DẠY DỖ CON CÁI & CÁC NGUYÊN TẮC YÊU THƯƠNG CON ĐÚNG

“Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo,
Để khi trở về già, nó cũng không lìa khỏi đó.” – Châm Ngôn 22:6

Bảng Nội Dung

Mục Đích Của Hôn Nhân

“Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh.”Ma-la-chi 2:15a-16

Lời Kinh thánh khẳng định, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh.

Hãy nhớ, hôn nhân không phải để thỏa mãn tình dục của người nam và người nữ. Hôn nhân cũng không phải chỉ để tìm người hợp với mình. Hôn nhân cũng không phải để tìm và cưới đúng người mình yêu. Mà hôn nhân là để tạo ra một dòng dõi thánh.

Chúng ta được biết rằng Chúa tạo ra Eva từ Adam. Ngài để cho Adam ngủ, sau đó Ngài lấy một xương sườn của Adam để làm nên Eva. Từ trong Adam, Ngài lấy ra Eva. Từ một mà thành hai. Sau đó, từ hai người đó Chúa cho kết hiệp lại thành Một.

Sự khác biệt giữa tình mẫu tử với tình vợ chồng:

  • Tình mẫu tử: là từ một thịt sinh ra người thứ hai. Con cái trưởng thành sẽ lìa cha mẹ mà lập gia đình riêng của mình (Sáng Thế Ký 2:24). Vậy nên người mẹ phải dạy con của mình độc lập khỏi mình. Người con càng độc lập khỏi mẹ bao nhiêu thì càng thành công bấy nhiêu.
  • Tình vợ chồng: là từ hai hiệp lại thành một thịt. Khi trở thành một thịt rồi, cả hai phải dạy dỗ nhau và phụ thuộc vào nhau càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy, vợ chồng càng sống lâu càng giống nhau cả về ngoại hình lẫn tính cách. Bởi vì họ là một thịt của nhau.

Mục đích của hôn nhân là tạo ra một dòng dõi thánh. Như vậy muốn có một dòng dõi thánh thì cha mẹ phải dạy dỗ con cái như thế nào?

Kinh Thánh chép rõ ràng trong Sáng Thế Ký 1 rằng loài nào sinh ra loài ấy, con vật nào sinh ra con vật ấy. cho nên bạn như thế nào thì con cái của bạn sẽ như thế ấy.

Nền Tảng Dạy Dỗ Con Cái Theo Kinh Thánh

Định Nghĩa Về Con Cái Theo Kinh Thánh

Thi-thiên 127:3-5 dạy “Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng. Con trai sanh trong buổi đang thì, Khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ. Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình! Người sẽ không hổ thẹn, Khi nói năng với kẻ thù nghịch mình tại cửa thành.

Ở đây có ba điều Chúa dạy cho chúng ta về con cái:

1) Cơ nghiệp (Con cái là cơ nghiệp, là tài sản của cha mẹ).

Con cái là tài sản của cha mẹ. Con cái là nơi bạn đầu tư thời gian, tình yêu, sức lực, tiền bạc vào đó. Sự đầu tư đó sẽ không mất đi mà để duy trì phát triển một “dòng dõi thánh”, dòng dõi được phước.

2) Phần thưởng (Con cái là phần thưởng của ba mẹ).

Con cái là phần thưởng mang niềm vui, sự bình an, hạnh phúc đến cho cha mẹ. Con cái không phải là sự trừng phạt.

3) Mũi tên nơi tay dõng sĩ.

Con cái được ví như “mũi tên nơi tay dõng sĩ” nên mũi tên đó cần được “vót cho nhọn”, cần phải được “điều khiển” cho đúng đường bay để mà “bắn trúng đích”.

Mũi tên đó nếu bị bắn lung tung sẽ giết chết người khác, chúng ta sẽ phải đi tù. Nếu mũi tên bắn trúng đích thì chúng ta sẽ thu được chiến lợi phẩm.

