Các Điểm Hay Và Đúng Của Tin Lành Thịnh Vượng, Và Các Điểm Cần Nhắc Nhớ

Tin Lành Thịnh Vượng (TLTV) có tên như vậy vì nó là Tin Lành về Chúa Giê-xu mà nhấn mạnh vào việc Đức Chúa Trời sẽ ban thịnh vượng, khỏe mạnh và hạnh phúc cho ai tin Ngài. TLTV hay được biết đến qua những hội thánh phát triển mạnh mẽ thu hút hàng trăm ngàn người, cũng những tai tiếng về đời sống xa hoa hay vướng vòng lao lý vì biển thủ công quỹ của các mục sư như David Yonggi Cho ở Hàn Quốc, Kong Hee ở Singapore, hay Benny Hinn, Robert Schuller ở Mỹ. Nhưng khi nhóm ở một hội thánh quốc tế với tín hữu đến từ hơn 32 nước và đủ các hệ phái giáo lý khác nhau, tôi được tiếp xúc với một số tín hữu gốc TLTV từ Singapore và họ là những người hiểu biết, thành đạt, tin kính Chúa, năng nổ cầu nguyện và nhiệt tình phụng sự. Đây quả là những tín hữu lý tưởng, và là lý do tại sao một số hội thánh TLTV lại phát triển nhanh chóng và lớn mạnh đến vậy. Điều này cho tôi thấy khuôn mặt người của TLTV, khiến tôi nghĩ sâu và nhận thấy một số điểm hay và phần đúng của họ, cùng những phần mà người TLTV cần nhắc nhớ.

Tôi biết mình có thể bị chỉ trích bởi người theo Tin Lành truyền thống lẫn người theo Tin Lành Thịnh Vượng, nhưng tôi hy vọng bài này có thể giúp người Tin Lành truyền thống thấy phần  mạnh và đúng của TLTV mà họ có thể học tập, và giúp người TLTV thấy phần Kinh Thánh họ hay bỏ quên, mà thực sự thì người Tin Lành truyền thống đôi khi cũng có thể quên.

A. Điểm Hay Và Phần Đúng Của Tin Lành Thịnh Vượng

Nói đến Tin Lành Thịnh Vượng, người ngoài hay nghĩ đến những xì-căng-đan đình đám như đời sống xa hoa của Benny Hinn (xem 1), việc mục sư David Yonggi Cho bị phạt vì biển thủ 12 triệu USD hay mục sư Kong Hee xài sai quy định 23 triệu USD quỹ hội thánh, sự phá sản của Nhà Thờ Kính của Robert Schuller, và những chuyện khủng khiếp ở châu Phi… Nhưng nếu bạn thật sự gặp người ở hội thánh của mục sư David Cho ở Hàn Quốc hay Kong Hee ở Singapore, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ là những người hiểu biết, thành đạt, có lòng tin kính Chúa, năng nổ cầu nguyện và nhiệt tình phụng sự. Đó là những tín hữu lý tưởng cần có cho một hội thánh phát triển, và có lẽ đó là lý do tại sao các hội thánh Tin Lành Thịnh Vượng đó lại phát triển nhanh chóng và lớn mạnh đến vậy.

Tôi có trải nghiệm này vì tôi sinh hoạt ở một hội thánh quốc tế với tín hữu đến từ hơn 32 nước với đủ các hệ phái giáo lý khác nhau. Để thống nhất, thay vì theo một giáo lý nào đó, hội thánh giảng sát theo Kinh Thánh, sách từng sách, chương từng chương, câu từng câu, và không có nói tiếng lạ. Nhưng trong mỗi nhóm nhỏ thì khi các thói quen hệ phái gốc của mỗi người vẫn thể hiện khá rõ trong cách suy nghĩ và cầu nguyện. Và tôi đoán rằng trong nhóm nhỏ của tôi có người theo hướng Tin Lành Thịnh Vượng qua cách họ chia sẻ và cầu nguyện. Nhờ đó, tôi thấy được khuôn mặt người của TLTV cùng điểm mạnh và cả phần đúng của nó khi ta nhìn nó trong những con người bình dị và hiểu biết dù hơi quá mong muốn được thịnh vượng và khỏe mạnh.

