Thấy rồi tin, hay tin rồi thấy? Vai trò của niềm tin trong tri thức học
Nhiều người nói hãy chứng minh và cho tôi thấy rồi tôi mới tin, đó là tư duy khoa học. Nhưng thật ra niềm tin là một phần tự nhiên của Tri Thức Học. Bài này sẽ trình bày 3 điều quan trọng về quan hệ giữa niềm tin và lẽ thật, cũng như lý do tại sao mọi người “hãy nếm thử và nhận biết Đức Giê-hô-va tốt đẹp dường bao” (Thi Thiên 34:8)
I. Vai trò của niềm tin trong Tri Thức Học (Epistemology)

Hình 1. Tương giao giữa (1) niềm tin, (2) lẽ thật, và (3) biện minh theo Tri Thức Học [1]
Tri Thức Học là nhánh triết học nghiên cứu về tri thức, như làm sao để ta biết niềm tin nào là thật, và biện minh như thế nào là đủ. Tri Thức Học chia tri thức thành 3 thành phần:
1. Lẽ thật: là điều đúng với thực tế của thế giới và đời sống. Lẽ thật có thể là một quy luật tự nhiên như mặt trời mọc ở hướng đông, hay một sự việc như cổ phiếu Apple cho lợi nhuận cao.
2. Niềm tin: là điều mà ta tin là lẽ thật. Niềm tin có thể đúng với lẽ thật, hoặc không.
3. Biện minh: là những lý do ta chấp nhận một niềm tin là lẽ thật (như ở đâu ai cũng thấy mặt trời mọc ở hướng đông, nên tôi tin). Biện minh được xem là đủ với một người khi nó đủ để thuyết phục họ tin một niềm tin là đúng với lẽ thật.
Việc biện minh một điều tin là lẽ thật sẽ trở nên rất khó khăn nếu nó vượt quá kiến thức hay khả năng quan sát hiện tại, khiến nó nghe vô lý và cũng không thấy được. Như ngày xưa, khi chưa biết đến vi khuẩn, người ta nghĩ chúng tự phát sinh nên không biết vệ sinh phòng ngừa. Bác sĩ Semmelweis đã để ý và phát hiện ra rằng rửa tay giúp giảm thiểu bệnh do lây nhiễm. Ông kêu gọi mọi người làm vậy, nhưng chẳng ai tin ông. Vị bác sĩ đó đã nhận ra một lẽ thật, nhưng nó vượt quá khả năng quan sát và hiểu biết của thời đó, nên ông không có đủ biện minh để khiến mọi người ai tin mình [2].
Biện minh như thế nào là đủ thường khá cảm tính, vậy nên nhiều khi người này thấy vậy là đủ tin, còn người khác thì không. Một số trường phái triết lý đặt ra các chuẩn để xác định khi nào biện minh là đủ, như chủ nghĩa duy nghiệm [3], duy lý [4], hay cả lý lẫn nghiệm.
Có nhiều triết lý lập luận trong Tri Thức Học, sẽ quá dài để nói hết. Tôi chỉ xin nêu 3 điểm quan trọng về quan hệ giữ niềm tin, biện minh và lẽ thật như sau:
1. Lẽ thật đem lại ích lợi cho ai tin và áp dụng, cả khi họ không có đủ biện minh để người khác tin
Việc rửa tay giúp giảm thiểu bệnh do lây nhiễm sẽ giúp ích cho ai tin và áp dụng nó, cả khi bác sĩ Semmelweis không có đủ biện minh để người ta tin. Nó sẽ giúp phòng khám ông nổi tiếng vì tỷ lệ lây nhiễm gây tử vong rất thấp so với các phòng khám chẳng tin. Bởi vậy, nhiều khi người ta tin và làm theo một điều cả khi họ chưa biết rõ nó, chấp nhận rủi ro nó có thể sai, vì lợi ích kỳ vọng là lớn. Như nếu một nhà đầu tư tin rằng một miếng đất sẽ tăng giá thì họ sẽ mua, dù họ biết có rủi ro mình sai, và cũng không có đủ biện minh để thuyết phục tất cả mọi người. Đây là tư duy đầu tư.
