Tại sao có rất nhiều nhà khoa học tin ở Đức Chúa Trời

“Tôi tin rằng cách khoa học nhìn thế giới có thể giải thích gần như mọi thứ, nhưng tôi rằng còn có một cách nhìn khác về thế giới nữa…Ấn tượng của tôi là – ấn tượng thôi – có nhiều nhà khoa học trong trường đại học tin Chúa hơn trong nhóm văn nghệ sĩ” – giáo sư Colin Humphreys

Tại sao có rất nhiều nhà khoa học tin Chúa? Theo Tim Radford, báo The Guardian

Tại Sao Một Số Giáo Sư Tin Chúa

Giáo sư Colin Humphreys

Colin Humphreys là một chuyên gia vật liệu về hóa chất nhuộm – giáo sư ngành khoa học vật liệu của đại học Cambridge. Ông tin tưởng vào năng lực của khoa học trong việc tìm hiểu và giải thích bản chất của các sự việc hiện tượng. Ông cũng tin rằng con người – cũng như các sinh vật sống khác, tiến hóa từ qua sự chọn lọc tự nhiên của những đột biến ngẫu nhiên. Ông cũng là một người Baptist (một nhánh đạo Tin Lành). Ông tin vào câu chuyện của Moses như được kể lại trong sách Exhodus (sách Xuất Hành – một quyển trong bộ Kinh Thánh). Ông tin đến mức đã đi khám phá Ai Cập và Thánh Địa Israel để tìm kiếm những bằng chứng tự nhiên và cách giải thích khoa học cho câu chuyện về bụi gai cháy, về mười đại họa giáng xuống Ai Cập, chuyện người Do Thái băng qua biển Đỏ, và chuyện bánh manna rơi trong sa mạc – và rồi viết một quyển sách về đề tài này.

“Tôi tin rằng cách khoa học nhìn thế giới có thể giải thích gần như mọi thứ”, ông nói. “Nhưng tôi rằng còn có một cách nhìn khác về thế giới nữa”.

Giáo sư Tom McLeish

Tom McLeish là giáo sư vật lý về Polymer tại đại học Leeds. Túi nhựa dùng trong siêu thị là polymer, nhưng tơ nhện cũng thế, hay lông cừu, cả gân, cả cơ, cả xương. Thế giới của ông phức tạp đầy những câu hỏi như nó là gì? tại sao nó lại làm được như vậy? … chi tiết đến từng phân tử. Ông luôn thích thú với sự rõ ràng, cặn kẽ và sức mạnh của khoa học là bởi vì nó luôn tìm hiểu chứ không khăng khăng giáo điều. “Nhưng mà câu hỏi được đề ra, cái cách suy nghĩ để đặt ra chúng, đều bắt nguồn từ các truyền thống tôn giáo nơi tôi sinh ra và lớn lên. Làm khoa học là một phần của việc làm người trong truyền thống ấy. Chúng ta sinh ra và nhận thấy mình được đặt ở trong một thế giới lạ lùng và khó hiểu, với đầy những đau khổ cũng như các nét đẹp. Và chúng ta cũng thấy mình có thể tìm hiểu và khám phá nó bằng cách áp dụng những phương pháp rất thành công của khoa học” – ông nói.

Giáo sư Russell Stannard

Russell Stannard hiện là giáo sư danh dự ngành vật lý ở Đại Học Mở ở Anh. Ông là một trong các giáo sư chuyên phá vỡ nguyên tử để nghiên cứu đặc tính của vật chất, năng lượng, không gian và thời gian, đồng thời ông cũng là tác giả của một loạt những sách thú vị cho trẻ em về những khái niệm khó hiểu như thuyết tương đối. Ông tin ở sức mạnh của khoa học. Ông không chỉ tin ở Đức Chúa Trời, mà ông tin cả ở Giáo Hội Anh. Ông, cũng như Tom McLeish, là trưởng lão trong nhà thờ của mình. Ông đóng góp cho chương trình “Những suy nghĩ trong ngày” cho đài Radio 4 với những bài giảng về những bí ẩn của về sự tồn tại của thế giới. Liệu ông có lo ngại rằng một ngày nào đó khoa học – ngành của ông – sẽ diễn giải mọi thứ mọi thứ về không gian, thời gian, và năng lượng mà không cần có Đấng Sáng Tạo? “Không, vì câu hỏi đầu tiên sẽ là tại sao lại có mà không phải là không có? Tại sao lại có một thế giới? Tôi không thấy làm sao khoa học có thể trả lời” – Ông nói.

