Tiêm vắc-xin Covid có phải là thiếu đức tin?

Có người hỏi bạn tôi: “Người tin Chúa tại sao lại tiêm vắc-xin? Người có đức tin phải tin tưởng rằng Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi Covid mà không cần vắc-xin chứ?” Khi bạn ấy hỏi lại tôi câu này, tôi thấy đây là một vấn đề thú vị nên viết thành bài chia sẻ luôn. Nó là sự hiểu sai về Đức Chúa Trời và về đức tin. 

1. Đức tin là tin làm theo lời Chúa, không phải tin Chúa làm theo lời mình. Ép Đức Chúa Trời làm theo ý mình là phạm tội.

Trừ khi Chúa hứa với một người rằng Ngài sẽ bảo vệ họ khỏi Covid cách siêu nhiên, việc tin và hành động đòi Chúa bảo vệ khi Chúa không hứa chính là ép Đức Chúa Trời làm theo ý mình. Việc này giống như cám dỗ thứ hai của Sa-tan với Chúa Giê-xu:

Ma quỷ đem Ngài vào thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ,và nói: “Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy lao mình xuống đi, vì có lời chép: ‘Chúa sẽ truyền lệnh cho các thiên sứ, Các đấng ấy sẽ đỡ nâng ngươi trên tay, E chân ngươi vấp phải đá chăng.’ Đức Chúa Jêsus phán: “Cũng có lời chép: ‘Ngươi đừng thử thách Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.’” – Ma-thi-ơ 4:5-7

Sa-tan kêu Chúa Giê-xu hãy nhảy từ nóc đền thờ (cao 45m, cỡ 10 tầng) xuống trước mặt dân chúng Giê-ru-sa-lem, ép Đức Chúa Trời làm phép lạ cho thiên sứ giải cứu. Làm vậy Chúa Giê-xu sẽ ngay lập tức nổi tiếng và nói gì dân chúng cũng tin. Nhưng ép Đức Chúa Trời làm vậy là phạm tội, và Chúa Giê-xu từ chối: ‘Ngươi đừng thử thách Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.

Không làm theo ý Chúa là phạm tội, và ép Chúa làm theo ý mình cũng là phạm tội nốt. Từ chối tiêm vắc-xin để Chúa phải bảo vệ mình cách siêu nhiên khỏi Covid chẳng khác gì nhảy từ nóc đền thờ cao 10 tầng xuống để Chúa phải cứu. Đó không phải là đức tin. Đó là tội lỗi, và Chúa sẽ không đáp lời.

2. Đức Chúa Trời muốn con người phải sống khôn ngoan và làm những việc trong khả năng của mình.

Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời dạy cho con người luật của Ngài cùng rất nhiều nguyên tắc và luật lệ khôn ngoan để có một cuộc sống phước hạnh và thành công (sách Phục Truyền, Châm Ngôn, Truyền Đạo, v.v…). Trong đó có những nguyên tắc cách ly dịch bệnh và giữ vệ sinh để chống lại những bệnh truyền nhiễm. Về sau chúng đã được áp dụng để chống bệnh phong cùi, dập dịch hạch. Và các nguyên lý cách ly đó cũng có thể được tinh chỉnh để kiểm soát Covid.

(Đọc thêm về Kinh Thánh dạy cách ly dịch bệnh như thế nào
https://bachkhoa.name.vn/2021/03/28/kinh-thanh-day-cach-ly-dich-benh-the-nao/ )

Khi Đức Chúa Trời dạy con người luật pháp và đường lối của Ngài, Chúa muốn con người phải làm những công việc trong khả năng của mình. Chúa không tạo ra loài người như trẻ sơ sinh, nằm chơi để Chúa lo hết. Chúa tạo ra loài người với sức lực, sự khôn ngoan, hiểu biết để làm việc và phụng sự Ngài: chế ngự đất quản trị muôn loài (Sáng Thế Ký 1:28), rao giảng Tin Lành và dạy lời Ngài (Ma-thi-ơ 28:19-20), giúp đỡ người đau yếu (Công Vụ 20:35), cứu trợ người nghèo đói (Rô-ma 15:26) v.v… Vậy nên trong đợt dịch này, hẳn Chúa cũng muốn con người dùng sự khôn ngoan của mình để chống dịch: cách ly cứu chữa người bệnh, chế tạo thuốc và vắc-xin, và những công việc khác trong khả năng của mình.

