Báo Nguồn Sáng Phỏng Vấn Richard Huynh – Người Viết Để Kết Nối Đời Sống Và Niềm Tin Cơ Đốc

Cảm ơn Chúa cho tôi được báo Nguồn Sáng phỏng vấn về công tác dịch viết báo Cơ Đốc của mình. Cũng ít người được báo phỏng vấn, nên việc này cho tôi sự động viên khích lệ và nhìn nhận cho sự phục vụ Chúa của mình. Nó là một việc thầm lặng ít giao tiếp nên tôi cũng không biết nó có tác dụng thể nào nữa, chỉ hy vọng là Chúa sẽ dùng nó để gầy dựng anh em Cơ Đốc và làm chứng cho Ngài.

Ngoài ra, những câu hỏi phỏng vấn giúp tôi suy nghĩ sâu hơn về ý tưởng và định hướng cho công tác này. Tôi nhận thấy điểm mạnh nhất của mình là kết nối đời sống và niềm tin Cơ Đốc. Sách báo Cơ Đốc Việt Nam hơi thiếu kết nối với thực tế, và nhất là với tri thức Cơ Đốc toàn thế giới (có những nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Âu, Úc v.v..). Vậy nên tôi nên dịch và viết những bài gần gũi thực tế và chia sẻ những bài hay của Cơ Đốc nhân trên thế giới. Hy vọng mọi người sẽ thấy lời dạy của Chúa rất khôn ngoan và thực tế, cũng như Cơ Đốc nhân trên thế giới có rất nhiều thành tựu.

1. Chào Bách Khoa. Người đọc biết đến bạn qua một cái tên “phổ biến” hơn: Richard Huynh, người “thống trị” mục Khoa Học Và Niềm Tin qua những bài dịch và viết rất công phu, súc tích trên Nguyệt san Nguồn Sáng. Nhưng tôi vẫn thích gọi tên thật của bạn: Bách Khoa, vì nghe như một quyển tự điển. Xin bạn tự giới thiệu về mình cho độc giả Nguồn Sáng.

Xin chào mọi người, mình là Bách Khoa, có tên này vì ba mẹ mình đều là cựu giảng viên trường đại học Bách Khoa TP.HCM. Richard là tên tiếng Anh của mình trong 10 năm học tập và làm việc ở Singapore, lấy theo tên vua Richard Sư Tử Tâm vì mình thích lòng mộ đạo, tính phiêu lưu và sự dũng mãnh của ông ấy. Mình rất thích đọc sách, từ sách truyện của Nga Trung Anh Nhật, đến sách khoa học, lịch sử, con người, và xã hội… vì nó giúp mình thấy những điều thú vị muôn màu muôn vẻ của thế giới. Càng đọc nhiều, ta càng thấy nhiều, càng hiểu nhiều, và càng thấy thế giới này thú vị.

Mình không sinh ra trong gia đình Cơ Đốc. Ba mẹ mình thờ phật và thờ ông bà, nhưng có vẻ theo tín ngưỡng văn hóa thôi, chứ là người vô thần trong thực tế, tức thờ cúng theo phong tục, nhưng sống như thể thần phật không tồn tại, chẳng quan tâm thần phật dạy gì, răn gì hay đời sau sẽ ra sao. Bà nội mình là người mộ phật. Hồi nhỏ, từ tủ sách nhà bà, mình tìm thấy quyển sách về cuộc đời của phật Thích Ca Mâu Ni, tức nhà thông thái xứ Thích Ca (chữ Mâu Ni tiếng Phạn nghĩa là nhà thông thái). Chuyện đời ông cho mình thấy việc sống trong cao sang, cung điện, tiệc tùng và cung nữ không đem lại cho ta sự thỏa mãn dài lâu. Kiếp người là sinh lão bệnh tử. Nhà thông thái xứ Thích Ca dạy Từ Diệu Đế rằng con người khổ là do tham muốn của bản ngã xác thịt. Và để diệt khổ ta cần phải học hỏi để biết Bát Chánh Đạo, tức nghĩ đúng, làm đúng, sống đúng, nói đúng, nhìn đúng, nỗ lực đúng, v.v… Ta sẽ không thấy khổ nữa khi luyện được Niết Bàn, tiếng Phạn nghĩa là ngọn lửa đã tắt, chỉ tấm lòng vô ngã hết tham muốn. Lời dạy của Thích Ca Mâu Ni đã cho mình có ý thức kiềm chế cái tôi, cũng như các tham muốn xác thịt, mà học hỏi để biết cái gì đúng cái gì hay mà làm.

