Suy nghĩ về nghề giáo ngày nay
Ba mẹ tôi là giảng viên ĐHBK, họ nhà tôi nhiều người theo nghề giáo: ba mẹ, cô, chú, bác, bà cô, v.v.. Nghe kể ông tổ tôi khi từ quan về hưu liền lập chùa tu và dạy trẻ trong làng, nên dòng họ truyền thống nhà giáo từ lúc bắt đầu đến sống. Nhưng sao đến thế hệ tôi chẳng còn ai đi dạy nữa? Sau nay là một số suy nghĩ của tôi về nghề giáo ngày nay, và một số điều ta nên làm để đảm bảo sự giáo dục và tương lai con cái mình.

Lưu ý là tôi viết bài này ở góc nhìn chung mức xã hội, chủ yếu nói về giáo viên trường công bình thường khu bình dân lao động (không phải trường tư hay trường điểm danh tiếng). Tôi ở khu Thảo Điền quận 2 TPHCM, và điều kiện nghề giáo cũng như học phí ở đây đắt xắt ra miếng luôn.
1. Ngày nay người ta không kính trọng thầy cô giáo như ngày xưa nữa.
Dân gian hay xếp thầy cô ngang với ba mẹ như “khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, “công cha, áo mẹ, chữ thầy”, hay “quân, sư, phụ”. Không như kỹ sư hay thương nhân, thầy giáo /bác sĩ /mục sư là những người được gọi bằng nghề nghiệp (chào thầy, chào bác sĩ, chào mục sư). Điều này thể hiện sự trân trọng của xã hội với công việc họ làm. “Không thầy đố mày làm nên”, và một người thầy dở là thảm họa cho nhiều thế hệ [1]. Xã hội phần lớn là người bình dân lao động, không thể trả được cho thầy (hay bác sĩ, mục sư) xứng đáng với tầm quan trọng của công việc họ làm, vậy nên họ thường chỉ có thể trả bằng sự kính trọng là chính. Nhưng ngày nay ta nghe nhiều chuyện học sinh ngỗ nghịch chửi thầy [2], bóp cổ cô giáo [3]. Cô giáo phạt học sinh thì phụ huynh lên bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi họ [4], hiệu trưởng cũng bị phụ huynh xách dao bắt quỳ [5]. Nghề giáo chẳng bao giờ được trả lương cao, trừ khi dạy trường cho con nhà quý tộc. Bây giờ nó cũng không còn được kính trọng nữa.
[1] Giật mình và lo lắng về giáo dục nước nhà | Báo Dân trí
[2] Học sinh xưng mày-tao với thầy giáo ở Khánh Hòa, hiệu trưởng nói rất ‘đau lòng’
[3] Cô giáo bị học sinh lớp 8 bóp cổ tại lớp
[4] Cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh
[5] Hiệu trưởng bị ép quỳ: Thành trì ‘tôn sư trọng đạo’ bị xô ngã
2. Nghề giáo giờ giống nghề giữ trẻ hơn nghề gõ đầu trẻ
Xưa chỉ con nhà có điều kiện hay nghèo hiếu học mới được đi học, còn lại đi làm. Vậy nên học sinh hoặc ba mẹ giàu trả công thầy tốt, hoặc hiếu học và quý thầy. Ngày nay mọi trẻ đều đi học, cả khi nó không biết học để làm gì và không thích học. Ba mẹ gởi con vào trường từ sáng đến chiều cũng tiện để có người giữ con khi đi làm. Vậy nên thầy cô giáo giống như người giữ trẻ sáng chiều hơn là người rèn luyện dạy dỗ trẻ. Mà người giữ trẻ đâu có được đánh mắng chỉnh sửa con yêu của mình. Vậy nên mới có chuyện học sinh chửi thầy [2], bóp cổ cô giáo [3], phạt nó thì phụ huynh lên chửi đánh thầy cô bắt quỳ như trên [4][5]. Học sinh phụ huynh đã thế, nhà nước nhà trường còn bắt giáo viên làm đủ điều linh tinh: trực trường, dọn vệ sinh trường, làm giáo cụ, thành tích học sinh giỏi [6], học chính trị, thu tiền học phí đến thu tiền bảo hiểm [7].Có chuyện huyện kia điều động giáo viên đi tiếp khách nữa chớ [8]. Nghề giáo hay được gọi là nghề gõ đầu trẻ, nhưng giờ thấy giống người được trả lương để trông trẻ và sai vặt đủ việc hơn.
[6] Nặng gánh “khoán” chỉ tiêu, giáo viên mệt mỏi vì luyện thi học sinh giỏi
[7] Quẳng gánh lo cho giáo viên – Báo Thừa Thiên Huế Online
[8] Điều động giáo viên nữ đi “tiếp khách”, chuyện bình thường? | Báo Dân trí
3. Nghề giáo bị rẻ rúng
Vừa rồi có tin TP.HCM tăng học phí lên 5 lần, tôi tưởng tăng sốc lắm nên tò mò xem coi bao nhiêu. Tăng 5 lần là từ 60K/tháng lên những 300K/tháng [9], vậy mà còn chưa dám tăng [10]. 60K là 1-2 ly trà sữa, tiền trả công dạy trẻ cả ngày suốt tháng chỉ vậy thôi à? Vậy nên lương giáo viên chưa bằng lương phụ hồ [11], chỉ bằng 2/3 người thường [12]. Để sống, giáo viên phải tìm những nguồn thu nhập khác. Mà những nguồn thu nhập khác thì bị xài xể đủ thứ, đi làm thêm đi dạy thêm bị nói, hội phụ huynh thu tiền cũng bị nói [13]. Muốn có người dạy con, giữ con, mà trả không muốn trả. Vậy hỏi sao không nhiều giáo viên nghỉ việc [14]?
