Tôi Lỡ Đi Vào Bước Chân Của Người Sa-ma-ri Nhân Lành

Tôi thấy có vẻ nhiều người chúng ta đọc dụ ngôn về Người Sa-ma-ri Nhân Lành (Lu-ca 10:25-37) với hiểu ngầm rằng thông điệp cơ bản của nó là “để hét to rằng đừng làm một kẻ tồi tệ”.
Trong tâm trí ta hiện ra một bảng kể chuyện ở trường Chúa Nhật. Một người đàn ông vô tội, đáng thương bị đánh đập dã man, mà bất kỳ người đạo đức nào cũng thấy thật khủng khiếp. Một thầy tế lễ và người Lê-vi thấy ông và tránh qua bên kia đường. Chúng ta hẳn phải kinh ngạc vì sự vô cảm của họ. Hẳn đây không phải là điều mà bất kỳ một người tử tế nào sẽ làm! Làm sao họ có thể để người đàn ông tội nghiệp nằm bên vệ đường? Chúng ta hẳn sẽ đặt mình vào câu chuyện trong vai Người Sa-ma-ri Nhân Lành, và chắc chắn rằng nếu chuyện này xảy ra trong đời sống mình, ta hiển nhiên sẽ làm điều đúng đắn.
Trong kinh nghiệm của chính tôi, trải nghiệm việc này trong thực tế đời sống là khá khác biệt.
Tôi đang lái xe về nhà ở vùng nông thôn nước Burundi tại Đông Phi, nơi tôi sống và làm một bác sĩ truyền giáo. Vài ngày trước đó là một cuộc chạy ma-ra-thon với những cuộc họp áp lực xuyên văn hóa đa ngôn ngữ về việc cấp giấy chứng nhận quốc tế cho trường y của chúng tôi. Tới khi chuẩn bị cho chuyến đi dài 3 giờ để về nhà, tôi đã hoàn toàn kiệt sức. Tôi không mong gì hơn là được thấy gia đình mình và chia sẻ những món ăn đang để trên sàn ghế hành khách của xe.
Xe tôi chạy vòng quanh những con đường núi nhỏ hẹp với hàng chuối và cọ hai bên. Đây là một hành trình nguy hiểm, với độ dốc cao và tầm nhìn hạn chế, là nỗi sợ hãi của tôi trong vài năm đầu sống ở đây, nhưng giờ nó ít nhiều đã trở nên quen thuộc.
Khi con đường rẽ một lần nữa, tôi thấy một cảnh hỗn loạn trước mặt: kiếng bể, một xe máy móp méo, và một đoàn người hỗn loạn bên đường. Hai thanh niên đang kéo lê một người ra khỏi chiếc xe máy trên đường nhựa, một người cầm chân và một người cầm tay, đến lề đường hẹp rải sỏi nhìn ra khe núi dốc.
Tôi nhận ra tai nạn này chỉ vừa xảy ra. Lòng tôi đột nhiên nổi lên một cuộc tranh chiến giữa nghĩa vụ và sự do dự. Lòng tôi rất muốn tiếp tục chạy. Suy cho cùng, không ai ở đó biết nghĩa vụ cần phải giúp mà tôi đang cảm thấy. Rủi ro với tôi cũng cao nữa. Tôi cần phải về nhà trước khi trời tối khiến việc lái xe trở nên không an toàn. Dính vào có nghĩa là có thể bị tống tiền hay thậm chí bị vu tội đâm xe. Điều duy nhất khiến tôi dừng lại là lời mình đã thề khi trở thành một bác sĩ, và chạy thẳng lúc này sẽ khiến mọi thứ trở nên vô nghĩa. Tôi biết rằng không có chỗ cấp cứu nào trong khu vực này, và cũng không có sự giúp đỡ nào khác.
