Điều Gì Duy Nhất Chỉ Có Ở Cơ Đốc Giáo?

Xưa có người hỏi tôi rằng tất cả các tôn giáo tín ngưỡng đều dạy lẽ sống, đều thờ thần linh, đều kể về các phép màu nào đó, vậy Cơ Đốc giáo có điều gì là duy nhất mà không ai có không? Lúc đó tôi không biết trả lời sao, vì quả thật trí tưởng tượng của con người là vô chừng, tìm điều gì mà con người không thể nghĩ ra thật khó. Nhưng giờ tôi nhận ra điều thật sự duy nhất chỉ có ở Cơ Đốc giáo, điều mà con người không thể tưởng tượng đến và cũng không thể chấp nhận được. Đó là thập tự giá của đấng Christ. Và bài này tôi xin được diễn giải thập tự giá của đấng Christ vô lý kỳ lạ nhưng lại ý thể hiện sự siêu việt của Đức Chúa Trời như thế nào

Theo như lời Kinh Thánh:

“Trong lúc người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, người Hi Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng Đấng Christ bị đóng đinh vào thập tự giá, điều mà người Do Thái cho là sai lầm, còn dân ngoại cho là điên rồ.”1 Cô-rinh-tô 1:23

Con người kỳ vọng gì ở một vị thần? Hẳn thần phải có sức mạnh siêu nhiên và có thể làm phép màu? Hẳn thần phải có sự khôn ngoan và hiểu biết hơn người? Hẳn thần phải bất khả xâm phạm với loài người? Vậy tại sao lại có chuyện Đức Chúa Trời, đấng tối cao, toàn năng, toàn tri, bị đóng đinh trên thập tự giá?

Người Do Thái đòi hỏi dấu lạ phép màu. Kinh Thánh kể cho họ rằng Đức Chúa Trời có quyền năng giáng 10 đại họa lên Ai Cập, phá đổ thành Giê-ri-cô, tiêu diệt các đạo binh và các đế quốc hùng mạnh. Vậy nên chuyện Chúa bị người La Mã đóng đinh nghe thật sai lầm, vô lý, báng bổ.

Người Hy Lạp nổi tiếng là khôn ngoan và yêu thích sự khôn ngoan. Vậy nên chuyện Chúa toàn năng bị người La Mã đóng đinh trên thập tự giá nghe ngu ngốc đến điên rồ. Chúa không có cách nào khôn ngoan để khỏi chết sao? Mà có thần nào bị chết dưới tay mấy thằng lính?

Người Hồi Giáo tin Chúa Giê-xu là một tiên tri từ Đức Chúa Trời trước tiên tri Mô-ha-mét. Kinh Quran nói Chúa Giê-xu không bị đóng đinh và chết trên thập giá, mà được Đức Chúa Trời cứu. Chuyện này nghe có vẻ dễ tin hơn, vì chẳng lẽ tiên tri của Chúa lại chết cách nhục nhã vậy?

Về phần Phật Thích Ca Mâu Ni (trong tiếng Phạn, Mâu Ni là nhà thông thái, Thích Ca là xứ Thích Ca quê hương ông. Thích Ca Mâu Ni là nhà thông thái xứ Thích Ca), lúc vua Virudhaka xứ láng giềng Kosala đem quân đánh xứ Thích Ca vì họ lừa cha ông và sỉ nhục ông, Phật Thích Ca đã cố gắng xin vua đừng đánh 3 lần. Nhưng khi vua vẫn quyết, Phật Thích Ca đành ở lại thiền viện nhìn vua tàn phá nước nhà mình, than rằng người Thích Ca đã gieo nhân, nay họ phải chịu quả (xem [2]). Phật Thích Ca đâu có chịu hy sinh, lấy máu và thân mình chịu tội thay cho dân mình để xin vua nguôi giận mà lui quân. Vậy đâu có khôn ngoan.

Bài “How many kings” (Có bao nhiêu vua) hát rằng
“Có bao nhiêu vua đã ra khỏi ngai vàng mình
Có bao nhiêu chúa đã từ bỏ dinh thự mình
Có bao nhiêu người cao trọng nhất đã trở nên thấp hèn cho tôi?
Có bao nhiêu thần đã tuôn đổ trái tim mình
Để kêu gọi thế gian đang tan nát
Có bao nhiêu người cha hy sinh con trai mình cho tôi?
Chỉ một người làm như vậy cho tôi.”

Thật vậy, chỉ duy Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá, từ bỏ thiên đàng vinh hiển để mang lấy xác thịt con người mà chết cách yếu đuối nhục nhã dưới bàn tay tội lỗi của con người. Không có thần nào trong thần thoại Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa, Nhật Bản, Âu châu… lại làm vậy. Thật sai lầm, điên rồ, khờ dại, thần quyền, sức mạnh và trí khôn của thần ở đâu? Con người không thể tưởng tượng được và cũng không thể chấp nhận được một vị thần như vậy.