Cũng từ ý thức này mà khi qua Singapore du học, khi được hỏi “bạn có muốn biết về Chúa Giê-xu hay không?” Mình liền trả lời  “Tôi thấy người Do Thái, người Hy Lạp, La Mã, người Phương Tây tin theo Chúa và xã hội họ rất văn minh, phát triển. Vậy nên tôi cũng muốn biết Chúa dạy gì”. Từ đó mình tham gia sinh hoạt với các bạn sinh viên Cơ Đốc để biết thêm về Chúa, về Cơ Đốc nhân, rồi từ từ đi đến tin Chúa.

Đến với Chúa, mình thấy lại những lời dạy của nhà thông thái xứ Thích Ca, như phải cẩn thận với những tham muốn của xác thịt (1 Giăng 2:15-17), tránh tham lam kẻo chuốc lấy nhiều đau khổ (1 Ti-mô-thê 6:9-10), và phải học lấy sự khôn ngoan để có cuộc sống tốt (2 Ti-mô-thê 3:16-17, Châm Ngôn 3). Tư tưởng của Thích Ca Mâu Ni thì hay, nhưng đi chùa thì mình ít thấy ai dạy gì, đi tu cạo đầu ăn chay thì mình thấy gây khổ không đáng. Còn mình thấy Kinh Thánh dạy cụ thể rõ ràng, nhất là các sách Châm Ngôn, Truyền Đạo, Thi Thiên, sách Phúc Âm, thư tín về nếp sống đạo… có rất nhiều điều khôn ngoan, càng nghiền ngẫm càng ra nhiều điều hay. Bài giảng ở nhà thờ hay, và các bài viết của Cơ Đốc nhân trên thế giới cũng hay, có lẽ vì nhiều nước Tin Lành như Mỹ Anh Đức Singapore là những nước có nền kinh tế, khoa học và văn hóa phát triển hàng đầu thế giới.

Quan trọng hơn, đến với Chúa, Ngài hứa nhận ta làm con nuôi và dẫn dắt, dạy dỗ, giúp đỡ ta trong cuộc sống và nghe lời ta cầu nguyện (Ga-la-ti 4:3-7, Thi Thiên 32:8). Ý tưởng của nhà thông thái xứ Thích Ca thì hay, nhưng thực tế thì rất khó làm. Ở đời, có nhiều tai họa mà sống đúng cũng không tránh được, và nhiều lúc ta không biết cái gì là đúng mà làm. Mà cả khi biết cái đúng, ta vẫn không làm được do ham muốn xác thịt. Đơn giản như ai cũng biết ngủ sớm dậy sớm tập thể dục là tốt, nhưng nhiều người vẫn ngủ trễ dậy muộn. Với Thích Ca Mâu Ni thì không có sự cứu giúp, chỉ có nhân quả báo ứng, ngu thì khổ ráng chịu. Chính ông cũng không cứu được xứ Thích Ca khi vua Tỳ Lưu Ly thảm sát dân nước mình vì tội lỗi của họ [nguồn]. Ngược lại, Chúa hứa tha tội và cứu giúp khi ta ăn năn. Chúa còn cho ta hội thánh là nơi con cái Ngài nhóm lại trong tình anh em trong Chúa, vậy đi đâu mình cũng có anh em. Sống với Chúa, mình được trải nghiệm về sự dạy dỗ, dẫn dắt, chu cấp, đáp lời cầu nguyện của Ngài. Chúng giúp đức tin mình thêm vững mạnh. Những điều này mình không có được khi đi theo con đường của Thích Ca Mâu Ni.