Diễn Đàn Khoa Học Và Tôn Giáo

Stannard sẽ cùng với một nhóm các nhà khoa học và thần học tham dự diễn đàn Khoa Học và Tôn Giáo tuần tới ở Birmingham. Diễn đàn này được sáng lập bởi một nhóm các nhà khoa học từ 25 năm trước để thảo luận các vấn đề như vai trò của con người trong vũ trụ. Họ chắc sẽ chẳng bao giờ tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng chắc chắn họ sẽ ngẫm nhừ nó. Theo một trong những nhà sáng lập, Arthur Peacock, người tiên phong về DNA ở Anh, diễn đàn gồm những người như người bàng quan (người cho rằng con người sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời), người không tin, người tin ở Đức Chúa Trời, và cả những người theo tôn giáo khác. “Bài toán là làm sao chúng ta có thể tôn thờ Đấng Sáng Tạo, đấng vẫn đang điều hành thế giới, mà vẫn giữ thế giới quan khoa học như cách chúng ta vẫn nghĩ” – theo Phil Edwards, người từng ở ngành vật lý nhưng giờ là giáo sĩ ở viện Bolton.

Vị trí của con người trong vũ trụ

Câu hỏi về vị trí của con người trong vũ trụ luôn là một thách thức. Theo quan điểm hiện nay của khoa học, con người chẳng có vị trí cao hơn con chuột đồng hay hải cẩu trong thế giới này. Vũ trụ tự nó là một điều không thể hiểu nổi, và sự sống đến giờ cũng chẳng ai có thể giải thích cặn kẽ. Nhưng các nhà khoa học không thấy bậc thang của tạo hóa mà ở đó con người chiếm bậc cao nhất. Họ chẳng thể thấy ý nghĩa của sự tồn tại. Chúng ta có mặt trên thế giới này vì chúng ta có mặt, một tình cờ ngẫu nhiên, may mắn cho chúng ta, nhưng chẳng có gì là đặc biệt trong sự tiến hóa hay sinh tồn của loài người. Trong cách trả lời đó không có Đức Chúa Trời.

Nguồn gốc của Khoa Học

Đó là cách các nhà khoa học bây giờ hiện đang nghĩ, dù họ có tin ở tôn giáo hay không. Nhưng khoa học hiện đại đâu có xuất hiện lúc 400 năm trước để thách thức tôn giáo, một niềm tin đã có hơn 2000 năm nay. Biết bao thế hệ các triết gia, nhà nghiên cứu, thực nghiệm và quan sát – phần lớn là người của nhà thờ – muốn tìm hiểu Đức Chúa Trời tạo nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống như thế nào. Vật lý hiện đại bắt nguồn từ những tìm hiểu và giải thích các nguyên lý hoạt động của thế giới được Đức Chúa Trời sáng lập. Địa chất hiện đại bắt nguồn một phần từ ham muốn tìm kiếm những dấu tích của trận lụt Noah. Sinh học hiện đại biết ơn rất nhiều từ các thôi thúc tìm hiểu và sự kinh ngạc trước độ tinh tế phức tạp của những gì Đức Chúa Trời tạo dựng.

Câu hỏi về nguồn gốc của Vũ Trụ và Sự Sống

Có điều sau đó các nhà khoa học – một từ chỉ mới xuất hiện năm 1833 – những người muốn tìm hiểu các việc của Đức Chúa Trời làm sao đó lại loại bỏ Ngài ra khỏi bức tranh. Đến cuối thế kỷ 20, các nhà vật lý lại tin rằng lịch sử vũ trụ bắt đầu trong một phần nghìn của giây (vụ nổ Big Bang), và các nhà nghiên cứu gene và hóa sinh thì tin rằng mọi sinh vật sống có thể đều có tổ tiên chung cách đây 3.5 tỷ năm. Một vài điều – như cái gì thực sự xảy ra sau vụ nổ Big Bang, hay sau sự sống phát triển từ đống lộn xộn các phân tử hữu cơ – vẫn là một câu đố. Một số ít nay nghĩ rằng các câu hỏi này không thể trả lời được. Vậy chúng ta thấy cuộc tranh luận này thực ra không khởi đầu là khoa học tranh cãi với tôn giáo, nhưng nay nhiều người lại nghĩ như vậy.

