Cách Đức Tin Nơi Chúa Cho Cậu Bé Mồ Côi Nam Phi Sức Mạnh Để Tốt Nghiệp Đại Học Y

Câu chuyện của Madlala đọc như một chuyện thần tiên hay một bộ phim truyền cảm hứng về một cậu bé nỗ lực chăm chỉ để vượt lên số phận. Quả là Madlala đã nỗ lực và vượt qua nhiều khó khăn hơn hầu hết những gì mọi người từng gặp, nhưng cậu sẽ nói với bạn rằng thành công của mình không chỉ là nhờ may mắn hay nỗ lực và quyết tâm. Ngược lại, Madlala tin chắc rằng mình đã đi xa được vậy là nhờ sự bảo vệ, chu cấp, và quyền năng của đấng Christ trong đời sống mình.
Sinh ngày 1/3/1997, Sithembiso Madlala trải qua tuổi thơ của mình ở Mariannhill, một cụm khu vùng ven và làng mạc trong khu tự trị Thekwini ở KwaZulu Natal, Nam Phi. Cậu là con trai thứ ba trong số năm người con của mẹ mình – tất cả đều với những người cha khác nhau. Madlala lớn lên hầu như một mình vì những anh em còn lại được nuôi bởi gia đình cha họ. Mẹ cậu, Bongi, gần như không có bất kỳ tương tác nào với họ hàng mình, một điều rất kỳ lạ với văn hóa gắn kết gia đình chặt chẽ của người Zulu.
Bongi thất nghiệp hầu như suốt tuổi thơ của Madlala, và thường để cậu một mình nhiều ngày liền khi bà đi ăn nhậu say xỉn. “Em học cách nấu ăn từ rất sớm để có thể ăn”, cậu nhớ lại. “Ví dụ như trứng, rát dễ nấu. Em chi không biết mẹ đang ở đâu hay khi nào về, vậy nên em ráng làm điều tốt nhất mình có thể.”
Khi Bongi say xỉn, bà trở nên bạo lực. Một lần bà đâm vào mắt Madlala khi cầm cây đánh cậu, khiến cậu phải vào phòng cấp cứu. Trong một lần bị đánh đập khác, một người hàng xóm gọi công an, người đến đem Medlala đi một thời gian. Tuy nhiên, cậu được trả lại cho Bongi khi bà xin lỗi và hứa sẽ làm tốt hơn. Một đêm nọ khi Madlala 6 tuổi bà về nhà say xỉn và bắt cậu rửa chén. Khi thấy cậu làm cách miễn cưỡng, Bongi quăng một con dao vào vai Madlala. Những người công tác xã hội đem cậu đi một thời gian lâu hơn. Đến khi người ta trả Madlala về với mẹ mình, Bongi bị nhiễm lao và bệnh quá nặng để có thể chăm sóc cậu và em gái. Vậy nên cả hai được đem đến trại trẻ mồ côi gần Durban và ở đó luôn từ 2007.
Lìa mẹ đem lại những khó khăn và khổ cực mới cho Madlala. Trong môi trường mới: “em chẳng biết nói tiếng Anh, mà tất cả mọi người ở đó nói tiếng Anh. Em chẳng thể hiểu được ai cả” cậu nói. “Có nhiều đầu gấu bắt nạt trong trại trẻ mồ côi. Tuần đầu ở đó em bị trói vào cây và tiểu lên khắp người. Nó như là nghi thức gia nhập vậy.”
Không gì ngạc nhiên khi Madlala học chẳng tốt. Cậu suýt ở lại năm lớp ba và rớt năm lớp năm. Nhưng cậu vẫn tiếp tục cố gắng và nhanh chóng học tiếng Anh bằng cách cày hết những quyển sách ở trại trẻ mồ côi được để lại bởi các nhóm công tác ngắn ngày từ Mỹ và Anh, cũng như những nhóm đến từ các hội thánh ở chính Nam Phi.
Mong muốn đuổi kịp chúng bạn, Madlala quăng mình vào học hành. Dù những trường làng xung quanh thiếu cơ sở vật chất và rất quá tải, các thầy cô giáo vẫn quan tâm cố gắng hết sức để động viên những học sinh nào đặc biệt ham học hỏi và có nỗ lực.
“Thầy Ndlovu là người cho em rất nhiều giúp đỡ thêm, đem lại cho em những biến đổi then chốt. Thầy dạy vật lý và hóa học – cả 2 môn em rất yêu thích,” Madlala nói. “Và ông mở lớp vào cuối tuần và chăm sóc cách cá nhân cho chúng em, những người rất thích học. Thầy giáo tiếng Anh hay khuyến khích chúng em nghĩ về tương lai và những gì mình muốn làm. Nó truyền cảm hứng giúp em mơ ước rằng mình sẽ trở thành người nào đó và làm cái gì đó trên thế giới này.”