Vậy nên mình rất thích chia sẻ về Chúa về cho người Việt Nam. Như Phi-e-rơ nói với người què trong sách Công Vụ 3:6 “Tôi không có vàng bạc gì cả, nhưng điều tôi có thì tôi cho anh: Nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ người Na-xa-rét, hãy đứng dậy và bước đi!”. Ta không có tiền bạc để biến đổi cuộc đời những người khó khăn vấp ngã, nhưng ta có thể giúp họ đến với Chúa, để Chúa biến đổi tâm linh họ, dạy dỗ, chu cấp và dẫn dắt đời sống họ, giúp họ tự đứng trên đôi chân của mình. Mình thấy đó là cách tốt nhất để giúp đỡ đồng bào dân tộc Việt Nam.

2. Bạn đã đến với Nguồn Sáng như thế nào? Cảm nghĩ đầu tiên của bạn về tờ báo này, mục đích chính của nó, cảm nghĩ qua thời gian và cho đến ngày hôm nay.

Mình biết đến báo Nguồn Sáng khi được mục vụ OneWay gởi quà đầu năm, trong đó có báo. Mình thấy báo rất hay, thể loại đa dạng, nhiều bài, nhiều chuyện gần gũi với đời sống, giúp kết nối tư duy Cơ Đốc với cuộc sống. Vậy nên mình hỏi mục vụ OneWay cách đặt mua và được kết nối với mục sư chủ bút. Rồi có lần mình chia sẻ trên Facebook một suy ngẫm từ chuyện “Người con trai hoang đàng”, mục sư đọc thấy hay nhắn tin hỏi đăng trên báo Nguồn Sáng được không? Mình rất vui, và giới thiệu với mục sư trang bachkhoa.name.vn lưu trữ hơn trăm bài mình dịch và viết đăng trên các trang Cơ Đốc như hoithanh.com hay oneway.vn. Từ đó mình cộng tác với báo Nguồn Sáng. Quả thật đây là sự dẫn dắt vô hình của Chúa.

Mình thích báo Nguồn Sáng vì có những bài gần gũi với thực tế đời sống. Sách báo Cơ Đốc có xu hướng tâm linh trừu tượng quá, khiến người đọc khó kết nối với thực tế đời sống. Mọi người đọc báo vẫn là để biết những cái hay, cái đẹp, cái thú vị, cái cần biết và học hỏi của cuộc sống đó đây. Mình hy vọng báo Nguồn Sáng sẽ giúp Cơ Đốc nhân kết nối Lời Chúa với cuộc sống, và giúp người chưa biết Chúa kết nối đời sống mình với niềm tin Cơ Đốc, để biết Chúa và đi đến tin nhận Ngài.

Mình rất cảm ơn Chúa đã chu cấp cho mục vụ báo Nguồn Sáng phát triển. Chi phí in ấn mỗi tờ báo cỡ một suất cơm, việc phát tặng báo cũng giống như việc phát cơm từ thiện vậy, nhưng là bữa cơm cho tâm hồn. Bữa cơm thuộc thể ăn rồi lại đói, còn bữa cơm thuộc linh sẽ trường tồn cùng tâm linh người đọc. Công tác từ thiện với quy mô hàng chục ngàn bữa ăn quả thật rất tốn kém. Thật cảm ơn Chúa đã chu cấp qua các ân nhân, và xin Chúa ban ơn phước đáp lại việc lành mọi người như Lời Ngài hứa: “Người có lòng rộng rãi sẽ được thịnh vượng, Ai cho người uống nước, chính mình sẽ được nước uống.” (Châm Ngôn 11:25)

3. Xin cho biết về công việc dịch thuật của bạn. Bắt đầu khi nào, hiện nay ra sao và tương lai thế nào?

Mình có tâm tình dịch báo Cơ Đốc tiếng Anh ra tiếng Việt từ 15 năm trước. Khi đó, mình chưa biết trang báo Cơ Đốc tiếng Việt nào, còn báo chí Cơ Đốc tiếng Anh có nhiều bài hay mà mình muốn chia sẻ lại cho người Việt Nam. Thời đó còn xài Yahoo! 360°, mình dịch bài về các nhà khoa học Cơ Đốc như Isaac Newton, Michael Faraday, rồi các bài phân tích hay như “7 sai lầm của Darwin”. Do ít người đọc nên mình cũng ít động lực dịch. Sau này, khi cộng tác với các trang báo Cơ Đốc tiếng Việt thì mình có động lực để sắp xếp thời gian dịch và viết nhiều hơn. Nền văn minh Cơ Đốc rất vĩ đại với lịch sử lâu đời và đã xây dựng nên những quốc gia phát triển nhất hiện nay như Mỹ Anh Đức Pháp. Là một người yêu thích kiến thức, mình rất vui khi được phục vụ Chúa qua việc kết nối Cơ Đốc nhân Việt Nam với cộng đồng Cơ Đốc thế giới, và chia sẻ cho người Việt những bài hay của Cơ Đốc nhân khắp thế giới.