Tôi tấp vào lề và đi ra khỏi xe. “Tôi là một bác sĩ”, tôi nói bằng tiếng Kirundi. Tôi quỳ xuống bên người đàn ông bất tỉnh, người đang có một vết thương lớn ở đầu với vệt máu đặc tạo thành một đường dài tới nơi ông đã nằm trên đường. Tôi nhận ra ông ta vẫn còn sống, đồng tử vẫn phản ứng với ánh sáng, và mạch vẫn đập. Ông sẽ ổn nếu được đến bệnh viện.

Tai nạn giao thong bên đường
“Ở đây có ai nói tiếng Pháp được không?” Tôi hỏi người thanh niên cạnh mình. Vài giây sau, một người đàn ông khác bước ra từ đám đông và chào tôi bằng tiếng Pháp. “Còn ai bị thương nữa không?” Tôi hỏi.
Khi anh ta chỉ vào một đám đông cách 20m, tôi ngạc nhiên vì mình vẫn chưa để ý tiếng kêu khóc đến từ hướng đó. Tôi đi qua và nhìn. Một phụ nữ trẻ đang kêu la khi tôi xem xét vết nứt xương bánh chày hở của cô ấy. Vết thương ở chân là nghiêm trọng, nhưng cô ấy rõ ràng là đang tỉnh táo và hít thở tốt.
Tôi đã làm tất cả những gì mình có thể ở lề đường. “Giờ anh sẽ làm gì?” Tôi hỏi người thanh niên nói tiếng Pháp. Khuôn mặt của anh có cái nhìn bất lực quá quen thuộc – không có phương tiện di chuyển, không có tiền, và không có ai để nhờ vả vì mọi người xung quanh đều như vậy.
Tôi nhận ra một lần nữa rằng họ không có đang đợi bất kỳ một dịch vụ cấp cứu nào. Họ có thể đang hy vọng một chiếc taxi sẽ đem ai đó đi đâu đó trong khoảng 6 giờ tới, nhưng lúc đó chắc đã quá trễ, nhất là cho người đàn ông đang bất tỉnh.
“Nhìn này, tôi có chỗ để chở một người đến bệnh viện ở đoạn đường phía trước”, tôi đề nghị.
“Hãy chở cô gái này đi!” người đàn ông bên cạnh tôi ngay lập tức đáp lời.
“Người đàn ông này bị nặng hơn”, tôi nói lại.
“Ông ấy đã chết rồi.”
Điều này hiển nhiên sai đến nỗi khiến tôi bắt đầu nổi nóng. “Ông ta còn đang thở!” Tôi lên giọng.
Người đàn ông nhìn ra xa tới người bất tỉnh bị bỏ rơi, như thể lần đầu tiên để ý tới ông ta. Tôi đoán rằng người lái xe gắn máy là một người vô danh với đám đông, còn người phụ nữ bị thương (nhưng ít nghiêm trọng hơn) là một người bạn, hay thậm chí một thành viên gia đình.
Tôi thở dài. “Hãy xem, để tôi cố gắng hạ thẳng ghế xe mình. Hy vọng tôi có thể chở cả hai.” Tôi vật lộn với mấy cái túi và những cái ghế trong chiếc RAV4 của mình. Có vừa đủ chỗ cho hai người bị thương nằm và cho người họ hàng ngồi cạnh người phụ nữ bị thương. Vậy là 4 người chúng tôi đã sẵn sàng đi.
Tới lúc này, cảnh sát địa phương đã đến hiện trường. Tôi cố gắng giải thích sự khẩn cấp của việc đưa những người bị thương đến bệnh viện. Nhưng mấy viên cảnh sát muốn tôi ở lại để đưa ra một số lời nói và để lại số điện thoại của mình. Tôi hoàn toàn không muốn dính vào các vấn đề của cảnh sát địa phương. Cuối cùng, tôi thuyết phục họ để tôi đi, và nhanh chóng xuất phát với cái xe chở đầy người của mình.