[9] TPHCM chính thức tăng học phí cao nhất 5 lần
[10] TP.HCM: Tăng học phí nhưng học sinh đóng tiền như mức cũ – Tuổi Trẻ Online
[11] Tôi thấy so sánh lương giáo viên với lương phụ hồ là rất khập khiễng
[12] Chênh lệch lương giáo viên trên thế giới – VnExpress
[13] Không thu tiền quỹ hội phụ huynh được không? | Giáo dục Việt Nam
Có điều thú vị là ba mẹ và họ hàng tôi làm giáo viên chẳng ai sống thuần vào lương. Ngoài làm giảng viên đại học, ba tôi còn là kỹ sư trưởng một công ty ngoài, mẹ tôi làm thêm công tác quản lý. Cô tôi làm kiến trúc sư là chính, chú thì có dãy nhà trọ cho thuê, thím hợp tác nghiên cứu với nước ngoài. Có bác tôi là giảng viên bên Canada thì sống thuần lương, mà bên đó trả lương cao. Người có năng lực, có trình độ thì nếu không đi dạy họ sẽ làm những chuyện khác nhiều tiền hơn. Hồi trước ba mẹ muốn tôi vào dạy ở ĐH Quốc Tế, nhưng tôi quyết định ra công ty làm. Lương gấp đôi, và đỡ mất công phải làm vô số chuyện ngoài việc dạy hay kiếm thu nhập thêm. Tôi cũng thích việc chia sẻ kiến thức & suy nghĩ, qua việc dịch/viết báo Cơ Đốc và chia sẻ với các em sinh viên. Nhưng làm vì đam mê thôi chứ không dựa vào nó để sống.
Vậy sau này ai chọn theo nghề giáo? Nghe nói ngành sư phạm hay được các bạn trẻ nhà nghèo dưới quê chọn vì nó được cho vay học phí và sinh hoạt phí với điều kiện ra phải làm giáo viên, không phải đền tiền [15]. Nó giống cách người nước ngoài hay cho học bổng học ngành điều dưỡng để làm y tá vì ngành đó vừa nặng nhọc vừa lương thấp ít người chịu làm. Có lẽ đây là một cách hiệu quả để thu hút nhân sự nghề giáo, nhưng tôi không nghĩ nó là cách tốt để thu hút nhân tài.
[15] Sinh viên sư phạm từ khóa 2021-2022 được cấp học phí, sinh hoạt phí
Nên nhớ rằng một người thầy dở sẽ làm hại cho vô số thế hệ học trò [1]. Gia đình có điều kiện sẽ luôn dồn tiền chăm sóc dạy dỗ cho con mình từ nhỏ, luyện học, luyện thi giúp nó thi vào trường điểm, trường tư chất lượng. Nhưng người bình dân lao động trong xã hội không có điều kiện làm vậy, và họ cùng cả xã hội sẽ phải chịu hậu quả của việc vừa khinh rẻ vừa thiếu tôn trọng thầy cô, xem người thầy như người giữ trẻ sai vặt đủ việc ngày nay.
[1] Giật mình và lo lắng về giáo dục nước nhà | Báo Dân trí
Thái độ xã hội với nghề giáo như vậy, và xã hội Việt Nam sẽ phải gánh lấy hậu quả từ sự khinh thầy rẻ cô của mình. Nhưng sống trong xã hội đó, làm sao ta có thể đảm bảo giáo dụ tốt cho con cái mình? Đây là một số suy nghĩ của tôi
1. Tích cực tham gia vào việc giáo dục con cái, đừng khoán trắng cho thầy cô
Kinh Thánh dạy “Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy.” (Phục Truyền 6:7). Trách nhiệm dạy con trước hết là của cha mẹ. Hãy dạy con khi ăn, khi đi lại, trước khi ngủ cũng như khi thức dậy. Hãy dành thời gian theo dõi và đồng đi với con trong việc học. Điều này càng quan trọng hơn trong hoàn cảnh nghề giáo bị rẻ rúng ngày nay.
2. Yêu mến và chăm sóc thầy cô giáo
Từ kinh nghiệm ngàn đời mà ông bà đã dạy “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Thực sự, sinh viên nào nhớ ba tôi và được ba tôi nhớ đều là những người thành đạt trong xã hội. Cô Phạm Hương chia sẻ là đầu năm học cô luôn tặng quà thầy cô và nhờ thầy cô giúp đỡ con gái mình. Anh bạn tôi vào hội phụ huynh để có thể giúp đỡ công tác lớp và thầy cô được tốt hơn, đó cũng là một cách đầu tư hỗ trợ cho con mình. Phải luôn nhắc nhở con kính trọng thầy cô giáo dù họ không hoàn hảo. Một lần đi khám bệnh, tôi được bác sĩ khen phong cách tôi rất khác, người ta giờ cũng không còn kính trọng bác sĩ như ngày xưa.
3. Chấp nhận chi phí cho sự giáo dục của con
Cái này chắc chẳng cần nói, thực ra nhà có điều kiện ai cũng đã làm, từ học thêm, gia sư đến trường tư. Thậm chí học homeschooling rồi ra nước ngoài học đại học. Buồn vì xã hội rẻ rúng giáo dục quá nên mặt bằng chung ngày càng thấp, phải chấp nhận trả giá để được mặt bằng riêng thôi. Thiệt sao học phí từ 60K lên 300K người ta còn không chịu.
Đó là một số suy nghĩ của tôi về nghề giáo ngày nay, và cái giá mà xã hội Việt Nam sẽ phải trả cho sự rẻ rúng khinh thường thầy cô của mình. Cá nhân chúng ta phải tự bơi tự giáo dục tự lo cho con cái mình, đừng trông chờ vào nền giáo dục chung của quốc gia nữa.