4. Là một người tin Chúa và theo Chúa, bạn lại viết những đề tài liên quan đến khoa học. Xin cho độc giả Nguồn Sáng biết quan điểm của bạn về hai điều này. Nói chi tiết.

Thực ra mình thích đề tài sống theo Lời Chúa, vì theo Bát Chánh Đạo của Thích Ca Mâu Ni, ta phải học hỏi để biết nghĩ đúng, làm đúng, nhìn đúng, nói đúng, sống đúng v.v.. và mình thấy Lời Chúa dạy khôn ngoan hơn lời của con người thế gian. Nhưng nếu chỉ nói Kinh Thánh suông thì mình thấy hơi hô hào, khó kết nối với thực tế, thiếu thuyết phục, nhất là với người chưa tin. Nếu ta đi ra từ các vấn đề trong đời sống, lập luận hợp lý, chứng minh bằng kết quả thực tế… thì Cơ Đốc nhân sẽ thấy Lời Chúa dễ học hỏi áp dụng hơn, còn người chưa tin Chúa sẽ thấy giá trị và sự khôn ngoan trong học theo Ngài. Vậy nên mình thích viết về niềm tin Cơ Đốc với đời sống, như những việc làm và thành tựu của Cơ Đốc nhân, chia sẻ trải nghiệm đời sống của họ, miêu tả bình luận các vấn đề đời sống qua góc nhìn Cơ Đốc v.v..

Mình cũng viết về khoa học và đức tin vì khoa học là một phần của đời sống. Mình hay đọc bài của mục vụ Creation.com (Mục Vụ Sáng Thế), chuyên diễn giải những vấn đề khoa học và đức tin bởi các tiến sĩ kỹ sư chuyên ngành. Họ chỉ ra những vấn đề của thuyết Tiến Hóa, thuyết Big Bang, phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ, v.v… nhưng mình ít dịch vì chúng thường dài và khó hiểu. Để hiểu một thuyết khoa học sai chỗ nào, ta phải hiểu các lập luận và bằng chứng của nó, rồi chỉ ra những lỗ hổng trong đó. Hiểu đã khó, thấy chỗ sai càng khó, diễn giải cho người đọc báo cách dễ hiểu thú vị lại càng khó hơn. Nhưng mình cũng có một số bài như:

  • Stephen Hawking đã sai: 3 lý do phải có Đức Chúa Trời
  • Núi St Helens vạch ra sai lầm của phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ 
  • Có phải có “hữu cơ” nghĩa là có sự sống? Thế nào là vật chất sống? 

(Xem thêm trên blog mình: bachkhoa.name.vn/khoa-hoc-va-duc-tin)

Mình thấy các thuyết khoa học có thể chia làm 2 loại: khoa học hữu ích và khoa học vô ích. Francis Bacon – cha đẻ của chủ nghĩa duy nghiệm và của phương pháp khoa học, người đặt nền móng cho cuộc Cách Mạng Khoa Học, nói rằng khoa học phải hướng đến việc làm đời sống con người tốt hơn qua những phát minh hữu ích cho cuộc sống, chứ không phải chỉ để suy diễn. Thuyết Tiến Hóa, thuyết Big Bang… là thuyết suy diễn chuyện trăm triệu năm trước, chẳng liên quan gì đến đời sống hiện tại, cũng chẳng có phát minh hay chỉ dạy gì giúp ta sống tốt hơn. Chừng nào các nhà tiến hóa học sáng chế ra phòng tiến hóa mà ai vào đó sẽ mạnh như siêu nhân, hay các nhà Big Bang học sáng chế máy tạo vũ trụ, thì chúng mới là khoa học hữu ích làm đời sống tốt hơn. Còn lại thì họ như những chiêm tinh gia ngày xưa, thông thái, diễn giải chuyện trên trời rất hay, được mọi người nể trọng, nhưng chẳng làm gì cho đời sống tốt hơn.