2. Biện minh mạnh mẽ nhất là qua thực nghiệm.
Biện minh qua thực nghiệm là cách chứng minh cho một điều là thật qua kết quả hay trải nghiệm thực tế. Nó là nền tảng của chủ nghĩa duy nghiệm [3], ngược lại chủ nghĩa duy lý là biện minh qua lý lẽ (theo kiến thức hiện biết) [4]. Như trong chuyện bác sĩ Semmelweis, ông đã thực nghiệm và cho thấy kết quả tỷ lệ tử vong do lây nhiễm giảm rất nhiều. Vậy nên dù nó nghe kỳ lạ và vô lý, người ta vẫn nên chấp nhận tin qua kết quả thực nghiệm. Biện minh thực nghiệm giúp ta chấp nhận những cái mới vượt quá kiến thức hiện tại, giúp khoa học phát triển như ngày nay.
Nhiều người đòi hỏi biện minh phải đủ cả lý lẫn nghiệm, tức có kết quả thực nghiệm và lý lẽ hợp lý. Yêu cầu này hẳn sẽ chắc ăn hơn, nhưng nó sẽ khiến ta từ chối những lẽ thật ngoài tầm hiểu biết của mình, vì chúng sẽ nghe vô lý với những gì ta biết.
Việc thực nghiệm có thể đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian công sức mới thấy kết quả, như bác sĩ Semmelweis cần phải tìm hiểu một thời gian dài. Vậy nên để có động lực đầu tư thực nghiệm, thường người ta phải tin rằng điều đó là đúng, và sẽ đem lại ích lợi cho ai làm theo.
3. Niềm tin có thể ra vô ích, nếu nó không đúng lẽ thật
Cũng như một niềm tin đúng lẽ thật sẽ đem lại kết quả ích lợi khi thực nghiệm, một niềm tin sai sẽ ra vô ích, không kết quả. Đây là một phần tự nhiên của niềm tin, cũng như rủi ro thất bại là một phần của việc đầu tư. Nhớ điều này sẽ giúp ta thoải mái hơn khi tin và thử, cũng như khi từ bỏ một niềm tin vô ích. Nó giúp ta quản lý rủi ro cách hợp lý khi thực nghiệm.
Vậy nên tin là bước đầu để tìm hiểu một điều, là động lực để ta nghiên cứu thực nghiệm để thấy các biện minh và kết quả của nó. Người muốn thấy rồi mới tin sẽ không có động lực để đầu tư tìm hiểu những cái mới ngoài hiểu biết của họ. Cũng có niềm tin ra vô ích, nhưng không tin thì sẽ không tìm hiểu để biết nó đúng hay không. Như Augustine đã nói “tôi tin để tôi có thể hiểu”, hay tiến sĩ Michael Guillen nói “Một người chọn cái họ tin và rồi tích lũy các kiến thức về niềm tin đó.” [5] Vậy nên “tin hay không?” thực ra là “có muốn đầu tư tìm hiểu và thực nghiệm hay không?”
II. Kinh Thánh nói gì về lẽ thật và niềm tin?
Trong Kinh Thánh có nhiều người hoài nghi, như Pharaoh nói “Giê-hô-va là ai mà ta phải vâng lời để cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi? Ta không biết Giê-hô-va nào hết…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 5:2) hay sứ đồ Thomas “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào chỗ dấu đinh, và không đặt bàn tay tôi vào sườn Ngài thì tôi sẽ không tin.” (Giăng 20:25). Và quan điểm của Kinh Thánh về niềm tin cũng rất giống với Tri Thức Học:
1. Kinh Thánh dùng biện minh thực nghiệm
Có lẽ vì Kinh Thánh hay bày tỏ những lẽ thật vượt quá hiểu biết suy nghĩ của con người, nên Kinh Thánh dạy chủ nghĩa duy nghiệm [3] thay vì duy lý [4]. Những gì ngoài tầm hiểu biết của ta sẽ nghe ra như vô lý, nên tốt hơn là cứ thực nghiệm mà đánh giá qua kết quả.
“Nhưng sự khôn ngoan được biện minh nhờ kết quả của nó.” (Lu-ca 7:35)
“Các con nhận biết họ nhờ bông trái của họ. Nào có ai hái trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi tật lê bao giờ?” – Ma-thi-ơ 7:16
2. Kinh Thánh cảnh báo rằng niềm tin sai sẽ ra vô ích hay đem lại kết quả xấu
Người ta hay chê tôn giáo đòi phải tin theo, nhưng Kinh Thánh có cảnh báo rằng niềm tin sai sẽ ra vô ích hay đem lại kết quả xấu, nhất là khi tin theo các thần giả, các tiên tri, hay người giảng đạo giả. Kinh Thánh yêu cầu cởi mở tiếp nhận, nhưng phải xem xét kiểm tra, đừng cứng lòng nhưng cũng đừng tin mà không kiểm tra.