Madlala cũng thấy nguồn cảm hứng và giúp đỡ từ những người tình nguyện dài hạn từ khắp thế giới đến làm việc tại trại trẻ mồ côi. Có người ở chỉ vài ngày, cũng có người ở hàng tháng một lần. Madlala đặc biệt bị thu hút bởi những người tình nguyện ngành Y.
“Một cô y tá người Đức đã dành trọn đời mình để giúp người khác trong vai trò người chăm sóc sức khỏe. Cô ấy dành rất nhiều thời gian với những em bệnh rất nặng ở nhà trẻ – những em mà mọi người đã bỏ qua vì ai cũng nghĩ rằng nó sẽ không sống.” Cậu dành thời gian làm quen cô y tá và xem cô làm, thậm chí còn dịch một số tài liệu y khoa từ tiếng Anh sang tiếng Zulu.
Một cô y tá khác đến thăm cho cậu bé một ống nghe dành cho trẻ em, vật cậu trân quý. “Thật rất có ý nghĩa khi thấy tất cả những người tình nguyện dành thời gian để đến và ở với chúng em và yêu thương những em đang đau đớn khổ sở nhất. Chúng rất khích lệ em.”
Khi Madlala được 12 tuổi, trại trẻ mồ côi thuê một mục sư cho thanh thiếu niên tên là Warran Holland để làm tĩnh nguyện buổi sáng với các bé trai trước khi chúng đi học. “Đó là lần đầu tiên em được nghe ai đó giải thích Phúc Âm cho mình,” Madlala nói. “Em muốn học thêm về vị thần này mà Warren nói đến.”
Một ngày kia, Holland đọc Rô-ma 6:23 và Madlala “nhận ra rằng mình cần đấng Christ trong đời sống mình. Khi ta là một đứa trẻ, thật khó để nghĩ rằng mình là một người tội lỗi. Em biết là em có thể đã làm những việc xấu, nhưng thật khó để nghĩ rằng mình bản chất là xấu. Chúa Giê-xu chết vì những tội lỗi của em đã đặt Ngài lên thập tự giá. Suy nghĩ này thấm sâu vào lòng em. Đúng vậy, em cần sự cứu chuộc.”
Madlala tin nhận Chúa Giê-xu vào đời sống mình, dù em phải đợi tới lúc lớn lên để được làm báp-tem. Một mục sư tên là Thatu đã giúp môn đồ hóa Madlala, cho em làm công tác dạy trường Chúa Nhật.
Khi Madlala lên cấp 3, em học điểm ngày một cao hơn, làm kinh ngạc các thầy giáo và người chăm sóc mình. Họ khuyến khích em hãy nghĩ thật nghiêm túc về tương lai. “Em yêu thích vật lý, toán và hóa, và em tự hỏi ngành gì kết hợp tất cả chúng,” cậu nhớ lại. “Một lần em đi theo một bác sĩ gây mê ở một bệnh viện. Em được chứng kiến một cuộc phẫu thuật, một dịp rất đặc biệt. Em nhận thấy tất cả các bác sĩ đều là người Ấn Độ, trừ một người da đen. Em chưa từng thấy một bác sĩ da đen nào trước đó.”
Sau buổi phẫu thuật, Madlala đã nói chuyện với vị bác sĩ da đen, người đã tốt bụng cho cậu thông tin về các chuyên môn khác nhau và những rèn luyện cần thiết để làm trong ngành chăm sóc sức khỏe. Cuộc nói chuyện đó gieo giấc mơ trở thành bác sĩ vào trong lòng Madlala, và cậu nuôi dưỡng giấc mơ đó một phần vì trải nghiệm đời sống của mình.
“Mẹ em mất ở tuổi 42. Bà mất vì một bệnh có thể chữa được. Chỉ cần 6 tháng chữa trị là có thể vượt qua căn bệnh bà bị,” cậu giải thích. “Em rất giận vì cách bà đối xử với em khi mình còn nhỏ, nhưng em rất muốn biết vì sao và bằng cách nào mà bà mất. Tại sao bà lại mất bởi một bệnh có thể chữa được?”
Madlala nhắm đến trường Witwatersrand, một trong những trường y tốt nhất Nam Phi, mặc dù khả năng vào đó của cậu thật nhỏ. Chưa ai từ trường cậu từng đăng ký vào Witwatersrand, trường cấp 3 của cậu thậm chí còn không có trong cơ sở dữ liệu của trường! “Trường Wits nhận được khoảng 50.000 đơn xin nhập học hằng năm, và chỉ có khoảng 300 chỗ trong trường. Mọi người muốn em tìm cái gì nữa để phòng khi mình không được nhận,” cậu nói. “Em chỉ muốn đăng ký ngành dược, nhưng đây là điều chính Chúa kêu gọi em đến.”