Lưu ý là tôi gặp người TLTV ở Singapore, nên họ rất lịch sự và trí thức. Có nhiều chuyện kể về TLTV ở châu Phi nghe ghê gớm lắm. Nhưng tôi thấy không công bằng khi đánh giá một điều bằng những gì tệ nhất ở một nơi xa xôi kém phát triển như vậy,

1. TLTV cầu nguyện nhiệt tình về những vấn đề gần gũi với đời sống tín hữu

Ở các hội thánh truyền thống, lời cầu nguyện thường rất trang trọng cao siêu về những vấn đề to lớn, và hoặc khá đơn giản nhẹ nhàng chóng váng cho những vấn đề cá nhân. Còn người TLTV họ rất khuyến khích chia sẻ những vấn đề cá nhân, và cầu nguyện cho những điều cụ thể trong cuộc sống. Họ cầu nguyện cho công việc, cho sức khỏe, cho sự học hành của con cái, cho những nan đề trong đời sống. Và họ cầu nguyện rất mạnh mẽ, nhiệt thành và dài, như nài nỉ thậm chí quấy rầy Chúa để được nghe vậy (Lu-ca 18:4). Nhờ đó, tín hữu cảm thấy thực sự được Chúa nghe, quan tâm và giúp đỡ trong đời sống.

2. TLTV cho người ta hy vọng và sức mạnh cho những nan đề trong cuộc sống

Trong một buổi nhóm online, nhóm tôi được viếng thăm bởi một thành viên cũ, nay bị ung thư dù tuổi còn trẻ và phải qua châu Âu chữa trị. Mọi người liền dành cả buổi để động viên và cầu nguyện. Họ lần lượt chia sẻ những lần được Chúa cứu giúp qua những khó khăn (về công việc và tài chính) tưởng chừng không vượt qua được, và khẳng định Chúa sẽ chữa lành cho anh đó. Tôi im lặng không biết nói gì, vì tôi quen 2 bạn trẻ bị ung thư và cả hai đều về nước Chúa vì bệnh. Cuối cùng khi bị thúc chia sẻ, tôi đành chia sẻ chuyện người bạn bị ung thư của mình, và kể Chúa cho bạn ấy sự bình an, thanh thản trước cái chết và niềm tin vào sự sống đời đời đến độ bạn ấy đã làm chứng cho mẹ và chị mình tin Chúa. Tôi cầu nguyện (cách khá yếu ớt) xin Chúa thương xót chữa lành cho anh kia, nhưng quan trọng hơn là xin Chúa cho anh sự bình an và niềm tin vào sự sống đời đời ở trong Ngài dù ý Chúa là gì đi nữa.

Tôi phải thừa nhận dù lời chia sẻ và cầu nguyện của tôi là theo kinh nghiệm thực tế, nhưng nó chắc không an ủi động viên người bệnh lắm. Ngay khi tôi dứt lời, một anh trong nhóm lập tức cầu nguyện rất mạnh mẽ và khẳng khái rằng đây không phải là ý Chúa cho anh kia, mà ý Chúa cho anh kia là sẽ được chữa lành hoàn toàn và anh ấy sẽ sống để làm chứng cho Chúa về phép lạ Ngài đã làm cho mình v.v… Tôi phải thừa nhận lời cầu nguyện của anh ta đem lại nguồn động viên và hi vọng cho người bệnh hơn nhiều.

3. TLTV cộng hưởng với tiềm thức của con người

Niềm tin rằng Chúa quan tâm, ban thịnh vượng, sức khỏe và phước hạnh cho người tin theo Ngài nghe rất hợp lý. Chẳng lẽ Chúa không quan tâm, không muốn con cái được thịnh vượng khỏe mạnh và không ban thưởng người phụng sự Ngài? Chẳng lẽ Chúa không muốn chữa lành, giúp đỡ, chu cấp đầy đủ cho con cái Ngài? Tôi đã thấy suy nghĩ này ở nhiều nơi, nhiều người trong hội thánh truyền thống. Ngay cả Kate Bower, một học giả về TLTV của hệ phái truyền thống Mennonites chủ chương sống đơn giản, chợt nhận ra mình có nhiều suy nghĩ của TLTV khi cô bị ung thư giai đoạn cuối (xem 2), vì cô đã tin rằng sống đẹp lòng Chúa sẽ giúp cô có một cuộc đời tốt đẹp và khỏe mạnh. 