Ngoài ra, khi con người vi phạm luật pháp và sống sai đường lối Ngài, họ sẽ phải lãnh chịu hậu quả của tội lỗi mình và chịu sự phán xét trừng phạt của Chúa. Nếu con người không xây phòng thí nghiệm sưu tầm nghiên cứu những vi-rút nguy hiểm gần thành phố đông đúc tấp nập thì chắc Covid vẫn còn trong hang dơi. Nếu con người làm theo lời Chúa, lan ra khắp đất, chế ngự đất và quản trị muôn loài (Sáng Thế Ký 1:28) thay vì tập trung vào các thành phố, xây các tòa tháp cao đến tận trời để được vang danh và không phải lan ra khắp đất thì Covid đã không ảnh hưởng đến vậy. Dịch Covid nặng nề là vì con người đã sống sai lời Chúa và phải tự chịu hậu quả. Loài người không thể bắt Chúa phải cứu chữa lỗi sai của mình, nhất là khi họ không nghe lời Ngài và không sám hối. Ngài có quyền thương xót cứu giúp ai tùy ý muốn Ngài muốn (Rô-ma 9:15)

3. Dấu kỳ phép lạ của Đức Chúa Trời phải là những chuyện siêu nhiên, trái quy luật tự nhiên, và con người không thể làm

Giờ giả sử một người bị bệnh, được bác sĩ cho một viên thuốc uống vào là khỏi. Người đó từ chối và nói rằng “tôi muốn Chúa chữa cho tôi bằng phép lạ của Ngài”. Như ở trên, ép Chúa làm theo ý mình là phạm tội. Nhưng giả sử Chúa làm phép chữa lành cho người đó, thì phép lạ của Chúa có thực sự là vinh hiển hay không? Có hơn được “phép lạ” viên thuốc của bác sĩ không?

“Phép lạ”, theo định nghĩa, phải là những chuyện siêu nhiên, trái quy luật tự nhiên và con người không thể làm. Phục sinh người chết chôn đã 3 ngày, chữa lành người mù từ lúc mới sinh, giáng 10 đại họa lên toàn Ai Cập, đổ trận lụt Nô-a quét sạch thế gian tội lỗi, v.v… đó mới là phép lạ. Chữa lành bệnh uống thuốc là khỏi, hay bệnh tiêm vắc-xin là được thì chẳng thể gọi là phép lạ. Nó nằm trong khả năng của con người, và Chúa muốn con người làm những việc trong khả năng của mình.

Dẫu vậy, việc cầu nguyện xin Chúa ban phước vẫn là cần thiết, vì Chúa có thể làm việc qua con người cho kết quả tốt. Ngài có thể dẫn dắt để gặp được bác sĩ tốt, cho bác sĩ sự khôn ngoan và chính xác, cho cơ thể có sức khỏe để đề kháng… là những điều tuy không phải là phép lạ nhưng cũng không kém phần quan trọng.

“Có ai trong anh em đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến; họ sẽ nhân danh Chúa cầu nguyện và xức dầu cho người bệnh. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm.”Gia Cơ 5:14-16

4. Đức Chúa Trời hay làm việc qua con người hơn là Ngài trực tiếp làm

Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời hay làm việc qua con người hơn là Ngài trực tiếp làm. Rất nhiều chuyện trong Kinh Thánh ta không thấy Chúa làm gì hết, như (1) chuyện Chúa giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi nạn đói bằng cách nâng đỡ Giô-sếp làm tổng quản Ai Cập, (2) chuyện Chúa giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi nguy cơ diệt chủng của Ha-man qua hoàng hậu Ê-xơ-tê, (3) chuyện Chúa nâng đỡ Ru-tơ và Nao-mi khỏi góa bụa đói nghèo, v.v… Ngài chỉ ở sau hậu trường, sắp đặt các vị trí, các sự kiện, cảm thúc các tấm lòng và các lời nói cần thiết. Chúa còn có thể dùng cả những người không biết Chúa, như dùng vua Nê-bu-cát-nê-sa để trừng phạt dân Giu-đa (Giê-rê-mi 27:6) và dùng vua Si-ru để thả họ về (Ê-sai 45:1-3)

