơ Đốc giáo, quan sát lịch sử cách khách quan cho thấy Chúa Giê-xu và những người theo Ngài có các tác động rất tích cực cho thế giới. Hội Thánh Cơ Đốc đã đem lại nhiều biến đổi, tiến bộ, và ích lợi cho con người hơn bất kỳ thế lực nào khác.

Trước đấng Christ, mạng người là rẻ mạt và có thể vứt bỏ ở mọi nơi trên thế giới. Dâng tế trẻ em là chuyện thường thấy. Trẻ em, đặc biệt là trẻ gái – được xem là thấp kém hơn – có thể bị bỏ rơi. Vào thế kỷ thứ 6, Hoàng Đế La Mã Cơ Đốc Justinian tuyên bố việc bỏ rơi trẻ em hay phá thai là phạm luật, bảo vệ mạng sống của thai nhi và trẻ nhỏ.

Trong 250 năm gần đây, với sự phát triển của phong trào truyền giáo Cơ Đốc, đời sống của phụ nữ đã được cải thiện rất nhiều. Vô số trẻ gái sơ sinh ở Trung Quốc được cứu khỏi cái chết gần như chắc chắn bởi các nhà truyền giáo Cơ Đốc và sau đó được bảo vệ, giáo dục, và nuôi dưỡng trong những trại trẻ mồ côi Cơ Đốc. Ở Ấn Độ, trước khi có ảnh hưởng Cơ Đốc, góa phụ già thường bị thiêu sống trong đống lửa hỏa táng của chồng, trong khi trẻ sơ sinh – đặc biệt là trẻ gái – hay bị giết bỏ bằng cách quăng xuống biển. Ở châu Phi, vợ và thiếp của các tù trưởng bộ lạc thường bị giết sau khi chồng chết. Những việc này đã giảm nhiều hay chấm dứt hoàn toàn khi Cơ Đốc giáo bắt đầu thâm nhập và ảnh hưởng đến những văn hóa đó.

Chế độ nô lệ vẫn còn có ở một số vùng Trung Đông hay châu Phi, nhưng nó đã bị bãi bỏ ở thế giới phương Tây nhờ sự lãnh đạo và ảnh hưởng của Cơ Đốc nhân.

Cơ Đốc nhân thành lập rất nhiều bệnh viện và trường học. Các trường đại học được lập nên bởi những Cơ Đốc nhân ở châu Âu từ thời Trung Cổ để giúp mọi người hiểu về Chúa, Lời Ngài, và thế giới của Ngài. Ở Mỹ, phần lớn các trường đại học hàng đầu được lập nên với mục tiêu ban đầu để đào tạo mục sư. Khẩu hiệu nguyên thủy của trường đại học Harvard là “Christo Et Ecclesiae” nghĩa là “Cho Đấng Christ và Hội Thánh Ngài”. Những phong trào xóa mù chữ và giáo dục cho quần chúng những thế kỷ sau cũng được thực hiện chủ yếu bởi Cơ Đốc nhân.

Cơ Đốc nhân thời Phục Hưng đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại và đáng giá hơn bất cứ thời kỳ nào. Các khám phá khoa học cùng các phát minh đã làm nên đời sống hiện đại phần lớn xuất phát từ các nước Cơ Đốc, bởi những Cơ Đốc nhân như Isaac Newton, Michael Faraday, hay Louis Pasteur, v.v…

