5 Lần Tôi Đứng Trước Cái Chết Và Các Biến Đổi Suy Nghĩ Từ Chúng

Con người thường sợ không dám nghĩ đến cái chết, nhưng Kinh Thánh nói đến nhà tang chế thì tốt hơn đến nhà yến tiệc, vì nó giúp ta nhớ đến điểm cuối của mình và trở nên khôn ngoan hơn (Truyền Đạo 7:2-4). Có lẽ là vì ta chỉ thực sự biết giá trị của một điều khi mình sắp mất nó, vậy nên ta chỉ thực sự biết giá trị của sự sống khi đứng trước cái chết. Và vì chết là điều tất yếu của mỗi người, ta sẽ sử dụng thời gian sống của mình hiệu quả hơn khi ý thức rằng nó hữu hạn.
Tôi bắt đầu có ý thức về sự chết khi đọc truyện tranh về cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni (nghĩa là Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca), khi ông trăn trở về số phận của kiếp người: sinh, lão, bệnh, tử. Có lẽ vì nó là quyển truyện tranh đầu tiên tôi đọc, nên những suy nghĩ cùng lời dạy của Thích Ca Mâu Ni đã ăn sâu vào đầu óc non trẻ của tôi, làm định hướng cho đường lối sống của tôi sau này. Vì vậy, những trăn trở về sinh lão bệnh tử của ông cũng hằn sâu trong tâm trí tôi, khiến tôi có ý thức nghĩ về cái chết, và cách sống sao cho tốt nhất. (Xem thêm [1])
1. Lần đầu tiên trước cái chết
Lần đầu tiên tôi “trải nghiệm” cái chết là trong một lần sốt cao. Hồi nhỏ, sức khỏe tôi yếu, hay bệnh, và bệnh thì hay sốt cao 40*C nằm liệt giường. Khi nằm sốt cao như vậy, tôi từng hay sợ mình sẽ chết. Có lần vì muốn được vào bệnh viện, tôi giả mê sảng nói lung tung, nhưng mẹ tôi thấy biết tẩy mà nói rằng “Ba mẹ là người lớn. Ba mẹ theo dõi con và biết khi nào nguy hiểm để xử lý. Con cứ nằm yên đó”. Rồi trong một lần nằm sốt cao như vậy, tôi bỗng thấy cảm giác sốt mất đi, người mình nhẹ tênh, lâng lâng trôi, rồi thế gian này xa dần, mờ dần… và mọi thứ đều tối… Có lẽ đây là cái chết. Nó cũng nhẹ nhàng, thư thái, dễ chịu, không gì đáng sợ… Thực ra thì tôi không chết mà chỉ chìm vào giấc ngủ, nhưng chuyện đó giúp tôi thấy sự chết cơ bản chỉ là một giấc ngủ vĩnh hằng.
Từ đó tôi không sợ chết nữa, vì xét cho cùng, chết là được yên nghỉ khỏi những khổ lão bệnh của thế gian này. Tôi còn tính rằng mình bệnh nhiều vậy thì chắc sẽ không thọ, sợ chỉ sống được đến 30 tuổi thôi. Vì đời mình ngắn ngủi nên không được phí thời gian, phải trải nghiệm nó. Từ đó tôi không lãng phí thời gian, sốt dưới 39* vẫn ráng đi chơi vì nằm nhà là phí thời gian. Tôi cũng sẵn sàng làm chuyện rủi ro để có trải nghiệm, vì đời là ngắn và mình đằng nào cũng chết. (Xem ra tôi có suy nghĩ YOLO từ trước khi nó phổ biến).