Cả với tôi, khi được hỏi bạn có muốn biết về Chúa Giê-xu không? Tôi trả lời “Tôi thấy người Do Thái, người Hy Lạp, La Mã, người Phương Tây tin theo Chúa và xã hội họ rất văn minh, phát triển. Vậy nên tôi cũng muốn biết Chúa dạy gì” (xem 3). Tính ra có thể tôi đã không quan tâm Cơ Đốc giáo nếu nó là niềm tin của một nhóm thổ dân lạc hậu hoang dã nghèo đói nào đó. Và khi tìm cách so sánh khách quan giữa các tôn giáo trên thế giới, tôi hài lòng với số liệu người Do Thái và Cơ Đốc chiếm 86.5% số giải Nobel (xem 4) và chiếm 55% của cải thế giới (xem 5) dù chỉ chiếm 31.3% dân số thế giới. Vậy là tôi hài lòng với việc dùng giải Nobel và của cải làm thước đo KPI giữa các tôn giáo, và những người theo Chúa đứng đầu. Vậy là dù tôi luôn tâm niệm “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn… lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.” (1 Ti-mô-thy 6:6-10), trong tiềm thức mình, tôi cũng khá quan tâm đến sự thịnh vượng và phát triển của người tin Chúa.

4. TLTV cho người ta nhiệt huyết phụng sự công tác Chúa 

Vì người TLTV cầu nguyện rất nhiệt tình cho những vấn đề trong cuộc sống mình, khi những gì họ cầu nguyện thành sự thật, họ rất biết ơn Chúa và nhiệt thành phụng sự công tác Chúa để báo đáp. Họ nhiệt tình chia sẻ làm chứng những phước lành Chúa ban cho đời sống mình, và kêu gọi mọi người xung quanh đến cùng hưởng các phước lành của Chúa. Và họ cũng tin rằng “công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1 Cô-rinh-tô 15:58), và “mỗi người sẽ nhận được tiền công tùy theo công sức của mình.” (1 Cô-rinh-tô 3:8). Vậy nên họ rất nhiệt tình với việc Chúa. Ta có thể nói họ làm vậy để được thịnh vượng và ơn phước, hoặc nhắc nhở rằng nhiều tiền công phần thưởng là ở đời sau, nhưng phải thừa nhận rằng suy nghĩ này có lý, và Chúa sẽ là bất công nếu không thưởng gì cho người hăng say giúp đỡ công việc Ngài.

5. TLTV có phần đúng với Kinh Thánh, dù đôi khi Chúa có kế hoạch khác

Người hướng Tin Lành Thịnh Vượng mà tôi biết không phải là không biết gì về Kinh Thánh, họ nhớ, trích rất tốt và công bố rất mạnh mẽ những câu Chúa hứa sẽ giúp đỡ, ban thành công, chữa lành, dẫn dắt v.v… cả với những chuyện tưởng chừng như vô vọng như chuyện ung thư tôi kể ở trên. Thực ra ta cần phải xét ngữ cảnh gốc của câu, và so sánh với các câu khác cùng chủ đề, vì có nhiều điều Chúa hứa và làm cho người xưa không áp dụng cho chúng ta ngày nay. Nhưng đẹp lòng Chúa cũng có thể làm cho ta ngày nay, và ta có thể hy vọng như vậy.

Và sẽ là sai nếu nói rằng Chúa sẽ chẳng quan tâm hay giúp đỡ gì đến đời sống, sức khỏe và hạnh phúc của con dân Ngài. Những lời hứa giúp đỡ, ban phước lành, thành công, chữa lành có rất nhiều, đủ để là một chủ đề của Kinh Thánh. Và những thành tựu của người Cơ Đốc và người Do Thái tôi nói ở trên đủ để chứng minh cách khách quan là Chúa có làm vậy ngày nay. Sau đây là một số ít ví dụ, vì sẽ là quá nhiều nếu tôi trích hết các câu Kinh Thánh liên quan đến chủ đề Chúa ban thành công, chữa lành, bình an, phước hạnh và thành công

Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng con, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong đó. Vì như thế, con mới được thịnh vượng trong con đường mình và mới thành công.“ – Giô-suê 1:8

“Có ai trong anh em đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến; họ sẽ nhân danh Chúa cầu nguyện và xức dầu cho người bệnh. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người ấy dậy; nếu người bệnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm.”  – Gia-cơ 5:14-16

“Bởi Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, tri thức và niềm vui cho người nào đẹp lòng Ngài; nhưng Ngài khiến kẻ có tội phải lao khổ mà thu góp chất chứa để rồi trao lại cho người đẹp lòng Đức Chúa Trời. Điều đó cũng là hư không, theo luồng gió thổi”Truyền Đạo 2:26

“Ta để sự bình an lại cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi”Giăng 14:27

“Những người ấy bởi đức tin đã chinh phục các vương quốc, thực thi công lý, nhận được những lời hứa, bịt mồm sư tử, tắt ngọn lửa hừng, thoát khỏi lưỡi gươm, thắng bệnh tật, trở nên dũng cảm trong chiến trận, khiến quân ngoại xâm chạy trốn. Có các phụ nữ nhận lại thân nhân mình từ cõi chết sống lại…” – Hê-bơ-rơ 11:33-35a