Người thanh niên nói tiếng Pháp chặn tôi lại “Đừng đi đến bệnh viện gần phía trước. Làm ơn. Xin hãy chở họ về lại thành phố, đến một bệnh viện tốt hơn.”
Quay lại thành phố nghĩa là tôi sẽ không thể về nhà trước khi trời tối như dự tính. Nhưng tôi biết anh ta nói đúng. Tôi đã đến cái bệnh viện gần đó, và nó sẽ chẳng giúp được gì. Anh ta nói cho tôi bệnh viện để đem họ đến. Tôi biết nơi đó, và đồng ý.
Trên đường lái xe xuống, tôi bắt đầu nhận ra mình đang nhập vai vào chuyện dụ ngôn về Người Sa-ma-ri Nhân Lành. Có những người bị thương nằm bên lề đường, và tôi phải đối mặt với lựa chọn hoặc đi thẳng như mọi người khác, hay chở họ đi cấp cứu. Các điểm giống nhau đến kỳ lạ, sao tôi không nhận ra điều này trước đây?

Thầy tế lễ và người lê-vi thấy người bị nạn và đi thẳng
Có một điều là nó hoàn toàn chẳng giống gì với cách tôi tưởng tượng. Tôi thật nóng giận, sợ hãi, và mệt mỏi. Người phụ nữ ở đằng sau cứ kêu la “Tôi chết mất!” trong tiếng Kirundi, và tôi muốn hét lại là tiếng la hét của cô ấy chẳng giúp được gì.
Tại sao lại là bữa nay? Tôi đã thật mệt mỏi. Trong suy nghĩ của tôi, người Sa-ma-ri Nhân Lành luôn như một tờ giấy trắng, không có một chút gánh nặng nào, và không có gì gấp gáp trong công việc của mình, qua cái cách mà ông ta đặt tất cả chúng sang một bên. Tôi thấy sự hào phóng của ông ta và nghĩ rằng nó đến từ sự dư dả mà mình không có. Nếu tôi dư dả như ông, tôi cũng sẽ phản ứng cách lịch thiệp như ông. Nhưng khi nào có một người đời thật mà thực sự được như vậy?
Có lẽ nhập vai Người Sa-ma-ri Nhân Lành nghĩa là nhận ra rằng những gánh nặng, những mỏi mệt, hay thậm chí những nhu cầu của chính chúng ta sẽ theo mình vào trong câu chuyện.
Chuyến lái xe xuống núi thật đáng sợ. Tôi có những người khách lạ bị thương nặng ở ghế sau mà thời gian để cứu chữa sắp hết. Tôi cũng có một con đường ngoắt ngoéo với những khúc cua cùi chỏ hẹp, vô số ổ gà, đám đông người đi lại, xe đạp ở trong đường, và những xe tải bò xuống núi với tốc độ 10km/giờ. Cố gắng chạy nhanh trên con đường này đẩy chuyến xe bình thường đã đầy rủi ro này lên mức điên cuồng đến nỗi tôi phải tự có ý thức ghìm mình lại. Có một lúc, tôi đạp thắng, và đầu xe tôi dừng lại hơi bên dưới đuôi của thùng xe bán tải đằng trước. Tôi hít sâu và bắt đầu cầu nguyện to bằng tiếng Anh để nhấn chìm tiếng kêu la của người phụ nữ đằng sau.
Tôi nghĩ về những rủi ro. Chở những người này đi vẫn có thể đồng nghĩa với dính đến cảnh sát địa phương, điều tôi đã bị và thật sự rất muốn tránh. Chạy nhanh xuống núi có thể có nghĩa là đặt chính mạng sống mình vào nguy hiểm. Một người bạn kể với tôi về chuyện anh lái xe đến sân bay buổi tối và thấy một người nằm bên lề đường. Khi phân vân có nên dừng hay không, anh nhớ lại những chuyện mà một người nằm bên vệ đường là âm mưu lừa ai đó dừng lại để tấn công và cướp. Vậy nên anh chạy thẳng. Tôi hoàn toàn hiểu điều này.