“Nhưng những kẻ tin tưởng nơi thần tượng, những kẻ nói cùng các tượng chạm rằng, ‘Các ngài là thần của chúng tôi’ sẽ bị thất vọng và sỉ nhục.” – Ê-sai 42:17
“Khi có một kẻ tiên tri nhân danh Đức Giê-hô-va mà nói, nhưng lời người đó nói không xảy đến và không ứng nghiệm thì đó không phải là lời mà Đức Giê-hô-va đã phán. Kẻ tiên tri đó đã nói cách kiêu ngạo, anh em đừng sợ người ấy.” – Phục Truyền 18:22
“Những người Do Thái ở đây có tinh thần cởi mở hơn những người ở Tê-sa-lô-ni-ca; họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không.” – Công Vụ 17:11
“Và nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích.” – 1 Cô-rinh-tô 15:14
3. Kinh Thánh dạy tin rồi làm theo thì mới được thấy kết quả
Như đã nói ở trên, niềm tin là động lực giúp người ta đầu tư thời gian công sức để tìm hiểu lẽ thật cùng các biện minh của nó. Không có niềm tin thì sẽ không có động lực để tìm hiểu. Không làm thì sẽ không thấy kết quả. Việc Kinh Thánh dạy hãy tin và làm theo thì mới được thấy là hoàn toàn hợp lý. Kinh Thánh dạy tư duy thực nghiệm theo lời đã ghi chép:
“Hãy nếm thử và nhận biết Đức Giê-hô-va tốt đẹp dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!” – Thi Thiên 34:8
“Không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời; vì người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài thực hữu, và Ngài là Đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài.” – Hê-bơ-rơ 11:6
“Hãy kêu cầu Ta trong ngày gian truân, ta sẽ giải cứu ngươi và ngươi sẽ tôn vinh Ta.” – Thi Thiên 50:15
III. Lý do ta nên tin và thực nghiệm theo lời Kinh Thánh
Tất nhiên, việc tin và làm theo rồi mới thấy có rủi ro là tin sai thì sẽ ra vô ích, mất thời gian công sức tiền bạc mà chẳng được gì. Đây là bản chất tự nhiên của việc tin và đầu tư. Và thực sự thì trên thế gian có rất nhiều tín ngưỡng, nhiều thần tượng, nhiều triết lý tư tưởng kêu gọi ta tin và theo. Nhưng Kinh Thánh vẫn khuyến khích ta chọn tin theo Chúa vì:
1. Phần thưởng mà Chúa ban là rất lớn.
Cho những ai tin theo Ngài, Chúa ban cho sự sống đời đời phước hạnh trong nước Ngài, thoát khỏi sự phán xét vì những luật Trời đã phạm; được nhận làm con nuôi, được gọi Ngài là Cha; được Chúa nghe lời cầu nguyện, dạy dỗ đường lối công chính và dẫn dắt trong cuộc sống… Không gì có quyền năng cho ta những điều này trừ Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời Toàn Năng.
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời… Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.” – Giăng 3:16,36
2. Có nhiều bằng chứng tốt từ những người tin theo Ngài.
Một cách đơn giản để quyết định đầu tư là xem kết quả của những người đã tin và theo. Những người tin Kinh Thánh chiếm 85% số giải Nobel so với chỉ 10% của người Vô Thần và 1% của những tôn giáo khác [7]. Các nước có truyền thống Cơ Đốc giáo như Mỹ Anh Úc Âu có xã hội phát triển văn minh, và tôi luôn thấy các hội thánh là những cộng đồng ấm áp và hướng thiện.
3. Khi không tin Chúa thì ta sẽ tin và theo đuổi các thần tượng khác không tốt bằng
Thần tượng là bất cứ thứ gì mang lại cho chúng ta sự thỏa mãn, hài lòng, sự an toàn và tầm quan trọng trong đời sống. Xã hội hiện đại có 7 thần tượng là mà con người theo đuổi, tôn thờ, phụng sự là: (1) công việc, (2) sự thành đạt, (3) TV máy tính điện thoại, (4) hình ảnh bề ngoài, (5) của cải vật chất, (6) tình dục, (7) tiền tài [8]. Chúng không xấu, và thật ra cũng cần thiết thú vị. Có điều chúng là những đầy tớ tốt nhưng là ông chủ tồi, chỉ cần có vừa đủ, không đáng để ta tôn thờ và đặt lên trên hết của đời mình. Chúng không giúp ta thoát khỏi sinh lão bệnh tử cùng sự phán xét tội lỗi, và cũng không cho ta sự sống đời đời.