Cha Mẹ Là Tấm Gương, Là Khuôn Mẫu Cho Con Cái

Truyền đạo 11:3 dạy “Khi mây đầy nước, nó bèn mưa xuống đất; khi một cây ngã về hướng nam hay về hướng bắc, hễ ngã chỗ nào nó phải ở chỗ đó.”

Câu Kinh thánh cho chúng ta biết, con cái chịu ảnh hưởng nhiều từ bố mẹ.

“Hễ ngã chỗ nào nó phải ở chỗ đó”: Có nghĩa là đã cong rồi thì không bẻ được nữa. Vì vậy, chúng ta xin Chúa cho mình là tấm gương, là khuôn mẫu để con cái noi gương, học theo.

Việt Nam có câu tục ngữ: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”: Ý nói sự giáo dục của gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến cách nghĩ của người nữ, cách phản ứng của người nam.

Bổn Phận Của Cha Mẹ Đối Với Con Cái

Ê-phê-sô 6:1-4 dạy “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất. Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.”

1. Trách nhiệm của con cái

  1. Con cái phải vâng phục cha mẹ (vâng phục theo đường lối Chúa).
  2. Con cái phải tôn kính cha mẹ.

2. Cha mẹ chớ “chọc giận con cái

Khoa học cho biết rằng, một con người bình thường sẽ hoàn thành việc hình thành tính cách trong khoảng 18 năm đầu đời (trưởng thành). Trong đó:

Từ 0 đến 4 tuổi: chiếm 50% sự dạy dỗ mà trẻ con sẽ tiếp nhận. Tiềm thức phát triển hơn, nhận thức ít phát triển hơn. Con người chúng ta có hai phần: “Tiềm thức” và “Nhận thức”.

  • Tiềm thức: là kiến thức không hiểu, chỉ thấy và ghi vào não (ghi nhận ngẫu nhiên).
  • Nhận thức: là kiến thức ghi nhận có hiểu biết, có chọn lọc.

Từ 5 đến 8 tuổi: chiếm 30% sự dạy dỗ mà trẻ con sẽ tiếp nhận.

Từ 9 đến 18 tuổi: chiếm 20% sự dạy dỗ mà trẻ con sẽ tiếp nhận.

Vì vậy, dạy con phải dạy từ khi còn thơ. Bởi sự khuyên dạy lúc con còn nhỏ sẽ đi vào tiềm thức của con rất nhanh và những gì được ghi nhận trong “tiềm thức” sẽ đi theo các con suốt cuộc đời. Trẻ càng lớn, sẽ càng khó dạy hơn.

3. Hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng.

  • Trẻ ích kỷ và hay phản loạn thường là những trẻ hay chống lại uy quyền. Nếu bố mẹ phát hiện thấy con mình có tính cách này thì nên uốn nắn, dạy khuyên.
  • Đừng phạt con cái khi con bạn vô tình phạm sai lầm hay là còn quá nhỏ để ý thức về việc đó.
  • Chỉ phạt con cái chỉ khi nào chúng cố tình chống lại lời khuyên dạy của bố mẹ.
  • Đừng thỏa mãn yêu cầu con cái khi chúng ăn vạ để đòi hỏi yêu cầu của chúng phải được đáp ứng.
  • Phải cho con bạn biết, bố mẹ yêu con nhưng không phải điều gì con yêu cầu cũng được đáp ứng. Bạn phải nói “không” với con của bạn trong một số trường hợp.

Có Nên Sử Dụng Roi Vọt Khi Dạy Con Không?

Châm ngôn 13:24 dạy “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó.”