Hơn 40% nhà khoa học tin ở Đức Chúa Trời

Điều nghịch lý là đây cũng không phải là cách phần lớn các nhà khoa học nghĩ. Ở Mỹ, theo một cuộc khảo sát công bố trên tạp chí Nature năm 1997, bốn trên mười (4/10) nhà khoa học tin ở Đức Chúa Trời. Chỉ khoảng 45% nói họ không tin, 14.5% nói họ nghi ngờ hoặc không quan tâm. Tỉ lệ giữa số người tin và không tin hoàn toàn không thay đổi sau 80 năm. Có ngạc nhiên không?

Rất nhiều người rất ngạc nhiên vì điều đó. Tôi nghĩ nhiều người đã lớn lên và được dạy để tin rằng khoa học và tôn giáo là đối kháng, và đây là cách thường nghĩ của một người bình dân trên phố”, theo Colin Hymphreys. “Tôi nghĩ bạn có thể bạn có thể lý giải sự hình thành của vũ trụ mà không cần đến Chúa. Và bạn cũng có thể lý giải sự hình thành của con người mà không đả động đến Chúa, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng chỗ mà tôi khác với mấy người nói rằng OK, vũ trụ bắt đầu bằng vụ nổ Big Bang – nếu thật vậy, dù tôi không chắc nhưng cứ giả sử là vậy – và mọi chuyện đều xảy ra một cách ngẫu nhiên, thì tôi cũng có thể nói rằng Đức Chúa Trời là người làm chủ những sự kiện ngẫu nhiên và Ngài có những kế hoạch và mục tiêu của mình, được triển khai rất âm thầm và tinh tế, thông qua các điều ngẫu nhiên đó.

Phản biện những cáo buộc của các nhà khoa học vô thần

Colin, cũng như các nhà khoa học khác trong cuộc tranh luận này, đề cập đến Richard Dawkins, nhà động vật học ở Oxford và là người lo phần phổ biến khoa học cho công chúng, rất nổi tiếng với lập trường duy lý và gây tranh cãi gay gắt.

Lời Chúa không cấm nghi ngờ

Cuộc tranh cãi này thực ra không phải là về tầm quan trọng của khoa học, hay giá trị của nó với nhân loại. “Bạn phải thấy rằng khoa học rất thành công trong việc chỉ ra điều cốt lõi, phân tách những thứ phức tạp thành những thành phần đơn giản”, theo Tom McLeish. “Nhưng rồi nó sẽ láp ráp mọi thứ lại như cũ. Cái này tôi phải nhấn mạnh, vì từ thời nhà thơ Keats, chúng tôi hay bị buộc tội đã tháo rời cầu vồng mà chẳng bao giờ dệt nó lại. Điều này hoàn toàn không đúng.”

Sự hoài nghi, điều được miêu tả cụ thể nhất từ hơn 3000 năm trước trong sách về Job ở Kinh Thánh, là công cụ khoa học quan trọng nhất được tìm thấy. Để làm khoa học cho tốt, bạn phải nghi ngờ mọi thứ, kể cả ý tưởng, thực nghiệm và kết luận của chính mình. “Người như Richard Dawkins miêu tả tôn giáo như thể hoàn toàn không biết nghi ngờ, tin một cách cắm đầu, mù quáng. Nhưng sự thật không phải vậy, và ông ta cũng biết sự thật không phải vậy. Kinh Thánh có nói về Job, ngồi trên đống tro, hoài nghi mọi thứ, nhưng cũng tự hỏi ánh sáng từ đâu đến, hay sao lại có mưa đá.

Rất nhiều nhà khoa học tin Chúa

Russell Stannard nói rằng khi ông trở thành người đọc Kinh Thánh cho nhà thờ Anh Giáo 40 năm trước, ông bị xem như một kẻ lập dị. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi. “Bạn được nghe một số nhà khoa học như Richard Dawkins hay Peter Atkins (giáo sư hóa học ở Oxford) nói như thể họ không thể hiểu tại sao một nhà khoa học lại có thể tin theo tôn giáo. Nhưng tôi nói là, thông thường, trong cộng đồng khoa học có chấp nhận tương đối là, ok, mặc dù một người có thể không tin vào tôn giáo, nhưng bạn đồng nghiệp anh ta có thể.

Colin Humphrey cho biết khá nhiều đồng nghiệp của ông ở Cambridge cũng là tín hữu. “Ấn tượng của tôi là – ấn tượng thôi – có nhiều nhà khoa học trong trường đại học tin Chúa hơn trong nhóm văn nghệ sĩ”.