Tất cả những vấn đề này đều có chỗ trong câu chuyện dụ ngôn. Liệu Người Sa-ma-ri Nhân Lành có sợ bị lừa để cướp? Điều này cũng không phải vô lý. Liệu ông có bị rắc rối với công an địa phương khi cố gắng giúp đỡ? Tôi luôn nghĩ rằng quán trọ là ở phía trước dọc đường, nhưng có thể Người Sa-ma-ri Nhân Lành cũng phải quay lại giống như tôi, và khiến mình gặp nhiều nguy hiểm hơn khi phải đi ban đêm.
Đời sống ở Burundi cho tôi rất nhiều thông tin để đánh giá tình huống. Điều gì sẽ xảy ra cho tôi và những người khác nếu tôi dính vào? Có thể được lợi ích gì nếu tôi nhúng tay vào? Đánh giá lợi ích và rủi ro là khôn ngoan, nhưng rủi ro tự nó không có nghĩa là chúng ta không được kêu gọi bước vào câu chuyện. Có lẽ nhập vai Người Sa-ma-ri Nhân Lành cũng có nghĩa là chấp nhận một số rủi ro – không chỉ là chi phí hay sự bất tiện – chắn chắn sẽ kèm theo.
Một cách nhẹ nhõm, tôi tới thành phố và đi đến bệnh viện. Tôi lái xe vào khuôn viên qua một cánh cổng và cuối cùng cũng tìm thấy khu cấp cứu khẩn cấp. Tôi đậu xe và nhảy ra ngoài, chặn người đầu tiên mình thấy trong bụi cây.
“Tôi có hai bệnh nhân bị chấn thương trong xe của mình. Một người đàn ông bất tỉnh với vết thương ở đầu và một người phụ nữ bị gãy xương chày hở.”
Anh ấy nhìn lại tôi chằm chằm. Tôi nói lại lần nữa nhưng vô ích. Vài phút sau, một bác sĩ có vẻ là người phụ trách bước ra. Tôi nhanh chóng dẫn anh ta ra xe và mở cửa sau. Người đàn ông vẫn bất tỉnh. Người phụ nữ bình tĩnh lại một lúc, tựa vào người họ hàng đang ngồi bên cạnh. Tôi tìm xung quanh một chiếc cáng hoặc một chiếc xe lăn. Tôi không hiểu tại sao mình đã liều mạng lao xuống núi chạy đến đây mà không ai có hành động gì.
Người bác sĩ bắt đầu trò chuyện một cách bình tĩnh với những người còn tỉnh táo trong xe của tôi. Tôi có thể hiểu rằng anh ấy đang hỏi về tiền bạc. Anh ta chặc lưỡi một cách tiếc nuối và quay sang tôi. “À, ông thấy đấy, có một vấn đề. Họ không có tiền. Vì thế chúng tôi không thể chữa cho họ được.”
Đây cơ bản là một bệnh viện tư, và tôi hiểu rằng bệnh viện không thể duy trì tài chính nếu không có một số thu nhập để trang trải các dịch vụ của mình. Dù có dự kiến được trả tiền hay không, tôi chưa bao giờ tưởng tượng một bác sĩ lại thiếu động lực để cứu chữa trong tình huống khẩn cấp như thế này. Giờ tôi đã hiểu tại sao không ai đưa những người bị thương ra khỏi xe của tôi. Bệnh viện muốn đảm bảo rằng tôi sẽ đưa họ đi chỗ khác.
Tôi cố đem thứ bậc ra để nói. Tôi giải thích vai trò của mình trong ban lãnh đạo hệ thống y tế khu vực và hỏi liệu anh ấy có đồng ý cho tôi gọi điện cho cấp trên và kể lại những lời của anh không. Anh ấy nhìn lại tôi với ánh mắt quá bình tĩnh của một người nói chuyện này hàng ngày. “Chắc chắn rồi,” anh nói.