  • “Song ai thương con ắt cần lo sửa trị nó”: Nghĩa là trong việc dạy dỗ sửa trị con, không nhất thiết phải dùng “roi vọt”. Cần cẩn thận vì đối với một số quốc gia, khi bạn dùng roi vọt với con cái, bạn có thể bị ra tòa.
  • “Roi” chưa phải là hình phạt mà trẻ con sợ nhất. “Cấm con được chơi hoặc làm điều gì đó mà con thích” đôi khi làm con sợ hơn cả roi vọt.
  • Đừng trừng phạt con mà để con cảm thấy như bị bỏ rơi (Khóa con vào phòng kín…)

Thời Điểm Cần Sửa Phạt Con Và Thái Độ Sửa Phạt

Châm ngôn 19:18 dạy “Hãy sửa phạt con ngươi trong lúc còn sự trông cậy; Nhưng chớ toan lòng giết nó.”

  • Đừng lần lữa khi sửa phạt con: Hãy sửa phạt con khi còn sự trông cậy, khi việc xấu, tính xấu mới chớm hình thành, mới còn trong dấu hiệu, đừng sửa phạt khi đã quá muộn.
  • Đừng dùng sự nóng giận mà sửa trị con cái: Đừng dạy con, phạt con với thái độ căm tức, vì dạy con với thái độ căm tức sẽ không mang lại sự gây dựng hay kết quả tốt.

1 Cô-rinh-tô 13 dạy rằng bất cứ điều gì chúng ta làm mà không có tình yêu thương đều sai tác dụng, đều vô ích hết. Vậy hãy sửa phạt con với lòng yêu thương.

Châm ngôn 22:15 dạy “Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ; Song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó.”

  • “Roi răn phạt” là sự sửa phạt. Sự sửa phạt sẽ làm cho “sự ngu dại” lìa xa khỏi con trẻ. Đừng quá “thương” mà “hại” con.

Châm ngôn 23:13-15 dạy “Chớ tha sự sửa phạt trẻ thơ; Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, Ắt giải cứu linh hồn nó khỏi Âm phủ. Hỡi con, nếu lòng con khôn ngoan thì lòng ta cũng sẽ được vui mừng.”

  • Lời Chúa nói với chúng ta rằng, phải sửa phạt con cái khi chúng hư. Sau khi sửa phạt xong, bạn hãy cho con của bạn biết: Nó và tội của nó là hai điều khác nhau. Nó là giá trị, tội của nó là việc làm sai. Đừng vì việc làm sai mà rủa sả giá trị của con bạn.
  • Khi con bạn làm sai, hãy chỉ ra việc làm sai của con bạn và hướng dẫn con cách làm đúng. Không bao giờ được nói hai câu này: “Con làm sai nên con là đứa tồi; Con có xấu hổ khi làm điều sai ấy không?” Vì hai điều này phạm đến giá trị của con cái bạn.
  • Sau khi đã sửa phạt con cái, hãy ôm chúng và cho chúng biết rằng “bạn sửa phạt vì bạn yêu, và điều đó để con tốt hơn”.
  • Trong khi sửa phạt đừng “giơ cao đánh khẽ” đừng làm con bạn “nhờn đòn”.
  • Đừng bao giờ đánh con vì “cơn giận của bạn”.
  • Đừng dùng tay để đánh phạt con, vì cùng một bàn tay bạn không thể vừa ôm con vừa đánh con. Hãy dùng roi (nếu buộc phải dùng).

Dạy Dỗ Và Khuyên Bảo

Dạy dỗ có nghĩa là làm cho đưa trẻ vâng lời.

Phi-líp 2:13 dạy “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.”

  • Đức Chúa Trời không ép chúng ta, Ngài cảm động lòng chúng ta để chúng ta vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài. Dạy dỗ con có nghĩa là chúng ta phải bỏ thời gian, sức lực, tình yêu, lời dạy khuyên để cảm động con mình.
  • Hạn chế dùng từ “phải” (ép buộc), nên dùng từ “hãy” (dạy khuyên, khích lệ). Từ “Hãy” cùng là hình thức mệnh lệnh nhưng người nghe được quyền chọn “vâng theo” hay “không vâng theo”.
  • Nếu con bạn còn quá nhỏ để nhận thức thì bạn sử dụng từ “phải” để dạy dỗ, song khi con bạn đã có nhận thức, phân biệt đúng và sai thì bạn thay thế từ “phải” bằng từ “hãy”.