Khi Chúa để con người làm việc, Ngài cho họ cơ hội để phụng sự Ngài và yêu thương người lân cận. Đồng thời, Ngài cũng sẽ ở cùng, thêm sức, dạy dỗ, cho kết nối và sự giúp đỡ cần thiết v.v… để giúp họ hoàn thành sứ mệnh của mình. Qua đó, Ngài rèn luyện họ, giúp họ trưởng thành hơn và trở thành con người tốt đẹp hơn. Giô-sếp từ cậu công tử ngây thơ được chiều chuộng đã trở thành nhà lãnh đạo khôn ngoan của Ai Cập, Ê-xơ-tê từ cô gái yếu đuối đã thành hoàng hậu khôn ngoan dũng cảm đầy đức tin, và Ru-tơ từ góa phụ người ngoại đã thành tổ tiên đấng Mê-si.

Về dịch Covid, nếu để ý ta có thể thấy rất nhiều điều tốt lành Đức Chúa Trời làm qua con người, nhất là Cơ Đốc nhân. Ở Mỹ, tổng thống Trump (một tổng thống rất được người Mỹ Tin Lành ủng hộ) đã có nhiều chính sách đặc biệt giúp đẩy nhanh quá trình phát triển và đưa vắc-xin vào sử dụng. Ở Việt Nam thì mục vụ Tin Lành Người Việt Nam Toàn Cầu mà tôi cộng tác có đem máy sản xuất HOCL từ Mỹ về Việt Nam để xông diệt Covid trong mũi họng và phổi. Nhờ đó giữ sạch đường hô hấp và hóa giải mối nguy hiểm nhất của Covid là suy phổi dẫn đến chết vì thiếu oxy. Ngoài ra nhiều hội thánh, nhiều mục vụ tổ chức quyên góp cứu trợ cho nhiều người khó khăn. Dịch Covid là do con người gây ra thì con người phải chịu. Nhưng Đức Chúa Trời với lòng thương xót cũng làm việc qua nhiều con người, nhất là qua dân sự Chúa, để giảm bớt tổn hại của nó và cứu chữa nhiều người.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người từ chối sự giúp đỡ của các hội thánh, mục vụ, tổ chức y tế hay vắc-xin mà chờ đợi sự bảo vệ hay chữa lành màu nhiệm siêu nhiên của Chúa? Có phải họ đang từ chối sự cứu giúp của Chúa qua con người của Ngài?

Tổng Kết

Việc không chịu tiêm vắc-xin và tin Chúa sẽ bảo vệ mình là một suy nghĩ sai vì

  1. Trừ khi Chúa hứa với một người rằng Ngài sẽ bảo vệ họ khỏi Covid cách siêu nhiên, việc tin tưởng Chúa sẽ bảo vệ khi Chúa không hứa chính là ép Đức Chúa Trời làm theo ý mình. Đức tin là tin làm theo lời Chúa, không phải tin Chúa làm theo lời mình. Ép Chúa làm theo ý mình là phạm tội.
  2. Đức Chúa Trời muốn con người phải sống khôn ngoan và làm những việc trong khả năng của mình.
  3. Dấu kỳ phép lạ của Đức Chúa Trời phải là những chuyện siêu nhiên, trái quy luật tự nhiên, và con người không thể làm. Đừng bắt Chúa làm phép lạ cho những việc mà người thường cũng có thể làm.
  4. Chúa thường làm việc qua con người, và từ chối sự giúp đỡ của những người đó cũng là từ chối sự giúp đỡ của Chúa.