Với người Tin Lành ở Hàn Quốc hay Singapore, ước nguyện thịnh vượng, khỏe mạnh và hạnh phúc không phải là chuyện xa vời. Họ có năng lực trình độ, đất nước thịnh vượng, giáo dục y tế phát triển. Chỉ cần họ sống tốt, làm việc chăm chỉ, nhiệt tình và có quan hệ tốt là sẽ có cuộc sống thịnh vượng, khỏe mạnh và hạnh phúc. Hội thánh TLTV cũng thúc đẩy họ sống tốt, tránh điều xấu và có quan hệ rộng. Vậy nên với phước lành của Chúa và sự thông công của hội thánh, phần lớn họ thực sự có được sự thịnh vượng, khỏe mạnh và hạnh phúc mà mình mong đợi. Chẳng có gì sai khi họ mong muốn và tiếp nhận nó. Chúa không kêu gọi tất cả mọi người từ bỏ cuộc sống mình đang có để đi truyền giáo các nơi, chỉ một số người được kêu gọi. Và với những người còn lại, việc biết ơn Đức Chúa Trời, sống đẹp lòng Chúa và đóng góp cho công việc của Chúa là đủ.

B. Phần Cần Nhắc Nhớ Của Tin Lành Thịnh Vượng

Khi quá nhấn mạnh những điều trên, TLTV sẽ dễ quên hoặc hay bỏ qua nhiều phần khác của Kinh Thánh cũng quan trọng của Kinh Thánh. Và thực sự, nhiều người ở Tin Lành truyền thống cũng cần được nhắc những điều này

1. Để ý những điều kiện kèm theo của lời hứa

Người TLTV rất giỏi nhớ những lời hứa của Chúa. Mà nhiều lời hứa trong Kinh Thánh có điều kiện ứng nghiệm của nó, như Giô-suê 1:8 đòi hỏi phải suy ngẫm ngày đêm và cẩn thận làm theo mọi điều trong sách, Gia-cơ 5:4-16 cần là có đức tin, xưng tội và là người công chính. Nhiều lời hứa trong Thi Thiên ngữ cảnh gốc là cho Đa-vít hay đấng Mê-si, chúng ta có được ơn để Chúa có áp dụng nó cho mình hay không thì còn tùy. Vậy nên khi nhắc đến các lời hứa của Chúa ta cần để ý điều kiện ứng nghiệm của lời hứa, đừng cứ nghĩ rằng nói nhiều thì sẽ được nhiệm trong khi các điều kiện không thỏa. 

2. Đừng hiểu nghĩa từ theo cách thế gian hay cách các giáo sư tham lam trần tục giảng, phải hiểu theo nghĩa của Kinh Thánh

Con người hay hiểu chữ “thịnh vượng” theo lượng của cải họ có được, kiểu 1234 – 1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh. Nhưng Chúa hiểu nghĩa khác, vì “(Chúa Giê-xu) phán với họ: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật.” (Lu-ca 12:14) Giàu quá cũng mệt. Jack Ma nói rằng ông sống vui hơn khi còn là một giáo viên tiếng Anh so với khi là người người giàu nhất Trung Quốc. Tiền chẳng còn là của mình mà chúng trở thành trách nhiệm nặng nề phải gánh vác (xem bài). Mà giờ ông xuống nhiều rồi, chắc còn buồn hơn nữa.  Sự “thịnh vượng” với Chúa là một sự sống sung mãn (Giăng 10:10), đầy “yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22-23), với hy vọng về của cải trên trời không sợ mất (Ma-thi-ơ 6:20) và sự sống đời đời ở Nước Chúa tươi đẹp. Vậy chẳng phải là sự thịnh vượng tốt hơn của Jack Ma sao?

Ngoài ra còn nhiều chỗ con người hay hiểu sai lời Chúa khi hiểu nghĩa thế gian của từ. Như sự bình an trong Chúa Giê-xu (Giăng 14:27) khác với sự bình an của thế gian. Nó là sự bình an giữa phong ba bão tố vì có Chúa tể trị và gìn giữ, không phải sự bình an khi mọi chuyện êm ả trôi chảy như người thế gian. Người TLTV cần học kỹ lời Chúa kẻo hiểu sai dùng nghĩa từ của thế gian làm hiểu sai so với Kinh Thánh.