Châm ngôn 22:6 dạy “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”

  • Dạy dỗ con quan trọng nhất là dạy cho con mình “con đường nó phải theo”. “Con đường” sẽ cho nó định hướng tốt đẹp, vùng an toàn lề trái lề phải để nó không bị lạc lối sa ngã giữa dòng đời.

Trách Nhiệm Dạy Dỗ Con Cái

Phục truyền 6:6-9 dạy “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở lại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến hoặc khi người ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà và trên cửa ngươi.”

Chúa dạy chúng ta, những gì Chúa đã dạy cho chúng ta thì chúng ta phải sử dụng để dạy con của mình. Phải thường xuyên nhắc các lời đó, viết trên cột, trên cửa. Khi con bạn được nghe bạn nói, thấy lời trên cột, nhìn bạn thực hành qua gương của bạn thì con bạn khắc sẽ học và làm theo và giữ các điều ấy trong lòng, trong tâm trí, trong tiềm thức.

Các Nguyên Tắc Yêu Thương Con Cái Đúng

1. Đừng chọc giận con cái mình.

Hãy cân bằng cảm xúc của mình, tự xử lý bản thân của bạn trước. Nhiều khi cảm xúc của chúng ta thất thường, lúc lên lúc xuống, nhưng đừng dạy con theo cảm xúc của bạn khiến con cái của bạn bối rối, khó hiểu. Hãy đặt ra luật, quy tắc dạy con và chính bạn cũng phải thực hiện nghiêm quy tắc đó.

2. Đừng so sánh con cái của chúng ta với con cái của người khác.

Mỗi một đứa trẻ có phẩm chất năng lực khác nhau, có điểm mạnh điểm yếu khác nhau, bạn tuyệt đối đừng so sánh. Nếu bạn đem hai đứa trẻ ra để so sánh thì chúng nó sẽ ghen ghét, thù oán nhau, có khoảng cách với nhau.

  • Nếu bạn so sánh con bạn với đứa tốt hơn nó sẽ làm con bạn mặc cảm tự ti.
  • Nếu bạn so sánh con bạn với đứa kém hơn sẽ làm con bạn trở nên kiêu ngạo.

3. Không vội vàng tin con ngay.

Bạn hãy tin con cái mình những hãy kiểm tra, đừng vội vàng tin 100% lời con mình nói là đúng, hãy lắng nghe, quan sát, kiểm chứng.

4. Giao trách nhiệm cho con.

Bạn cần phân công công việc cho con để dạy chúng về tinh thần trách nhiệm.

5. Dành thời gian cho con của bạn nhiều hơn.

Thời gian trò chuyện tương giao giữa bạn với con cái bạn có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của chúng. Đừng chỉ cho con cái vật chất, tiện nghi mà bỏ qua việc dành thời gian để xây dựng tình cảm giữa bố mẹ và con cái.

Chúng ta cần có sự sắp xếp khoa học về thời gian cho hội thánh, cho gia đình, cho công việc và cho con cái nữa.

6. Hãy nói tích cực về con cái của bạn.

Hãy dành cho con trẻ lời khen tặng khi con bạn hoàn thành một việc gì đấy. Ngay cả khi con phạm lỗi, bạn cũng hãy nói tích cực với con. Đừng vì một lỗi lầm nhỏ trong một sự việc con làm mà đánh giá thấp hay phủ định giá trị của con bạn. Đừng mắng con bạn là “ngu ngốc” hay “vô tích sự”…

  • Khi con bạn bị điểm kém bạn có thể nói: “Con là đứa trẻ thông minh, bố mẹ tin rằng, nếu con học chăm chỉ thì kết quả sẽ cao hơn nhiều so với kết quả con đang có bây giờ.
  • Khi con của bạn làm nhà cửa lộn xộn, dơ bẩn bạn có thể nói: “Con là một đứa trẻ đẹp, làm thế nào lại để nhà cửa bẩn và lộn xộn được, nhà cửa cùng cần được ngăn nắp và đẹp để tương xứng với con.”
  • Khi con của bạn làm điều sai bạn có thể nói: “Con là một đứa con ngoan, vì vậy con đừng làm điều sai trái.”