Mặc dù hệ thống chính trị nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với một số thử thách, nó sẽ còn tệ hơn rất nhiều nếu Chúa Giê-xu chưa từng sinh ra. Thomas Jefferson có vẻ không phải là một Cơ Đốc nhân, nhưng không có Chúa Giê-xu sẽ không có bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ. Tư tưởng “mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Đấng Tạo Hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm” là tư tưởng bắt nguồn từ Kinh Thánh. Mục sư Giám Lý Frances Willard khích lệ hàng triệu người Mỹ ủng hộ quyền bầu cử cho phụ nữ, điều được ghi trong Tu Chính Án thứ 19 của Hoa Kỳ. Phong trào dân quyền được truyền cảm hứng và dẫn dắt bởi mục sư Báp-tít người Mỹ là Martin Luther King Jr. Một triết gia vô thần là Luc Ferry thừa nhận rằng: “Chính Cơ Đốc giáo đã dạy quan niệm rằng mọi người là bằng nhau về phẩm giá; một tư tưởng chưa từng có lúc đó và là điều mà thế giới chúng ta mắc nợ cho toàn bộ di sản văn minh dân chủ của nó.” Nếu Chúa Giê-xu chẳng từng giáng sinh, khả năng cao là quyền tự do dân sự, tự do kinh tế, và các nền cộng hòa dân chủ sẽ không tồn tại như hiện nay.

Như ta đã thấy, thế giới ngày nay sẽ tệ hơn rất nhiều nếu đấng Christ đã chẳng giáng sinh và Cơ Đốc giáo không trở thành nguồn lực tâm linh lớn nhất thúc đẩy sự phát triển của con người. Đúng, hẳn là có những điều tồi tệ được thực hiện bởi những người tự nhận là Cơ Đốc nhân. Nhưng nhìn chung tác động của Chúa Giê-xu và những người theo Ngài rõ ràng là rất tích cực. Quả là một điều tốt cho tất cả chúng ta rằng Chúa Giê-xu đã giáng sinh. Lễ Giáng Sinh là thời điểm cho những người chưa tin Chúa ăn mừng sự giáng sinh của con người vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Nó là một thời điểm tuyệt vời để Cơ Đốc nhân ăn mừng việc Chúa Giê-xu sinh ra, “Con Trai của Đức Chúa Trời trở thành người, để con người có thể trở thành con cái Đức Chúa Trời”. Đó là lý do lễ Giáng Sinh chúng ta hát rằng “Phước Cho Nhân Loại”

Người Vĩ Đại Nhất Trong Lịch Sử… Là Chúa Giê-xu
Không có tôi tớ, nhưng người ta gọi Ngài là Chúa.
Không có bằng cấp, nhưng người ta gọi Ngài là Thầy.
Không có thuốc thang, nhưng người ta gọi Ngài là Đấng Chữa Lành.
Không có quân đội, nhưng các vua kính sợ Ngài.
Không đánh thắng trận nào, nhưng Ngài chinh phục cả thế gian.
Không sống trong lâu đài, nhưng người ta gọi Ngài là Chúa.
Không cai trị nước nào, nhưng người ta gọi Ngài là Vua.
Không phạm tội gì, nhưng người ta đóng đinh Ngài trên thập tự giá.
Ngài đã được chôn trong nấm mồ, nhưng Ngài vẫn sống ngày nay.

Tôi thật vinh hạnh khi được phục vụ một lãnh đạo như vậy và yêu thương ta
(Lyle C Rollings III, 2008).

Richard Huynh
Dịch và tổng hợp

Bài tham khảo

1. Sẽ Ra Sao Nếu Chúa Giê-xu Chẳng Từng Giáng Sinh ?
https://www.chisholmbaptist.org/blog/2019/12/16/what-if-jesus-had-never-been-born

2. Thế Giới Sẽ Trông Thế Nào Nếu Chúa Giê-xu Chẳng Từng Giáng Sinh?
https://www.jacksonville.com/story/news/columns/2017/12/22/guest-column-what-would-world-look-if-jesus-had-not-been-born/15380851007/

3. Nếu Chúa Giê-xu Chẳng Từng Giáng Sinh?
https://www.truthaccordingtoscripture.com/documents/apologetics/jesus-never-born.php

4. Người Vĩ Đại Nhất Trong Lịch Sử
https://allpoetry.com/poem/13046422-The-Greatest-Man-In-History–by-Warofli