2. Lần thứ hai
Lần thứ hai tôi đứng trước cái chết là khi tôi vừa phẫu thuật mũi xong, sức đề kháng suy giảm nên tôi bệnh liên tục. Quá chán nản với việc bệnh & uống thuốc, tôi quyết định rèn luyện sức đề kháng của cơ thể mình bằng cách không uống thuốc nữa khi bệnh (cả kháng sinh lẫn hạ sốt). Kết quả là tôi có một tuần sốt cao, nằm liệt giường, ăn không nổi phải uống hộp 2L sữa thay cơm qua bữa. Cũng may là sau 1 tuần tôi dần hết sốt và khỏi bệnh, không thì ký túc xá ĐHQG Singapore sẽ lên báo là có 1 thằng sinh viên chết trong phòng không hiểu tại sao (Ở Singapore, ký túc xá ở 1 sinh viên / 1 phòng nên không ai biết vụ này, và tôi không nói với gia đình). Sau khi khỏi bệnh thì tôi không bệnh liên tục nữa, xem ra việc rèn luyện sức đề kháng đã có kết quả.
Từ đó tôi bắt đầu có ý thức “rèn luyện sức đề kháng của cơ thể”: dành thời gian thể dục thể thao, chấp nhận chịu bệnh sốt nếu không nguy hiểm, tiếp xúc cát bụi vi trùng để kích thích đề kháng. Tôi cũng nhận ra rằng cái chết không đáng sợ bằng cuộc sống đau yếu bệnh tật. Vậy nên phải luôn rèn luyện gìn giữ sức khỏe.
Sau lần sốt cao kéo dài đó, đầu óc tôi tự nhiên trở nên văn vẻ hơn, thích đọc sách & viết chuyện, nghe chia sẻ tâm sự, cảm nhận ngôn lời, v.v… Vừa bệnh dậy, tôi viết bài “Chuyện tôi học võ” đăng trên diễn đàn sinh viên Việt Nam ỏ ĐHQG Singapore được mọi người khen. Đầu óc văn vẻ này giúp tôi yêu thích văn học Cơ Đốc, vốn chủ yếu là lời chia sẻ tâm sự, cũng như đọc Kinh Thánh, cơ bản là chuyện kể và lời chia sẻ tâm sự của Chúa đến con người.
3. Lần thứ ba
Lần thứ ba tôi “trải nghiệm” cái chết là sau khi tôi vừa tìm hiểu xong Kinh Thánh, từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền. Tôi thấy mình sống trong kỳ Khải Huyền, “mọi người, cả bé lẫn lớn, giàu lẫn nghèo, tự do lẫn nô lệ đều phải có một dấu trên tay phải hoặc trên trán“, và “không ai có thể mua hay bán được nếu không có dấu ấy” (Khải Huyền 13:16-17). Và tôi biết sách Khải Huyền dạy rất rõ: “Nếu người nào thờ lạy con thú cùng hình tượng nó và nhận dấu trên trán hay trên tay mình, thì người ấy sẽ uống rượu thịnh nộ không pha của Đức Chúa Trời rót vào chén thịnh nộ của Ngài, sẽ bị đau đớn trong lửa và lưu huỳnh trước mặt các thiên sứ thánh và trước mặt Chiên Con” (Khải Huyền 14:9-10), vậy nên tôi từ chối dấu Con Thú, chấp nhận mất khả năng mua bán hay làm việc, và cuối cùng chết đói. Sau đó, Chúa hiện ra dạng bóng sáng hình người và hỏi tôi “Nếu ngươi theo Ta, điều này có thể xảy ra, ngươi có chịu không?” Tôi suy nghĩ thấy rằng dù có tin nhận dấu Con Thú thì mình cũng chỉ sống trong quỳ phục được thêm vài năm, rồi sẽ bị ung thư và chết bị đau đớn trong lửa và lưu huỳnh đời đời. Vậy nên tôi trả lời “Vậy vẫn tốt hơn. Chết lên thiên đường với Chúa còn hơn sống nhục thêm vài năm rồi chết xuống địa ngục đời đời”. Chúa nói “Tốt lắm”. Xong tôi tỉnh dậy và biết mình giờ là Cơ Đốc nhân, và bắt đầu tìm nhà thờ để sinh hoạt Cơ Đốc. (Xem thêm [2])
Từ đó tôi theo Chúa, học sống theo lời dạy của Chúa, sinh hoạt hội thánh với anh em trong Chúa, và phụng sự Chúa trong các công tác mục vụ. Tất nhiên là tôi vẫn chăm chỉ làm việc để được đủ ăn đủ mặc đời này, nhưng tôi không quá quan tâm đến việc tích lũy kho báu trên đất, vì tôi ý thức rằng rồi mình sẽ phải rời bỏ chúng. Tôi nuôi dưỡng và tích lũy những gì mình có thể đem theo tới sự sống đời đời: tâm trí, linh hồn, cũng như những phần thưởng Chúa sẽ ban tặng cho những ai yêu mến làm việc cho Ngài.