“Nếu người nào được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi linh hồn mình lại?” – Ma-thi-ơ 16:26
“Nếu anh em chẳng thích phụng sự Đức Giê-hô-va thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phụng sự, hoặc các thần mà tổ phụ anh em đã phụng sự bên kia sông, hoặc các thần của dân A-mô-rít trong xứ mà anh em ở. Nhưng tôi và gia đình tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va.” – Giô-suê 24:14
Tổng Kết
Nhiều người nói hãy chứng minh và cho tôi thấy rồi tôi mới tin, đó là tư duy khoa học. Nhưng thực tế, niềm tin là một phần tự nhiên của tri thức. Con. gười, cả những nhà khoa học, thường phải tin một điều là đúng trước, rồi mới đầu tư thời gian công sức để tìm hiểu liệu điều đó có đúng là lẽ thật và biết những biện minh cho nó. Lời Kinh Thánh dạy về niềm tin cũng giống với Tri Thức Học, “Hãy nếm thử và nhận biết Đức Giê-hô-va tốt đẹp dường bao!”.
Có nhiều niềm tin, nhiều thần tượng, nhiều triết lý chủ nghĩa trên thế gian. Nhưng hãy thử tin và thực nghiệm Lời Chúa, vì phần thưởng Chúa hứa ban là rất lớn và có nhiều bằng chứng tốt từ những người tin theo Ngài, và những thần của thế gian không giúp ta thoát khỏi sinh lão bệnh tử, hoặc coi chừng chúng ra vô ích khiến ta thất vọng.
Hãy thử cầu nguyện tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, nhận Chúa là Cha Trên Trời của mình, học và sống theo Lời Chúa, rồi trải nghiệm đời sống mới trong Chúa. Kết quả sẽ là biện minh tốt nhất cho ta về những lẽ thật của Chúa. Việc tin nhận Chúa chỉ là bắt đầu tìm hiểu và thực nghiệm đời sống với Chúa. Khi đã nếm thử và nhận biết sự tốt lành của Chúa rồi, ta mới làm lễ báp-tem để chính thức công bố đức tin của mình và gia nhập hội thánh.
Hãy thử cầu nguyện tin nhận sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu, nhận Chúa là Cha Trên Trời của mình, học và sống theo Lời Chúa, rồi trải nghiệm đời sống mới trong Chúa. Kết quả sẽ là biện minh tốt nhất cho ta về những lẽ thật của Chúa. Việc tin nhận Chúa chỉ là bắt đầu tìm hiểu và thực nghiệm đời sống với Chúa. Khi đã nếm thử và nhận biết sự tốt lành của Chúa rồi, ta mới làm lễ báp-tem, lúc đó mới là chính thức công bố đức tin của mình và gia nhập hội thánh.
Richard Huynh
Bài Tham Khảo
[1] Knowledge (according to Epistemology)
https://en.wikipedia.org/wiki/Knowledge
[2] The Doctor Who Championed Hand-Washing And Briefly Saved Lives
https://www.npr.org/sections/health-shots/2015/01/12/375663920/the-doctor-who-championed-hand-washing-and-saved-women-s-lives
[3] Chủ nghĩa kinh nghiệm (hay duy nghiệm)
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_kinh_nghi%E1%BB%87m
[4] Chủ nghĩa duy lý
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_duy_l%C3%BD
[5] Two Former Atheist Scientists Explain How Science Changed their mind https://medium.com/top-down-or-bottom-up/two-former-atheist-scientists-explain-how-science-changed-their-minds-cc4535fcadd6
[6] 7 điều chứng tỏ sự phục sinh của Chúa Giê-xu là sự thật
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/04/7-dieu-chung-to-su-phuc-sinh-cua-chua-gie-xu-la-su-that/
[7] Có phải tôn giáo là đối nghịch với khoa học?
https://bachkhoa.name.vn/2023/01/28/co-phai-ton-giao-la-doi-nghich-voi-khoa-hoc/
[8] Đặt Chúa Lên Hàng Đầu: 7 Thần Tượng Thời Hiện Đại Có Nguy Cơ Chiếm Lãnh Đời Sống Của Chúng Ta
https://bachkhoa.name.vn/2021/12/05/dat-chua-len-hang-dau-7-than-tuong-thoi-hien-dai-co-nguy-co-chiem-lanh-doi-song-cua-chung-ta/