Tình yêu vị tha, tình yêu để đi đến hôn nhân bền vững

Tôi để ý thấy có hai loại tình yêu trong yêu đương và hôn nhân: tình yêu đam mê được thế gian ca ngợi trong âm nhạc phim ảnh, và tình yêu vị tha mà Kinh Thánh kêu gọi. Hiểu và phân biệt hai loại tình yêu này có thể giúp các cặp đôi chọn cho mình một tình yêu bền vững, cũng như giải quyết các vấn đề trong tình yêu và hôn nhân.
Thế gian hay ca ngợi tình yêu, nhưng đó là tình yêu eros, tình yêu đam mê đến từ hấp dẫn xác thịt. Nó là tình yêu đầy hormone hưng phấn (dopamine) khiến “chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ” là “mình làm quen nhau trên đường vắng khuya, dìu nhau qua bao nhiêu hè phố mưa, ngồi ôm nhau công viên lạnh giá” (còn người gia đình con nhỏ ráng tránh chúng để giữ gìn sức khỏe). Với tình yêu eros, yêu thương là quan tâm chiều chuộng, quà cáp đón đưa. Càng chịu chơi chịu chi càng thì thể hiện sự đam mê của mình. Nó là nguồn cảm hứng bất tận cho các bài thơ, bài ca và truyện phim về tình yêu của thế gian. Tuy nhiên, tình yêu đam mê dựa trên hormone hưng phấn dopamine nên cũng dễ tan. Gặp những bất đồng khác biệt trong đời sống, hay khi phải đối mặt với khó khăn đau buồn thì nó dễ chán nản nguội lạnh.
Tình yêu thương theo Lời Chúa là tình yêu agape, tình yêu vị tha (vị tha = vì người khác). Nó là tình yêu nhẫn nhịn, trung tín và hy sinh bản thân vì người khác trước những mâu thuẫn khi hẹn hò cũng như trong các vấn đề khi kết hôn. Tình yêu vị tha là tình yêu đem lại một hôn nhân bền vững, vì nó dựa trên ý chí và sự trung tín chứ không phải trên cảm xúc dễ biến đổi. Kinh Thánh liệt kê các đặc điểm của tình yêu agape như sau:
“Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự.” – 1 Cô-rinh-tô 13:4-7
1. Hay nhịn nhục:
Là biết nhẫn nhịn (thậm chí nhịn nhục), hạ mình, chịu đựng, kiềm chế cảm xúc, cư xử bình tĩnh, khéo léo trước những việc làm trái ý của người kia. Nhẫn nhịn là đặc tính đầu tiên, số #1, là tâm trí của tình yêu vị tha.
2. Hay nhân từ:
Là có lòng làm điều tốt cho người kia cả khi họ ko xứng đáng và cả khi mình phải chịu hy sinh mất mát chẳng được gì. Nhân từ là đặc tính số #2, là việc làm của tình yêu vị tha.
3. Không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo:
Là biết hòa mình, khiêm tốn, xem người khác như chính mình, ko so đo hay xem mình là cao trọng hơn.
4. Không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi:
Là luôn cư xử phải lẽ, công bằng, không ích kỷ, biết quan tâm tới lợi ích của người kia.
5. Không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ:
Là có tấm lòng mềm mại và tha thứ, không phản ứng gắt gỏng hay ghim chuyện trong lòng.
5. Tình yêu thương không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật:
Là sự công bằng và chính trực trong cách cư xử với người kia, không vì yêu mà thiên vị hay dối trá. Đặc tính này giúp mối quan hệ yêu thương luôn hướng tới điều công chính, tốt đẹp, theo Lời Chúa.
6. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự:
Là sự trung tín của tình yêu vị tha: chịu đựng trong niềm tin và hy vọng, không buông bỏ, không chán nản, không đầu hàng trước những khó khăn mất mát khổ đau từ mối quan hệ.
Thật sự thì hẹn hò, đi chơi, đi nhóm… ta chỉ thấy được 1/3 người kia, là con người xã hội của họ. Khi về sống chung, dùng chung túi tiền, chia sẻ việc nhà cửa, con cái, gia đình, họ hàng, hội thánh, bạn bè… ta sẽ thấy 1/3 nữa là con người ở nhà. Rồi chỉ khi gặp áp lực như nghèo khổ, bệnh tật… ta mới thấy 1/3 còn lại là con người dưới áp lực. Vậy nên ai cũng sẽ bước vào hôn nhân với 2/3 người kia mình chưa biết. Hẹn hò dù rất hợp vẫn có thể bị sốc vì những khác biệt mâu thuẫn chỉ khi kết hôn mới thấy. Khác với cuộc sống độc thân, hôn nhân gia đình cần xây dựng nhà cửa, lo con ăn học, cơm áo gạo tiền…. Vậy nên đời sống hôn nhân khác hẳn với yêu đương tình trường, nhiều áp lực, tranh cãi, va chạm hơn.
Tin vui là Kinh Thánh có câu “Giống như sắt mài nhọn sắt, cũng vậy, con người mài giũa diện mạo bạn mình.” (Châm Ngôn 27:17). Tôi thấy hai người khác biệt khi lấy nhau, lúc về sống chung sẽ sáng tối mài dũa nhau. Khác biệt càng lớn thì sẽ mài dũa càng căng thẳng, tóe lửa. Nhưng nếu trung tín nhẫn nhịn, hi sinh từ bỏ cái tôi, cầu nguyện sửa mình theo Lời Chúa, sau vài năm cả hai sẽ thành một nửa vừa khít với nhau, nhẵn nhụi trơn tru. Họ ít còn mâu thuẫn mà tập trung chăm lo xây dựng đời sống, không thong thả như người độc thân. Diện mạo tính cách cư xử của họ cũng thay đổi, có sự trưởng thành điềm đạm như những cô chú lớn vậy.
Một mối tình có thể bắt đầu bằng tình yêu đam mê khi hai người bị cuốn hút bởi điều gì đó ở nhau. Chuyện tình yêu cả hai có thể rất lãng mạn, nên thơ, hưng phấn đầy dopamine. Nhưng càng tiến lại gần nhau trong đời sống, sẽ càng có nhiều va chạm sẽ nảy sinh từ những mâu thuẫn khác biệt trong tính cách và suy nghĩ. Khi đó, chỉ có tình yêu vị tha mới giúp cả hai vì người khác, vì gia đình mà nhẫn nhịn chịu đựng va đập mài dũa, vẫn cư xử nhân từ trước những bất đồng khác biệt, biết khiêm nhường từ bỏ những chỗ gây mâu thuẫn, nhưng vẫn luôn hướng tới điều công chính tốt đẹp theo Lời Chúa. Chỉ có tình yêu vị tha mới giúp cả hai có sự trung tín, dung thứ, tin tưởng, hi vọng, chịu đựng đến ngày mọi thứ tốt hơn. Vậy nên đừng theo đuổi sự đam mê mà thế gian ca tụng, hãy theo đuổi tình yêu vị tha, tấm lòng vì người khác như lời Kinh Thánh để có một hôn nhân bền vững hạnh phúc.
Richard Huynh