4. Lần thứ tư
Lần thứ tư tôi đứng trước cái chết là trong một suýt chết khi đi leo núi Rinjani 3300m ở Indonesia (Xem thêm [3]). Việc đi leo núi này là rủi ro, và ba mẹ khuyên tôi đừng đi, nhưng YOLO, đời sống ngắn ngủi, một trải nghiệm độc đáo như vậy sao tôi có thể bỏ qua. Lúc đó chúng tôi xuất phát từ 2g sáng để lên đỉnh núi đón bình minh. Nhưng giữa đường trời mưa bão dữ dội đến độ tôi mà đứng thẳng thì đèn pha cầm trên tay soi ko rõ đất dưới chân để bước, vì màn mưa quá dày. Tôi và một bạn khác bị trục trặc kỹ thuật phải quay về trước, còn đoàn tiếp tục đi. Mò mẫm đi xuống một lát chúng tôi thấy đường lạ quá nên quyết định ko đi nữa để tránh lạc thêm và nép vào 1 vách đá. Chỉ là vách đá thôi nên mưa gió vẫn tạt vào người. Đó là đỉnh núi 3300m nên nhiệt độ chỉ tầm 10*C, nước rất lạnh. Dù có áo lạnh chống nước nhưng tôi vẫn cảm thấy nước và lạnh dần thấm vào. Thằng bạn nói chắc phải sáng mai người ta mới tới cứu. Thấy người mình ẩm & lạnh dần, tôi sợ mình ko còn ấm nổi tới sáng mai.
Dần tôi nghĩ đến chuyện linh hồn mình sẽ lên gặp Chúa, và suy nghĩ xem mình sẽ trả lời với Chúa thế nào về những gì mình đã làm ở đời này. Tôi biết mình phạm nhiều tội với Chúa, nên tôi xưng hết những tội mà mình nhớ được. Tôi xin Chúa tha tội trong danh Chúa Giê-xu vì Chúa Giê-xu đã trả thay cho tội tôi trên thập giá. Tôi có phục vụ Chúa, dâng hiến cho hội thánh và thêm nữa cho các mục vụ, còn giúp việc mục vụ nữa. Vậy nên tôi hi vọng lên đó sẽ có thưởng, nhưng tiếc là đời sống ngắn ngủi nên chưa tích lũy được nhiều. Nếu Chúa cho sống thêm sẽ có nhiều thời gian thêm.
Nghĩ đến đó tự nhiên tôi nghe “đứng lên đi về nào”. Lúc nghe tôi tưởng thiên sứ đến gọi mình đi, nhưng ra là 1 người dẫn đường tìm được tụi tôi. Thực ra kiếm bọn tôi không khó như tôi tưởng, vì chúng tôi chỉ lạc ra khỏi đường chính 1 quãng ngắn, và đèn pha chúng tôi đang chỉ thẳng lên trời như hải đăng. Mưa làm khó nhìn đường chứ 4g sáng trên núi tối thui thì 2 cột sáng dễ thấy lắm. Rồi chúng tôi theo anh ta về tới lều an toàn.Về tới cái lều, dẫu người vẫn còn lạnh run, tôi vội quỳ xuống cầu nguyện cảm ơn Chúa đã cho mình thêm thời gian sống trên đất để làm thêm việc cho Ngài và tích lũy kho báu trên thiên đường cho mình. Lên thiên đường với Chúa là một điều tốt, nhưng lên sớm quá chẳng làm được gì nhiều cũng dở, và ko có điều kiện tích lũy phần thưởng của Chúa trên thiên đàng cũng uổng. Lần đó mưa bão tới nỗi đoàn tôi ko ai lên đến đỉnh. Về hết. May mà cũng ko ai bị gì.