“Được rồi, tôi có thể đem họ đi đâu?”
“Tôi không biết.”
“Tôi có thể đưa họ đến bệnh viện khác ngay cuối đường này được không?”
“Tôi không biết.”
Tôi dập cốp, chui vào xe, và lái ra khỏi cổng mà không nói thêm lời nào.
Đây không phải là công việc mà tôi đăng ký tham gia. Việc của tôi chỉ là đem những người này đến bệnh viện, nơi sự giúp đỡ hào phóng của tôi sẽ được cảm ơn và ai đó sẽ làm tiếp phần còn lại. Nhưng lỡ đi một ly, phải đi cả dặm – không phải vì tôi được lựa chọn, mà là tôi mắc kẹt với nó.
Có phải những điều này cũng xảy ra với Người Sa-ma-ri Nhân Lành? Tôi luôn tưởng tượng chủ quán trọ sẽ vui cười chào đón anh ta và người bị nạn, nhưng có ai muốn một người vô danh sắp chết ở trong nhà trọ mình, cả khi tiền trọ của anh ta được trả? Có phải đó là nhà trọ đầu tiên mà Người Sa-ma-ri Nhân Lành hỏi, hay anh ta phải đi lòng vòng tìm kiếm năn nỉ một hồi?

Người Sa-ma-ri Nhân Lành Đến Quán Trọ
Có khi nào anh ta đã thử hỏi các phòng trọ khác và thấy họ không muốn nhận một người bất tỉnh máu me đầm đìa có thể làm các khách tốt hơn sợ hãi bỏ đi (như thầy tế lễ và người Lê-vi)? Có khi nào chẳng ai ngoài Người Sa-ma-ri Nhân Lành quan tâm nạn nhân còn sống hay đã chết?
Khi những rắc rối phức tạp của việc sống theo chuyện dụ ngôn được bày tỏ, tôi càng lúc càng nhận thấy rằng nhập vai Người Sa-ma-ri Nhân Lành có nghĩa là phải dấn thân sâu hơn và đơn độc hơn là tôi tưởng tượng.
Đến cuối đường, tôi tấp vào trong một bệnh viện khác. Tôi thậm chí chẳng thể tìm thấy phòng cấp cứu nếu không được nhiều giúp đỡ. Đó là một tòa nhà nhỏ đằng sau khuôn viên, như một ý nghĩ thêm vào sau 30 năm. Tôi đi vào, tự hỏi mình sẽ được chào đón như thế nào. Tôi lang thang vào phòng cấp cứu, nhờ một y tá đi ra xe mình. Tôi giải thích tình hình khi một đám đông nhỏ tụ lại. Người y tá nhìn đằng sau xe và biến mất vào phòng cấp cứu mà không nói lời nào. Tôi không biết điều gì đang xảy ra.
Khoảng hơn 10 phút sau, một cái cáng cứu thương xuất hiện, và người phụ nữ bị thương bước lên. Cô ta biến mất vào trong bệnh viện cùng với người nhà đi cùng. Còn lại duy nhất người đàn ông vẫn bất tỉnh. Anh ta vẫn thở, và tôi mừng khi thấy anh bắt đầu rên rỉ một chút. Thật xấu hổ khi tôi cứ nghĩ về việc xe mình sắp lại được tự do.
Một người phụ nữ đứng gần đó hỏi, “Làm sao ông biết những người này?”
“Tôi không biết. Tôi chỉ lái xe ngang qua, và họ cần đến một bệnh viện.”
“Xin Chúa ban phước cho ông.”
Tôi chỉ muốn khóc.
Sau khi cái cáng cứu thương quay lại và người đàn ông được đặt lên, tôi hỏi người thân gia đình đi với tôi. Tôi muốn cho anh ta một chút tiền cách kín đáo để trang trải một số chi phí ban đầu, nhưng tôi sợ anh ta sẽ dùng hết nó cho người nhà mình và bỏ mặc người đàn ông bất tỉnh.
