10 Câu Trả Lời Nhanh Cho Những Lập Luận Của Người Vô Thần Theo Giáo Sư John Lennox

Ta chẳng cần phải đọc hàng trăm quyển sách trước khi có thể biện luận đức tin của mình với một người vô thần. Nhiều khi những lập luận và câu hỏi của người vô thần chỉ là những câu sáo ngữ có thể bị trả lời cũng ngắn gọn như vậy. Tại Hội Nghị Tin Lành ở Luân Đôn, John Lennox, giáo sư toán ở đại học Oxford, đã cho chúng ta một số câu trả lời ngắn gọn cho một số lập  luận thường gặp của người vô thần.

(John Lennox là giáo sư toán của đại học Oxford. Bên cạnh nghiên cứu về toán học, ông còn là một nhà biện giáo Cơ Đốc và viết nhiều sách về tôn giáo, đạo đức, và mối quan hệ giữa khoa học và đức tin (như các sách “Liệu khoa học đã chôn vùi Chúa”, và “Liệu khoa học có thể giải thích được mọi thứ”). Ông cũng có vô số buổi tranh luận công khai với các nhà vô thần như Richard Dawkins hay Christopher Hitchens. [1])

1) Bạn không tin vào Zeus, Thor hay tất cả các thần khác. Tôi chỉ không tin một thần nhiều hơn bạn, là không tin vào Đức Chúa Trời.

Vấn đề của lối suy nghĩ này là các “thần” như Zeus và Thor không thể so sánh được với hiểu biết về Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh.

“Có một khác biệt rất lớn giữa tất cả các thần cổ đại phương đông và Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh,” theo giáo sư Lennox. “Các thần đó được tạo thành bởi vật chất và năng lương khai nguyên của vũ trụ, còn Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh tạo ra các tầng trời và trái đất”.

2) Khoa học đã giải thích mọi điều, và khoa học thấy không có Chúa

Khoa học không thể trả lời một số loại câu hỏi, ví dụ như “thế nào là đạo đức?” hay “thế nào là đẹp?” Ngay cả với những câu hỏi về thế giới tự nhiên, điều mà khoa học có tìm hiểu và đôi khi có thể trả lời, và có nhiều cách giải thích diễn giải khác nhau cho những thứ khác nhau (hoặc cho cùng một thứ).

Giáo sư Lennox nói “Đức Chúa Trời không cạnh tranh với khoa học để giải thích về (sự hình thành của) vũ trụ này cũng như Henry Ford không cạnh tranh với quy luật động cơ đốt trong để giải thích về (sự hình thành của) xe ô tô”

3) Khoa học nghịch lại với Đức Chúa Trời

Hẳn có một số quan niệm rằng một “thần” có thể nghịch lại với khoa học, nhưng không phải Đức Chúa Trời của Cơ Đốc nhân. Hẳn có thể có một số người chế ra các loại “thần” để giải thích những chuyện người ta không hiểu, nhưng đó không phải là Cơ Đốc nhân.

“Nếu ta phải lựa chọn giữa khoa học và Đức Chúa Trời… đó không phải là khái niệm Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh”, giáo sư Lennox nói. “Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh không phải là một thần của những điều ta không biết, nhưng là Chúa của mọi sự, của những phần ta biết qua khoa học, và cả những phần ta chưa biết.”

“Một số nhà tư tưởng hàng đầu có hiểu biết về Chúa hoàn toàn khác với Kinh Thánh. Nếu bạn định nghĩa Đức Chúa Trời là thần của những điều không biết, thì bạn phải chọn giữa khoa học và Đức Chúa Trời” (người dịch: cái này là ngụy biện song luận giả tạo – false dictonomy, bắt phải chọn giữa 2 cái sai)

4) Bạn không thể chứng minh là có một Đức Chúa Trời

Tuyên bố kiểu này không biết rằng có nhiều loại “chứng minh”.

“Liệu ta có thể chứng minh rằng có một Đức Chúa Trời?” giáo sư Lennox tự hỏi. “(Chứng minh) theo cách toán học thì không, nhưng chứng minh bất cứ cái gì (một cách toán học) đều rất khó và hiếm khi làm được. Nhưng còn có một loại chứng minh khác – chứng minh vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý (beyond reasonable doubt – người dịch: đây là chuẩn chứng minh cao nhất của tòa án. Tòa án không đòi hỏi phải chứng minh một điều gì đó là tuyệt đối không có nghi ngờ, chỉ là vượt qua những nghi ngờ hợp lý. Như là chứng minh rằng sự phục sinh của Chúa Giê-xu là vượt qua mọi nghi ngờ hợp lý theo chuẩn tòa án Hoa Kỳ bởi Simon Greenleaf, người sáng lập ra trường luật Harvard – xem [2].)

Đây là kiểu chứng minh ta có thể trình bày: lý luận để giúp một người vượt qua những nghi ngờ hợp lý. Ví dụ, những lập luận hợp lý của các triết gia như Alvin Plantinga và William Lane Craig, trải nghiệm cá nhân của Cơ Đốc nhân, và lời chứng của các sách Phúc Âm trong Kinh Thánh.

5) Đức tin là tin mà không có bất kỳ chứng cớ nào.

Niềm tin Cơ Đốc chưa bao giờ là không có chứng cớ: các sách Phúc Âm được viết để cung cấp bằng chứng như lời nói đầu của sách Lu-ca (Lu-ca 1:1-4). Đoạn cuối sách Phúc Âm Giăng nói: “Nhưng các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống.”Giăng 20:31

Nhưng tin mà không có chứng cớ là một quan niệm thường thấy về “tin” hiện nay. “Định nghĩa này về tin có ở trong từ điển và được nhiều người tin”, giáo sư Lennox nói. “Vậy nên, khi ta nói về tin ở đấng Christ, họ nghĩ rằng đó (tin) là vì không có chứng cớ. [Sách Phúc Âm Giăng] cho thấy niềm tin Cơ Đốc là một niềm tin dựa trên chứng cớ.”

