Chúa từ đâu đến? Hiểu về khái niệm Ngôi Lời trong tiếng Hy Lạp

“Chúa từ đâu tới?” một bạn hỏi tôi. Trả lời ngắn thì Chúa “là đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ai Cập Ký 3:14), nghĩa là Chúa tự hiện hữu và luôn hiện hữu. Ngược lại thì vũ trụ và không thời gian mà ta đang sống này có điểm bắt đầu và kết thúc, cũng như không tự tồn tại mà là “ở trong Ngài, chúng ta được sống, hoạt động và hiện hữu…” (Công Vụ 17:28). Còn để hình dung được sự tự hữu hằng hữu của Chúa, hay tại sao chúng ta và cả vũ trụ này lại “ở trong Ngài”, ta phải hiểu khái niệm “Ngôi Lời” (Logos) trong tiếng Hy Lạp – ngôn ngữ sách Tân Ước.

“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Từ ban đầu, Ngài ở với Đức Chúa Trời. Muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài.”Giăng 1:1,3

Cơ bản thì “Ngôi Lời” (Logos) là tên mà các triết gia Hy Lạp gọi quyền năng mà họ lập luận là phải có và đã thiết kế, tạo dựng, duy trì, và vận động thế giới vật chất này. Gọi là “Ngôi Lời” (Logos) từ chữ “lời” (logos), nhưng là danh xưng xác định (Logos – Lời viết hoa). Chắc dịch tiếng Việt chỉ “Lời” thôi thì khó hiểu khó đọc nên dịch ra “Ngôi Lời” để xác định là Ngôi Đức Chúa Trời.  

Danh xưng “Ngôi Lời” bắt nguồn từ chữ “lời” là vì lời nói là thứ diễn đạt các suy nghĩ ý tưởng vô hình thành vật chất hữu hình (âm thanh tiếng nói). Từ xưa, các triết gia Hy Lạp như Plato, Aristotle… đã nhận thấy rằng thế giới này vận hành theo các định luật (như luật hấp dẫn, luật điện từ… cùng các hằng số như hằng số hấp dẫn G, tốc độ ánh sáng c..) Những định luật này là phi vật chất, vô hình nhưng lại quyết định cấu trúc và hành động của thế giới vật chất hữu hình. Ngoài ra, chúng rất giống với ý tưởng của con người nên ta có thể nắm bắt chúng trong suy nghĩ mình. Họ lập luận rằng các định luật này là “ý tưởng thánh” (divine ideas) của Lý Trí đã thiết kế vũ trụ. Để các “ý tưởng ” trong đầu được thực thể hóa thành vật chất, chúng phải được nói ra bằng “lời”. Cũng vậy, để những “ý tưởng thánh” vô hình – tức các định luật, hằng số, nguyên tắc làm nên vũ trụ đời sống… – được thực thể hóa thành thế giới vật chất ta biết, cần có một quyền năng “nói” chúng thành hữu hình. Các triết gia Hy Lạp gọi quyền năng ấy là (đấng) Logos – (Ngôi) Lời. Mọi vật từ ý tưởng vô hình ra hữu hình là bởi Ngôi Lời. Trọng lực theo hằng số hấp dẫn G là nhờ Ngôi Lời khiến mọi vật vận hành như vậy. Cũng vậy với ánh sáng có tốc độ c, hay luật điện từ… các hằng số, định luật căn bản làm nên vũ trụ, cũng như cách vũ trụ được kiến thiết lúc ban đầu, v.v…