3. Chúa có nhiều mục đích tốt đẹp cho Cơ Đốc nhân ngoài thịnh vượng và khỏe mạnh

Con người ai chẳng muốn được thịnh vượng và khỏe mạnh, nhưng có nhiều điều tốt đẹp hơn mà Chúa muốn dành cho Cơ Đốc nhân, dù nó có thể khiến họ phải chịu gian khổ, nghèo đói và bệnh tật. Vậy nên khi ý Chúa muốn ta phải trải qua những điều này, hãy đón nhận với lòng vâng phục ý Chúa được nên. Một số điều Chúa có thể khiến Cơ Đốc nhân chịu gian khổ bệnh tật là

3.1. Để rèn luyện nhân cách họ

Chịu gian khổ một lúc để trở thành một con người giàu kiên nhẫn, nghị lực và hi vọng cũng nhiều tính tốt khác có vẻ là một cái giá xứng đáng

“Không những thế, chúng ta cũng vui mừng trong gian khổ nữa, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên nhẫn, kiên nhẫn sinh ra nghị lực, nghị lực sinh ra hi vọng” (Rô-ma 5:3)

3.2. Để chứng tỏ cho Sa-tan rằng họ thực sự yêu Chúa chứ không phải chỉ theo Chúa để được của cải và bảo vệ

Chúa cho phép Sa-tan hành hạ Gióp để chứng thực ông kính sợ Chúa không phải để được bảo vệ và ban phước (Gióp 1:9-12). Chắc ít người tình nguyện chịu thử thách này, và Gióp cũng không mong muốn nó, nhưng ý Chúa được nên. Được cái Chúa không cho Sa-tan hại chết Gióp (Gióp 2:6), và sau thử thách Chúa ban lại cho ông gấp đôi số từng có (Gióp 42:10)

“Lẽ nào Gióp kính sợ Đức Chúa Trời vô cớ sao? Chẳng phải chính Ngài đã dựng hàng rào bảo vệ quanh ông ta và gia đình cùng mọi sản vật của ông ta đó sao? Ngài đã ban phước trên công việc của tay ông ta và làm cho của cải ông ta lan tràn khắp đất. Nhưng bây giờ Chúa thử giơ tay đánh vào tất cả những gì thuộc về ông ta, xem ông ta có phỉ báng Chúa ra mặt không!”

Ngày nay, Sa-tan vẫn có thể hành hạ một số Cơ Đốc nhân qua sự bắt bớ ở thế gian. Nhẹ có thể là chỉ kỳ thị giễu cợt, nhưng nặng có thể loại khỏi cộng đồng (Giăng 9:22), bị cấm buôn bán (Khải Huyền 13:16), phá hoại tịch thu tài sản, lưu đày và giết chóc (Khải Huyền 13:10). Đây là một thực tế xảy ra nhiều nơi trong suốt lịch sử, và sẽ còn xảy ra. Nên nếu xảy ra với mình, ta phải chịu đựng nó bằng lòng kiên nhẫn và đức tin (Khải Huyền 13:10), và chạy trốn nếu được (Ma-thi-ơ 10:23), chấp nhận từ bỏ của cải không thể mang theo (Lu-ca 21:21). Dẫu có thể không được bảo vệ mạng sống hay hồi phục gấp đôi như Gióp, Cơ Đốc nhân có thể tự an ủi là Chúa sẽ phán xét thế gian cách xứng đáng (Khải Huyền 17-19),và họ sẽ nhận được phần thưởng rất lớn trên thiên đàng

“Phước cho các con khi vì Ta mà các con bị mọi người nhục mạ, bắt bớ, vu cáo đủ mọi điều xấu. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của các con ở trên trời là rất lớn; bởi vì các nhà tiên tri trước các con cũng từng bị người ta bắt bớ như vậy.”Ma-thi-ơ 5:11-12

3.3. Để thực hiện công việc Chúa giao

Chúa để dân sự Ngài trên đất không phải để vui hưởng thịnh vượng và khỏe mạnh ở thế gian. Vui hưởng ở nước Chúa sẽ trọn vẹn và phước hạnh hơn rất nhiều. Chúa để dân sự Ngài trên đất để thực hiện Đại Mạng Lệnh của Ngài: “hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con.” (Ma-thi-ơ 28:19-20) và làm những điều lành tỏa sáng danh Chúa (Ê-phê-sô 2:10, Ma-thi-ơ 5:16). Đây là công việc có thể phải hi sinh nhiều ích lợi thế gian và chịu đựng nhiều gian khổ, nhất là những người làm mục vụ toàn thời gian (2 Ti-mô-thê 4:5, 2 Cô-rinh-tô 24-29).