6) Đức tin là một ảo tưởng. Tôi chẳng tin ở Chúa hơn là tôi tin ở thỏ phục sinh, ông già Nô-ên hay quái vật mì ống bay.

Ý tưởng này được phổ biến bởi những người như giáo sư Richard Dawkins. Chúng chỉ tốt cho việc nhạo báng.

“Tuyên bố của các nhà khoa học không phải lúc nào cũng là tuyên bố khoa học”, giáo sư Lennox nói. “Stephen Hawking nói “tôn giáo là chuyện cổ tích của những người sợ bóng tối”. Tôi nói “vô thần là chuyện cổ tích của những người sợ ánh sáng”.

“Chẳng có câu nào chứng minh cái gì cả. Tất cả chúng đề có thể bị lật ngược lại. Cái đằng sau tất cả những tuyên bố ảo tưởng này là ý tưởng của Freud về mong ước được như ý (wishful fulfillment) [rằng ta dễ tin cái mà ta muốn là thật.] Nói kiểu đó sẽ thông minh nếu quả là chẳng có thần nào cả. Nhưng nếu có Đức Chúa Trời thì niềm tin vô thần chỉ là mong ước được như ý.

7) Cơ Đốc giáo nhận mình là đúng, nhưng lại có rất nhiều hệ phái và họ không đồng ý với nhau, vậy nó hẳn là không đúng.

Tại sao việc có nhiều hệ phái lại có nghĩa là Cơ Đốc giáo không đúng? Nó có thể có nghĩa là Cơ Đốc nhân có rất nhiều cách nghĩ và nhiều văn hóa – hay thậm chí là Cơ Đốc nhân không giỏi hòa thuận với nhau – nhưng nó không có nghĩa là Cơ Đốc nhân không là thật.

“Có đủ các loại đội bóng khác nhau, nhưng họ đều chơi đá banh.” Giáo sư Lennox nói.

8) Kinh Thánh dạy nhiều điều trái với đạo đức

Nếu bạn muốn hoài nghi đạo đức của Kinh Thánh, thì bạn dựa vào cái gì để xác định đạo đức? Có rất nhiều những lập luận vô cùng mâu thuẫn nhau trong những lời chỉ trích của người vô thần. Dawkin viết: “Trong một vũ trụ với các hạt electrons và các gene ích kỷ, các lực vật lý và việc sao chép gene cách mù quáng, một số người sẽ bị tổn thương, những người khác sẽ gặp may mắn. Bạn sẽ chẳng thấy bất kỳ quy luật hay lý do gì ở đó, hay bất kỳ công lý gì. Vũ trụ mà ta thấy có đúng những tính chất mà ta nên kỳ vọng nếu có ở bên dưới, không có thiết kế, không có mục đích, không có cái xấu, không có cái tốt, chẳng có gì ngoài sự thờ ơ vô cảm.”

Nếu điều này là sự thật, vậy tại sao [Dawkins] lại hỏi về tính đạo đức của bất kỳ cái gì? “Dawkins nói đức tin là xấu”, giáo sư Lennox nói, “nhưng cùng lúc ông ta phá hủy sự phân chia tốt xấu. Điều này thật vô lý.”

9) Hẳn bạn không tin Kinh Thánh theo nghĩa đen?

Vài người vô thần (và một ít Cơ Đốc nhân) có một cách nghĩ rất trắng đen về cách hiểu Kinh Thánh. Hoặc bạn phải hiểu theo nghĩa đen, hoặc phải cất nó đi, họ nghĩ vậy. Điều này bỏ qua thực tế về ngôn ngữ và cách nó phản ánh sự thật.

“Chúa Giê-xu nói “ta là cái cửa” (Giăng 10:9)”, giáo sư Lennox nói. “Có phải Chúa Giê-xu là một cái cửa như cái cửa ngoài kia? Không. Ngài không phải là một cái cửa theo nghĩa đen, nhưng Ngài là một cánh cửa thực sự để vào trải nghiệm thật với Đức Chúa Trời. Hình ảnh ẩn dụ đại diện cho khái niệm thực tế. Từ “nghĩa đen” là vô ích.”

10) Đâu là bằng chứng về Đức Chúa Trời?

Ta có thể tranh luận cho đến tối về sự tồn tại của Chúa. Việc này có thể rất thú vị, đặc biệt là khi ta đi vào chi tiết và khám phá sâu vào chủ đề này. Nhưng với một người vô thần, họ có thể đang không thấy điều chính yếu và né tránh những vấn đề quan trọng. Giáo sư Lennox khuyên ta hãy hỏi người vô thần câu hỏi quan trọng nhất:

“Giả sử tôi có thể đưa ra [những bằng chứng về Đức Chúa Trời], thì bạn có sẵn sàng ăn năn và tin nhận đấng Christ?”

Tất nhiên là có những câu trả lời sâu sắc hơn cho những tuyên bố trên – hãy thử các đoạn phim tranh luận giữa giáo sư Lennox và Dawkins như đoạn phim sau

Theo ChristianToday.com

Người dịch: Richard Huynh

Bài đọc thêm

[1] Về giáo sư John Lennox
 https://en.wikipedia.org/wiki/John_Lennox

[2] Đánh giá độ tin cậy từ bằng chứng của các sách Phúc Âm bởi Simon Greenleaf, một trong những nhà sáng lập trường luật Harvard
 https://www.famous-trials.com/jesustrial/1051-evangeliststestimony