Tôi quyết định đánh đổi sự kín đáo lấy trách nhiệm giải trình, và tránh thảo luận dài dòng về việc anh ta cần bao nhiêu tiền. Đầu tiên tôi ngồi vào buồng lái để đảm bảo mình có thể chạy đi, rồi hạ cửa kiếng xuống. Tôi giơ tiền lên cho người nhà kia và đám đông luôn hiện hữu thấy:
“Một nửa số tiền này dành cho gia đình anh, nhưng nửa kia cho người đàn ông bất tỉnh.” Một người ngẫu nhiên trong đám đông lên tiếng rằng anh ta hiểu và mọi người ở đây sẽ đảm bảo rằng người đó cần phải dùng nửa tiền cho người bất tỉnh. Tôi khẽ gật đầu, đưa người nhà kia tiền, và lái xe đi.
Tôi nghĩ về cách Người Sa-ma-ri Nhân Lành hứa sẽ quay lại và trả tất cả chi phí thêm. Tôi sống cách đây 3 giờ chạy xe và có bệnh viện cùng bệnh nhân của mình. Tôi đoán rằng Người Sa-ma-ri Nhân Lành cũng có những trách nhiệm như vậy. Dù vậy, tôi vẫn không có ý định quay trở lại.
Chuyến lái xe về thật căng thẳng vì trời đã tối, nhưng cảm ơn là không chuyện gì xảy ra. Khi tôi chạy ngang qua nơi xảy ra tai nạn, tôi cố gắng che mặt mình. Tôi nghĩ đám đông (vẫn ở đó) có thể nhận ra mình, nhưng tôi cứ đi thẳng.
Tối khuya tôi về đến nhà, gục xuống ghế, muốn khóc nhưng cảm thấy quá choáng ngợp. Chuyện gì vừa xảy ra vậy? Tôi cũng không biết. Theo đánh giá y tế của tôi thì đời sống của nhiều người vừa được biến đổi, nhưng cố gắng đi theo bước chân của Người Sa-ma-ri Nhân Lành thật hoàn toàn khác với những gì tôi đã tưởng tượng.
“Ai là người láng giềng của tôi?” một người hỏi Chúa Giê-xu đã khởi đầu toàn bộ câu chuyện Người Sa-ma-ri Nhân Lành. Hãy đi và làm một người láng giềng, Chúa Giê-xu tóm lại (Lu-ca 10:25-37)
Câu chuyện này làm tôi tổn thương. Giếng cảm xúc của tôi đã gần cạn khi toàn bộ chuyện này xảy ra, và tôi đành phải nạo cái đáy khô của nó liên tục. Tôi đã tính chỉ can dự vào một chút, và mỗi khi tôi chạm đến chút đó, tôi lại bị yêu cầu đi thêm chút nữa, hết lần này đến lần khác.
Nhưng như Martin Luther King Jr. nói trong bài giảng “Tôi Đã Ở Trên Đỉnh Núi”, thầy tế lễ và người Lê-vi trong truyện hỏi “Nếu tôi dừng lại để giúp người này, điều gì sẽ xảy ra với tôi?” Còn Người Sa-ma-ri Nhân Lành hỏi “Nếu tôi không dừng lại để giúp người này, điều gì sẽ xảy ra với ông ta?” Truyện dụ ngôn này kêu gọi chúng ta ra khỏi cái vỏ của mình để vào một công việc hy sinh cho người khác. Yêu thương là phải hy sinh, và hy sinh là chịu mất mát khó nhọc.

Yêu thương là phải hy sinh, và hy sinh là chịu mất mát khó nhọc.
Không có những thứ anh hùng hoành tráng. Thay vào đó là một mớ hỗn độn. Những gánh nặng của chính tôi trộn với những gánh nặng bất ngờ của người khác. Rủi ro là không thể tránh khỏi khi bước vào một tình huống đầy thiếu thốn bạo lực. Một trải nghiệm đơn độc đã đòi hỏi tôi nhiều hơn rất nhiều những gì mình dự tính.