Không phải mọi Cơ Đốc nhân đều được kêu gọi toàn thời gian làm nhà truyền giáo đi các nơi rao giảng Tin Lành hay làm công tác mục vụ. Việc truyền giáo, mục vụ và việc lành cần sự đóng góp dâng hiến tài chính, cầu nguyện và thời gian. Và đó là nghĩa vụ của mọi Cơ Đốc nhân

4. Cần chỉnh sửa và khiển trách các mục sư và giáo sư của mình khi họ sai

Nhiều người Tin Lành Thịnh Vượng, và cả người Tin Lành truyền thống, hay nghĩ rằng một người phục vụ Chúa mặc nhiên sẽ là thánh thiện, được Đức Thánh Linh dẫn dắt và không phạm sai lầm hay sa ngã. Không, phạm sai lầm mới là con người, và lịch sử hội thánh đầy dẫy những sai lầm chứ không thì thế gian đã thành thiên đường. Còn chuyện một người phục vụ Chúa sa ngã là có thể xảy ra. Kinh Thánh dạy sẽ có nhiều tiên tri giả, giáo sư giả sẽ xuất hiện ngay giữa lòng hội thánh, tham lam dùng lời dối trá để trục lợi Cơ Đốc nhân:

“Nhưng đã có nhiều kẻ tiên tri giả xuất hiện trong dân chúng, và cũng sẽ có các giáo sư giả trong anh em; họ sẽ bí mật truyền bá các tà giáo nguy hại, lại chối bỏ Chúa là Đấng đã chuộc mình, nhanh chóng chuốc lấy cho mình sự diệt vong. Nhiều người sẽ đi theo sự phóng túng của họ; vì họ mà con đường chân lý bị xúc phạm. Vì lòng tham, họ dùng những lời lẽ dối trá để trục lợi anh em; án phạt dành cho họ từ lâu nay vẫn còn hiệu lực, và sự diệt vong dành cho họ chẳng hề ngơi nghỉ.” 2 Phi-e-rơ 2:1-3

Trong Tân Ước có Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là thủ quỹ của Chúa Giê-xu (Giăng 12:6) rồi sau đó bán Chúa, và Đê-ma là người từng là bạn đồng lao của Phao-lô (Phi-lê-môn 1:24), cùng chịu tù ở Rô-ma (Cô-lô-si 4:14), nhưng rồi lìa bỏ ông vì những ham mê đời này (2 Ti-mô-thê 4:10). Lịch sử hội thánh cũng ghi nhận nhiều người ban đầu là những linh mục, giáo sư nổi tiếng xong sa ngã vì tiền bạc danh vọng giống Đê-ma hay quay ra giảng những tà giáo nguy hại như Marcio ở Sinope hay Pelagius. Cuộc cải chánh Tin Lành nổi tiếng là một cuộc xét lại mà chỉnh sửa những sai lầm tích lũy hàng trăm năm đã khiến giáo hội Trung Cổ kể cả Giáo Hoàng trở nên tham lam và sa ngã.

Về lời giảng, Kinh Thánh khen người Bê-rê là “ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không” (Công Vụ 17:11). Việc nghiên cứu Kinh Thánh để xem xét lại lời giảng sẽ giúp ta nhớ hơn, hiểu sâu rộng hơn về bài giảng, bên cạnh việc xem xét coi có điểm gì nhầm lẫn sai lạc không.

Về các lãnh đạo hội thánh, Kinh Thánh dạy “Đừng chấp nhận lời tố cáo chống lại một trưởng lão nếu không có hai hoặc ba nhân chứng. Hãy công khai khiển trách những kẻ cứ tiếp tục phạm tội, để những người khác phải sợ” (1 Ti-mô-thê 5:19-20) Vậy nên khi có nhiều nhân chứng tố cáo việc phạm tội, hội thánh phải suy xét và nếu đúng phải khiển trách công khai cả trưởng lão để mọi người biết sợ mà không phạm tội. 

Vậy nên Cơ Đốc nhân cũng phải luôn tỉnh thức mà kiểm tra, góp ý và chỉnh sửa cả những mục sư, giáo sư mà mình tin tưởng. Điều này sẽ giúp họ chỉnh sửa sai lầm và giữ họ đứng vững không sa ngã. Mục sư David Yonggi Cho ở Hàn Quốc, Kong Hee ở Singapore có lẽ đã không sa ngã, vướng vào vòng lao lý làm ô nhục danh Chúa, và lưu danh cách tốt đẹp nếu hội thánh để ý kiểm tra chỉnh sửa họ. Quyền lực làm con người tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối, và các lãnh đạo hội thánh không phải là ngoại lệ. Một lãnh đạo càng sa ngã sẽ càng sợ bị kiểm tra trách nhiệm, và càng giảng rằng mình được Đức Thánh Linh dẫn dắt nên mọi việc đều đúng và “Đừng đụng đến những người được xức dầu của Ta, Chớ làm hại các nhà tiên tri Ta!” (Thi Thiên 105:15) để giữ quyền lực và địa vị của mình.