Khi cậu biết mình được nhận và có học bổng toàn phần, Madlala đã rất kinh ngạc. “Em chỉ nói cho một ít người diễn tiến tình hình để em không hi vọng quá – ý em là, người ở các trường cấp 3 tốt nhất cả nước còn bị từ chối! Em thật vui khi biết mình được vào.”
Madlala bắt đầu học ở Đại Học Witwatersrand vào tháng 1/2015, và cậu vất vả để thích nghi trong một trường lớn và cầu kỳ trong một thành phố lớn sau khi lớn lên trong một trại trẻ mồ côi dưới quê. “Trường làng không có các bạn học người da trắng, và em chưa bao giờ gặp các bạn người da trắng cỡ này. Nhiều bạn nhà giàu và đã học ở các trường tư đắt đỏ. Em không cảm thấy mình hòa nhập.”
Cậu vất vả trong phòng máy tinh của trường cho đến khi một người bạn từng làm công tác ngắn hạn (ở trại trẻ mồ côi) chu cấp cho mình một laptop. Cậu vất vả với những quyết định khác nữa. “Ở trại trẻ mồ côi, em chẳng bao giờ phải quản lý tiền, và cũng chẳng có nhiều tự do cá nhân. Giờ em có tất cả những tự do này, và em cần phải quản lý chi tiêu. Có những cám dỗ như rượu và ma túy mà em phải tránh,” Madlala nói. “Nó giống như em đến một hành tinh khác.”
Đức tin của cậu trở thành nhân tố giữ cậu vững vàng.
Madlala chọn được báp-tem ở một hội thánh địa phương, cảm thấy rằng đã đến lúc mình thừa nhận công khai đức tin của mình và thông điệp Tin Lành đã biến đổi đời sống cậu. “Nếu em không trở thành một Cơ Đốc nhân, em sẽ không đi theo đường này. Khi em trở thành Cơ Đốc nhân, thứ tự ưu tiên của em thay đổi. Đức tin đã giúp em vượt qua những thử thách khó khăn ở trường đại học.”
Câu Kinh Thánh đã gìn giữ nâng đỡ cậu là Thi Thiên 199:9 “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa.”
Cậu nói: “Khi em buồn hay gặp rắc rối và không biết làm gì và thấy buồn và cố gắng quá sức, lời Kinh Thánh neo giữ em trên những điều quan trọng.”
Madlala hiện đang là bác sĩ thực tập ở 3 bệnh viện ở Pietermaritzburg (một thành thị lớn ở tỉnh KwaZulu Natal), làm việc với các bác sĩ giàu kinh nghiệm để lấy kinh nghiệm cho đến khi có thể chọn chuyên môn của mình, một ngành mà cậu đã quyết định. “Em đã biết ngay từ đầu em muốn vào chuyên ngành phẫu thuật chấn thương,” cậu nói. “Khu người nghèo thường có những vấn đề như đâm chém bắn súng và say rượu, vậy nên tai nạn và chấn thương hay xảy ra. Đó là nơi em cảm thấy mình có thể tạo nên nhiều khác biệt.”
Madlala đã nghĩ đến việc gầy dựng 1 quỹ từ thiện để nuôi dưỡng những đứa trẻ như cậu đã được nuôi dưỡng. “Em muốn nhiều trẻ nhỏ biết có nhiều cơ hội ngoài đó cho chúng, cơ bản là hướng nghiệp và dạy chúng về những sự nghiệp khác nhau. Em nghĩ rằng nhiều trẻ em không được nghe về tất cả những thứ chúng có thể làm ở đời.”
Madlala dâng mọi vinh hiển cho Chúa vì đã gởi đến những người cần thiết đến với cuộc đời mình. “Em nghĩ rất nhiều về sự chu cấp của Chúa. Nếu em không được sống ở trại trẻ mồ côi, em sẽ không được học tiếng Anh, và tiếng Anh thật rất rất quan trọng để làm tốt các bài thi. Những tình nguyện viên ở trại trẻ mồ côi, những người đã trả chi phí sống cho em những năm đại học, cái laptop – Chúa đặt để mọi người trên đường em đi. Chúa chu cấp cho em qua họ. Em sẽ không đến được đây nếu không có những người dành thời gian đi giúp đỡ và phục vụ người khác. Và đến lượt mình, giờ em sẽ đi phục vụ người khác.”
Madlala không thể lên bục nhận bằng vì cậu không thể xin nghỉ để tham dự lễ bế giảng lên lịch lại ở Johannesburg. Nhưng cậu chẳng quan tâm. Cậu đã có chứng chỉ tốt nghiệp ghi lại thành tựu của mình ở trường. Và cậu có một tai nghe cho trẻ em để nhắc nhở mình về những người Chúa đã đem đến với cuộc đời mình để chu cấp và hỗ trợ cho cậu trong hành trình không thể tin được này.
Theo ChristianToday.com
Người dịch: Richard Huynh