Thực tế thì mình thấy nhiều người tin theo thuyết Tiến Hóa chẳng quan tâm để biết nó lập luận gì, bằng chứng ra sao. Họ tin kiểu thói quen xã hội, giống như nhiều người tin Phật mà chẳng biết Thích Ca Mâu Ni là ai và ông dạy những gì, chỉ thấy người ta thờ thì thờ thôi. Vì họ tin theo thói quen đám đông nên họ cũng chẳng buồn đọc những bài nặng đầu để hiểu thực ra nó là gì và sai chỗ nào. Mà chúng là khoa học vô ích nên tin hay không cũng chẳng trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống. Hại nhất là chúng ngăn con người đến với Chúa, đấng ban phước dạy điều công chính, và khiến con người nghĩ mình xuất thân từ khỉ nên dễ làm chuyện khỉ.

Martin Luther King có câu nói rất hay về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo (ở đây là Cơ Đốc giáo): “Khoa học nghiên cứu, tôn giáo giải nghĩa. Khoa học cho con người tri thức là sức mạnh, tôn giáo cho con người sự khôn ngoan để kiểm soát. Khoa học chủ yếu xem xét các số liệu, tôn giáo chủ yếu xem xét các giá trị. Hai điều này không đối lập, chúng hỗ trợ cho nhau. Khoa học giữ cho tôn giáo khỏi ca hát rơi vào trũng tin những điều phi lý làm què quặt và ngu ngốc đến tê liệt. Tôn giáo giữ cho khoa học khỏi rơi vào vũng lầy của chủ nghĩa vật chất và vô đạo đức.” Để sống tốt, ta cần biết Lời Chúa để biết điều gì tốt mà làm, và biết khoa học hữu ích để có kiến thức kỹ thuật mà làm chúng cách hiệu quả. Các nước Cơ Đốc phát triển là vì vậy.

5. Theo bạn, Nguyệt san Nguồn Sáng đóng một vai trò gì trong công việc truyền giáo hiện nay, đem Tin Mừng của Chúa Jesus đến với người Việt khắp mọi tỉnh thành, quận huyện, thôn xóm của đất nước Việt Nam?

Cộng tác với các báo mạng, mình biết rằng xu thế thời đại là báo điện tử: rất tiện đọc, dễ chia sẻ, có khả năng tiếp cận hàng triệu người. Tuy nhiên, môi trường mạng có rất nhiều tiếng ồn, thời gian đọc ngắn, nhu cầu giải trí là chính, khó tiếp cận người không có thói quen lên mạng. Báo Nguồn Sáng có trang in đẹp đẽ, những bài viết gần gũi với đời sống, trên giấy tách biệt khỏi những ồn ào trên mạng, nên có thể để đến với những người báo điện tử khó tiếp cận, như người lao động nghèo ít dùng điện thoại thông minh, người lớn tuổi kém công nghệ, hay người còn sở thích xưa là đọc sách báo giấy. Mà thực sự Việt Nam còn rất nhiều người như vậy.

Với mình, mỗi tờ báo Nguồn Sáng là một gói thức ăn tâm linh Cơ Đốc. Với con cái Chúa, tờ báo bồi bổ tâm linh và kết nối đức tin với cuộc sống. Với người chưa biết Chúa, tờ báo sẽ cho họ nếm thử hương vị tâm linh Cơ Đốc, biết Ông Trời là ai, đời sống, nếp nghĩ của Cơ Đốc nhân và cách tương giao với Ông Trời. Hi vọng qua đó, tâm linh họ sẽ nhận thấy sự thiếu đói của mình, thấy sự đặc biệt của niềm tin Cơ Đốc, mà tìm đến với Chúa là Đấng sẽ cho họ bánh ăn không bao giờ đói và nước uống không bao giờ khát, tuôn trào đến sự sống đời đời. Xin Chúa chu cấp để báo Nguồn Sáng có thể mang những bữa ăn thuộc linh Cơ Đốc đến mọi nơi ở Việt Nam.