Tom McLeish cũng nói tương tự. Ông vui vẻ cho chúng ta một số lý do tại sao lại như vậy, một trong số đó có thể gọi là hiệu ứng “sau hiện đại” (postmodernist) “Những người bạn đáng mến trong ngành xã hội nhân văn tự làm mình bối rối rằng thế giới có tồn tại không, rằng người kia có tồn tại không, rằng ngôn từ có ý nghĩa gì không. Cho đến khi họ thấy rõ được rằng chó và mèo có tồn tại không, hay chỉ là những hình ảnh trong tâm trí người đọc, chưa kể người viết, thì họ sẽ gặp rất nhiều rắc rối để nghĩ về Đức Chúa Trời

Đâu là nguồn gốc của tâm linh

Ngay trong ngành sinh học cũng có cuộc tranh cãi căng thẳng về nguồn gốc của những giá trị của sự hi sinh, việc hi sinh bản thân cho người khác, hay niềm tin trường tồn vào Đức Chúa Trời hay các thần thánh khác, về cuộc sống sau khi chết, hay khả năng có những thứ như sứ mệnh. Robert Winston, một nhà tiên phong trong sản khoa, giáo sư ở bệnh viện Hammersmith Hospital, là một người Do Thái. Truyền thống này ảnh hưởng rất lớn đến các giá trị sống của ông. Năm 30 tuổi ông quay lại giáo đường Do Thái vì, ông cảm thấy, mình cần những qui tắc sống của Do Thái giáo, dù rằng điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc tin ở Đức Chúa Trời. Ông cũng thú thật mình đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong niềm tin. Trong chương cuối quyển “Bản năng loài người” mà ông viết, ông cảm thấy rất có thể tâm linh – niềm tin rằng có cái gì đó đằng sau cuộc sống vật chất – góp phần quan trọng giúp con người tồn tại qua kỷ băng hà và các giai đoạn thiếu thốn.

Câu hỏi lớn nhất là tâm linh là do Đức Chúa Trời ban cho, hay là thành quả của quá trình tiến hóa vì nó quan trọng với loài người”, ông nói, “(vì việc này) tôi vẫn ngồi trên hàng rào ngăn cách”.

Đâu là nguồn gốc của tình yêu thương

Stannard ít nghi ngờ hơn “Tôi thì nói rằng Đức Chúa Trời rất quan tâm yêu quí chúng ta. Nếu chúng ta chỉ được dùng một từ để nói về Đức Chúa Trời, từ đó sẽ là “tình yêu thương”. Lòng yêu thương không đến từ quá trình tiến hóa hay sự chọn lọc tự nhiên, nó đến từ một nơi khác, và toàn bộ hệ thống đạo đức không thể hình thành từ quá trình tiến hóa. Các nhà sinh học có nói về sự nhân đạo, nhưng họ dùng từ đó theo định nghĩa của họ, không phải nghĩa mà đạo đức và tôn giáo hay dạy. Có thể hiểu nghĩa đó là, nếu anh gãi lưng cho tôi, tôi sẽ gãi lưng cho anh”.

Sự cứng lòng của Richard Dawkins

Tuy nhiên, Richard Dawkins vẫn khăng khăng giữ quan điểm của mình. Có đúng là khả năng giải thích của khoa học có giới hạn không? Rất có thể. Tuy vậy, sao ta lại tin rằng tôn giáo làm được tốt hơn? “Tôi nhận thấy điều này khi tôi nhờ giáo sư vật lý thiên văn ở đại học Oxford ngày trước giải thích cho mình nguồn gốc của vũ trụ” Dawkins nói “Và sau khi ông ta giải thích, tôi hỏi tiếp ‘Vậy làm thế nào chúng ta có được những định luật vật lý?’ Ông ta cười ‘À, giờ thì chúng ta đã ra khỏi thế giới khoa học. Cái này tôi phải nhờ người bạn tốt đang làm giáo sĩ của tôi trả lời.’ Tôi lập tức nghĩ ‘Tại sao lại là các giáo sĩ? Tại sao không phải là một người làm vườn hay một ông đầu bếp?’ Nếu khoa học tự nó không thể giải thích tại sao những định luật vật lý lại như vậy, chẳng lý do gì để tin rằng tôn giáo sẽ làm tốt hơn, và khả năng cao là nó sẽ làm tệ hơn nhiều”.

Người dịch: Richard Huynh

Nguồn: TheGuardian.com