Từ đó tôi có ý thức hơn về việc phải chuẩn bị sau này lên gặp Chúa và trả lời với Chúa về những việc mình làm trên đất. Vậy nên tôi tích cực hơn trong công việc phụng sự Chúa trên đất để tích lũy kho báu của mình trên thiên đàng.
5. Lần thứ năm
Lần thứ năm tôi đứng dưới cái bóng của sự chết là khi suy nghĩ có nên tiêm vaccine Covid hay không. Thực ra tỉ lệ tử vong khi tiêm chỉ tầm 2-3/100.000, tức là 1 triệu người chỉ có 20-30 người bị, nhưng đã có 2-3 người lên báo rồi nên tôi cũng hơi lo ngại. Sau khi tham vấn nhiều lời khuyên và cầu nguyện, tôi tin biết Chúa là đấng tể trị và kiểm soát mọi điều, cả kết quả rút thăm (Châm Ngôn 16:33), nên Chúa có thể bảo vệ tôi khỏi rủi ro trên dễ dàng. Ngoài ra tôi thấy mình không có gì để lo sợ khi gặp Chúa, và “ra đi và về ở với Đấng Christ là điều tốt hơn rất nhiều” (Phi-líp 1:23), vậy nên tôi chuẩn bị những gì cần thiết, học cách ăn uống gìn giữ tránh rủi ro, cầu nguyện và đi tiêm.
Thiệt, giờ mà còn sợ chết gì nữa, nhưng việc này cũng nhắc nhở tôi một lần nữa về sự tể trị của Đức Chúa Trời, cũng như ý thức phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho việc gặp Chúa, vì rủi ro là luôn có trong đời sống. Đi đường có thể bị tai nạn, ở nhà có thể bị ung thư, không cũng già yếu mà chết.
Tổng kết
Con người hay sợ nghĩ đến cái chết, nhưng ta chỉ thực sự ý thức được giá trị của sự sống khi đứng trước cái chết. Và chỉ khi ý thức được giá trị của sự sống và nhận biết thời gian sống là hữu hạn, ta mới có ý thức sống cách hiệu quả, để dùng thời gian sống hữu hạn của mình cho những mục tiêu giá trị.
Tôi có cơ duyên ý thức được cái chết và thời gian sống hữu hạn của kiếp người từ khi còn rất nhỏ qua lời dạy của Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca (đức Thích Ca Mâu Ni). Qua thời gian, những lần ở trước cái chết mà ngẫm nghĩ giúp tôi hiểu rõ hơn về cái chết, và từ đó canh chỉnh đường lối sống mình sao cho sử dụng thời gian hiệu quả nhất, có trải nghiệm thú vị nhất, và sẵn sàng cho việc phải đứng trước đấng Sáng Tạo mà tường trình những gì mình đã làm trên đất này. Ý thức về cái chết giúp tôi không quá tập trung vào đời này, mà nuôi dưỡng và tích lũy những gì mình có thể đem theo tới sự sống đời đời: tâm trí, linh hồn, cũng như những phần thưởng Chúa sẽ ban tặng cho những ai yêu mến làm việc cho Ngài.
Xem Thêm
1. Chuyên tôi từ Nhà Thông Thái Xứ Thích Ca đến Đấng Christ
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/tu-nha-thong-thai-xu-thich-ca-den-dang-christ/
2. Chuyện tôi ở Singapore gặp Chúa
https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/o-singapore-gap-chua/
3. Chuyến đi leo núi Rinjani của tôi (nhưng chỉ có hình những lúc trời đẹp)
https://www.facebook.com/media/set/?set=a.476614594380&type=3