Nhưng đây có vẻ như là những gì chuyện dụ ngôn thực sự miêu tả. Trước trải nghiệm này, nếu hỏi tôi có đáp lại lời kêu gọi làm Người Sa-ma-ri Nhân Lành hay không, tôi nghĩ mình sẽ đồng ý dù hơi do dự.
Nhưng giờ tôi thấy những giả định trước đây của mình. Tôi nghĩ rằng cơ hội hy sinh đó sẽ xảy ra vào một thời điểm mà nếu không phải hoàn hảo thì cũng là tối ưu hay ít ra cũng không quá bất tiện. Tôi nghĩ rằng người chủ quán trọ sẽ chào đón tôi và mọi người khác sẽ hăng hái hợp sức. Tôi nghĩ rằng cái giá phải trả sẽ nặng về phần tài chính hơn là tinh thần. Và tôi nghĩ rằng khi bước đi trong sự vâng phục, dù khó khăn, sẽ kết thúc với cảm giác thỏa mãn, như việc thở hổn hển sau một buổi làm việc nặng nhọc.
Nhưng nó hoàn toàn không phải vậy. Tôi có thể nói trong vai trò một nhà giáo dục y khoa ở một trong những đất nước nghèo nhất thế giới rằng cái giá phải trả về tinh thần là cao khi bạn cố gắng giúp một hai người bên đường, hay tìm cách giải quyết các vấn đề hệ thống gây ra chuyện có người bị thương nằm bên lề đường. Cố gắng tạo ra các thay đổi phần trên của hệ thống là khôn ngoan nhưng cũng rối rắm.
Các khủng hoảng đến khi ta cầu xin chúng không đến, rồi rủi ro và chi phí có thể tăng cao quá mức dự tính khi ta bị kéo càng lúc càng sâu vào cuộc chiến.
Tôi hay được nhắc nhở về những cái giá phải trả này, khi tôi thấy những vệt máu mình không thể tẩy khỏi lớp bọc ghế chiếc xe RAV4 của tôi. Nhưng đám lộn xộn và nhức đầu này cách mà dụ ngôn này đã xảy ra trong thực tế.
Nếu tôi có thể quay lại và làm việc đó một lần nữa, tôi sẽ nhắc nhở chính mình những lời Chúa Giê-xu đã nói mà tôi không nhớ đến bữa đó. Chúa Giê-xu dạy chúng ta trong Ma-thi-ơ 25:40 rằng phục vụ người khó khăn là phục vụ Ngài. Ngài hiện diện trong cốp xe của tôi, bất tỉnh. Và Ngài hiện diện trong người phụ nữ la hét đó.
Sự hy sinh của tôi thật ra là cơ hội để tôi chở Chúa mình khắp thị trấn cho tới khi tìm được nơi thích hợp.
Chúng ta đừng chờ đợi một khoảnh khắc tưởng tượng nào đó thuận lợi với hoàn cảnh và cảm hứng của mình. Chúng ta hãy đón nhận các vết thương không thể tránh khỏi của thế giới sa ngã này như những cơ hội đau đớn nhưng được phước, điều mà chúng thật sự là.
Chúng ta hãy cùng nhau đánh giá rủi ro của tình yêu thương Cơ Đốc và giúp đỡ nhau trong cơn đau đớn. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa hiện hữu trong những người thiếu thốn – và trong chúng ta, mặc cho sự không xứng đáng của mình.
Eric McLaughlin là một bác sĩ truyền giáo ở Burundi và là tác giả của sách “Lời Hứa Trong Bóng Tối: Đi Cùng Những Người Cần Giúp Đỡ Mà Không Nản Lòng.”