Vậy nên Ngôi Lời là quyền năng đã tạo ra thế giới vật chất mà ta sống, duy trì và điều khiển thế giới để nó hoạt động đúng như thiết kế của các “ý tưởng thánh”. Mọi vật chất, vũ trụ, con người và vạn vật hiện diện là bởi Ngôi Lời, cũng như các quy luật thiên nhiên được Ngôi Lời vận hành. Tất nhiên Ngôi Lời có toàn quyền làm mọi thứ trong thế giới của minh, cả quyền thay đổi cách thiên nhiên vận hành, hay hủy diệt thế giới này và tạo thế giới khác (sự toàn năng). Vì mọi vật mọi việc đều nhờ sự duy trì của Ngôi Lời mà tồn tại và diễn tiến, Ngôi Lời cũng biết mọi chuyện xảy ra trong thế giới (toàn tri) cũng như hiện diện mọi lúc moi nơi (toàn tại). Ngôi Lời tự hữu hằng hữu, còn mọi vật chất, mọi quy luật của thế giới này không tự hữu mà do Ngài diễn đạt ra. Đó là tại sao Đức Chúa Trời  “là đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ai Cập Ký 3:14), toàn năng, toàn tri, toàn tại, “ở trong Ngài, chúng ta được sống, hoạt động và hiện hữu…” (Công Vụ 17:28), “muôn vật đều do Ngài tạo dựng, không một loài thọ tạo nào được tạo dựng mà không bởi Ngài.” (Giăng 1:3)

Khi nói đến thần, con người hay nghĩ đến những đấng có quyền năng siêu nhiên, gây mưa gây bão động đất gì đó, nhưng đó chỉ mới là cấp độ thiên sứ. Trong Kinh Thánh, được Chúa cho phép, thiên sứ có thể làm bão sập nhà (Gióp 1:19), giáng lửa từ trời (Gióp 1:16), xui khiến con người đi cướp bóc (Gióp 1:17), gây mưa đá và lửa (Khải Huyền 8:7), ném núi xuống biển (Khải Huyền 8:8), hay làm thiên thạch trên trời đâm vào trái đất (Khải Huyền 8:10). Thiên sứ thực sự mạnh hơn những gì con người tưởng tượng về “thần”. Nhưng thiên sứ cũng chỉ là các vật được tạo dựng, không tự hữu hằng hữu như Ngôi Lời.

Nói cho dễ hình dung thì nếu ta làm một cái game máy tính, thì ta là người đặt ra mọi quy luật tương tác của thế giới trong game đó. Mọi vật trong thế giới đó hiện hữu là do ta, mọi diễn tiến là theo vận hành của ta, cả những người được sinh ra bởi những người trong đó  v.v.. Với những người trong thế giới game, ta có từ trước vô cùng, trước khi thế giới của họ được tạo dựng, và sẽ vẫn hiện diện sau khi thế giới đó bị tan biến. Với họ, ta là tự hữu hằng hữu, đấng toàn năng có thể thay đổi mọi vật, mọi việc, mọi quy luật tùy ý. Ta có thể tạo ra thế giới họ trong 1 ngày hay 6 ngày tùy thích (theo thời gian trong game). Ta có thể dẹp bỏ thế giới cũ và tạo dựng thế giới mới, đem một số nhân vật mà ta thích qua đó sống, cho chúng thân xác mới đẹp đẽ để vui hưởng đời đời. Ta cũng có thể đày những kẻ ta ghét xuống một thế giới tăm tối đầy lưu huỳnh diêm sinh, cho chúng thân xác ghê tởm bất tử để chịu khổ đời đời. Sự tồn tại và quyền năng của ta với cái thế giới nhỏ bé trong game của mình cũng giống như Ngôi Lời với thế giới này vậy.

Tất nhiên đó chỉ là so sánh cho dễ hình dung thôi, chứ ta vẫn thua Ngôi Lời nhiều. Ví dụ như có cả 10 tỷ người như ta trong thế giới của mình, nhưng Chúa không biết ai như Chúa (Ê-sai 44:8). Ta chỉ tự hữu hằng hữu với cái thế giới game của mình, còn sự hiện hữu của ta vẫn là nhờ Ngôi Lời, đấng thật sự tự hữu hằng hữu, không ai tạo ra, không dựa vào bất điều gì để hiện hữu.

Bài Đọc Tham Khảo

1. Stephen Hawking was wrong: 3 reasons why God must exist
https://www.christiantoday.com/article/stephen-hawking-was-wrong-3-reasons-why-god-must-existexecute1/127717.htm

2. Khái niệm về Logos
https://classicalwisdom.com/culture/language/the-concept-of-logos/

3. Logos
https://www.newworldencyclopedia.org/entry/Logos

4. Logos
https://www.pbs.org/faithandreason/theogloss/logos-body.html