“Nhưng đối với những người được kêu gọi, cả Do Thái lẫn Hi Lạp, thì Đấng Christ là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Vì điều xem như điên rồ của Đức Chúa Trời còn khôn ngoan hơn loài người; điều xem như yếu đuối của Đức Chúa Trời còn mạnh hơn loài người.”1 Cô-rinh-tô 1:24-25

Chúa Giê-xu tất nhiên có thể tránh khỏi thập tự giá. Ngài chỉ cần cứ ở ngai thiên đàng, không xuống thế gian ô nhơ tội lỗi này. Hoặc Ngài có thể gọi 12 đạo thiên sứ đánh tan đế quốc La Mã (Ma-thi-ơ 26:52). Tự Ngài có quyền năng tiêu diệt toàn bộ quân đội hiện đại của cả thế gian khi Ngài tái lâm(Khải Huyền 19:19-21). Nhưng “nếu thế thì làm sao ứng nghiệm lời Kinh Thánh nói rằng, việc nầy phải xảy ra như vậy?” (Ma-thi-ơ 26:54). Ngược với suy nghĩ của con người, thập tự giá của Chúa Giê-xu thể hiện quyền năng và sự khôn ngoan tối thượng của Chúa.

Tại sao vậy? Vì thập tự giá của đấng Christ là nơi “thương xót và chân thật đã gặp nhau, công chính và bình an đã hôn nhau.” (Thi Thiên 85:10). Qua thập tự giá, sự công chính, lòng thương xót, sự chân thật, lẽ bình an của Chúa được thể hiện cách tuyệt đối.

Thập tự giá thể hiện sự công chính tuyệt đối của Chúa rằng mọi tội lỗi đều bị Chúa phán xét và trừng phạt, không tư vị ai. Tất cả mọi người đều sẽ bị phán xét và trừng phạt, chỉ khác là những ai ở trong Chúa Giê-xu được Chúa chịu thay, còn những ai chẳng tin thì phải tự mình chịu.

Thập tự giá bày tỏ lòng thương xót tuyệt đối của Chúa khi Ngài vì yêu đã gánh hết tội lỗi cho dân mình và chịu chết thay cho họ. Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ cố xin chứ chịu không đổ máu hy sinh cho dân mình (xem [2]). Zeus, Odin, Horus… chỉ chiến đấu chứ chẳng chịu chết cho ai. “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8), và “không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hy sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13).

Thập tự giá chứng tỏ sự chân thật (lẽ thật) tuyệt đối của Chúa vì sự kiện Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá không phải xảy ra thời huyền thoại lúc chưa có chữ viết, mà xảy ra ngay giữa ba nền văn minh Hy Lạp – La Mã – Do Thái nổi tiếng văn minh tri thức với rất nhiều sách ghi chép (xem [3]). Như sách Lu-ca trong Kinh Thánh là sách ghi chép của bác sĩ Lu-ca tra cứu mọi việc từ đầu và viết cho Thê-ô-phi-lơ để ông biết tin về Chúa Giê-xu là có chắc chắn hay không.

“Thưa ngài Thê-ô-phi-lơ khả kính, có nhiều người đã cố gắng biên soạn một bản tường thuật về những việc đã được thực hiện giữa chúng ta, đúng như những người đã từng chứng kiến và phục vụ đạo Chúa từ ban đầu truyền lại cho chúng ta. Vì thế, sau khi cẩn thận tra cứu mọi việc từ đầu, tôi thiết tưởng cũng nên theo thứ tự mà viết cho ngài để ngài biết những điều mình đã học là chắc chắn.” (Lu-ca 1:1-4)

Thập tự giá của Chúa Giê-xu cho ta sự bình an tuyệt đối vì sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu chứng tỏ có sự sống lại từ cõi chết (I Cô-rinh-tô 15:20-23), cũng như việc Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta tới nỗi “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho…” (Rô-ma 8:32). Vậy chúng ta còn sợ gì mà không có bình an trong Chúa?

Vậy nên thập tự giá của đấng Christ là điều duy nhất chỉ có ở Cơ Đốc giáo, chẳng có ở bất kỳ tôn giáo tín ngưỡng nào khác. Nó là điều mà con người chẳng thể tưởng tượng ra được. Với họ, chuyện một thần quyền năng chết cách yếu đuối nhục nhã dưới bàn tay con người là chuyện sai lầm và điên rồ. Nhưng với ai hiểu ý nghĩa của nó, thập tự giá bày tỏ cách tuyệt đối sự công chính, lòng thương xót, lẽ thật và sự bình an của Chúa cho những ai tin theo Ngài.

Richard Huynh

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bài tham khảo

[1] ĐỨC CHÚA TRỜI HƠN CÁC THẦN CON NGƯỜI ĐẶT RA NHƯ THẾ NÀO? https://hoithanh.com/63814/duc-chua-troi-hon-cac-than-con-nguoi-dat-ra-nhu-the-nao.html

[2] Các sự kiện lịch sử dẫn đến sự kết thúc của xứ Thích Ca
https://lotus-happiness.com/historical-events-leading-end-shakyas-clan/

[3] LÝ DO CHÚNG TA TIN VÀO SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊ-XU CHRIST

https://bachkhoa.name.vn/2021/04/04/7-dieu-chung-to-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu-la-su-that/