Tổng Kết

Tin Lành Thịnh Vượng (TLTV) có tên như vậy vì nó là Tin Lành về Chúa Giê-xu mà nhấn mạnh vào việc Đức Chúa Trời sẽ ban thịnh vượng, khỏe mạnh và hạnh phúc cho ai tin Ngài. TLTV được biết đến qua một số hội thánh phát triển nhanh chóng và lớn cả trăm ngàn người như một phép lạ, cùng những tai tiếng về đời sống xa hoa hay vướng vòng lao lý vì biển thủ công quỹ, hay những chuyện khó tin ở châu Phi. Nhờ nhóm ở một hội thánh “tổng hợp”, tôi có dịp tiếp xúc với một số tín hữu gốc TLTV từ Singapore và thấy họ là những người hiểu biết, thành đạt, tin kính Chúa, năng nổ cầu nguyện và nhiệt tình phụng sự. Họ là những tín hữu cần có cho một hội thánh phát triển, và có lẽ là lý do mà một số hội thánh TLTV phát triển nhanh và lớn đến vậy. 

Tôi thấy điểm mạnh của TLTV là:

  1. TLTV rất chú trọng nhóm nhỏ, quan tâm chia sẻ với nhau và cầu nguyện rất nhiệt tình về những vấn đề gần gũi trong đời sống tín hữu. Điều này giúp tín hữu thực sự thấy Chúa quan tâm đến đời sống và nan đề của mình.
  2. TLTV giữ niềm tin và hy vọng vào phước lành của Chúa cả trong những nan đề tưởng như vô vọng trong cuộc sống như ung thư, và điều này giúp họ thêm sức mạnh đối mặt với nó
  3. TLTV cộng hưởng với tiềm thức của con người, khi nói rằng Chúa quan tâm, ban thịnh vượng, sức khỏe và phước hạnh cho người tin theo Ngài.
  4. TLTV giúp người ta biết ơn Chúa về những phước lành Ngài ban cho đời sống mình, nhiệt tình làm chứng về ơn phước Ngài, phụng sự Chúa và kêu gọi mọi người đến cùng hưởng phước Chúa
  5. TLTV cũng có phần đúng với Kinh Thánh, vì Chúa thực sự có giúp đỡ, ban phước lành, thành công, chữa lành cho người theo Ngài. Không có gì sai khi người theo TLTV hy vọng và trông đợi những điều này, và Cơ Đốc nhân nói chung cũng thế. 

Nhưng khi quá nhấn mạnh những điều trên, TLTV sẽ dễ quên hoặc hay bỏ qua nhiều phần khác của Kinh Thánh cũng quan trọng của Kinh Thánh. Và thực sự, nhiều người ở Tin Lành truyền thống cũng cần được nhắc nhớ những điều này:

  1. Đừng quên những điều kiện kèm theo trong các lời hứa của Chúa. Thay vì cứ cầu nguyện nhiều, ta cần học và làm theo các điều kiện của Chúa để được nhậm
  2. Coi chừng hiểu nghĩa từ ngoài ngữ cảnh hay hiểu theo cách nghĩ của thế gian, và cẩn thận với cách diễn giải của các giáo sư tham lam trần tục. Hãy thực sự tìm hiểu xem Kinh Thánh dùng từ đó với nghĩa gì. “Thịnh vượng” trong Kinh Thánh khác với “thịnh vượng” của thế gian, cũng như “bình an” của Chúa khác với “bình an” của thế gian.
  3. Chúa có nhiều mục đích tốt đẹp khác cho Cơ Đốc nhân ngoài thịnh vượng và khỏe mạnh, và Chúa sẵn sàng cho Cơ Đốc nhân trải qua gian khổ bệnh tật để có được chúng. Một số mục đích là
    1. Để rèn luyện nhân cách con cái Ngài
    2. Để chứng tỏ cho Sa-tan rằng họ thực sự yêu Chúa chứ không phải chỉ theo Chúa để được của cải và bảo vệ
    3. Để thực hiện công việc Chúa giao, như Đại Mạng Lệnh và các việc lành
  4. Cần kiểm tra, chỉnh sửa và khiển trách các mục sư và giáo sư của mình khi họ sai trong lời dạy, trong đời sống và trong cách quản lý tài chính hội thánh
This image has an empty alt attribute; its file name is Jesus-feeds-the-5000.jpg