7. Hãy nói “không” với con bạn khi yêu cầu của con bạn là không đúng, không tốt.

Khi bạn trả lời với con của bạn “không” nghĩa là bạn đang dạy cho con bạn biết: “Cuộc sống này, không phải điều gì con muốn cũng có được”. Ngay cả khi con không nhận được điều con muốn cũng là điều tốt cho con. Hãy học cách kiên nhẫn và nhịn nhục. Hãy cho con bạn biết, ngay cả khi ba mẹ nói không thì ba mẹ vẫn là vì yêu con.

8. Hãy luôn mong muốn con mình bắt chước theo mình.

Khi bạn làm điều gì mà mong muốn con của bạn cũng sẽ làm như bạn, hãy làm điều đó, vì điều đó là tốt. Khi bạn làm điều gì mà bạn không muốn con mình sẽ giống mình, hãy dừng lại và thay đổi, vì điều đó là không tốt.

Con cái của chúng ta chưa chắc sẽ làm theo điều chúng ta dạy, nhưng chắc chắn sẽ làm theo điều chúng ta làm. Vì vậy bạn hãy là một tấm gương sống cho con của bạn. Hãy chỉnh sửa tính cách của bạn.

9. Đừng ngay lập tức giải cứu con của bạn khỏi mọi nan đề.

Đừng làm thay con, đừng giải quyết nan đề thay con bởi vì làm như vậy là bạn đã tước khỏi con bạn khả năng sinh tồn, khả năng giải quyết nan đề trong cuộc sống. Hãy để con bạn trải nghiệm, và tìm cách giải quyết để con bạn trưởng thành. Hãy giúp con bạn lời khuyên hữu ích.

10. Cha mẹ luôn đứng một phía khi sửa phạt con.

Tránh trường hợp người đấm, người xoa. Hãy thống nhất trong cách dạy dỗ con. Hai vợ chồng nên thảo luận riêng trước khi dạy con cái. Đừng làm hạ uy quyền của người cha, người mẹ trước mặt con cái. Trong gia đình mà chia phe thì tổ ấm sẽ trở thành tổ kiến.

11. Hãy dạy con cái lời Chúa, sự phục vụ Chúa của bạn sẽ làm gương cho con cái.

1 Ti-mô-thê 3:4-5 dạy “phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn; vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?”

12. Đừng thực hiện tham vọng của mình qua con cái của mình.

Mỗi người có cuộc đời để sống và ước mơ riêng, đừng bắt con cái làm điều bạn muốn mà con bạn không muốn. Hãy để con bạn lựa chọn nghề nghiệp, cuộc sống phù hợp với khả năng của con.

13. Hãy quan tâm tới nan đề của con một cách nghiêm túc.

Đừng xem nan đề của con bạn là chuyện trẻ con, hãy lắng nghe và cho con bạn sự chỉ dẫn cho con bạn. Hãy cầu nguyện cho nan đề của con bạn.

14. Khi biết chính xác con mình nói dối, đừng đẩy con mình vào nói dối thêm.

Hãy động viên con của bạn biết nhận lỗi và bạn hãy bao dung con khi con của bạn đã nhận lỗi và sửa sai. Nếu bạn trừng phạt quá nặng thì con bạn sẽ sợ hãi và ủ mưu giấu tội.

Xin Chúa ban cho bạn sự khôn ngoan để dạy dỗ con cái theo cách khôn ngoan và bằng lòng yêu thương. Amen!

Bài 23 trong Tín Lý Cơ Bản của Mục sư Trần Mạnh Hùng – Berlin