Người dịch: Richard Huynh
Theo ChristianityToday.com
Trải Nghiệm Người Dịch Khi Đi Ngang Qua Cảnh Tai Nạn
Bữa nọ trên đường đi làm, tôi thấy một xe máy nằm giữa đường và 1 cô nằm trên vỉa hè, có 2 bạn trẻ đang hỏi han và giúp cô gọi đt về cho gia đình và 2 anh công an đứng điều xe. Tôi nhìn thấy máu chảy ra từ miệng cô, gãy mất mấy răng cửa, nhưng cô còn minh mẫn và nói chuyện. Thật, lúc đó tôi đang vội đi để bắt kịp xe đưa rước, cô cũng có người chăm sóc rồi, chắc ko cần mình. Tôi chợt nhớ lại chuyện người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10:30-37), thấy mình đi tiếp thì có khác gì thầy tế lễ và người Lê-vi trong chuyện, thấy người bị nạn né sang bên đi thẳng. Cảm thấy bị cáo trách, tôi dừng lại, đến bên cô, hỏi cô rằng con có thể cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho cô được không? Cô nói cảm ơn con, và tôi cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho cô. Xong tôi thấy cô cũng có 2 bạn này và 2 anh công an lo rồi, chắc đang đợi xe cứu thương đến. Sợ trễ xe đưa rước, cầu nguyện xong tôi liền chào và đi lẹ, vừa kịp chuyến xe.
Một số bài học tôi ngẫm ra sau trải nghiệm này
- Thật dễ để chúng ta làm như thầy tế lễ và người Lê-vi, thấy người bị nạn né sang bên kia đường đi thẳng, nhất là khi ta đang chạy vội.
- Khi đó ta mới thấy hết sự tốt lành của người Sa-ma-ri. Ông đã gác chuyện của mình lại để cứu 1 người lạ, thuộc 1 dân tộc thù địch, ở 1 nơi hẻo lánh nguy hiểm, và chịu khá nhiều hao tổn (đồ sơ cứu, trả tiền viện phí… 2 đơ-ni-ê có sức mua cỡ 40 USD ngày nay, khoảng 1tr VND)
- Nếu 2 bạn trẻ kia không phải là người tông cô đó thì 2 bạn ấy hành xử giống người Sa-ma-ri nhân lành hơn tôi trong vụ này, người chỉ dừng lại góp lời cầu nguyện. Nghĩ thấy xấu hổ thiệt
- Cũng an ủi là lời cầu nguyện bởi đức tin có quyền năng và rất linh nghiệm (Gia-cơ 5:15-16), nếu có chuyện gì con người không lo được đẹp lòng Chúa sẽ lo. Vậy nên dẫu nếu không làm được gì cho người ta hãy thành cầu nguyện xin Chúa giúp cho họ.
- Ở đời cần biết và phòng tránh rủi ro. Chạy xe cần cẩn thận. Đội mũ bảo hiểm có che mặt vừa không bị khói bụi hại mắt hại da, vừa lỡ có té đầu đầu cũng không gãy răng.
Xin Chúa cho cô đó ổn, chỉ bị gãy răng thôi. Nghĩ lại lẽ ra tôi nên ngồi lại (dù cũng có người rồi). Trễ xe đưa rước thì về nhà đi xe máy thôi, đỡ lương tâm cắn rứt, Đức Thánh Linh cáo trách.
Khi kể chuyện thì tất cả mọi người đều nói hẳn 2 bạn trẻ kia phải quệt cô đó té nên mới ở lại chăm sóc an ủi như vậy. Haizz, điều này cho thấy làm người Sa-ma-ri nhân lành còn có rủi ro là mình có lòng tốt nhưng bị nghĩ xấu. Nó cũng cho thấy cái “bình thường” của thế gian này nó thấp kém so với yêu cầu của Chúa như thế nào. Vậy nên Kinh Thánh mới nói: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất (không đạt) vinh quang của Đức Chúa Trời” – Rô-ma 3:23