Nghĩ đến sự phát triển nhanh chóng và lớn đến khổng lồ của các hội thánh Tin Lành Thịnh Vượng, tôi nhớ đến sự rao giảng Tin Lành của Chúa Giê-xu. Bằng các phép lạ và chữa lành, Chúa Giê-xu thu nhanh chóng thu hút theo mình một đoàn dân rất đông, có khi lên đến 5000 người chưa kể phụ nữ và trẻ em (Ma-thi-ơ 14:13-21, Giăng 6:10). Đây là con số khổng lồ ở xứ Giu-đa xa xôi hẻo lánh, phải tương đương với hàng trăm ngàn người ở đô thị đông đúc như Seoul. Sau khi Chúa hóa phép ban bánh và cá cho họ ăn uống no nê, ai muốn bao nhiêu tùy ý (Giăng 6:11), họ muốn tôn Chúa làm vua, nhưng Chúa lánh đi (Giăng 6:15). Ngày hôm sau, họ lại tìm đến Chúa, và Chúa nói với họ rằng

“Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta không phải vì đã thấy các dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê.Đừng làm việc vì thức ăn hay hư nát, mà vì thức ăn còn mãi đến sự sống đời đời, là thức ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Đấng mà Đức Chúa Trời, là Cha, đã ấn chứng cho…Ta là bánh sự sống từ trời xuống; nếu ai ăn bánh nầy thì sẽ sống đời đời. Bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian chính là thịt Ta.”  – Giăng 6:26-51

Nghe vậy, nhiều người liền than “Lời nầy khó quá, ai mà nghe được?” (Giăng 6:60) và nhiều người thối lui, không theo Ngài nữa, chỉ còn 12 môn đồ (Giăng 6:66-67).

Câu chuyện trên có vẻ giống một hội thánh Tin Lành Thịnh Vượng khổng lồ phát triển cưc nhanh dựa trên phép lạ, sự chữa lành, no nê với bánh và cá, tôn vinh và thờ phượng Chúa Giê-xu là vua. Xong khi Chúa Giê-xu giảng phần khó khăn là bánh sự sống là thịt Chúa là mọi người bỏ đi hết, chỉ còn một ít môn đồ ở lại và đi tiếp với Ngài đến thập tự giá, gặp Ngài phục sinh và tiếp tục rao giảng về Ngài khi bị ngăn cấm bắt bớ sau đó.

Chúa Giê-xu có thể làm phép lạ hóa nước ra rượu, chữa lành bệnh tật, cho no nê bánh và cá. Không có gì sai, và thật ra hoàn toàn đúng khi đi theo Chúa và chia sẻ kêu gọi mọi người đến với Chúa khi Ngài làm những điều đó. Nhưng như các môn đồ, hãy nhớ đừng thối lui khi gặp những lời giảng khó, khi Ngài đi đến thập tự giá, và tiếp tục rao giảng về Ngài cả khi bị ngăn cấm bắt bớ.

Richard Huynh

Cảm hứng khi tranh cãi với 1 bạn theo TLTV, và nhóm với vài bạn gốc TLTV ở 1 hội thánh quốc tế tổng hợp

Đọc Thêm

  1. Costi Hinn: Chú Tôi Đứng Đầu Một Đế Chế Phúc Âm Thịnh Vượng Giàu Có, Nhưng Nó Không Dành Cho Tôi https://bachkhoa.name.vn/2021/03/25/costi-hinn-chu-toi-dung-dau-mot-de-che-phuc-am-thinh-vuong-giau-co-nhung-no-khong-danh-cho-toi/ 
  2. Tôi là học giả về Tin Lành Thịnh Vượng, nhưng chỉ khi bị ung thư tôi mới thấy mình cũng bị nó nắm giữ https://www.vox.com/first-person/2018/3/12/17109306/prosperity-gospel-good-evil-cancer-fate-theology-theodicy 
  3. Ở Singapore gặp Chúa
    https://bachkhoa.name.vn/2021/04/03/o-singapore-gap-chua/ 
  4. Thống Kê Tôn Giáo Của Những Người Đoạt Giải Nobel Từ 1901 tới 2000 https://commons.wikimedia.org/wiki/File:Religion_of_Nobel_Prize_winners.png
  5. Thống Kê Của Cải Và Tôn Giáo
    https://en.wikipedia.org/wiki/Wealth_and_religion
  6. Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc, nói rằng ông hạnh phúc hơn khi chưa là tỷ phú https://www.entrepreneur.com/article/247181